Nguyễn Viết Tốn
Broker

Cell: 416-300-7653
E mail: tonguyen@trebnet.com
CITY REALTY Inc., Brokerage
Tel: 416-248-8880  Fax: 416-762-9910
546 Annette St., Toronto   M6S 2C2

Nguyễn Andy
Salesperson

Cell: 416-894-8162
E mail: andynguyen@trebnet.com

  Trang Nhà  |  Tìm Nhà  |  Thị trường  |  Kiểm Tra  |  Mortgage  |  Mua Nhà  |  Bảo hiểm  |  Chủ nhà nên biết  |  Bán Nhà  |  Tài Liệu Khác  |  Máy Tính  |  Liên Kết

Vay tiền mua nhà Canada Mortgage rate Canada Mortgage Housing Corp. Mortgage và thất nghiệp Tái tài trợ nhà Vay tiền khi già
Reverse Loan: Lợi và hại Khuyên người mua Tranh nhau mua nhà

Luật Khánh Tận


Trích từ Báo Người Việt Online, California, các bài sau:

  1. Tìm hiểu thêm Luật Khánh Tận mới 
  2. Khai phá sản: Lợi và hại 
  3. Tìm hiểu thêm thủ tục phá sản 
  4. Luật Khánh Tận 
  5. Luật Khánh Tận: Khai phá sản - Giữ hay không giữ thẻ tín dụng? 

  6. Luật Khánh Tận: Thế nào là phá sản? 

  7. Luật Khánh Tận: Ðiều kiện khai phá sản  

  8. Luật Khánh Tận: Những nợ không xóa được khi phá sản

  9. Luật khánh tận: khai phá sản có bị đuổi nhà không?

  10. Luật khánh tận: số phận những tài sản đáng giá khi khai phá sản 

  11. Luật khánh tận: Hậu quả khai phá sản với việc làm, gia đình và tâm lý

  12. Luật khánh tận: Giải pháp thay thế khai phá sản 

  13. Luật khánh tận: Những điều cần biết trước khi định phá sản 

  14. Luật khánh tận: Nợ thuế khi phá sản

  15. Căn bản Luật Khánh Tận California 

  16. Những miễn trừ theo Luật Khánh Tận California 

  17. Luật Khánh Tận California - Những loại nợ xóa được 

  18. Luật Khánh Tận California: Hoàn cảnh nào nên khai phá sản? 

  19. Luật Khánh Tận California - Thương thảo điều đình nợ 

  20. Một vài sách lược bảo vệ tài sản cho chuyên gia 

  21. Bí quyết bảo vệ tài sản giản dị 


 

Luật Sư LyLy Nguyễn
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về luật khánh tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về luật thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về luật thương mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 223, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714) 531-7080. 


1. Tìm hiểu thêm Luật Khánh Tận mới

 
Sunday, November 29, 2015 4:38:37 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=218303&zoneid=269

Như đã trình bày trong các bài trước Luật Khánh Tận được đặt ra có mục đích giải cứu những người đang bị chìm quá sâu trong nợ nần khiến lâm vào cảnh khốn đốn vì không có tiền trả nợ. Chúng tôi đã đề cập đến hai loại khai thông dụng là giải nợ theo chương 7 và gom nợ trả dần theo chương 13 của bộ Luật Khánh Tận Liên Bang Hoa Kỳ. Bài này tìm hiểu thêm khía cạnh khai phá sản theo các chương khác nhau.

Ngoài hai chương 7 và 13, Bộ Luật Khánh Tận Liên Bang còn gồm các chương 9, chương 11, và chương 12. Chương 7 và chương 13 thông dụng nhất vì được dùng cho cá nhân thuộc giới tiêu thụ (individual consumers). Chương 9 khai phá sản áp dụng cho các thành phố hay thị xã; còn chương 12 cứu giúp cho nông dân hay ngư dân. Riêng chương 11 còn được gọi là “tái tổ chức” (reorganization) được sử dụng chính yếu cho các công ty thương mại trong việc cải tổ lại nội bộ hay thanh toán cho bớt nợ rồi vẫn tiếp tục hoạt động nghiệp vụ. Dầu rằng có đôi ba trường hợp đặc biệt theo đó một cá nhân không phải là dân buôn bán nhưng cũng có thể khai theo chương 11, tuy nhiên theo chương này rất phức tạp và tốn kém nếu so với người tiêu thụ khai theo chương 7 hay chương 13.

Chúng tôi xin nhắc qua về khai phá sản theo chương 7 đôi khi còn được gọi nôm na là “phá sản thẳng thừng” (straight bankruptcy). Theo nguyên tắc căn bản người nợ sẽ phải đem nộp tất cả mọi tài sản không miễn trừ (non-exempt) cho tín viên (trustee) là một nhân vật được tòa khánh tận địa phương ủy nhiệm đứng ra thâu thập rồi đem phát mãi lấy tiền phân phối lại cho các chủ nợ. Người nợ được phép giữ lại những tài sản miễn trừ (exempt) không bị tước đoạt hay bán đi. Số tài sản miễn trừ này tùy thuộc vào những điều luật đặc biệt của luật liên bang cũng như luật tiểu bang theo đó mọi nơi trên toàn quốc đều áp dụng khác nhau.

Theo Luật Khánh Tận, một cá nhân thuộc giới tiêu thụ nếu có lợi tức kiếm được nhiều hơn mức lợi tức trung bình (median income) tính theo luật tiểu bang đang cư ngụ sẽ bị từ chối không được xóa nợ theo chương 7 mà phải theo chương 13.

Khi nộp đơn khai phá sản người nợ được luật “tự động đình chỉ” (automatic stay) bảo vệ, có hiệu quả ngăn chận mọi hoạt động đòi nợ và quấy nhiễu của chủ nợ tức khắc kể cả xiết nhà lẫn câu xe. Tuy nhiên người nợ cần lưu ý mua bảo hiểm đẩy đủ cho nhà ở và xe cộ trong suốt thời gian vụ án đang thụ lý để lỡ có bị mất nhà hay xe thì có bảo hiểm đền. Ngược lại nếu ỷ y không mua bảo hiểm cho nhà và xe trong lúc này thì nhiều chủ nợ khôn ngoan vẫn có thể xin ngưng “tự động đình chỉ” rồi bất ngờ ra tay tịch biên mà không đòi lại được.

 Khai theo chương 13 còn được gọi là “phá sản cho người có lương” (wage-earner bankruptcy) đòi hỏi người nợ phải đưa ra một chương trình trả mọi món nợ gom lại, trả dần trong thời hạn từ 3 tới 5 năm, trả tất cả hay trả một phần bằng tiền lương dự đoán trong tương lai. Dĩ nhiên nếu ai thanh toán xong được mọi nợ không thế chấp sớm thì chương trình trả nợ cũng chấm dứt sớm hơn.

Dù phá sản dưới bất cứ chương nào nhưng một khi vụ khai kết thúc thì hầu hết các người nợ đều được “giải” (discharged) có nghĩa là không còn liên lụy trách nhiệm gì về mọi khoản nợ có liệt kê trong đơn trước ngày nộp cho tòa án (pre-petition debts). Nói một cách khác tòa án chính thức tha thứ cho người nợ khỏi phải trả số tiền còn thiếu và xóa nợ một cách hợp pháp. Đương sự sau đó có quyền khởi sự xây dựng lại cơ nghiệp với căn bản sạch sẽ nợ nần, ngoại trừ hồ sơ tín dụng có ghi dấu tích trong mười năm.

Tuy nhiên khai phá sản với bất cứ chương nào thì dù có được “giải” nhiều nợ nhưng không thể nào xóa đi được nợ thế chấp, nợ buộc, nợ tiền vay đi học, nợ tiền trợ cấp cho con cái hay người hôn phối cũ, nợ thuế, nợ tiền bồi thường lái xe say rượu gây thương tích cho người khác và một số tiền phạt và tiền nợ chính phủ và nhất là các món nợ mà đương sự quên không khai ra trong đơn xin phá sản. Những món nợ kể trên, cùng với một số các nợ tòa không cho giải, vẫn có hiệu lực như cũ và phải bắt buộc phải trả đều như thường lệ.

Luật mới giúp chính phủ có tư thế cứng rắn hơn trong việc thu hồi “nợ sinh viên” (student loan) tức là tiền vay đi học đại học. Thói thường vì việc thụ huấn kéo dài nhiều năm và vì số tiền vay không dùng để mua sắm những hiện vật cụ thể khiến phần đông người vay thường có khuynh hướng hay “quên” mất nghĩa vụ phải thanh toán tiền nợ đi học. Tuy nhiên “nợ sinh viên” là một món nợ khó thoát nhất dẫu cho có khai khánh tận, phần nhiều không bị ảnh hưởng phá sản và vẫn phải tiếp tục trả mãi trong nhiều năm dù rằng nhiều người đã ra trường cả chục năm, bởi vì không có một điều luật nào hạn chế thời gian trả nợ đi học cả.

Phần nhiều “nợ sinh viên” do các ngân hàng tư cung cấp nhưng được chính phủ liên bang “bao” nên tương đối chỉ có lãi suất nhẹ. Theo thống kê thì hai phần ba tổng số sinh viên tại các trường đại học tư bốn năm đều vay tiền đi học với số nợ trung bình mỗi sinh viên là 17 ngàn Mỹ Kim vào ngày ra trường. Sinh viên phải bắt đầu trả nợ từ sáu tháng sau ngày tốt nghiệp và thường kéo dài trong 10 năm. Trong vòng 5 năm vừa qua Bộ Giáo Dục đã cho đeo đuổi đòi “nợ sinh viên” rất gắt gao. Bộ này có quyền hạn truất lương tại nơi làm việc hay chặn tiền thuế trả lại cùng tiền trợ cấp an sinh xã hội mà không cần đến án lệnh của tòa. Dưới qui chế của luật cũ thì “nợ sinh viên” do chính phủ và các cơ sở vô vụ lợi cho vay đều được kể là không “giải” được. Luật Khánh Tận mới nới rộng thêm điều khoản cấm “giải” trên cho cả nợ do những cơ sở tư nhân có vụ lợi cho vay. Do đó hiện nay bất cứ ai mắc “nợ sinh viên” đều phải trả lại trọn vẹn ngoại trừ trường hợp ngoại lệ duy nhất là chứng minh được tình trạng “khổ ải quá đáng” (undue hardship) vượt quá tiêu chuẩn thông thường.

Đối với các vụ được chấp nhận cho khai theo chương 7, tòa án khánh tận thường ra phán quyết tương đối sớm sủa trong vòng từ 4 tới 6 tháng sau ngày tòa nhận đơn. Đối với các vụ theo chương 13, người nợ trả trọn vẹn hay một phần tiền nợ cho các chủ nợ chiếu theo một lịch trình do tòa ấn định và giám sát trong một thời gian từ 3 tới 5 năm. Sau hạn định đó cuối cùng người nợ được tòa cho “giải” sạch nợ để có cơ hội xây dựng lại cơ đồ. Theo Luật Khánh Tận mới, trước khi nhận được án lệnh cho “giải,” người nợ dù theo bất cứ chương nào cũng đều bị cưỡng bách theo học một lớp về “quản trị tài chánh cá nhân” (personal financial management) tại một cơ sở huấn luyện tư nhân do chính phủ chuẩn y.

Khai phá sản theo chương 12 được áp dụng đặc biệt cho những người làm nghề nông hay ngư nghiệp. Chương 12 của Bộ Luật Khánh Tận Liên Bang Hoa Kỳ gồm một loạt các điều khoản đặt ra với mục đích giúp dân trồng trọt và dân đánh cá có thể sống sót qua những đợt khủng hoảng kinh tế do mọi nguyên nhân bất thường khiến họ có thể giữ lại được nông trại, tầu bè cùng các hoạt động canh tác, ngư nghiệp có tính cách thương mại khác.

Chương 12 dành cho gia đình nông dân hay ngư dân đang hoạt động thương mại và sinh sống với lợi tức đều đặn có thể tránh khỏi bị tịch biên trang trại và các nông cụ trồng trọt hay tầu bè hay cơ sở sản xuất liên hệ vì không trả được nợ. Nông dân hay ngư dân sẽ đảm bảo bằng hoa màu hay hải sản sẽ thu hoạch được trong tương lai để trả dứt nợ, đặc biệt là những nợ lấy trang trại hay tàu đánh cá thế chấp.

Chương 12 của Bộ Luật Khánh Tận Liên Bang Hoa Kỳ đặc biệt định nghĩa “nông dân gia đình” (family farmer) và “ngư dân gia đình” (family fisherman) cho nên người nợ phải hội điều kiện thích hợp với định nghĩa trên. Dĩ nhiên chỉ có nông dân hay ngư dân nào có thành tâm mới được phép điều chỉnh tình trạng nợ nần theo Chương 12. Để cho đơn xin được cứu xét mau lẹ giống như khai theo các chương khác, đương sự phải nộp cho tòa khánh tận địa phương một bản liệt kê danh sách các chủ nợ, một bản kê khai toàn bộ tài sản (assets) và liên đới nợ nần (liabilities) kèm theo một bản xác nhận tình trạng tài chánh (a financial statement). Thông thường người nợ cần có luật sư trợ giúp thiết lập các hồ sơ này. Thủ tục phá sản theo chương 12 tiến hành giống như một vụ khai theo chương 13 gom nợ trả dần, nhưng có kết quả tốt đẹp hơn là “giải” nợ giống như một vụ theo chương 7.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 16480 Harbor Blvd, Suite 101, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080 - Fax: (714) 531-7082.



2. Khai phá sản: Lợi và hại


Sunday, November 22, 2015 2:19:53 PM 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217913&zoneid=269

Khai phá sản theo Luật Khánh Tận Hoa Kỳ hiển nhiên là một giải pháp đắc dụng giúp giải cứu những người đang túng quẫn vì ngập nợ, tuy nhiên cũng có một số nợ mà phá sản không đụng tới được.

Đối với người đang bị khủng hoảng tài chánh không có tiền trả nợ thì việc khai phá sản hiển nhiên có nhiều điều lợi. Điều lợi đáng kể nhất khai phá sản giúp cho một số rất đông người nợ có cơ hội xây dựng lại sự nghiệp tiền bạc từ đầu.

Những người hội đủ điều kiện khai phá sản theo chương 7 thì có thể được tòa án cho giải nợ tức là được xóa đi một cách hợp pháp phần lớn các món nợ loại không thế chấp điển hình như nợ thẻ tín dụng. Người ấy còn được giữ lại một số tài sản “miễn trừ” được ấn định tùy luật tiểu bang theo đó nhiều tiểu bang mô tả rất khác nhau những món tài sản nào mà người khai phá sản được giữ. Nên nhớ trong vài trường hợp luật khánh tận mới đặt nhiều tiêu chuẩn và điều kiện khó khăn hơn trước để ngăn cản bớt số người xin giải nợ theo chương 7 Luật Khánh Tận liên bang.

Một lợi điểm lớn khác nữa của khai phá sản là bảo vệ cho người nợ không bị chủ nợ quấy nhiễu. Ngay từ lúc đặt bút ký tên vào đơn xin thì mọi hành động đòi nợ của chủ nợ phải ngưng ngay do mãnh lực của một điều luật gọi là “tự động đình chỉ” (automatic stay) có hiệu quả ngăn chận mọi hoạt động đòi nợ tức khắc kể cả xiết nhà lẫn câu xe. Nếu chủ nợ nào ương ngạnh không thi hành theo luật thì sẽ bị kết tội bất tuân lệnh tòa án và bị phạt bồi thường thiệt hại. Luật “tự động đình chỉ” áp dụng cho nhiều loại nợ kể cả nợ vay tiền mua xe. Nếu người nợ đã trả nợ đều đặn hàng tháng và tiếp tục trả món nợ có thế chấp ấy thì chủ nợ có khuynh hướng muốn tiếp tục đòi nữa. Tuy nhiên nếu có tháng thiếu chưa trả thì chủ nợ thường nộp đơn xin tòa án cho ngưng luật “tự động đình chỉ” để họ có thể hoặc câu xe hoặc thương lượng lại món nợ. Ngoài ra luật liên bang còn bảo vệ cho người khai phá sản không bị mất việc làm vì lý do thuần túy là khai phá sản. Vì vậy tạm thời ít ra chủ nợ không có quyền chận lương, tịch biên trương mục ngân hàng, câu xe hay đuổi nhà cũng như truất hữu các đồ đạc khác hoặc cắt điện nước hay các nhu cầu tiện nghi hoặc ngăn chặn tiền trợ cấp xã hội của người nợ. Tuy nhiên cũng có một số điều khoản mà luật “tự động đình chỉ” bị hạn chế không ngăn ngừa được.

Trường hợp một người thuê nhà thiếu tiền nhà vài tháng rồi khai phá sản thì luật “tự động đình chỉ” có ngăn chủ nhà trục xuất người thuê hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào sự kiện chủ nhà mới dọa đuổi hay là đã kiện ra tòa xin tiến hành thủ tục trục xuất. Nếu mới dọa thì luật “tự động đình chỉ” có hiệu lực và chủ nhà không làm gì được người thuê cho đến khi vụ khai phá sản hoàn tất. Ngược lại theo luật mới khi chủ nhà đã nộp đơn kiện ở tòa án tiểu bang thì tòa án thường chuẩn y cho lệnh trục xuất. Sau đó dù người thuê khai phá sản thì chủ nhà vẫn có quyền đuổi nhà trừ phi người thuê làm được hai điều: (1) nộp đến tòa khánh tận kèm theo đơn khai phá sản một giấy chứng nhận điều khoản trong hợp đồng cũ người thuê có quyền tái lập (reinstate) hợp đồng bằng cách trả số tiền nhà còn thiếu (2) nộp tất cả số tiền nhà còn thiếu đó cho ông biện lý để chuyển cho chủ nhà.

Dĩ nhiên nếu chủ nhà muốn giữ ý định đòi nhà thì vẫn có quyền phản đối và tòa án phải quyết định trong vòng mười ngày hoặc cho người thuê tái lập hợp đồng hoặc cho chủ nhà thâu hồi lại căn nhà. Giả sử chủ nhà thắng kiện cho trục xuất thì người thuê lại phải nộp một giấy chứng nhận thứ nhì trong vòng 30 ngày sau ngày khai phá sản và xác nhận rằng phần lỗi trả chậm tiền nhà trước đó là nguyên cớ cho chủ nhà đòi trục xuất thì nay đã sửa lỗi rồi, tiền trả thiếu cũng đã thanh toán xong. Tuy vậy ngay cả sau lúc nộp đơn lần thứ hai, chủ nhà vẫn có quyền phản đối nếu không thay đổi ý định đòi nhà và cũng như lần trước, tòa án lại phải cứu xét trong vòng 10 ngày để quyết định cho bên nào thắng kiện.

Đồng thời luật mới cũng có điều khoản nếu chủ nhà đã tiến hành thủ tục trục xuất trước khi người thuê khai phá sản với lý do người thuê làm căn nhà bị nguy hiểm vì dùng hay cho phép người khác dùng các chất liệu cấm trong phạm vi nhà đó thì chủ nhà chỉ cần nộp cho ông biện lý của tòa án một bản chứng thực sự kiện là đủ. Sau đó chủ nhà có thể xúc tiến trục xuất trong vòng 15 ngày nếu người thuê không phản đối. Cũng cần nói rõ rằng luật pháp có cho hạn định 15 ngày và trong buổi phán quyết người thuê phải trình trước tòa giấy chứng nhận đã chấn chỉnh tình trạng hoặc không còn nguy hiểm như lúc trước nữa. Vào lúc này tất cả đều tùy thuộc vào quyết định của tòa án có cho chủ nhà tiếp tục trục xuất hay không. Nên nhớ hạn định của những hoàn cảnh này thì rất ngắn ngủi cho nên cần tìm một luật sư kinh nghiệm giúp đỡ giải quyết vấn đề.

Nói chung luật “tự động đình chỉ” tự động ngưng các vụ kiện đòi tiền của chủ nợ ngay khi nộp do đó nên nhờ luật sư hướng dẫn để nộp đơn cho kịp thời. Phần lớn - nhưng không phải là tất cả - nhiều vụ kiện bị hủy bỏ luôn sau ngày khai phá sản và nợ nần của người khai cũng được giải luôn. Tuy nhiên điều cần là phải nộp đơn xin phá sản trước khi tòa xử và ra phán quyết.

Luật “tự động đình chỉ” do các vụ khai phá sản có mãnh lực cấm cản tức khắc mọi hành động đòi nợ mà không cần đến giấy phép của tòa án. Người nợ có quyền nộp đơn khai phá sản bất cứ lúc nào để ngưng mọi hành động truy đòi miễn là trước ngày tòa xử. Kể ra nộp đơn khai phá sản sau ngày tòa đã xử cũng có thể lật ngược thế cờ nhưng vụ kiện sẽ rất phức tạp mà phần thắng thế không nắm được trong tay.

Trường hợp một cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa xin ly dị giữa lúc đang khai phá sản thì luật “tự động đình chỉ” vẫn có ảnh hưởng tới hai bên. Trên thực tế trong phần lớn các vụ ly dị, luật “tự động đình chỉ” ngăn không cho vợ chồng thi hành ly dị cho tới khi vụ phá sản kết thúc và luật đình chỉ được giải tỏa, mãn hạn, hay chấm dứt. Tuy nhiên người hôn phối có quyền nộp đơn yêu cầu tới tòa khánh tận xin giúp cho ngưng ảnh hưởng “tự động đình chỉ” để có thì giờ giải quyết vấn đề ly dị cùng tiến hành việc phân chia tài sản. Mặt khác nếu không xin lệnh tòa án giải tỏa “tự động đình chỉ” trước khi tiến hành thủ tục không miễn trừ trong vụ ly dị thì có thể bị tòa trừng phạt vì vi phạm luật này. Như vậy ảnh hưởng của luật phá sản và luật ly dị rất phức tạp do đó nên tìm một luật sư chuyên môn của cả hai bộ môn luật trên nếu có tính đến chuyện khai phá sản trong lúc đang tiến hành một vụ ly dị.

Về ảnh hưởng của khai phá sản đối với các thẻ tín dụng, theo nghiên cứu mới đây thì có khoảng một phần ba giới tiêu thụ có thành tích khai phá sản đã xin được thẻ tín dụng mới trong vòng 3 năm và vào khoảng 50% xin được thẻ sau 5 năm. Tuy nhiên điều kiện để được cấp thẻ thì bị ảnh hưởng rất nhiều vì khai phá sản, thí dụ như phải chịu lãi suất rất cao hoặc phải đóng tiền thế chân mới được cấp thẻ. Do đó những ai có thẻ kiểu này thì chỉ nên dùng trong những trường hợp cần thiết và nên cố gắng trả dứt hàng tháng đừng để tái diễn tình trạng ngập nợ như trước.

Dù rằng khai phá sản có nhiều lợi điểm nhưng cũng có một vài khía cạnh bất lợi. Hiển nhiên hồ sơ tín dụng (credit record) ghi lại vụ phá sản trong suốt 10 năm. Trong suốt thời gian này những giao dịch liên quan đến tín dụng đều bị hỏng vì không có giới tài trợ nào chịu cho vay hay tài trợ cả, mua bán món nào từ lớn tới nhỏ cũng phải trả bằng tiền mặt, rất khó xin được tín dụng trong tương lai. Một điểm bất lợi khác vì khai phá sản phải giao nạp một số tài sản không được miễn trừ kể cả nhà ở cho tín viên tòa khánh tận (bankruptcy trustee) để nơi đây cho bán đấu giá lấy tiền chia cho các chủ nợ. Sau hết cũng có một vài ảnh hưởng thanh danh vì phá sản nhất là đối với những nhân vật có tiếng tăm thí dụ như giới chính khách hoặc tài tử chẳng hạn.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.



3. Tìm hiểu thêm thủ tục phá sản

Sunday, November 15, 2015 1:46:19 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217547&zoneid=269

Theo thống kê trong đời sống phức tạp trên đất Mỹ có nhiều nguyên do đưa đẩy người ta đến vòng khánh tận. Vào khoảng 90 phần trăm trường hợp khai phá sản do hậu quả của mất việc làm, vướng nợ tiền thuốc thang chạy chữa bệnh nặng, hoặc ly dị. Phần còn lại 10% gồm đủ mọi nguyên nhân khác nhau kể cả hai loại tiêu biểu là do làm ăn thất bại trong thương nghiệp và do tiêu xài bằng thẻ tín dụng quá lố.

Hoàn cảnh của mỗi cá nhân khai phá sản đều khác nhau không ai giống ai mặc dầu cùng có chung một đặc điểm là mắc nợ lớn nhiều thẻ tín dụng có lãi suất cao và điều này thường đưa đến tình trạng tài chánh xuống dốc một cách bi thảm. Để giúp quí vị có khái niệm về hiện trạng điển hình của một cá nhân đang gặp tình trạng rối rắm tiền bạc như trên, chúng tôi xin trình bày những thủ tục tiêu biểu cho một vụ khai phá sản theo luật khánh tận mới mà người ấy sẽ phải trải qua.

Trở lại thí dụ của người đang sa lầy trong nợ nần. Người ấy vẫy vùng một cách tuyệt vọng tìm đường giải quyết nhưng đã thật sự khánh kiệt, thật sự bần cùng không lối thoát. Đã tính toán lợi tức so sánh với tiền nợ, đã tính toán mọi ngân sách vá víu, đã thử thương lượng với chủ nợ, đã tìm đến cầu cứu các cơ sở cố vấn tín dụng. Nói tóm lại đương sự đã tìm hết cách chữa chạy nhưng mức nợ quá ngập đầu không thuốc chữa. Chắc chẳng còn cách nào hơn là đi tìm một luật sư yêu cầu giúp làm thủ tục khai phá sản mong tìm cơ hội làm lại cơ đồ về sau. Để giúp hiểu rõ giải pháp thích ứng cho trường hợp trên, chúng tôi xin tóm lược vài ý niệm căn bản Luật Khánh Tận.

Khai phá sản là một thủ tục pháp lý theo đó một cá nhân hay cơ sở thương mại cầu đến pháp luật giúp gỡ rối ra khỏi tình trạng khó khăn tài chánh một khi họ không còn khả năng trả nổi mọi nợ nần theo như giao ước để sau đó có cơ hội xây dựng lại căn bản tiền bạc. Khi một người nộp đơn xin phá sản, tòa án sẽ áp dụng luật khánh tận liên bang cho xóa toàn bộ hay một phần nợ nần của cá nhân hay nghiệp vụ đó theo chương 7, hoặc kéo dài hạn định trả dần hàng tháng dưới sự bảo vệ và giám sát của tòa án theo chương 13.

Tuy nhiên Luật Khánh Tận mới đã đặt để nhiều điều kiện khiến cho việc xin phá sản không còn được dễ dàng như trước nữa. Do kết quả thay đổi luật áp dụng trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ từ năm 2005, số đơn xin bị bác bỏ không cho khai theo chương 7 càng ngày càng tăng. Thêm vào đó nhiều vụ đáng lẽ áp dụng theo chương 7 nay bị buộc khai theo chương 13 theo đó người nợ phải trả dần một phần lớn toàn số tiền nợ trong một thời hạn từ 3 tới 5 năm.

Mặt khác, luật khánh tận được tạo ra cũng có mục đích bảo vệ giới tài trợ (creditors - gọi nôm na là “chủ nợ”). Những chủ nợ có thế chấp (secured creditors) thường có lợi thế hơn chủ nợ không thế chấp (unsecured creditors) bởi vì họ nắm giữ được nợ “buộc” (a lien) có nghĩa là nắm được chủ quyền của món tài sản dùng bảo đảm cho số tiền vay lúc mua món đó. Ngay cả một chủ nợ không thế chấp trong vài vụ cũng có thể được chia phần trong số tiền nếu người nợ có sức trả.

Theo luật chung trong thời gian tòa án đang cứu xét một vụ khai phá sản thì mọi chủ nợ không có quyền tìm cách đòi trực tiếp người nợ. Dĩ nhiên họ cũng không còn quyền hạn đòi những món nợ sau đó được tòa án chính thức cho giải nợ hay xóa nợ. Tuy nhiên cũng có nhiều loại nợ vẫn phải trả mà Luật Phá Sản không có hiệu lực như nợ thế chấp hay nợ ưu tiên.

Quyết định khai phá sản hoàn toàn có tính cách cá nhân và rất nghiêm trọng. Phần đông những người lâm vào cảnh khánh kiệt sau khi đã thành khẩn và cố gắng hết sức tìm cách trả nợ nhưng không có lối thoát nào khác ngoài giải pháp phá sản. Một khi đã chắc chắn quyết định xong là lúc phải nộp đơn tới tòa khánh tận sở tại có nghĩa là xin tòa chiếu theo các điều luật của luật khánh tận bảo vệ và cứu giúp. Trong đơn người nợ phải liệt kê khai báo cho tòa án mọi chi tiết về tình trạng tài sản hiện hữu, tổng số nợ nần, lợi tức và chi phí kèm theo một bản chứng nhận đã tham dự một buổi tham vấn tại một cơ sở cố vấn tín dụng trong vòng 180 ngày, cùng nhiều giấy tờ linh tinh khác như bản sao hồ sơ khai thuế, căn cước có hình, và bằng chứng lương bổng mới nhất do nơi làm việc cấp. Dĩ nhiên tòa đòi hỏi đương đơn phải khai báo thật thà lương thiện, không giấu giếm bất cứ điều gì. Thông thường người nợ nhờ đến một luật sư giúp soạn thảo đơn xin và đại diện đệ nạp tại tòa án mọi văn kiện, hồ sơ tòa án đòi hỏi. Trên nguyên tắc việc xin cứu giúp giải thoát ra khỏi nợ nần là quyền của mọi người; nhưng được giải thoát hoàn toàn hay không thì không phải là đặc quyền tuyệt đối bắt buộc tòa án phải ban cho.

Phá sản là một vấn đề tối nghiêm trọng chỉ nên sử dụng như là giải pháp cuối cùng giúp ra khỏi tình cảnh khủng hoảng tài chánh trầm trọng mà không còn lối thoát nào khác sau mọi nỗ lực tìm kiếm. Phá sản có tính cách công cộng, có nghĩa rằng công chúng ai muốn biết thì cũng lấy được hồ sơ cá nhân người phá sản. Do đó bất cứ người nào từ hàng xóm láng giềng, chủ nhân nơi làm việc, công ty tài trợ địa ốc, chủ nhà, chủ đất, v.v... kể cả những sở làm trong tương lai đều có thể truy lục tiền tích người phá sản. Ngay sau khi vụ phá sản kết thúc thì hồ sơ liên hệ lưu trữ tại tòa án quận sẽ được các công ty báo cáo tín dụng sưu tầm trước nhất và ghi vào hồ sơ tín dụng cá nhân rồi lần lượt sẽ cung cấp cho giới tài trợ. Thông thường các thẻ tín dụng sẽ bị hủy bỏ trước nhất, những ai xin gom nợ trả dần theo chương 13 dĩ nhiên không còn giữ được thẻ nào tuy rằng cũng có một số nhỏ có thể giữ được thẻ nếu được công ty cấp chấp thuận. Người khai theo chương 7 thường được xóa nợ không thế chấp mà hầu hết là thẻ tín dụng, tuy nhiên các công ty cấp thẻ thường dụ cho đương sự giữ lại thẻ với điều kiện ký tái xác nhận món nợ (reaffirm) và bằng lòng tiếp tục trả như thường lệ với lãi suất cao hơn. Thông thường các công ty cấp thẻ tín dụng không cấp thẻ cho những người có thành tích phá sản hay tín dụng xấu để giảm thiểu nguy hiểm bị thiệt hại vì mất nợ. Sau cùng là khó khăn khi đi xin việc trong tương lai, mặc dù có luật cấm kỳ thị lý do khai phá sản trong việc thu nhận người làm, nhưng xin những chức vị có dính dáng đến tài chánh, những chức vị quan trọng cần uy tín cao, hay những chức vị có nhiều ứng niên cạnh tranh thì người có quá trình phá sản cũng bị bất lợi.

Tóm lại khai phá sản có thể là một giải pháp tốt độc nhất đối với người đang trong hoàn cảnh sa lầy nợ nần nghiêm trọng. Như đã nói ở trên dĩ nhiên chỉ nên dùng như giải pháp cuối cùng bởi vì hậu quả đem lại kéo dài rất lâu. Hồ sơ phá sản lưu tới mười năm sau, với nền kinh tế hiện đại mà hầu hết mọi hoạt động tài chánh đều tùy thuộc vào thành tích tín dụng cá nhân tốt thì quả quá lâu. Hơn nữa lợi điểm của khai phá sản có khi còn bị hạn chế dưới nhiều hình thức, thí dụ vốn liếng tích lũy trong một vài tài sản lớn như nhà đất và xe cộ có thể bị mất hết vì phải bán đi để thanh toán cho chủ nợ thế chấp nên cuối cùng người nợ dù được giải nợ nhưng chẳng còn lại gì trong tay.

Nên cẩn thận nghiên cứu cái lợi và cái hại trước khi sử dụng đến giải pháp khai phá sản trong mục đích gỡ khủng hoảng kinh tế và tài chánh. Quan trọng nhất là phải am tường mọi loại khai để chọn đường lối nào thích hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Không nên đợi “nước đến chân mới nhảy” vào giờ chót mới tìm cầu viện, thí dụ như ngay trước ngày bị xiết nhà hay câu xe là lúc đã quá muộn màng khó tìm được cố vấn tốt hoặc chọn giải pháp thay thế không cần phá sản. Ngay lúc nhận biết rằng mình trả không kịp tiền nợ hàng tháng hoặc khi thấy bắt đầu thiếu hụt, hoặc trường hợp bất ngờ bị gánh một món nợ lớn quá sức thí dụ như nhận một bill nợ tiền thuốc thang bệnh viện và bác sĩ vì đau ốm nặng bất thường mà không dàn xếp trả dần được thì phải tính ngay biện pháp gỡ rối.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.



4. Luật Khánh Tận

Sunday, February 16, 2014 1:24:15 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=182804&zoneid=269#.UwtKONJDtOg


Ðời người nhiều thăng trầm trong sự nghiệp nhất là về phương diện tài chánh, có lúc thành công vượt bật tiền bạc phong phú, có lúc thất bại thê thảm của cải tiêu hao. Có nhiều trường hợp không trả nổi đúng hạn khiến nợ nần mỗi ngày một chồng chất đến hồi cơ nghiệp sụp đổ đi đến tình trạng khánh tận hay nói nôm na là bị phá sản. Trong xã hội Việt Nam nợ nhiều là một điều xấu rất mang tiếng, vả lại tâm lý chung thiên hạ phù thịnh chẳng bao giờ phù suy, người giàu muốn vay tiền để mở mang phát triển thương mại thì rất dễ dàng vay đâu cũng được, người mạt vận cần cứu nguy gây dựng lại cơ đồ thì đừng mong ai giúp, không những thế còn bị nợ đòi tới tấp không lối thoát đi đến đường cùng gặp nhiều thảm cảnh khốn khó hoặc phải huỵch nợ trốn chạy hay có kẻ chán đời quyên sinh.

Trên đất Mỹ nợ nhiều không phải là một cái tội miễn là trả góp được đều và đúng hạn thì còn được các ngân hàng hay nguồn tài trợ hoan hỉ trọng đãi. Khi thất thế về tài chánh ai cũng có thể gặp cứu tinh, đó là Luật Khánh Tận (Bankruptcy Code) thuộc Ðiều Khoản Thứ Mười Một Luật Liên Bang (Title 11 of the United States Code). Luật Khánh Tận được áp dụng trên căn bản cứu giúp một cá nhân, tổ hợp hùn hạp hay công ty hoạt động tại Hoa Kỳ có cơ hội được xóa bớt nợ nần để phục hồi làm lại cuộc đời. Vì là luật liên bang nên Luật Khánh Tận có hiệu lực trên tất cả các điều luật có tinh thần trái ngược của các tiểu bang chiếu theo Ðiều Khoản Tối Thượng (Supremacy Clause) của Hiến Pháp. Luật Khánh Tận được áp dụng giống nhau tại tất cả các tiểu bang với ngoại lệ có đôi chút khác biệt về các khoản miễn trừ. Theo Luật Khánh Tận có bốn loại thủ tục được đặt tên theo số chương của Ðiều Khoản Thứ Mười Một, đó là các chương 7, 11, 12 và 13.

Chương 7 là thủ tục khai khánh tận thông dụng nhất, áp dụng cho cá nhân hay vợ chồng, tổ hợp hùn hạp hay công ty. Ðó là thủ tục thanh toán nợ nần theo đó tòa án sau khi xét đơn khai sẽ chỉ định một tín viên (trustee) giữ quyền kiểm điểm tất cả các tài sản của người nợ (debtor) rồi phân loại. Ngoài những tài sản miễn trừ (exempt assets), những tài sản khác được đem bán đi rồi thanh toán cho các chủ nợ (creditors) tùy theo thứ tự ưu tiên ấn định theo luật. Sau đó người nợ được tòa tuyên bố cho xóa nợ (discharge) thông thường trong vòng từ bốn đến sáu tháng sau khi nộp đơn. Lương bổng của người nợ kiếm được sau khi nộp đơn khai khánh tận được đặt ra khỏi tầm đe dọa của các chủ nợ đã khai lúc đầu.

Chương 11 là thủ tục tái tổ chức (reorganization proceeding) thường được áp dụng cho các công ty hay tổ hợp hùn hạp. Các cá nhân có nợ quá mức giới hạn theo Chương 13 cũng có thể xin khai theo Chương 11. Theo chương này người nợ thường được phép giữ lại tài sản để tiếp tục điều hành thương nghiệp đã có. Người nợ đề nghị một chương trình tổ chức lại cơ sở làm ăn của mình, trình tòa để thông báo cho các chủ nợ, nếu đồng chấp thuận thì sau đó tòa sẽ xác nhận chính thức và ràng buộc đôi bên người nợ với chủ nợ các theo điều khoản trả nợ đã dàn xếp. Chương trình này có thể ấn định trả bằng lợi tức trong tương lai hay thanh toán bằng cách bán đi một số tài sản hoặc sáp nhập vào công ty khác hay vay tiền lập lại vốn.

Chương 12 là thủ tục đơn giản cho tổ chức lại cơ sở làm ăn dành cho gia đình các chủ trại nông nghiệp mô phỏng theo mẫu của Chương 13 theo đó người nợ được giữ lại tài sản của mình và sẽ trả cho các chủ nợ bằng lợi tức trong tương lai.

Chương 13 là chương trình dành cho các cá nhân có lợi tức đều đặn trả nợ không thế chấp (unsecured debts) dưới $383,175 cùng nợ có thế chấp (secured debts) dưới $1,149,525. Người nợ được giữ lại tài sản, trong tương lai phải trả qua tín viên Chương 13 do tòa chỉ định bằng lợi tức sẽ kiếm được trong suốt đời của chương trình này mà thường kéo dài từ 3 tới 5 năm. Số tiền nợ thường được giảm xuống từ 10% tới 100% tùy theo lợi tức và khả năng trả bù của người nợ. Chương 13 có lợi điểm xóa được vài loại nợ theo Chương 7 và bảo vệ người nợ không bị xiết nhà (foreclosures) hay bị xiết các tài sản khác mua chưa trả hết (repossessions) trong thời gian ưu tiên trả các món nợ có thế chấp.

Như vậy những loại nợ nào có thể xóa được nếu khai khánh tận đều tùy thuộc hoàn cảnh cùng những yếu tố nợ nần khác nhau của từng cá nhân. Do đó việc tham khảo lấy lời cố vấn của luật sư rất quan trọng trước khi nộp đơn ra tòa để được hướng dẫn nên khai theo chương nào cho có lợi nhất tùy theo tính chất của các món nợ cùng với tính chất và giá trị của các tài sản người nợ có trong tay.

Khai khánh tận theo Chương 7 thường thích hợp nhất cho các cá nhân. Người nợ được xóa các món nợ không thế chấp rất nhanh chóng trong vòng vài tháng sau khi nộp đơn. Tuy nhiên nếu lợi tức của người nợ khá cao có thể đủ trả một số nợ thì tòa có thể bãi bỏ vụ khai với lý do lạm dụng (substantial abuse). 

Theo lý thuyết nếu chấp thuận cho một kẻ có đủ khả năng trả nợ theo Chương 7 mà muốn trốn nợ tức là lạm dụng hệ thống Luật Khánh Tận. Nếu ai vừa có nợ buôn bán vừa nợ tiêu pha nên lưu ý điều quan trọng là phải biết tính chất buôn bán theo hình thức luật nào. Công ty và tổ hợp hùn hạp có thể chọn khai theo Chương 7 hay Chương 11 tùy theo ý muốn sẽ gây dựng hoạt động buôn bán trở lại nhờ Chương 11 hay giải tán luôn theo Chương 7. Những người buôn bán làm chủ một mình (sole proprietorship) được kể như một cá nhân, do đó muốn được tòa án bảo vệ thì phải khai ra tất cả tài sản riêng cùng tài sản dùng trong thương nghiệp và liệt kê tổng số nợ nần mọi mặt cả riêng lẫn buôn bán.

Khai khánh tận theo Chương 13 thích hợp cho những người có nợ nhà cửa và xe cộ trả quá chậm trễ sau kỳ hạn hoặc có nhiều tài sản hay có nợ thuế cùng những nợ khác không giải tỏa được theo Chương 7. Ðể hội đủ điều kiện theo Chương 13 người nợ phải có lợi tức đều đặn cùng tổng số nợ dưới một mức nào đó.

Khai khánh tận theo Chương 11 giúp cho cá nhân, công ty, hay tổ hợp hùn hạp có cơ hội tổ chức lại nghiệp vụ theo đó số nợ không có giới hạn như Chương 13. Thông thường đây là con đường dành cho các công ty lớn tìm cách xếp đặt tổ chức lại việc thanh toán nợ nần. Người nợ thường được giữ nguyên cơ sở tài sản của mình hoạt động trở lại và dàn xếp trả nợ dưới giám sát của tòa án. Chương 11 chỉ được tòa xác nhận sau khi được các chủ nợ bỏ phiếu chấp nhận.

Những chủ nợ được phân loại tùy theo tính chất của món nợ sẽ bỏ phiếu tùy theo số tiền nợ lớn nhỏ. Nếu người nợ không được chấp thuận thì có thể ráng xin tòa “áp đặt” (cram down) chương trình trả nợ nếu hội được vài điều kiện theo luật cho dù bị các chủ nợ chống đối. Chương 11 có lẽ có tính chất mềm dẻo nhất trong các loại khai khánh tận do đó rất khó áp dụng một cách phổ thông vì quá tốn phí cho người nợ cho nên tỷ số thành công của Chương 11 rất thấp, thường chỉ dưới 10%.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ với phân tích các loại nợ nên khai theo chương nào. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 930 W. 17th Street, Suite F. Santa Ana, CA 92706, ÐT: (714) 531-7080.



5. Luật Khánh Tận: Khai phá sản - Giữ hay không giữ thẻ tín dụng?

Sunday, February 09, 2014 2:01:31 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=182358&zoneid=269#.UwtL3tJDtOg


Sống trên đất Mỹ hầu hết mọi người đều mắc nợ thẻ tín dụng (credit cards) như Visa, Mastercard, Discovery, American Express ... hoặc các loại thẻ của các công ty thương mại lớn, cửa hàng bách hóa, các hãng xăng dầu... Ðây là một loại nợ thịnh hành nhất vì thông thường không thế chấp và cũng không giới hạn số thẻ được cấp. Những ai hội đủ hai điều kiện chính là đủ khả năng trả nợ (ability to pay debt) như có nhà cửa, công ăn việc làm hay địa vị vững vàng cộng thêm quá trình trả nợ tốt chứng tỏ được ý muốn trả nợ (willing to pay debt) sẽ được điểm tín dụng cao, nhiều khi được cấp hàng chục thẻ đủ loại với mức giới hạn tín dụng (credit limit) rộng rãi - là số tiền cho vay tối đa người có thẻ được xài - nhiều khi lên đến vài chục ngàn khiến tổng số nợ có thể tới bạc triệu. Những chi tiết đó được ghi trong hồ sơ cá nhân tại các công ty báo cáo tín dụng mà các ngân hàng phải căn cứ vào đó khi xét đơn xin cấp thẻ. Ngày nay thẻ tín dụng đang tràn ngập thị trường tài chánh Mỹ nên các hãng tín dụng thường gởi thư mời mọc cấp thẻ chấp thuận trước (pre-approved), một người đi làm có quá trình tín dụng tương đối sạch cũng có thể được cấp một vài thẻ rất dễ dàng.

Nếu khai phá sản theo Chương 7, các thẻ tín dụng - vì không có thế chấp - sẽ được thanh toán theo ưu tiên thấp nhất sau khi tín viên bán các tài sản không miễn trừ trả cho các nợ có ưu tiên pháp định cao hơn, phần còn lại mới đến lượt các thẻ. Thông thường người ta khai phá sản khi tình trạng tài chánh kiệt quệ đến khô cạn không còn gì nữa nên được gọi là vỡ nợ không tài sản (non-asset bankruptcy), trường hợp này tất cả nợ thẻ tín dụng thường được rũ sạch. Tuy nhiên việc giải quyết nợ thẻ tín dụng cũng có nhiều khuất mắc tùy thuộc tình trạng thẻ còn nợ (balance) hay không (zero balance), hiện đang trả đúng hạn hay đang chậm trễ (in default). Ngay lúc bắt đầu khai phá sản luật sư sẽ cố vấn người khai tức khắc ngưng trả ngay mọi thẻ dù đang ở bất cứ tình trạng đúng kỳ hạn hay đã chậm trễ. Trong đơn khai ngoài tất cả các tài sản và nợ nần khác người khai phải liệt kê tất cả thẻ tín dụng hiện hữu với tổng số nợ tính đến ngày khai. Nếu người giữ thẻ có kết toán thẻ nào với số “không” tức là không có nợ thẻ ấy thì khỏi phải liệt kê trong danh sách “tài sản khánh tận”. Mặc dù vậy không có nghĩa là còn quyền sử dụng thẻ bởi vì tín viên tòa Khánh Tận có thể tịch thu và yêu cầu viết thư thông báo nơi cấp thẻ tình trạng vỡ nợ của mình. Tuy ngân hàng cấp tín dụng nhiều khi không được thông báo kịp thời nhưng họ vẫn truy ra khách hàng khai phá sản qua các hãng báo cáo tín dụng (credit bureau) hoặc được các hãng này thông báo trực tiếp qua tin tức thâu lượm được từ tòa án.

Ðiều quan trọng trước khi nộp đơn khai khánh tận không nên cố tâm dồn trả cho một vài thẻ với ý định sẽ giữ lại các thẻ ấy. Trong đơn khai có mục liệt kê tất cả mọi giao dịch tiền bạc trong vòng 60 ngày, tín viên sẽ xét kỹ xem người khai có chiếu cố đặc biệt trả một món nợ nào mà lờ đi không đếm xỉa đến các nợ khác. Tòa án cấm ngặt hành động này gọi đó là trả theo cảm tình (preferences). Tín viên có quyền xin tòa đòi lại số tiền được trả cảm tình cho bất cứ ai đem chia lại cho các chủ nợ khác. Nói chung người khai bị buộc là trả cảm tình nếu trả trên $600 cho một món nợ trong vòng 90 ngày trước khi khai (một năm nếu trả cho bạn bè hay thân nhân) mà không trả cho các nợ khác. Trường hợp một người có hồ sơ tín dụng tốt vì hàng tháng đã cố trả số tối thiểu cho tất cả mọi thẻ đến khi khai vẫn phải liệt kê tất cả dù chưa từng chậm trễ. Như đã nói ở trên, đừng dại dột tìm cách giữ lại bất cứ thẻ nào vì có rất nhiều ngân hàng cấp thẻ có khuynh hướng tìm cách dụ dỗ khách hàng giữ lại nợ qua hình thức ký hợp đồng “tái xác nhận” (reaffirmation agreement) có nghĩa là bằng lòng giữ thẻ với nguyên nợ số nợ cũ. Ðôi khi họ còn hứa hẹn giảm lãi suất thấp hơn, dĩ nhiên đừng bao giờ nghe lời thuyết phục mà ký vì như vậy nợ đâu vẫn hoàn đó.

Trường hợp khai lúc đã trả chậm hay không trả theo kỳ hạn cũng giống như trên nhưng có điều khác biệt là nơi cấp thẻ có thể dùng nhiều mánh khóe khiếu nại với tòa xin bắt buộc người khai tái xác nhận nợ với lý do “nợ không xóa được” (non-dischargeable) hoặc với lý do “nợ có thế chấp”. Các ngân hàng cấp thẻ tín dụng muốn thưa tòa xin ngăn không cho xóa nợ phải chứng minh một trong các lý do như không kê khai thẻ đó trong đơn xin, man khai tình trạng tài chíÔnh lúc xin cấp thẻ, mua sắm vật dụng xa xỉ hay rút tiền ứng trước trong vòng 60 ngày... Họ phải nộp “Ðơn Thưa Xin Cứu Xét Quyền Xóa Nợ” (Complaint to Determine Dischargeability of the Debt). Sau khi nhận được đơn này tòa ra lệnh cho người khai phải nộp một tờ trả lời chính thức nếu không tòa sẽ xử thua kiện.

Gần đây ngân hàng gia tăng thưa kiện về lừa đảo thẻ tín dụng (credit card fraud). Luật Khánh Tận ấn định nếu dùng thẻ mua sắm hay dịch vụ xa xỉ hơn $1,150 hoặc dùng thẻ rút hơn $1,150 tiền ứng trước (cash advance) trong vòng 60 ngày trước khi khai phá sản là phạm tội lừa đảo. Nếu vụ kiện được đem ra xử thì tòa thường xét đến yếu tố thời gian sử dụng thẻ sau khi nộp đơn khai hay sau khi đã gặp luật sư cố vấn, sử dụng thẻ mua sắm xa xỉ phẩm hoặc túng quẫn biết không trả nổi nhưng vẫn mua sắm cho cố bằng thẻ. Visa và Mastercard gần đây rất tích cực trong các chương trình thu hồi tiền nợ đã mất bằng cách tìm chứng cớ người khai cố ý dùng thẻ nhiều hơn trong vòng 60 đến 90 ngày trước, hay người khai dùng thẻ sau khi đã tìm gặp luật sư cố vấn. Dù họ áp dụng những biện pháp mạnh nhưng không có nghĩa là thắng kiện. Luật sư thường thành công trong việc bênh vực thân chủ với chứng cớ là ngân hàng hay công ty cấp tín dụng đã mời mọc cấp thẻ “chấp thuận trước” một cách quá dễ dàng, không xét kỹ đến tình trạng tài chánh của khách hàng mà cứ cẩu thả cấp thẻ; ngoài ra còn tung ra nhiều câu quảng cáo hấp dẫn khuyến khích nên tận dụng thẻ thí dụ như “Chúng tôi sẵn sàng mỗi khi quí vị thiếu tiền!”, “Hãy tận hưởng một chuyến nghỉ hè như trong mộng tưởng! Ðã có chúng tôi lo hết mọi thứ!”, “Hãy dùng thẻ để mua món quà tặng tráng lệ cho người yêu!”... Do đó phần đông tòa xử các ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới vì sơ suất trong việc cấp thẻ rồi “vẽ đường cho hươu chạy” khuyến khích khách hàng tiêu xài quá lố tạo điều kiện cho họ sa chân xuống vực thẳm nợ nần; những người này chỉ là nạn nhân mềm lòng trước những cám dỗ mù quáng tiêu xài bằng tiền plastic dễ dàng hơn là mua bằng tiền thật do mồ hôi nước mắt kiếm ra. Phần đông các ngân hàng cấp tín dụng vì thấy có vẻ khó ăn muốn tránh thưa kiện nên đổi chiến thuật dùng mánh khóe khác thí dụ như gửi thư vừa hứa hẹn sẽ báo cáo tín dụng tốt, vừa dọa dẫm làm khó dễ nếu người khai không tái xác nhận món nợ. Ðiều cần nhấn mạnh ở đây những ai một khi định khai phá sản thì chớ bao giờ dại dột giữ lại bất cứ một món nợ không thế chấp nào bởi vì mục đích chính là rũ sạch nợ nần; tái xác nhận có nghĩa vẫn buộc tròng nợ vào cổ như cũ, không những thế sau này còn bị kẹt cứng vô phương thoát nổi bởi vì luật pháp đã cho một cơ hội làm lại cuộc đời mới mà không nắm lấy thì phải đợi ít nhất sáu bảy năm nữa mới có quyền xin lại.

Trường hợp khai phá sản theo Chương 13 người khai trong đơn xin sẽ đề nghị trả cho các chủ nợ không thế chấp kể cả các thẻ tín dụng một số phần trăm nào đó (thí dụ như 25% chẳng hạn) theo một lịch trình rõ ràng (cũng xin nhắc lại nợ có thế chấp bắt buộc phải trả 100% không như nợ không thế chấp). Các ngân hàng cấp phát thẻ phải ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận thu hồi được đồng nào hay đồng nấy và dĩ nhiên họ sẽ đóng trương mục thẻ. Nên nhớ đằng nào thẻ cũng mất đừng để bận tâm vì tín viên rồi cũng sẽ tịch thu tất cả không cho dính dáng đến nợ nần thêm nữa và đó là điều tốt cho tương lai.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ về ảnh hưởng khai phá sản đối với công ăn việc làm, ảnh hưởng đối với gia đình và xã hội, cùng ảnh hưởng tâm lý đối với chính bản thân người khai. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 930 W. 17th Street, Suite F. Santa Ana, CA 92706, ÐT: (714) 531-7080.

 


6. Luật Khánh Tận: Thế nào là phá sản?

Sunday, February 23, 2014 2:05:13 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=183246&zoneid=269" id="FALINK_2_0_1


Một số đông đồng bào Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như các cư dân gốc khác trong cuộc sống đôi khi gặp phải lúc khốn khó vì nợ ngập đầu, nợ nhiều hơn tiền kiếm được. Vướng vào nợ đã chưa trả được vốn ngược lại nợ càng chồng chất thêm vì lãi. Những tai họa như mất việc, ly dị, buôn bán thua lỗ, bị nan y hay gặp tai nạn đưa đến hoàn cảnh bi đát nợ quá sức trả, tối ngày đám đòi nợ thuê (debt collectors) gọi điện thoại réo rắt đe dọa xiết nhà, câu xe khiến nhiều người nản chí phân vân không biết giải quyết ra sao. Có người được bạn bè khuyên nên khai khánh tận (hay phá sản), nhưng cũng có người lại đề nghị giải pháp khác vì cho rằng phá sản là một diều nhầm lẫn có thể đưa đến hậu quả cay đắng hơn là hạnh phúc. Luôn luôn họ cảm thấy lẫn lộn cảm giác phân vân, lo lắng, tội lỗi lẫn đau khổ không biết nên chọn giải pháp nào, nên hay không nên khai phá sản?

Những ai vướng vào tình trạng này xin đừng quá ưu tư vì còn rất nhiều bạn đồng hội đồng thuyền. Ở Mỹ từ năm 1996 hàng năm có khoảng một triệu người Mỹ phá sản cùng cả ngàn công ty. Khai khánh tận trở thành một nhu cầu cần thiết lan rộng khắp hệ thống kinh tế Hoa Kỳ và trở thành cứu tinh cho nhiều người phút chốc bỗng rũ sạch được nợ để có cơ hội làm lại cuộc đời. Trên khía cạnh khác phá sản cũng có điểm bất lợi do đó trước khi quyết định khai nên tìm hiểu kỹ căn bản Luật Khánh Tận như đã trình bày tuần trước với các trường hợp khai khác nhau cùng hậu quả về sau.

Căn bản khai khánh tận có hai loại như đã trình bày tuần trước, thứ nhất là thanh toán (liquidation) áp dụng Chương 7 dùng tài sản để trả nợ, và thứ hai là tái tổ chức (reorganization) tình trạng tài chánh theo Chương 11, 12, và 13 trả nợ bằng lợi tức sẽ kiếm được trong tương lai. Theo Chương 7 người nợ được cơ hội bán hết tài sản trả bớt cho các chủ nợ đổi lại rũ hết mọi nợ nần mà làm lại cuộc đời. Thủ tục tòa thường kéo dài từ bốn đến sáu tháng, ngoài lệ phí trả cho luật sư chỉ phải đóng $209 tiền tòa và phải ra tòa trình diện ít nhất một lần. Trước hết nhờ một luật sư điền mẫu đơn rồi nộp cho Tòa Khánh Tận Liên Bang ở địa phương. Trong đơn phải khai hết các loại tài sản có trong tay, lợi tức hiện hữu cùng tất cả các nguồn lợi tức khác, chi tiêu hàng tháng, liệt kê tất cả nợ nần, các tài sản miễn trừ (tài sản được phép giữ lại), các tài sản làm chủ hay bán đi trong vòng hai năm trở lại. Khai khánh tận theo Chương 7 thường được xóa hầu hết mọi khoản nợ tuy nhiên có những món không xóa được vẫn phải giữ nguyên như cũ.

Theo Chương 13 người nợ phải dùng lợi tức sẽ kiếm được trong tương lai để trả cho các chủ nợ và thường kéo dài từ ba tới năm năm. Người khai phải có lợi tức đều đặn và có số nợ có thế chấp không quá $871,550 cùng nợ không thế chấp không quá $290,525. Nợ thế chấp là nợ có cầm thế ví dụ như nhà cửa, xe cộ hay các món đồ có giá trị mua trả góp chưa hết, nếu không trả thì chủ nợ sẽ xiết lấy đem đi bán. Nợ không thế chấp ví dụ như nợ thẻ tín dụng hay nợ tiền bệnh viện và bác sĩ thì chủ nợ không có quyền xiết gì cả. Ngoài lệ phí trả cho luật sư còn phải đóng $194 tiền tòa, làm đơn như Chương 7 liệt kê tài sản, nợ nần cùng lợi tức và chi tiêu trong công ăn việc làm hiện tại rồi cũng nộp tại Tòa Khánh Tận Liên Bang ở địa phương. Theo Chương 13 người khai phải nộp tiền hàng tháng cho một tín viên (trustee) do tòa án chỉ định rồi tín viên sẽ phân chia ra trả nợ cho các chủ nợ theo thứ tự luật định như sau: (1) nợ hành chánh (administrative claims) là tiền tòa và lệ phí của luật sư đã giúp khai Chương 13 phải trả 100%; (2) nợ ưu tiên (priority debts) là lương nhân công đã làm việc trong vòng 90 ngày trước khi khai, hay tiền đóng cho quỹ phúc lợi (benefit fund) cho nhân công, tiền nuôi trẻ (child support) và nợ thuế, tất cả đều phải trả 100%; (3) tiền vay mua nhà (mortgage default) nếu muốn giữ nhà lại thì phải trả 100%; (4) nợ thế chấp khác như nợ xe nếu muốn giữ xe lại cũng phải trả 100%; (5) sau chót mới đến các nợ không thế chấp chia số lương còn lại hàng tháng trả từ 0% tới 100% tùy theo giá trị số tài sản không miễn trừ. 

Sau thời hạn ấn định từ ba tới năm năm những nợ nào chưa trả hết nhưng hội đủ điều kiện sẽ được xóa luôn, còn những nợ không đủ điều kiện vẫn phải tiếp tục trả như thường. Nếu vì lý do nào đó người nợ không trả nổi như đã định thì có thể xin tòa thay đổi lại cho hợp với khả năng. Sau khi đã tỏ thiện chí cố gắng mà vẫn không trả nổi nếu có lý do chính đáng thì lúc đó tòa có thể ban đặc ân cho xóa hết tất cả nợ còn lại. Ngược lại nếu tòa không chấp thuận thì người nợ có thể xin hoán cải khai lại theo chương 7. Trong suốt thời gian trả nợ theo Chương 13, người nợ phải sống đạm bạc thắt lưng buộc bụng mà trả nợ, tòa án theo dõi rất nghiêm ngặt không cho tiêu pha phung phí xa xỉ.

Khắp nước Mỹ phần đông khai theo Chương 7 vì dễ khai và nhanh chóng, hữu hiệu nhất là được xóa hết nợ, phần đông vẫn giữ được nhà cửa tuy có trường hợp bị mất. Những người khai theo Chương 13 thường vì lý do đạo đức vì họ có tín ngưỡng phải giữ bổn phận trả nợ nếu không muốn bị trái với lương tâm như dân Utah và nhiều tiểu bang Nam Hoa Kỳ. Ngoài lý do tín ngưỡng ra phần đông những người chọn Chương 13 vì các nguyên cớ sau (1) muốn bắt kịp lại tiền trả chậm để giữ được nhà cửa hay xe cộ, nếu theo Chương 7 sẽ bị mất; (2) có nhiều nợ không xóa được (non-dischargeable) như nợ thuế, nợ tiền học (student loan), những nợ này Chương 13 dàn xếp trả dần được; (3) người nợ có thiện chí muốn trả nợ cần được luật pháp bảo vệ tạo cho điều kiện trả dần.

Khi nộp đơn khai phá sản lợi điểm đầu tiên có một điều khoản gọi là “tự động đình chỉ”(automatic stay) theo đó các chủ nợ không được có các hành động đòi nợ trực tiếp nữa trừ phi được phép của tòa. Thông thường luật này ngăn không cho các chủ nợ gửi thư hay điện thoại tới làm phiền, nộp đơn kiện tụng, cắt các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, điện thoại hay buộc nợ (lien) trên tài sản cùng tịch thu trương mục ngân hàng để xiết nợ. Nếu một chủ nợ nào dù là cơ quan công quyền vi phạm luật tự động đình chỉ, người nợ có thể xin tòa can thiệp để trừng phạt kẻ vi phạm. Tuy nhiên có vài ngoại lệ, luật tự động đình chỉ không áp dụng với (1) tội phạm hình sự, thí dụ một người viết chi phiếu không tiền bảo chứng vẫn bị tòa bắt trả tiền phạt lẫn thi hành tạp dịch công cộng (community service); (2) không được trì trệ bổn phận chu cấp vợ con (alimony or child support); (3) không ngưng được các vụ kiểm thuế theo đó cơ quan thuế vụ liên bang IRS có quyền đòi số tiền chưa đóng hay đóng thiếu, tuy nhiên luật tự động đình chỉ vẫn ngăn IRS không cho áp đặt buộc nợ hay tịch thu gia sản. Trường hợp bị cắt điện nước vì không trả tiền luật tự động đình chỉ ngăn không cho cắt tối thiểu 20 ngày sau đó tòa án có thể cho xóa số tiền chưa đóng còn thiếu. Trường hợp bị xiết nhà luật đình chỉ tự động tạm thời cấm không cho tịch thu nhưng sau đó nếu không có biện pháp nào khác thì chủ nợ trước sau cũng được quyền đem bán đi. Nếu bị trục xuất ra khỏi nhà thì luật đình chỉ tự động có thể hoãn được trong vài tuần hay vài tháng tuy nhiên sau đó chủ nhà vẫn có quyền xin trục xuất.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với vai trò của các tín viên trong nhiệm vụ thi hành luật khánh tận. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 

 

7. Luật Khánh Tận: Ðiều kiện khai phá sản

Sunday, March 09, 2014 7:00 AM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=184072&zoneid=269#.UyGN_PldVmg

Ðã đành khi gặp cơn túng bấn nợ nần réo gọi tứ phía thì giải pháp khai phá sản (hay khánh tận) hiển nhiên là cứu tinh. Tuy nhiên theo luật khánh tận Hoa Kỳ không phải ai cũng có thể khai phá sản bất cứ lúc nào hay ở bất cứ tình trạng nào vì phải hội đủ một số điều kiện căn bản. Thí dụ những ai đã từng được xóa nợ theo Chương 7 trong vòng sáu năm thì sẽ không được khai nữa hoặc không được khai theo Chương 13 nếu số nợ vượt quá một mức nào đó. Do đó trước khi tính đến chuyện khai phá sản điều đầu tiên luật sư phải giúp thân chủ xác định xem có hội đủ điều kiện hay không. Sau đây là những điều kiện căn bản để khai theo Chương 7 và Chương 13.
Ðể được khai theo Chương 7 điều kiện đầu tiên người khai phải là một cá nhân hay là một cặp vợ chồng khai chung hoặc là tiểu thương (small business). Nếu là tiểu thương gia thì người ấy có quyền khai tất cả các món nợ riêng lẫn nợ dính dấp đến nghiệp vụ. Thí dụ một người chủ một cửa tiệm (hoặc hai vợ chồng cùng đứng làm chủ) khi cùng khai phá sản thì đều liên đới với nhau, ngược lại nếu chỉ có người chồng đứng khai cá nhân thì chỉ có ảnh hưởng đến những khoản nợ riêng của chồng mà thôi. Một thí dụ khác, hai người đứng ra hùn hạp với nhau nếu chỉ có một người khai tất cả các món nợ riêng cùng nợ buôn bán thì người kia vẫn bị liên đới cho dù người kia được xóa những món nợ chung. Như vậy nếu ai có hùn làm ăn khi muốn khai phá sản trước hết phải thương lượng với người kia để chính thức chấm dứt phần hùn. Nếu không theo qui luật đó thì hậu quả sẽ rắc rối vì bị người hùn thưa kiện xin tòa bãi bỏ vô hiệu hóa vụ khai phá sản. Ngoài ra một cá nhân không được nhân danh công ty để khai theo Chương 7.
Ðiều kiện thứ hai trong vòng sáu năm không từng khai phá sản (kể từ ngày nộp đơn khai lần trước chứ không kể từ ngày có án tòa cho xóa nợ). Thí dụ một người nộp đơn khai theo Chương 7 vào ngày 15 tháng 6 năm 2005 và được án tòa cho xóa nợ vào ngày 4 tháng 11 năm 2007 thì không được khai lần nữa trước ngày 15 tháng 6 năm 2013, tuy nhiên người này vẫn có quyền khai theo Chương 13 bất cứ lúc nào.
Ðiều kiện thứ ba trong vòng 180 ngày không có vụ khai nào bị bãi bỏ vì vi phạm luật khánh tận hay bị tòa kết án lạm dụng hệ thống luật pháp hoặc tự xin hủy bỏ. Thí dụ ông Sáu nộp đơn khai theo Chương 7 vào ngày 12 Tháng Hai năm 2011 lúc chủ nhà khởi sự trục xuất không cho thuê nữa. Một tuần lễ sau khi ông Sáu khai khánh tận, chủ nhà xin tòa đình chỉ để tiếp tục đuổi nhà. Thấy vậy ông Sáu bèn dọn đi chỗ khác rồi rút lại đơn xin. Ít lâu sau dù đã kiếm được chỗ ở khác nhưng nợ nần nhiều quá chịu không nổi nên ông lại xin tái cứu xét. Trong trường hợp này ông Sáu phải đợi ít nhất 180 ngày sau lần khai trước tức là sau ngày 12 tháng 8 năm 2011 mới được phép nộp đơn lại.
Ðiều kiện thứ tư theo Chương 7 người khai phải chứng minh là không có lợi tức đều đặn hoặc không có khả năng trả hết nợ trong vòng từ ba tới năm năm theo Chương 13 cho dù có thay đổi hẳn nếp sống cho cần kiệm đạm bạc để lấy tiền trả nợ. Mục đích chính của luật khánh tận là giúp đỡ cho những người nợ đoan chính có cơ hội thoát khỏi cảnh nợ ngập đầu để làm lại cuộc đời chứ không khuyến khích hành động quịt nợ hay lạm dụng pháp lý, do đó điều kiện chót để khai theo Chương 7 là không vi phạm: (1) lỗi chuyển tài sản cho bạn bè hay thân nhân rồi sau đó khai phá sản để quịt nợ (2) lỗi đã biết mình nợ ngập đầu không đủ khả năng trả nổi hay không muốn trả nợ nhưng vẫn tìm cách vay (3) lỗi giấu giếm tài sản khi ly dị (4) lỗi khai man lợi tức khi làm đơn vay tiền thí dụ như khai lương là $48,000 trong khi thực sự chỉ kiếm được $18.000, những trường hợp này đều bị quy tội lừa đảo (fraud).
Cần nhắc lại Chương 13 không bán tài sản để thanh toán nợ như Chương 7 mà cho trả nợ bằng lợi tức kiếm được trong tương lai. Theo Chương 13 điều kiện trước hết chỉ cho cá nhân hay vợ chồng đứng chung để khai nhưng không phải là thương nghiệp vì các công ty muốn tái tổ chức không áp dụng Chương 13 mà phải khai theo Chương 11. Người khai liệt kê nợ riêng lẫn nợ buôn bán và dĩ nhiên không được khai dưới danh nghĩa công ty.
Có một ngoại lệ những ai hành nghề trung gian mua bán cổ phiếu (stockbrober) hay trung gian mua bán hàng hóa (commodity broker) không được khai phá sản theo Chương 13 cho dù chỉ có nợ riêng không hề dính líu đến nghiệp vụ. Ðiều kiện thứ hai theo Chương 13 người khai phải có lợi tức thường xuyên có nghĩa là không bắt buộc phải có cùng một số tiền nhất định hàng tháng nhưng phải đều đặn để có khả năng trả đúng kỳ hạn ấn định dù là hàng tuần, hàng tháng hay bất cứ hạn định nào khác. Nguồn lợi tức không hẳn chỉ kể lương bổng mà có thể gồm nhiều nguồn tài chánh khác ngoài lương bổng như tiền thưởng, tiền hưu trí, tiền thất nghiệp, tiền trợ cấp xã hội, tiền trợ cấp nuôi trẻ hay tất cả các khoản tiền nào khác có thể nhận được miễn là đủ để trả từng kỳ đều đặn không gián đoạn. Lợi tức sau khi thanh toán tiền nhà, tiền thực phẩm các mục thiết yếu khác là số tiền còn lại dùng để trả nợ tối đa. Tổng số tiền trả nợ ít nhất phải bằng số tiền các chủ nợ nhận được nếu chia theo Chương 7 có nghĩa là bằng số tiền bán các tài sản không miễn trừ (tài sản miễn trừ là tài sản người nợ được phép giữ lại, tài sản không miễn trừ là tài sản bắt buộc phải bán đi để trả nợ).
Luật Khánh Tận ấn định rằng lợi tức dùng để trả nợ theo Chương 13 phải tương đương ít nhất 36 tháng trừ phi người nợ trả dứt được sớm hơn. Ngược lại nếu trả hết 36 tháng mà không bằng mức tối thiểu do tòa ấn định thì người nợ hoặc xin tòa cho kéo dài hạn định trả nợ tăng lên đến 60 tháng hoặc phải thắt lưng buộc bụng để trả thêm mỗi kỳ nhiều hơn. Ðể được chấp thuận theo Chương 13 người nợ phải đề nghị một bảng chiết tính tiền trả thiết thực để tòa và các chủ nợ cứu xét. Nếu thấy bản chiết tính có nhiều mục không cần thiết tòa sẽ bắt cắt giảm kinh tế nhiều hơn để tăng tiền trả lên còn nếu chiết tính quá ít không đủ trả nợ dĩ nhiên các chủ nợ sẽ chống đối với lý do không xác thực.
Theo Chương 13 có một điều kiện quan trọng khác là tổng số nợ không nhiều quá mức với nợ có thế chấp không quá $1,149,525 hoặc nợ không thế chấp không quá $383,175. Với nợ có thế chấp tài sản sẽ bị lấy đi nếu không trả thí dụ như tiền vay mua nhà cửa, xe cộ hay các món đồ ký có thế chấp lúc mua, tiền thế chấp khi vay ngân hàng, tiền bị buộc pháp lý (judicial and statutory liens) là tiền bắt buộc phải trả theo luật định do kết quả một vụ xử, sau chót là tiền nợ thuế. Nợ không thế chấp là nợ khi vay chủ nợ không bắt buộc phải cầm thế gì cho nên khi không trả được thì chủ nợ cũng không xiết được bất cứ tài sản nào. Những món nợ không thế chấp thông dụng nhất là tiền nợ các thẻ tín dụng như VISA, MasterCard, American Express, Discovery Card hay các loại thẻ tín dụng của các cửa hàng lớn, hãng xăng, tiền nợ y tế của bệnh viện hay các bác sĩ hoặc nhiều món nợ linh tinh khác.
Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với phân loại các món nợ tòa cho xóa được hay vẫn phải tiếp tục trả. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 223, Fountain Valley, California 92708, điện thoại (714) 531-7080.

 


8. Luật Khánh Tận: Những nợ không xóa được khi phá sản

Sunday, March 16, 2014 2:12:25 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=184610&zoneid=269#.UzAgJvldVmg


Mục đích chính xin khai phá sản là để thoát cảnh nợ nần, hoặc rũ nợ ngay theo Chương 7 hay từ từ trả nợ dần theo Chương 13. Tuy nhiên có những loại nợ không thể giải được cho dù theo bất cứ chương nào.
Theo Luật Khánh Tận khi khai theo Chương 7 những nợ không thể xóa được (nondischargeable) là những món nợ không kê khai trong đơn xin khai phá sản. Ðể có thể xóa được một món nợ thì người cho vay (creditors) tức là chủ nợ phải biết rõ nội vụ, thông thường do tín viên Tòa Khánh Tận thông báo chiếu theo danh sách kê khai trong đơn xin. Nếu thư thông báo không đến tay được chủ nợ vì do nhầm lẫn của bưu điện không giao thư tới hay do chủ nợ thay đổi địa chỉ thì món nợ vẫn được kể như có thông báo và được xóa. Tuy nhiên nếu đương sự quên khai trong đơn xin hay khai nhầm tên và địa chỉ của chủ nợ nên tòa không thông báo cho chủ nợ thì dĩ nhiên món nợ này không xóa được trừ phi được người nợ thông báo bằng điện thoại hay viết thư. Nếu sau khi nộp đơn xin phá sản người nợ nhớ ra những món nợ quên khai thì cũng có thể xin tu chính (amend) hay xin tái xét nội vụ (reopen the case) sau khi vụ khai đã chấm dứt.
Nợ sinh viên vay tiền học (student loan) là loại nợ không xóa được ngoại trừ tòa xét thấy nếu tiếp tục trả nợ này sẽ gây tình trạng khốn khổ khi đương sự chứng minh hoàn cảnh quá nghèo, lợi tức dưới tiêu chuẩn sinh sống tối thiểu hoặc nghèo kinh niên không có mảy may hy vọng khá hơn dù đã có thiện chí cố gắng trả nợ mà không cáng đáng nổi. Tuy nhiên tòa không chấp thuận cho những người vay tiền học vừa mới ra trường khai tình trạng khốn khổ mà không chịu đi xin việc làm. Hơn nữa nếu vay tiền ngân hàng hay thẻ tín dụng để trả nợ vay tiền học thì cũng không xóa được vì phạm cấm điều cố ý dùng nợ vay có thể rũ để trả loại nợ bắt buộc.
Nợ thuế cũng là một loại nợ khác không xóa được. Theo luật chung tất cả các loại thuế liên bang, tiểu bang và thuế địa phương đều không giải tỏa được dù có khai phá sản thì cơ quan thuế vụ cũng tìm cách buộc trên tài sản của người khai. Những loại thuế khác như thuế lương bổng nhân viên, thuế tiêu thụ hay các loại thuế linh tinh khác cũng đều thuộc loại bắt buộc phải trả.
Những mục nợ hay khoản tiền có tính cách bắt buộc khác gồm có tiền nuôi con (child support), tiền cấp dưỡng (alimony) hay các khoản tiền tương tự tòa bắt trả khi ly dị cùng những món tiền phạt do vi phạm luật pháp liên bang, tiểu bang hay địa phương cùng các khoản tiền bồi thường nạn nhân do phán quyết của tòa kể cả tiền đền thương tích hay tài sản bị hư hại do lái xe khi say rượu. Những khoản án phí khác hay phí khoản liên hệ đến tòa án đều không được miễn trừ.
Ngoài ra chủ nợ có quyền phản đối xin vô hiệu hóa việc xóa các món nợ do hành động gian lận man trá (fraud) như viết chi phiếu trả nợ rồi đổi ý ngưng phát tiền, viết chi phiếu không tiền bảo chứng, thuê hoặc mượn một món đồ đắt tiền nhận làm của mình đi bịp thiên hạ để vay tiền. Những loại nợ này do người nợ có ý định quịt trước khi vay kể như hành động lừa lọc trong việc vay mượn kể cả những đơn man khai lương bổng hay tình trạng tài chánh viết trong các đơn vay tiền, đơn xin cấp thẻ tín dụng, đơn xin việc làm hay đơn xin thuê mướn theo đó đương sự che giấu bớt tổng số nợ rồi khai tăng lợi tức hay lương bổng. Ngoài ra những khoản nợ trên $1,150 khi mua một món hàng xa xỉ hay một dịch vụ sang trọng xa hoa trong vòng 60 ngày trước khi khai đều được kể như có ý định lừa đảo có tính cách lạm dụng Luật Khánh Tận. Rút tiền mặt ứng trước (cash advance) tổng cộng hơn $1,150 từ mỗi thẻ trong vòng 60 ngày trước khi khai phá sản cũng kể như man trá lừa thẻ tín dụng.
Tiền bồi thường thiệt hại thương tích hay hư hại tài sản do tòa xử phạt những kẻ có hành động cố ý hại người đều không xóa được. Những thiệt hại đền bù cho nạn nhân bao gồm những hành động kể cả bắt cóc, gây xúc động hay chấn động tâm thần người khác kể cả chuyện chủ nhà đuổi người ở thuê bằng áp lực khủng bố như tháo gỡ cửa hay thay ổ khóa.
Tiền phải trả lại do biển thủ tiền bạc hay tài vật của người khác chiếm làm của riêng, tiền ăn cắp hay ăn trộm, tiền được tín nhiệm giao cho cất giữ như tiền chung vốn hùn hạp, tiền của vợ hay chồng, tiền của thân chủ giao cho luật sư, tiền giao cho giám hộ tài sản... nhưng đem xài riêng đều là những món không được kê khai xin xóa nợ.
Khi khai phá sản với những món nợ có người ký phụ (cosigners) hay người bảo đảm (guarantors) những người này sẽ bị kẹt phải chịu trách nhiệm trả nợ thay cho dù người nộp đơn khai được giải nợ. Do đó nếu không muốn để những người làm ơn cho mình bị lụy tốt hơn hết nên trả cho xong những món nợ có người ký phụ hoặc dàn xếp với chủ nợ để tái xác nhận (reaffirm) nghĩa là tiếp tục trả món nợ đó sau khi vụ khai kết thúc. Nếu khai theo Chương 13 mà trả không hết thì người nợ có thể được yên nhưng trong khi đó chủ nợ chuyển mục tiêu theo đuổi gắt gao đòi người ký chung hay người bảo đảm. Nếu khai phá sản theo Chương 7 mà có nợ do thân nhân, bạn bè hay bạn hùn hạp bảo đảm, chuyện khó tin mà có thật là nhiều khi những người này bị trách nhiệm phải trả một số tiền lớn hơn là số nợ. Thí dụ nếu người nợ đã trả cho chủ nợ trong năm trước khi khai phá sản bao nhiêu thì người ký chung bị tòa án đòi số tiền bằng trọn tiền đó đã trả năm trước. Lý do là khi nộp đơn khai thì tín viên tòa phá sản sẽ xét xem người nợ có trả cho ai trong vòng 90 ngày trước ngày khai cho tới một năm để tránh nợ cho người ký chung. Tiền trả này gọi là nợ cảm tình (preferences) và bị cấm chỉ vì có tính cách thiên vị, người nợ không có quyền dành ưu tiên trả cho những người mình thích. Vì lẽ đó tín viên sẽ yêu cầu chủ nợ kể cả người ký chung phải trả lại. Ðiều phi lý là tòa án tán thành nên cho lệnh thâu hồi tất cả số tiền đã trả để nộp cho tín viên phân phối đồng đều cho mọi chủ nợ. Ðây là một điều đáng để mọi người lưu tâm trước khi ký chung một món tiền vay hay bảo đảm một món nợ nào cho người quen hay người thân.
Ðối với các cặp vợ chồng khi khai phá sản theo Chương 7 họ thường khai chung vì có nhiều nợ chung. Tuy nhiên những cặp mới cưới lâu chưa có nhiều tài sản thì nên khai riêng để xóa các nợ đứng tên một mình. Ngoài ra cũng nên khai riêng trường hợp người vợ đứng tên làm chủ căn nhà thứ hai hoặc có nhiều tài sản đáng giá hay đang ly thân.
Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ với trường hợp khai phá sản khi đang làm chủ một căn nhà và khi đang ở thuê. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 223, Fountain Valley, California 92708, điện thoại (714) 531-7080.

 


9. Luật khánh tận: khai phá sản có bị đuổi nhà không?

Sunday, July 13, 2014 3:16:09 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=191613&zoneid=269#.U8O99fldWgE


Một điều đáng lo ngại nhất khi khai phá sản là có thể bị đuổi nhà dù đang làm chủ hay đang ở thuê, tuy nhiên luật khánh tận được đặt ra không có mục đích gây đau khổ cho người khai trở thành vô gia cư. 

Những người trả đều tiền nhà hàng tháng và đủ sức trả tiếp thì chỉ lo mất nhà nếu vốn liếng (equity) đã tích lũy trong ngôi nhà nhiều hơn mức miễn trừ gia cư (homestead exemption) do tiểu bang ấn định sẽ được đề cập chi tiết dưới đây. Trường hợp người trả tiền nhà tuy chậm nhưng liệu có đủ sức trả sau khi khai phá sản thì vẫn có thể hồi phục trở lại tình trạng bình thường. Chót hết với những ai tuy đã chậm trễ tiền nhà và không còn khả năng trả nổi nữa thì vẫn còn đường thoát để tìm một mái ấm mới. Do đó việc giữ được nhà hay không tùy thuộc vào ba yếu tố - có trả chậm hay không, cư ngụ ở tiểu bang nào, và khai theo Chương 7 (thanh toán tài sản để giải quyết nợ) hay Chương 13 (tái tổ chức tình trạng tài chánh trả nợ dần bằng lợi tức tương lai).

Nếu không chậm tiền nhà vẫn trả đúng hạn hàng tháng và muốn khai theo Chương 7 thì rủi ro mất nhà tùy thuộc số vốn liếng trong ngôi nhà và còn tùy theo mức miễn trừ gia cư (số tiền được miễn trừ khỏi bị lấy đi) theo sự ấn định khác nhau tùy từng tiểu bang. Vốn liếng là số tiền sai biệt giữa giá trị ngôi nhà trên thị trường hiện hữu trừ đi tổng số tiền còn nợ nhà kể cả nợ vay từ nhiều nguồn khác nhau lẫn tiền thuế hay những nợ khác dã dùng nhà để thế chấp. Nếu tổng số nợ nhiều hơn giá trị nhà thì kể như không có vốn liếng, người khai không sợ bị mất nhà, cứ xin tái xác nhận số nợ ngôi nhà đó và tiếp tục trả tiền nhà đều đặn như thường lệ trừ phi tự ý muốn tống nhà đi để dứt nợ. 

Nếu trị giá ngôi nhà theo thị trường hiện tại nhiều hơn tổng số nợ tức là người khai có ít nhiều vốn liếng thì chắc chắn tín viên tòa khánh tận muốn lấy nhà đem bán đi, tiền bán trước hết thanh toán nợ nhà, sau đến khoản miễn trừ gia cư do tiểu bang đã định được trả cho đương sự rồi phần còn lại mới chia cho các chủ nợ không thế chấp theo thứ tự pháp định. Nếu nếu phần còn lại ít quá thì tín viên chẳng bận tâm đem bán nhà làm gì và người khai vẫn được giữ lại ngôi nhà không mất, nhưng vẫn phải trả đều tiền nhà hàng tháng như thường lệ. Như đã nói trên mức miễn trừ gia cư khác nhau tùy từng tiểu bang, riêng ở California người độc thân được miễn trừ tới $75,000; người có kết hôn được miễn $100,000; người già trên 65 tuổi hay người bị tật nguyền được miễn $175,000; người trên 55 tuổi, lợi tức thấp dưới $25,000 (độc thân) hoặc dưới $35,000 (kết hôn) được miễn $175,000. 

Lấy thí dụ trường hợp ông Tư Râu khai phá sản ở California, ông có một ngôi nhà được định theo thời giá là $325,000. Ông còn nợ $200,000 tiền vay mua nhà, thêm vào đó bị sở thuế IRS buộc nợ $35,000. Như vậy vốn liếng trong ngôi nhà của ông Tư sẽ còn $90,000 tính như sau ($325,000 - $200,000 - $35,000 = $90,000). Nếu ông Tư khai độc thân thì sẽ có triển vọng mất nhà vì mức miễn trừ của California là $75,000 nên tín viên sẽ lấy nhà đem bán, trước hết thanh toán $235,000 cho nguồn tài trợ địa ốc và sở thuế kế tiếp là trả cho ông Tư $75,000 tiền miễn trừ. Với phần còn lại $15,000 tín viên tự rút lấy tiền công trước (có thể lên đến $10,000) rồi còn dư bao nhiêu mới chia cho các chủ nợ không thế chấp theo thứ tự luật định. Ngược lại nếu ông Tư khai kết hôn và vẫn trả tiền nhà đều, mức miễn trừ cho người có gia đình ở California là $100,000 nên ông Tư sẽ không mất nhà vì tín viên dù có lấy ngôi nhà đem bán thì cũng chẳng còn đồng nào để trả cho các chủ nợ không thế chấp sau khi thanh toán tiền nợ nhà và tiền miễn trừ cho ông Tư. Cũng cần nhắc lại nhiệm vụ chính của tín viên là thâu tóm tiền để trả cho các chủ nợ không thế chấp càng nhiều càng tốt và mức miễn trừ mỗi tiểu bang đều khác nhau. Muốn được hưởng miễn trừ gia cư chủ nhà khi khai phá sản phải cư ngụ chính thức ở ngôi nhà đó. Luật miễn trừ gia cư không áp dụng cho căn nhà thứ hai hay chủ nhà ngụ ở ngoài tiểu bang. Nếu khai theo Chương 13 và vẫn trả tiền nhà đúng hạn hàng tháng dĩ nhiên hoàn toàn giữ được nhà.

Khai phá sản theo Chương 7 mà trả tiền nhà chậm trễ sẽ bị mất nhà vì chủ nợ tài trợ địa ốc yêu cầu tòa cho bãi bỏ luật “tự động đình chỉ” (cấm các hành động đòi nợ trong thời gian tòa cứu xét) xin phép tòa cho phép xiết nhà để bán đấu giá. Nếu khai theo Chương 13 và không muốn mất nhà thì phải tiếp tục trả tiền hàng tháng như thường lệ, đồng thời xin tòa dàn xếp cho trả dần số tiền đã trễ theo lịch trình ấn định.

Không nên khai theo Chương 7 nếu đã chậm tiền nhà hàng tháng mà phải tìm đường thương lượng với chủ nợ địa ốc. Tùy theo hồ sơ tín dụng của đương sự tốt hay xấu chủ nợ có thể chấp thuận một trong nhiều cách giúp người nợ trở lại tình trạng bình thường như kéo dài hạn trả, giảm tiền trả hàng tháng... Nếu tình trạng chậm trễ trầm trọng, hoặc tín dụng xấu mà nợ quá nhiều có vẻ không cất đầu lên được thì chủ nợ có thể quyết định xiết nhà (foreclosure), gửi thư thông báo ép trả tức khắc tổng số nợ nếu không trả thì sẽ trục xuất. Muốn xiết nhà chủ nợ phải nộp đơn xin tòa cho phép, thủ tục có thể kéo dài từ 18 tới 36 tháng. Cho dù khai phá sản theo Chương 7 thì cũng chẳng có ích gì trong việc cản trở xiết nhà vì vụ khai sẽ kết thúc rất nhanh trong vòng vài tháng, phá sản xong rồi sau đó vẫn mất nhà, chỉ có một điều lợi duy nhất là luật “tự động đình chỉ” tạm cản các hoạt động đòi nợ nếu không bị chủ nợ phản đối xin tòa bãi bỏ quyền này. 

Khi vụ xiết nhà bắt đầu tiến hành, người nợ có thể phản ứng kịp thời với những hành động có lợi hơn thí dụ như vay nợ mới để trả nợ cũ, xoay tiền trả những tháng thiếu để bình thường hóa nợ nhà hay khai phá sản theo Chương 13 vì khai theo chương này có lợi được tòa án chấp thuận chương trình trả nợ mới hợp theo khả năng và tình trạng tài chánh hiện hữu mà không sợ bị mất nhà, cách này còn được gọi là "chữa vỡ nợ" (curing the default). Nếu ngôi nhà bị xiết đã đem bán ngay thì người nợ được quyền mua lại (redemption right) từ người mới trúng đấu giá với giá người này vừa mua. Ngoài ra nếu vẫn bị xiết nhà thì nên khai phá sản theo Chương 7 có lợi hơn vì tín viên tòa khánh tận sẽ giám sát cuộc đấu giá và cố bán với giá cao nhất hầu trả cho các chủ nợ tối đa. Nếu chủ nhà có ít nhiều vốn liếng trong ngôi nhà đó thì hy vọng lấy lại được chút đỉnh, còn để bị chủ nợ địa ốc xiết nhà đem bán thì chỉ được bán bằng số tiền thiếu nợ nên người mất nhà sẽ bị mất hết không còn lại gì cả.

Những người đang ở thuê khi khai phá sản sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu vẫn đóng tiền nhà đều đặn vì tòa không bắt buộc phải kê tên chủ nhà như chủ nợ khác. Dù rằng vẫn phải khai tiền đóng cọc (deposit) nếu có nhưng tiền đó được kể như miễn trừ và tín viên thường chẳng để tâm đến. Trường hợp chậm trễ tiền nhà thường thì người chủ sẽ tìm cách trục xuất, nhưng khai phá sản sẽ tạm thời ngăn được việc trục xuất nhờ luật “tự động đình chỉ,” tuy nhiên phương cách này chỉ có hiệu quả hạn chế không kéo dài được vì chủ nhà sẽ xin tòa bãi bỏ quyền đình chỉ và chấp thuận cho trục xuất. 

Tóm tắt lại để quyết định khai hay không hoặc nên khai theo Chương 7 hoặc Chương 13, việc giữ được nhà hay không còn tùy theo các quy luật về khai phá sản. Nếu việc giữ lại ngôi nhà là điều quan trọng thì phải hiểu rõ quan niệm vế vốn liếng trong ngôi nhà đó cùng hiểu kỹ về miễn trừ gia cư và thủ tục xiết nhà như đã đề cập ở trên. Tương tự nếu muốn khai phá sản để tránh bị trục xuất thì nên để ý tới những giới hạn của luật “tự động đình chỉ.”

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ về số phận các tài sản đáng giá như xe cộ và các vật dụng quý khi khai phá sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.


10. Luật khánh tận: số phận những tài sản đáng giá khi khai phá sản

Sunday, July 20, 2014 3:06:03 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=191996&zoneid=120#.U_DRwvldWgE


Những ai khai phá sản không phải chỉ có nỗi lo lắng mất nhà mà còn thấy viễn ảnh mất tất cả mọi thứ được liệt kê là tài sản. Dĩ nhiên bất cứ người nào khi vỡ nợ cũng muốn giữ lại được sau nhà cửa là những món đáng giá như xe cộ, nữ trang hay các món đồ ưa chuộng khác. Bài này sẽ giúp tìm hiểu những món tài sản nào có nguy cơ không giữ được nhưng tại Hoa Kỳ điều đáng mừng đáng ghi nhận là từ trước tới nay rất ít ai bị mất hết tài sản khi khai phá sản.

Theo căn bản luật khánh tận, nếu dàn xếp nợ nần theo Chương 13 để trả dần theo hạn định thì không bao giờ sợ mất tài sản trừ phi tình trạng trả tiền chậm trễ tái diễn. Ngược lại nếu khai theo Chương 7 tín viên sẽ tóm thâu tất cả tài sản không miễn trừ (non-exempt) đem bán đi để thanh toán cho các chủ nợ mức tối đa có thể được rồi xóa hẳn số còn lại. Ngay lúc mới nộp đơn xin phá sản thì tất cả các vật sở hữu của người khai được gọi là tài sản khánh tận (bankruptcy estate). Người khai phải lập bản liệt kê “tài sản khánh tận” gồm một danh sách ghi tất cả các món không miễn trừ và một danh sách khác là những tài sản xin miễn trừ. 
Tài sản khánh tận gồm có tất cả những gì người khai làm sở hữu chủ và chiếm hữu thí dụ như nhà cửa, xe cộ, thuyền bè, quần áo, tư trang, máy móc điện tử gồm hệ thống điện toán, truyền hình, máy hát..., bàn ghế giường tủ, đồ nghề, tranh vẽ nghệ thuật, chứng chỉ cổ phiếu... Những vật dụng tuy không nắm trong tay nhưng có chủ quyền cũng được kể vào danh sách tài sản khánh tận thí dụ như đồ đạc xe cộ cho người khác mượn xử dụng, chứng chỉ cổ phiếu, tiền đặt cọc điện nước do trung gian đầu tư hoặc công ty cung cấp nắm giữ..., ngược lại không kể đến những gì đang chiếm hữu nhưng thuộc về người khác. Ngoài ra còn kể đến các tài vật tuy chưa có nhưng sẽ nhận được như tiền thuế bồi hoàn, tài sản kế thừa do di chúc để lại, tiền bồi thường bảo hiểm chưa được trả, tiền bán hàng hay dịch vụ đã cung cấp nhưng chưa được thanh toán (account receivable). Luật khánh tận được áp dụng khác biệt tại các tiểu bang theo luật tài sản cộng đồng là chín tiểu bang sau đây: Arizona, California, Idaho, Louisiana, Nevada, New Mexico, Texas, Washington, và Wisconsin. Tại các tiểu bang này các tài sản vợ chồng mua sắm lúc sống chung được kể như tài sản cộng đồng, có nghĩa là người chồng hay vợ dù khai vỡ nợ cá nhân nhưng những tài sản chung cũng vẫn bị kể là tài sản khánh tận dù người kia không đứng tên trong đơn khai. Chỉ có những tài sản nào người hôn phối đứng tên riêng thì mới không bị ảnh hưởng tới. Tại 41 tiểu bang khác không theo luật tài sản cộng đồng, tài sản khánh tận gồm có tất cả tài sản người khai đứng tên riêng cùng một nửa tài sản vợ chồng đứng tên chung. Thông thường tất cả các tài vật mới có được trong vòng 180 ngày sau khi khai sẽ không bị kể là tài sản khánh tận ngoại trừ những món sau đây bắt buộc phải khai lại với tòa là gia tài mới được để lại; tài sản do hôn nhân hay ly dị mới được chia phần; tiền bảo hiểm nhân thọ mới được bồi thường.

Ðể được phép giữ lại những tài sản miễn trừ trước hết phải lập một bản tổng kê tất cả tài sản đang có trong tay rồi ước tính giá trị từng món thành tiền theo thời giá. Thông thường luật sư có thể giúp thiết lập bản kê khai này sao cho lợi nhất để người khai mất càng ít càng tốt bằng cách khai giá thấp nhất có thể bán được ở chợ trời hay đăng báo quảng cáo. Nên nhớ ước lượng cho hợp lý và càng thấp bao nhiêu thì càng nhiều cơ may được giữ lại món đồ đó. Nếu có đứng tên chung với ai thì chỉ ước lượng phần trăm phần mình mà thôi. Ngoài ra chỉ nên tính giá trị món đồ đó theo vốn liếng, thí dụ một người mua một chiếc xe hơi hai năm trước đã bỏ ra $5,000 tiền mặt cùng vay nợ $20,000. Nếu chiếc xe hiện tại trị giá $15,500 và vẫn còn nợ $12,500 thì vốn liếng trong xe sẽ là $3,000 tính như sau: ($15,500 - $12,500 = $3,000) mặc dù đã bỏ $12,500 ra trả. Ngoài ra trong Luật Khánh Tận Liên Bang còn có một bảng liệt kê một số món được miễn trừ bất kể giá trị là bao nhiêu cùng một số món khác được miễn trừ theo giới hạn ấn định, có nghĩa là phần trị giá sai biệt hơn mức ấn định được kể như không miễn trừ phải nộp cho tín viên bán đi, nếu bán được đương sự nhận phần miễn trừ còn lại bao nhiêu tín viên mới phân phối trả cho các chủ nợ. Riêng ở California xe cộ được miễn trừ tới $5,100 vốn liếng có trong xe hoặc $4,850 vốn liếng nếu xe đó xử dụng chính yếu để đi làm ăn; miễn trừ tất cả các món sau: quần áo cần thiết, bàn ghế giường tủ, các đồ đạc máy móc gia dụng; $7,625 nữ trang hay các tác phẩm nghệ thuật quí giá; $7,625 sách vở và các dụng cụ làm việc cần thiết.

Trên thực tế rất ít người bị mất tài sản khi vỡ nợ ngoại trừ các loại sau đây mà tín viên rất “thèm” - nên lưu ý tìm cách chuyển tên trước khi có ý định khai phá sản nếu không muốn mất - đó là vốn liếng đã trả trong xe cộ; các loại nhạc cụ đắt giá như dương cầm; các hệ thống điện tử cao cấp tối tân; các bộ sưu tầm tem thư hay tiền xu hiếm hoi; các trương mục ngân hàng; cổ phiếu, công khố phiếu hay các loại đầu tư có hình thức khác; vốn liếng buôn bán; các tác phẩm hội họa hay điêu khắc đáng giá, nữ trang và y phục đắt tiền, bảo vật gia truyền... Riêng những khoản tiền hưu trí đặt dưới Luật Lợi Tức Ðầu Tư Hưu Bổng Cho Người Làm Việc ERISA (Employee Retirement Income Security Act) thí dụ như tiền hưu trí (pension) hay 401K đều an toàn không bị kể vào danh sách tài sản khánh tận, tuy nhiên có thể bị mất IRA. Ðể biết rõ trương mục hưu trí được ERISA bảo vệ hãy tham khảo với luật sư chuyên môn về khánh tận hoặc hỏi ban quản trị hưu trí (pension plan administrator) tại nơi làm việc của mình. Nếu có quá nhiều tài sản sợ không giữ lại được thì nên tính trước xem có thể đem bán những vật dụng không miễn trừ trước khi khai. Số tiền bán được sẽ dùng để mua lại tài sản miễn trừ sau này còn dùng làm vốn làm lại cuộc đời; hoặc để trả những món nợ không xóa được đã đề cập trong những bài trước. Trường hợp này phải cẩn thận đợi ít nhất 90 ngày sau khi trả rồi mới khai, hoặc đợi ít nhất một năm sau nếu là tiền trả cho thân nhân, bạn bè hay người cộng tác buôn bán. Nên tham khảo với luật sư để biết rõ tòa địa phương cho phép chuyển những khoản nào và chuyển cho ai để tránh bị tòa coi như cố ý lừa đảo (fraud) các chủ nợ. Ngoài ra có đôi lúc nợ nhiều quá tốt hơn hết “bỏ của chạy lấy người” đem nộp tài vật để thoát cảnh nợ nần, hoặc xoay xở nếu có thể mua lại từ tín viên các vật dụng bị tóm thâu mà muốn giữ lại. Có nhiều trường hợp đồ đạc không miễn trừ khó bán hay không bán được chắc chắn tín viên bỏ qua không đếm xỉa tới nữa và cuối cùng người khai vẫn giữ được món đồ đó.

Với các tài sản được thế chấp khi mua, nếu không trả được thì chủ nợ tài trợ sẽ tịch thu để bán đi mà trả món nợ đó, người khai phải giao hoàn (surrender) để giải nợ. Người khai còn có quyền “mua lại” món đồ (redeem property) thay vì để chủ nợ xiết đi và món đồ sau khi mua lại không còn kể là đồ thế chấp nữa. Quyền “mua lại” chỉ áp dụng cho các hiện vật cá nhân chứ không được kể đến những tài sản không hiển thị (intangible property) hay tài sản thương mại. Chót hết nếu muốn giữ những món đồ có thế chấp không bằng cách trên thì phải tái xác nhận món nợ (reaffirm the debt) có nghĩa là đồng ý giữ món nợ và có bổn phận trả hàng tháng như trước khi khai phá sản. Trong thực tế một khi vỡ nợ không ai muốn xác nhận lại nợ cả vì chẳng những không giải tỏa được gì mà còn kẹt cứng thêm sau này khi món đồ cũ kỹ hay lỗi thời vô giá trị. Sau khi tòa đã cho xóa nợ luật sư của các chủ nợ thường vẫn hay gửi thư kèo nài đề nghị tái xác nhận. 

Những ai gặp trường hợp này chớ dại nhận lời tái xác nhận mà nên tham khảo với luật sư của mình.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ về cách xóa các món nợ không thế chấp như nợ các thẻ tín dụng. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 

 


 

11. Luật khánh tận: Hậu quả khai phá sản với việc làm, gia đình và tâm lý

Sunday, August 03, 2014 1:41:18 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=192770&zoneid=120#.U_DRM_ldWgE


Nhiều đồng hương Việt Nam trên đất Mỹ không may bị rơi vào tình trạng nguy ngập về tài chánh vì gặp rủi ro như mất việc, buôn bán thua lỗ, ly dị... có nghĩ đến giải pháp khai phá sản nhưng ngần ngại phân vân không biết hậu quả sẽ ra sao e rằng xấu nhiều hơn tốt, rủi nhiều hơn may. Thực ra Luật Khánh Tận chính là cứu tinh cho những người sa cơ lỡ vận giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời nên hoàn toàn không có ảnh hưởng bất lợi cho người khai về phương diện công ăn việc làm, gia đình con cái cũng như tâm lý riêng trong xã hội. 

Trước nhất về ảnh hưởng đối với công việc, luật liên bang Hoa Kỳ có xác định rằng chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương không được kỳ thị bất cứ nhân viên công quyền nào vì lý do phá sản để giáng chức, giáng cấp, giảm lương hay hạ tầng công tác. Ðối với tư nhân luật khánh tận cũng cấm chỉ tất cả các chủ nhân các hãng xưởng, công ty không được sa thải hay trừng phạt công nhân vì lý do vỡ nợ. Trong thực tế nếu theo Chương 7 rất ít chủ nhân biết người làm của mình khai phá sản ngoại trừ trường hợp duy nhất là bị chủ nợ kiện bắt xiết lương và Tòa Khánh Tận đối lại ra án lệnh đình chỉ không cho xiết. Vụ này thường chỉ có người phụ trách lương bổng biết chuyện nhưng theo quy luật chung của ngành quản trị nhân viên giới chức này không được phép tiết lộ với ai. Mặt khác nếu khai theo Chương 13 một số chủ nhân chỉ biết đến việc khai phá sản của thuộc cấp do tòa ra án lệnh cho hãng trừ thẳng vào lương số tiền chấp thuận cho trả hàng tháng. 

Nhiều nghề nghiệp cần điều chuẩn an ninh (security clearance) thí dụ như nhân viên công lực, FBI, CIA, người đảm nhận chức vụ quốc phòng quan trọng hoặc nhân viên các hãng tư có hợp đồng với chính phủ, việc khai phá sản có thể ảnh hưởng đến kết quả điều chuẩn an ninh do nghi vấn những người tiền bạc thiếu hụt thường dễ bị đe dọa bắt chẹt (black mail) nên khi khai phá sản giải quyết sạch nợ thì nguy cơ ấy cũng giảm đi. Khi đi xin việc mới, tuy luật khánh tận cấm các chủ nhân hãng xưởng hay công ty không được sa thải hay từ chối không mướn do khai phá sản, nhưng họ có thể lấy cớ khác vì chủ nhân khi tuyển mộ nhân viên thường có lệ yêu cầu cho kiểm tra tín dụng (credit check). Trường hợp này tốt hơn hết nên thành thật tiết lộ tình trạng đã khai phá sản và đặt câu hỏi với nơi tuyển dụng ngay lúc phỏng vấn để biết rõ có ảnh hưởng đến việc mới hay không. Thông thường sự ngay thẳng sẽ có lợi hơn là để họ thâu nhận rồi sau đó truy ra hồ sơ tín dụng xấu có thể đem đến kết quả không thuận lợi. 

Về vấn đề kỳ thị người khai phá sản, Luật Khánh Tận cũng cấm chỉ tất cả các cơ quan công quyền lẫn các hãng xưởng tư nhân không được bạc đãi một người vì lý do vỡ nợ , thí dụ như chính quyền không được khước từ hay cắt trợ cấp xã hội, từ chối hoặc trục xuất ra khỏi gia cư công cộng (public housing), không tái cấp phát môn bài buôn bán rượu, không cho phép tham gia chương trình tài trợ địa ốc của tiểu bang, không cấp phát học bạ đại học (college transcript), khước từ cấp bằng lái xe, từ chối không bảo đảm tiền sinh viên vay đi học (student loan). Nói chung một khi một món nợ đã được tòa án giải tỏa thì tất cả mọi liên quan đến món nợ ấy cũng phải chấm dứt. Các món nợ tư nhân không được cởi mở hơn nợ chính phủ tuy không đuổi việc hay trừng phạt công nhân vì vỡ nợ nhưng họ vẫn có quyền hợp pháp khi khước từ gia cư hay không cấp học bạ.

Về ảnh hưởng Luật Gia Ðình đối với người được nuôi con trong các vụ ly dị, từ trước tới nay chưa hề bao giờ có trường hợp nào bị mất quyền giữ con vì khai phá sản. Ly dị (hay ly thân) và phá sản là hai việc ngày nay thường dính dấp với nhau nên các vị thẩm phán Tòa Khánh Tận đều có kinh nghiệm với luật gia đình, hay ngược lại các chánh án tòa ly dị cũng rất rành rọt với luật khánh tận, do đó hai vấn đề này bao giờ cũng được xử riêng rẽ dù rằng một người có thể vừa ly dị và vừa khai phá sản cùng một lúc. Không nên bận tâm vì sợ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tới tình trạng giám hộ con cái.

Tại Hoa Kỳ mọi người đều quen với nếp sống tự do nên có nhiều người sợ rằng vỡ nợ sẽ bị tù tội, điều này không bao giờ xảy ra vì khai phá sản không phải là vi phạm hình sự trừ trường hợp man khai. Trong đơn nộp cho tòa án bao giờ cũng có câu tuyên thệ khai đúng sự thật, nếu ai chủ tâm gian dối, thí dụ như giấu không khai ra hết tất cả tài sản cùng giấy tờ liên hệ đến tình trạng tài chánh hiện tại, khai bớt tài sản không miễn trừ hoặc tệ hơn dùng số an sinh xã hội giả che giấu tung tích thật, tất cả những hành động đó được coi là lừa đảo (fraud) sẽ bị truy tố theo hình luật. Rất hiếm trường hợp bị tù tội vì man khai dù rằng gần đây số người bị truy tố có gia tăng. Một người ở Massachusett bị tù vì giấu không khai trong danh sách tài sản khánh tận một căn nhà chung cư condo và một số nữ trang trị giá $26,000. Một người khác ở Alaska cũng bị truy tố vì giấu không khai một số kim cương và nữ trang quí. Những thí dụ trừng phạt trên đã nói lên mục đích rõ ràng của luật khánh tận để giúp cho những người lương thiện bất hạnh không may sa cơ thất thế bị lún sâu vào vòng nợ nần có một cơ hội thứ hai khởi sự lập lại cuộc đời. Các thẩm phán Tòa Khánh Tận đương nhiên sẽ không hỗ trợ cho những kẻ muốn lợi dụng pháp luật để lừa bịp sau này thành hậu hoạn tiếp tục lộng hành với tầm lớn hơn.

Sau khi khai phá sản người khai hoàn toàn được tự do dọn nhà, thay đổi việc làm, hay ly dị. Nếu đổi chỗ ở chỉ cần thông báo địa chỉ mới cho tín viên nếu vụ khai chưa kết thúc. Nếu dọn đi vì lý do bán nhà theo Chương 13 thì tín viên có thể lấy một phần tiền bán thanh toán cho các chủ nợ. Thay đổi việc làm không có ảnh hưởng khi khai theo Chương 7, chỉ phải báo cho tín viên sở làm mới nếu khai theo Chương 13 để được chuyển lệnh khấu trừ vào lương sang hãng mới. Tại Hoa Kỳ ly dị lúc nào cũng được dù đang khai phá sản mà không ai có quyền cấm đoán. Nếu khai phá sản theo Chương 7 mà muốn ly dị thường thì vụ phá sản kết thúc rất nhanh trước cả vụ ly dị. Tuy nhiên cả hai vợ chồng cùng đứng tên khai theo Chương 13 thì có thể gặp một vài rắc rối phức tạp nếu muốn tiếp tục vụ khai phá sản lẫn ly dị. Luật Khánh Tận ấn định điều kiện để được khai chung bắt buộc phải là vợ chồng, do đó nếu ly dị sẽ không còn hội đủ điều kiện nữa và tòa sẽ bãi bỏ vụ khai. Trường hợp đặc biệt tín viên cũng có thể cho tiếp tục khai theo Chương 13 nếu cả hai người đồng ý chỉ ly thân để tiếp tục vụ khai và cùng trả nợ chung cho đến khi vụ khai kết thúc hoàn tất thì lúc đó sẽ điều chỉnh lại tình trạng thành ly dị. Khi khai phá sản chỉ có các chủ nợ và các nghiệp vụ liên hệ được biết đến nội vụ, ngoài ra rất hiếm người khác được biết ngoại trừ những người được đương sự nói cho biết hoặc những người có lý do lấy được báo cáo tín dụng của người khai. 

Một số người bị mặc cảm thường sợ vỡ nợ sẽ làm mất danh giá. Hoa Kỳ là một xứ văn minh có nếp sống cao trong một nền kinh tế phồn thịnh, việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ tiện nghi xa xỉ dễ dàng, phần đông sống thoải mái với lối “mua trước trả sau” do vay nợ ngân hàng và tín dụng không khó khăn. Từ nhà cửa, xe cộ hay các nhu cầu tiện nghi khác tất cả có thể được tài trợ mua trả góp, ai có công ăn việc làm bình thường đều sẽ đủ khả năng trả nợ hàng tháng. Không may bất chợt gặp tai họa bất thường như đau ốm, mất việc, buôn bán thua lỗ khiến cho khả năng trả góp bị đứt đoạn đưa đến tình trạng nợ nần ngập đầu dồn vào đường cùng. Nếu không có luật khánh tận đến như cứu tinh cho cơ hội lập lại cuộc đời thì biết bao thảm kịch đau thương có thể xảy ra. Như vậy việc khai phá sản tìm lối thoát là điều không có gì làm cho lương tâm phải áy náy. Hơn thế các ngân hàng khi cấp thẻ tín dụng đã tính trước mức thiệt hại do một số người dùng thẻ bị phá sản vào chi phí thương vụ nên đã gia tăng trội thêm lãi suất bù lại. Trong thực tế ngân hàng và các công ty cấp thẻ tín dụng vẫn phát triển rất thịnh vượng, cổ phiếu lên giá vùn vụt cho dù mức khách hàng vỡ nợ có gia tăng, sự kiện này chứng minh rằng lợi tức đem về của các cơ sở này rất cao. Luật khánh tận đặt căn bản trên tinh thần tha thứ hơn là trừng phạt thực sự rất hữu ích cho toàn dân trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Hiển nhiên luật này đã cứu sống nhiều mạng người khỏi tự vận vì nợ và giảm thiểu số nạn nhân có thể trở thành vô gia cư vì mất nhà mất việc. 

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ về thủ tục khai theo Chương 7 và Chương 13 cùng những phương cách giải quyết nợ nần khác nếu không muốn khai phá sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 


12. Luật khánh tận: Giải pháp thay thế khai phá sản 

Sunday, August 10, 2014 1:52:19 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193154&zoneid=269#.U_DNXPldWgE


Qua những bài trước chúng tôi đã trình bày khái niệm Luật Khánh Tận Hoa Kỳ như vị cứu tinh giúp giải thoát những người lâm vào cảnh khó khăn về tài chánh bị khốn khổ vì không trả được nợ hay trả không kịp. Hầu hết những trường hợp bất hạnh này thường bắt đầu do một hoàn cảnh nào đó xảy ra khiến mức lợi tức hàng tháng không đủ để trả các phiếu nợ (bills) trong tháng đó đưa đến tình trạng sớt đầu này trả đầu kia, thâm thủng tiền tiết kiệm hoặc rút tiền ứng trước từ các thẻ tín dụng nên càng lún sâu thêm vào vòng nợ nần.

Nếu tình trạng không cải tiến có nghĩa là không phục hồi lại được mức quân bình giữa lợi tức và tiền nợ hàng tháng dĩ nhiên sẽ đưa đến tình trạng trả chậm không bắt kịp ngày đáo hạn. Sau khi chậm hai ba kỳ thì phản ứng đầu tiên của các nguồn tài trợ hay chủ nợ là gọi điện thoại tới tấp thúc giục, đôi khi kèm theo lời cảnh cáo hay dọa dẫm thi hành thủ tục xiết nợ (collection process) với những biện pháp cứng rắn hơn.

Dĩ nhiên trước tình thế này ai cũng nghĩ tới phá sản nhưng quyết định này là một điều rất khó nghĩ vì hầu hết mọi người thường do dự không biết nên buông xuôi “bỏ của chạy lấy người” nhờ luật pháp giúp giải thoát xóa bỏ tất cả để làm lại cuộc đời hay nên tìm cách khác “quyết chiến” chống lại khủng hoảng, phục hồi tình trạng bình thường hòng cứu vãn nguy cơ mất trắng tất cả công khó xây dựng nhiều năm. 

Ðể đi đến quyết định quan trọng này trước hết phải kiểm điểm lại tình trạng tài chánh thực sự của mình một cách chính xác với tổng số nợ cùng lợi tức hàng tháng hiện có hay những khoản tiền có thể bán những tài sản đáng giá để trả nợ. Tùy theo loại nợ và nếu nợ quá nhiều không có cách nào trả được thì bắt buộc phải phá sản để thoát nợ. Nếu tổng số nợ không thế chấp không quá lớn và còn một ít lợi tức cầm cự được không đáng để khai vỡ nợ thì có thể để ý đến phương sách tìm giải pháp thay thế (alternatives) trình bày sau đây. 

Ngân sách tiêu chuẩn của một người trong tình trạng bình thường phải hội đủ ít nhất 35% chi cho nhà cửa, 15% cho xe cộ, 15% cho nợ nần, 10% tiết kiệm để dành và 25% cho mọi chi tiêu khác. Dĩ nhiên gặp hồi tài chánh khủng hoảng mức tiền trả nợ chiếm 100% ngân sách cá nhân hay nhiều hơn nữa, do đó trườc hết phải trừ ra chi phí sinh sống căn bản kể cả tiền nhà và tiền xe cộ rồi phần còn lại mới tính tất cả nợ trong vòng ba năm liệu có thể trả dứt với lãi xuất hiện hành không? Không nên tính trả các thẻ tín dụng mức tối thiểu (minimum payment) mà phải tính trả dứt hẳn với lãi xuất hiện hành, ngoài ra còn xét xem những biện pháp có thể thực hiện được như giảm bớt khoản chi nào hay tăng lợi tức bằng cách kiếm việc làm phụ thêm hoặc bán đi những món tài sản có giá trị để trả nợ.

Cần nhấn mạnh không nên tính rút những trương mục hưu bổng như 401K để thanh toán nợ vì theo luật các ngân khoản hưu trí được miễn trừ, các chủ nợ không mó tới được. Những khoản tiền này một khi rút ra để xài thì rất khó có thể gây dựng lại được và quan trọng hơn cả nếu rút tiền hưu trí để trả nợ sẽ tạo ra nợ mới dưới hình thức thuế lợi tức và tiền phạt vì rút sớm, ý định thoát nợ cũ sẽ biến thành buộc nợ mới mà chủ nợ mới sẽ là sở thuế IRS thay vì các chủ nợ hiện tại.

Trường hợp những người có nợ không lớn quá hay có thể tìm cách bán bớt tài sản để trả nợ thì biện pháp tốt hơn hết là thương thảo với chủ nợ. Thương thảo là một hình thức “câu giờ” mua thời gian trả nợ dần để bắt kịp lại số tiền đã trả chậm. Thông thường khi người nợ chậm trả tiền hai hay ba tháng thì các chủ nợ miễn cưỡng phải áp dụng thủ tục đòi nợ mà họ không muốn vì tốn kém, do đó để tránh thiệt hại này họ thường cho người điện thoại tìm gặp người nợ mở lời sẵn sàng chấp nhận cho giảm mức tiền trả hàng tháng hay gia hạn thời gian trả, miễn tiền phạt trả chậm hay điều chỉnh tình trạng để giúp trở lại bình thường. Sự thành công trong việc thương thảo tùy thuộc vào từng loại nợ, thời gian chậm trễ bao lâu, và còn tùy theo đường lối của từng chủ nợ.

Sau khi lập bảng chiết tính ngân sách cá nhân nếu kiểm điểm lại thấy có đủ sức trả dứt tất cả nợ nần trong vòng ba năm với mức lãi xuất hiện tại thì không cần phải khai phá sản mà nên dùng “giải pháp thay thế.” Theo giải pháp này người nợ có thể nhờ đệ tam nhân bên ngoài giúp điều hành việc trả nợ mà thịnh hành nhất là dùng các tổ chức có tên “Cố Vấn Tín Dụng Tiêu Thụ” (Consumer Credit Counselor) hay nôm na gọi là “dịch vụ gom nợ” (debts consolidation service) hoặc tương tự. Những tổ chức này thường có danh nghĩa bất vụ lợi có nghĩa là phục vụ miễn phí cho thân chủ. Tuy không lấy tiền của người nợ nhưng họ được các nguồn tài trợ lớn như ngân hàng, hãng cấp thẻ tín dụng hay các cửa hàng bách hóa danh tiếng đài thọ với mục đích giúp người nợ dễ dàng trả nợ qua cơn túng bấn khỏi phải khai phá sản với hậu quả rũ nợ gây thiệt thòi cho chủ nợ nhiều khi mất hết cả vốn lẫn lãi. Ðiều kiện để dùng được dịch vụ này phải có một số lợi tức hay lương bổng tối thiểu để trả theo một số phần trăm đã ấn định.

Trong buổi tiếp xúc đầu tiên người đại diện dịch vụ hoặc cố vấn (counselor) yêu cầu thân chủ đóng một lệ phí nhỏ khoảng $20 và mang đến cho họ tất cả các phiếu nợ mới nhất để lập bảng chiết tính xem lợi tức hàng tháng tối thiểu có đủ trả được mức ấn định hay không. Nếu thấy đủ điều kiện thi hành được họ sẽ lập “chương trình điều hành nợ” (debt management program) là một bản danh sách các trương mục nợ, số tiền nợ cùng số tiền tối thiểu hàng tháng phải trả là bao nhiêu rồi tổng cộng tất cả lại thành một khoản tiền theo đó thân chủ ký nhận đồng ý nộp trực tiếp hàng tháng và phải nộp đúng ngày cho tổ chức này để họ phân phối theo danh sách đã ấn định sau khi trừ tiền phần trăm hoa hồng. Sau đó họ điều đình với các chủ nợ, người nợ không còn phải trả cho các nơi này nữa mà hàng tháng chỉ trả một lần cho tổ chức này để họ trả các chủ nợ cho đến khi mãn nợ. Ngoài bổn phận nộp tiền hàng tháng người nợ không bị ràng buộc gì khác và cả hai bên người nợ lẫn chủ nợ có quyền ngưng hay hủy bỏ chương trình bất cứ lúc nào.

Tham gia các chương trình điều hành nợ cũng tương tự như khai phá sản theo Chương 13 nhưng có lợi điểm là không bị án tòa ghi “khánh tận” vào hồ sơ công khố mà có ảnh hưởng tín dụng 10 năm và cũng có lợi điểm ngưng được các hành động đòi nợ. Có điều bất lợi nếu sau này chậm không trả nổi thì các chủ nợ sẽ tái diễn thủ tục đòi nợ và chương trình này không có quyền lực pháp lý gì để bảo vệ người nợ; chủ nợ hay nguồn tài trợ có thể thay đổi ý kiến hủy bỏ bất cứ lúc nào để tiếp tục áp dụng thủ tục đòi nợ hay thưa kiện ra tòa xin xiết nhà, xiết đồ. Hơn thế nữa theo chương trình này người nợ vẫn phải trả trọn số tiền nợ cho đến khi sạch hẳn nhiều khi kéo dài một thời gian vô hạn định. Thông thường chỉ nên dùng “biện pháp thay thế” để vượt qua một thời kỳ khó khăn ngắn hạn mà người nợ có khả năng phục hồi trở lại tình trạng bình thường mau chóng với số nợ nhỏ tương đối có thể trả sạch trong thời gian ngắn, thích hợp nhất với loại nợ thẻ tín dụng.

Các “dịch vụ điều hành gom nợ” thường bị chỉ trích là sống nhờ vào tiền ủng hộ của chủ nợ nên có khuynh hường không chú trọng đến những món nợ chính yếu có thế chấp mà lại dành ưu tiên cho các nợ không thế chấp có thể xóa được nếu phá sản (vì được tài trợ nhiều hơn) khiến cho thân chủ không được giải thoát nợ mà cuối cùng nợ đâu vẫn hoàn đó. Vì lý do ấy Ủy Viên Thương Mại Tiêu Thụ Liên Bang (Consumer Federal Trade Comission) qui định bắt buộc các tổ chức này phải tiết lộ cho các thân chủ biết rõ rằng có nhận hoa hồng của các chủ nợ. Ngoài ra phải cố vấn rõ người nợ liệu có đủ khả năng để theo chương trình này cho đến khi sạch nợ hay nên khai phá sản.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với ý kiến cân nhắc quyết định nên khai phá sản theo chương nào cho có hiệu quả nhất trong trường hợp bất khả kháng không tìm được giải pháp nào hơn. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 


13. Luật khánh tận: Những điều cần biết trước khi định phá sản 


Sunday, August 17, 2014 2:30:18 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193515&zoneid=269#.U_Xf__ldWgE

Thông thường theo tâm lý chung chẳng mấy ai nghĩ đến giải pháp phá sản ngay lúc mới bắt đầu gặp khó khăn tài chánh. Phản ứng đầu tiên của họ là cố gắng thu xếp vay mượn quanh - dễ nhất là rút tiền ứng trước từ các thẻ tín dụng trong tay hoặc vay bạn bè, thân nhân để đắp điếm thiếu hụt qua ngày - hy vọng sẽ mau thoát cơn bỉ cực mong tới tuần thái lai. Không phải ai cũng may mắn qua khỏi, trái lại phần nhiều càng lún sâu thêm vào nợ đến khi không còn chống đỡ nổi lúc đó mới có ý định khai khánh tận nên nhiều khi vội vàng vướng phải những trở ngại khiến nợ không được giải, nhiều khi còn gặp rắc rối phiền phức. Ðể đạt được kết quả tốt đẹp trong mục tiêu tìm đường giải thoát nợ, sau đây là vài điều cần chú ý cho những ai có dự định khai phá sản. Trước hết ngay lúc bắt đầu gặp biến cố đưa đến khủng hoảng tài chánh thí dụ như bị mất việc chẳng hạn, thì nên kết toán ngay tình trạng nợ nần của mình xem có đáng khai phá sản hay không. Chính lúc này nên tham khảo với dịch vụ điều hành nợ lấy ý kiến thi hành giải pháp thay thế. Nếu lợi tức thực tế lúc đó quá ít, thí dụ như chỉ trông vào số tiền thất nghiệp khiêm nhượng không đủ chi dụng tối thiểu cho sinh kế thì nên lập ngay kế hoạch phá sản. Hãy phân loại những nợ nào giải được và nợ nào không thể giải, nhưng không nên khai gấp ngay trong vòng 90 ngày để có thời gian hoạch định cho chu đáo. Lúc này cố dồn nỗ lực trả các loại nợ không xóa được thí dụ như nợ thuế, nợ tài sản có thế chấp, hay tiền trợ giúp gia đình; đồng thời đừng trả các món nợ không thế chấp như thẻ tín dụng. Nếu tất cả các món nợ đều không thế chấp thì đây là dịp tốt nên ngưng trả các khoản nợ này mà dùng tiền đó gom thành một số vốn nhỏ dùng để khởi sự lại cuộc sống mới sau khi thoát nợ.

Thông thường nếu khai khánh tận loại “không tài sản” thì tín viên do tòa chỉ định cũng dễ dãi không soi mói mà bỏ qua hầu hết mọi khoản nợ không thế chấp hay những món nợ nhỏ; họ thường chỉ chú trọng đến nợ lớn như bất động sản chẳng hạn. Tuy nhiên tránh đừng rút tiền mặt ứng trước (cash advance) từ các thẻ tín dụng với số tiền trên $1,075 trong vòng 60 ngày trước khi khai vì nếu gặp tín viên loại “hóc búa” họ có thể soi mói và kết tội cố ý gian lận (fraudulent) để không cho xóa nợ. Sau khi quyết định khai phá sản (tính ngay từ lúc tìm tham khảo luật sư) phải tuyệt đối ngưng sử dụng các thẻ tin dụng, mọi thứ nên mua bán bằng tiền mặt để không bị khiếu nại là có ý định không trả nợ mà còn cố ý dùng thẻ. Nếu dính dáng đến nợ thuế thì nên hỏi rõ ràng thuế nào ưu tiên nhất để xin gia hạn trả. Tuyệt đối không bao giờ đi vay nợ mới để trả nợ thuế vì những nợ mới vay sẽ không được xóa và kể như nợ thuế.

Các tài sản miễn trừ là những thứ người phá sản được giữ lại sau khi khai. Luật khánh tận có qui định rằng tất cả mọi người khi khai vỡ nợ đều được giữ những tài sản căn bản cần thiết cho nhu cầu sinh sống bắt đầu làm lại cuộc đời mới. Những tài sản này được gọi là “tài sản miễn trừ” (debtor's exempt property). Trước khi khai nhiều người lo rằng sẽ bị lấy đi tất cả vật dụng sở hữu cá nhân cùng các đồ gia dụng. Trong thực tế phần đông các vụ khai theo Chương 7 thuộc loại “khánh tận không tài sản” có nghĩa là người nợ sẽ không phải giao nộp gì hết cho tín viên vì phần nhiều những vật dụng cá nhân và đồ gia dụng đều là đồ cũ đã xài rồi chẳng có giá trị mấy khi đem bán. Những đồ vật này không được kể là nguồn lợi tức để trả cho các chủ nợ. Hơn nữa hệ thống miễn trừ cho phép người nợ được quyền giữ lại các vật dụng làm phương tiện sinh sống độ nhật nên các chủ nợ không được phép đả động tới. Mục đích chính của luật khánh tận là giúp những người bị nợ ngập đầu được giải thoát cho có cơ hội khởi sự làm lại cuộc đời mới, do đó ý nghĩa này chỉ thực hiện được khi cho họ có ít nhiều phương tiện tạo dựng. Trong nhiều gia đình những ngân khoản hưu trí được kể là lớn nhất nhưng không bị liệt kê trong danh sách “tài sản khánh tận,” vì lẽ đó người nợ không phải bắt buộc kê khai xin miễn trừ. 

Giá trị của các tài sản miễn trừ được tính theo giá thực tế có thể bán ra chứ không phải theo giá lúc mua hay giá bán của món đồ tương đương mới ngoài thị trường hay nói cách khác là tính theo giá tối đa có thể bán được ngoài chợ trời. Nếu tài sản khánh tận là tài sản chung với người khác (vợ chồng, thân nhân hay bạn bè) thì luật pháp chỉ tính đến phần giá trị vốn liếng tương đối của người phá sản. Nếu tài sản đó còn nợ thế chấp hay nợ buộc thì giá trị của tài vật đó là vốn liếng còn lại sau khi khấu trừ số tiền nợ phải trả. Nên tham khảo kỹ với luật sư vì có vài loại nợ buộc có thể bãi bỏ được để kể như tài sản miễn trừ thoát khỏi tầm tay của các chủ nợ. Cũng nên hỏi luật sư trường hợp có quá nhiều tài sản không miễn trừ nên tìm cách nào chuyển được thành miễn trừ. Các tòa khánh tận tùy các tiểu bang nhận định khác nhau về tiêu chuẩn khai phá sản hợp lệ hay có man khai để trốn nợ, theo đó các tài sản miễn trừ kê khai đều được chấp nhận; còn hành động khai gian tìm cách trốn nợ sẽ bị khước từ không cho giải nợ. Do đó nếu tài sản của người nợ nhiều hơn mức miễn trừ do tiểu bang sở tại ấn định thì nên tìm luật sư chuyên môn chỉ dẫn nếu có thể tiêu thụ hay chuyển thành miễn trừ theo tiêu chuẩn của tòa địa phương. Dĩ nhiên nếu có nhiều tài sản không miễn trừ thì nên khai theo Chương 13 có lợi hơn là khai theo Chương 7. 

Luật sư cũng đặc biệt để ý cẩn thận những giấy tờ, hồ sơ liên quan đến tình trạng tài chánh của thân chủ một cách chính xác vì tòa có thể từ khước không cho giải nợ nếu khám phá ra bằng chứng hoán chuyển, giấu giếm, hay tiêu hủy những hồ sơ tài chánh liên hệ; hoặc tuyên thệ man trá cũng như có hành động gian dối không chứng minh được các hồ sơ về tình trạng tài chánh khi tòa hỏi đến. Nếu bị từ khước tín viên sẽ thẳng tay tịch thu và thanh toán tất cả tài sản hiện hữu để trả cho các chủ nợ, do đó người nợ sẽ bị mất hết tất cả tài sản không miễn trừ cùng mất luôn cơ hội thoát khỏi nợ nần. Dĩ nhiên khi bị xử từ khước giải nợ thì tòa chẳng nương tay vì từ khước là biện pháp trừng phạt những con nợ thiếu thành thật cố ý quỵt nợ. Tuy nhiên từ trước tới nay những người khai báo toàn bộ tài sản và quá trình tài chánh của mình một cách rõ ràng thì không bao giờ gặp trở ngại nào cả trong việc phá sản.

Một điều phải cẩn thận tránh trước đừng để bị kết tội “trả nợ cảm tình.” Trong vòng 90 ngày trước khi khai phá sản nhiều người nợ cố thanh toán tiền vay của thân quyến hay bạn bè vì không muốn họ bị mất mát trong vụ khánh tận. Tín viên nếu tra hỏi biết được sẽ cho là bất công nên xin án tòa tịch thu lại để chia cho mọi chủ nợ. Trả cho người này mà không trả cho người khác thực ra không mấy ảnh hưởng với người nợ, nhưng chủ nợ được trả sẽ thiệt thòi vì bị mất hết. Ðể tránh hậu quả này nên lập dự định trả sớm, tín viên sẽ không có quyền thắc mắc các khoản trả trước 90 ngày. Tuy nhiên án phí kiện xin đòi lại tiền trả cảm tình thường tốn kém nên tín viên chẳng mấy khi hỏi tới trừ phi là món tiền lớn đáng kể bạc ngàn trở lên. Ðối với những chủ nợ “quen” không muốn xóa nợ thì người phá sản có thể tái xác nhận nợ sau khi đã khai thay vì trả trước, hoặc tự nguyện giữ nợ tiếp tục trả mà không cần đến án tòa.

Trước khi dự định khai phá sản cũng phải lo rút hết những tiền ký thác trong các trương mục ngân hàng nơi cho vay nợ hay nơi cấp thẻ tín dụng vì ngân hàng đó có quyền xiết tiền gởi trong bất cứ trương mục nào để bù vào số tiền thiếu nợ. Vì vậy nên khôn ngoan đừng bao giờ mở trương mục ký thác cùng với nơi cấp thẻ tín dụng. Dù không có luật nào cho ngân hàng xiết tiền ký thác của người phá sản, nhưng tốt hơn hết nên rút ra rồi giao cho thân nhân mở trương mục mới ở ngân hàng khác trước khi định khai khánh tận để khỏi ân hận vì rắc rối kiện thưa sau này.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với phân tích từng loại nợ trước khi khai phá sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.


14. Luật khánh tận: Nợ thuế khi phá sản

 
Sunday, August 24, 2014 2:15:07 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193918&zoneid=269

Trong những bài báo trước chúng tôi đã trình bày Luật Khánh Tận Hoa Kỳ với những loại nợ có thể và không thể giải được (hay xóa được). Trong tất cả các loại nợ thì nợ thuế có vẻ rắc rối hơn cả vì người khai phá sản gặp phải một chủ nợ đáng nể nhất đó là Cơ Quan Thuế Vụ Liên Bang IRS. Tuy nhiên dù nợ thuế có khó giải đến mấy trong nhiều trường hợp luật khánh tận vẫn có thể trợ giúp cứu vớt người phá sản trên nhiều khía cạnh, trước hết với điều khoản “tự động đình chỉ” tòa án ngăn cản không cho cơ quan IRS dùng biện pháp mạnh để đòi nợ thuế kể cả việc xiết lương bổng và tịch thu nhà cửa. Có một vài loại thuế có thể được giải hẳn theo Chương 7 kể cả nợ chính lẫn tiền lãi cùng tiền phạt. Còn những loại thuế khác không được Chương 7 xóa thì được Chương 13 dàn xếp cho trả dần mà không bị đánh tiền lời.

Phương thức hữu hiệu giúp giải nợ thuế khi khai phá sản tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nợ loại thuế nào, thời gian nợ thuế lâu mau, có khai thuế (tax return filed) hay không khai, và sau hết khai phá sản theo chương nào. Nói chung những loại nợ thuế lợi tức cá nhân không thế chấp đã kéo dài quá ba năm trước từ ngày khai thuế đến ngày khai phá sản trong điều kiện thuế khai đúng hạn hàng năm và không gian lận thì đều được xóa hoàn toàn dù khai theo Chương 7 hay Chương 13.

Trong các loại nợ thuế có một loại rõ rệt không bao giờ có thể giải hay xóa được gọi là thuế ưu tiên (priority taxes). Thuế ưu tiên gồm có các khoản thuế đã khai trong vòng 240 ngày hay các khoản nợ thuế đáo hạn trong vòng ba năm trước ngày khai phá sản. Ngoài ra những thuế tuy chưa xác nhận nhưng vẫn có thể ấn định được trong lúc khai phá sản cũng đều được xếp vào loại thuế ưu tiên do đó cũng không giải được. Thuế ưu tiên bao giờ cũng thoát không xóa theo Chương 7 cho đến độ nhiều khi tín viên tòa khánh tận sau khi thanh toán trọn tài sản của người khai cũng không đủ trả cho thuế ưu tiên, cuối cùng không còn lại gì hết để trả cho các chủ nợ khác. Nếu khai theo Chương 13 thuế ưu tiên cho trả góp hàng tháng và phải trả đủ trong suốt chương trình trả nợ không được bớt đi đồng nào. Tiền lãi đã tính trên số nợ thuế trước đó thì được kể như không có ưu tiên nên người khai chỉ phải trả một phần nhỏ giống như các món nợ không thế chấp và không bị tiếp tục chịu lãi mới sau thời gian đã khai phá sản. Khi chương trình trả nợ theo Chương 13 đã hoàn tất và chấm dứt thì phần tiền lãi chưa trả hết cũng được xóa luôn không còn ảnh hưởng gì nữa.

Ðối với các trường hợp không khai thuế hay mới khai thuế trong vòng hai năm trước khi phá sản thì thuế này dĩ nhiên không xóa được theo Chương 7. Tuy nhiên có thể xóa nợ được theo Chương 13 nếu thời gian nợ tính từ lúc đầu tiên ngày thuế đáo hạn phải trả cho đến ngày khai phá sản mà quá ba năm và không bị ấn định số tiền thiếu thuế trong vòng 240 ngày. Thông thường IRS coi như mọi người ai cũng phải có bổn phận khai thuế mỗi năm một lần ít nhất trong vòng ba năm gần nhất của hạn thuế ưu tiên. Mỗi khi khai thuế tiền thuế phải đóng năm đó đương nhiên được xác định trong tờ khai thuế. Phải chú ý đến nhiều trường hợp khai thuế lâu trước cả năm thay vì có thể được giải theo Chương 13 nay vô tình bỗng trở thành nợ ưu tiên không xóa được vì lý do nằm trong vòng 240 ngày trước lúc phá sản, do đó nên thận trọng tham khảo luật sư chuyên môn để được hướng dẫn khai sao cho phù hợp với luật lệ để có thể giải nợ được.

Nên lưu ý rằng điều khoản kể trên có lợi điểm tạo cơ hội giúp cho những người trong tình trạng bất hợp pháp vì trốn khai thuế được dịp công khai trở lại hệ thống thuế Hoa Kỳ một cách hợp pháp bằng cách khai Chương 13, nhưng điều luật này sắp thay đổi vì luật khánh tận đã được tu chính nhưng chưa được đem ra thi hành vì còn chờ Quốc Hội phê chuẩn. Chúng tôi sẽ trình bày những điều khoản thay đổi của luật khánh tận vào một dịp khác.

Trong các loại nợ thuế khác có một loại gọi là “tiền thuế ủy nhiệm” (trust fund taxes). Ðó là tiền thuế lợi tức cá nhân của mọi nhân công trong một nghiệp vụ hay hãng xưởng hoặc công ty đóng cho cơ quan thuế vụ liên bang IRS. Số tiền này do chủ nhân trừ trong lương nhân viên mỗi kỳ phát lương được chính phủ ủy nhiệm cho giữ lại để gom đóng theo từng thời kỳ hàng tam cá nguyệt hay lục cá nguyệt. Các khoản nợ “tiền thuế ủy nhiệm” do nhân công đóng thì không bao giờ xóa được cho dù món nợ này có để lâu bao nhiêu chăng nữa. Nếu chủ nhân một nghiệp vụ hoặc người đứng trách nhiệm trong một công ty hay một cửa hàng hùn hạp không chịu trả “tiền thuế ủy nhiệm” thu của nhân viên thì sẽ bị kết nợ coi như chính nợ cá nhân của người ấy.

Tuy nhiên nếu người ấy không may khánh tận mà còn trách nhiệm thiếu hụt “tiền thuế ủy nhiệm,” tuy không giải được theo Chương 7 thì vẫn có thể xin khai theo Chương 13 để trả dần cả vốn nợ lẫn lãi kèm thêm tiền phạt. Trường hợp làm ăn thua lỗ khai phá sản thì phải lưu ý tách riêng ra từng khoản nợ gồm những loại nợ liên hệ đến nghiệp vụ có thể giải được ngoại trừ hai món “tiền thuế ưu tiên” và “tiền thuế ủy nhiệm.” Theo luật riêng biệt của một vài tiểu bang thì thuế mua bán (sales taxes) thu của khách hàng qua những dịch vụ cũng kể như nợ “tiền thuế ủy nhiệm” trong khi ở các tiểu bang khác thì kể như thuế môn bài. Thuế môn bài nếu lâu quá hạn thì có thể giải được còn nợ “tiền thuế ủy nhiệm” thì vô phương xóa đi.

Tiền do IRS phạt vì đóng thuế chậm được xử liền với số nợ thuế chính có nghĩa là xóa được hay không tùy theo tính chất của món nợ đó. Nói rõ ràng hơn nếu khai theo Chương 7 nếu là tiền thuế ưu tiên không xóa được thì tiền phạt của nợ này cũng không xóa được, ngược lại nếu là tiền thuế không ưu tiên dĩ nhiên xóa được thì tiền phạt cũng được xóa theo. Ðặc biệt tiền phạt của những món nợ thuế để lâu trên ba năm trước khi khai phá sản thì được xóa mặc dù có dính đến thuế không xóa được. 

Nếu khai theo Chương 13 thì tất cả tiền phạt của nợ thuế không ưu tiên đều xóa được. Nợ tiền phạt thuế cũng tính giống như các khoản nợ không thế chấp do đó chỉ phải trả theo một tỷ lệ rất nhỏ vài phần trăm rồi xóa luôn. Kể từ lúc khai phá sản tiền phạt thuế phải ngưng không được tiếp tục tính thêm. Có vài biệt lệ theo luật lệ hiện hành khi khai theo Chương 13 tiền phạt của những thuế buộc (tax lien) trên các tài sản sẽ không giải được dù rằng đáng lẽ có thể được xóa nếu không thế chấp.

Ðiều đình thỏa thuận trả tượng trưng (offer in compromise) là một giải pháp tốt nhất khi bị nợ hai loại thuế không giải được đã đề cập ở trên là “tiền thuế ưu tiên” và “tiền thuế ủy nhiệm” nếu số tiền nợ quá lớn không trả dứt nổi theo Chương 13. Cơ quan thuế vụ IRS vẫn có khuynh hướng dễ dãi không muốn làm găng mà ngược lại sẵn sàng thỏa thuận các thương lượng trả tượng trưng với đề nghị xin trả dứt nợ thuế với một số tiền nhỏ hơn tổng số nợ trước khi khai khánh tận. Nên tham khảo với luật sư chuyên môn về thuế để đại diện điều đình với IRS.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ với cách khai phá sản dành cho nghiệp vụ thương mại nhỏ (small business). Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 


15. Căn bản Luật Khánh Tận California 


Sunday, October 19, 2014 1:17:39 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=196900&zoneid=269#.VEZKh_nF_TU

Trong vài tuần qua chúng tôi có nhận được thư của một số độc giả ở Quận Cam yêu cầu giải thích về Luật Khánh Tận California (California bankruptcy laws). Phần lớn hình thức căn bản bộ luật này thuộc loại luật bảo vệ giới tiêu thụ (consumer protection law).

Thực ra luật khánh tận của tiểu bang California là thủ tục pháp lý dựa theo Điều Khoản Thứ Mười Một Luật Liên Bang Hoa Kỳ (Title 11 of the United States Code). Luật liên bang này được đặt ra có mục đích cứu giúp những cá nhân, tổ hợp hùn hạp hay công ty hoạt động trên đất Mỹ không may sa cơ lỡ vận làm ăn thất bại trên phương diện tài chính lâm vào đường cùng có cơ hội được giải thoát khỏi nợ nần mà phục hồi làm lại cuộc đời. Vì là luật liên bang nên luật khánh tận có hiệu lực trên tất cả các điều luật có tinh thần trái ngược của các tiểu bang chiếu theo Điều Khoản Tối Thượng (Supremacy Clause) của Hiến Pháp.

  Luật pháp nhìn nhận trong cuộc đời bất cứ một người tốt nào trong xã hội cũng có thể gặp vận xấu làm ăn thất bại hoặc gặp nghịch cảnh bất khả kháng đưa đến tình trạng tài chánh kiệt quệ. Dĩ nhiên phần lớn nợ do giới tiêu thụ được giới tài trợ cho vay trả góp cho nên khi suy sụp không trả nổi đúng hạn khiến tiền nợ đẻ lãi mỗi ngày một chồng chất đến hồi cơ nghiệp sụp đổ đi đến tình trạng khánh tận hay nói nôm na là bị phá sản. Dĩ nhiên khi nợ mà không trả nổi thì thường bị các chủ nợ ra tay bằng mọi biện pháp để đòi tiền lại như kêu réo đe dọa đủ điều gây khổ sở cho con nợ.

Luật Khánh Tận California là một loại luật áp dụng đồng nhất trên toàn thể lãnh thổ tiểu bang dựa trên căn bản tha thứ chứ không phải trừng phạt. Luật này không có mục đích ngăn cấm hay can thiệp vào hành vi hay hạnh kiểm cá nhân như hình luật. Nói một cách giản dị luật khánh tận thừa nhận trong thực tế đôi lúc ai cũng có thể gặp tình trạng nợ nần quá sức không còn nắm chủ động ổn định được tình trạng tài chính. Một người ngập đầu vì nợ khi nộp đơn xin phá sản trước nhất được luật pháp tức thời ban hiệu lực cho hưởng đặc quyền “tự động đình chỉ” (automatic stay) có nghĩa là được bảo vệ cho ngưng tức khắc tất cả các biện pháp đòi nợ của giới tài trợ (tức chủ nợ). Tất cả mọi hành động đòi nợ nào đối với người nợ thí dụ cho người gọi điện thoại hay viết thư đòi, truất lương nơi làm việc, làm đơn kiện cáo, xiết trương mục ngân hàng hoặc dùng mọi cách hăm dọa, quấy nhiễu, hay dùng các biện pháp khủng bố người nợ đều bị cấm chỉ. Một khi vụ án xin phá sản kết thúc thành công thì người nợ được tòa án xử khánh tận cấp một án lệnh giải nợ (discharge order) cho phép được rũ sạch những món nợ có liệt kê. Án lệnh này là một văn kiện của tòa án chính thức giải thoát đương sự thoát nợ một cách hợp pháp mà có cơ hội làm lại cuộc đời hay sự nghiệp. Theo pháp lý chủ các món nợ liệt kê trong án lệnh vĩnh viễn không có quyền tiếp xúc với người nợ hòng theo đuổi đòi những món nợ đó nữa.

Luật Khánh Tận California dựa theo luật liên bang có hai cách thông thường để khai phá sản là theo Chương 7 hoặc Chương 13:
Trước hết theo chương 7 là một thủ tục thịnh hành nhất có tác dụng giúp cho người nộp đơn được giải thoát trọn vẹn các món nợ không thế chấp (unsecured debts) một cách tương đối nhanh chóng và giản dị. Theo chương 7 tòa án sau khi xét đơn khai sẽ chỉ định một tín viên (trustee) giữ quyền kiểm điểm tất cả các tài sản của người nợ rồi phân loại. Ngoài những tài sản miễn trừ (exempt assets), những tài sản khác được đem bán đi rồi thanh toán cho các chủ nợ tùy theo thứ tự ưu tiên ấn định theo luật. Sau đó người nợ được tòa tuyên bố cho xóa nợ thông thường trong vòng từ bốn đến sáu tháng sau khi nộp đơn. Lương bổng của người nợ kiếm được sau khi nộp đơn khai khánh tận được đặt ra khỏi tầm đe dọa của các chủ nợ đã khai lúc đầu.

Chương 13 có tác dụng khác giúp cho người khai được dàn xếp lại chương trình trả nợ với điều kiện dễ dàng và thích hợp theo tình trạng tài chánh hiện hữu để có cơ hội tổ chức lại cuộc sống hay hoạt động thương mại. Người nợ được giữ lại tài sản hiện hữu, tòa ấn định chương trình trả nợ do một tín viên Chương 13 được tòa chỉ định thi hành cho phép người nợ trả bằng lợi tức sẽ kiếm được trong tương lai với thời hạn thường kéo dài từ 3 tới 5 năm. Số tiền nợ được giảm xuống từ 10% tới 100% tùy theo lợi tức và khả năng trả của người nợ. Chương 13 có lợi điểm xóa được vài loại nợ theo Chương 7 đồng thời bảo vệ người nợ không bị xiết nhà (foreclosures) hay bị xiết các tài sản khác mua chưa trả hết (repossessions) trong thời gian trả các món nợ thế chấp có ưu tiên. 

Tùy từng hoàn cảnh những vị nào đang lúng túng vì tình trạng nợ nần ngập đầu không lối thoát thì nên tham khảo ngay với luật sư chuyên môn để giúp hướng dẫn tìm một giải pháp giải quyết tốt đẹp nhất, có nên khai phá sản hay không và nếu khai thì nên theo chương nào cho có lợi hơn.

Sau đây là vài nguyên tắc chính của Luật Khánh Tận California:

(1) Ngay khi nộp đơn xin phá sản tài sản của người khai sẽ được đặt ngay dưới quyền quản trị của tòa khánh tận và được gọi là “tài sản khánh tận” (bankruptcy estate). Tuy nhiên không phải toàn bộ tài sản phải nộp hết cho tòa mà loại ra một số được miễn trừ (exempt) do luật sư chỉ dẫn. Những tài sản này không phải nộp cho tín viên của tòa chỉ định. Riêng ở California danh mục tài sản được miễn trừ rất rộng rãi, có đến 90% các vụ khai phá sản ở đây tín viên do tòa chỉ định không hề tịch thâu một món tài sản nào của người khai.

(2) Tại California tài sản mới sang nhượng hoặc cho thân nhân hay bạn bè trong thời gian ngắn trước khi khai vẫn phải kể là “tài sản khánh tận.” Có một số người khi có ý định phá sản thường được các chủ nợ ve vãn chiêu dụ hoặc gạt gẫm cho lấy đi để người nợ rảnh rang khai “khánh tận không tài sản” sẽ dễ dàng xóa nợ hơn. Cách này không xóa được nợ như nói trên vì lý do tất cả các tài sản vào một thời gian ngắn trước khi nộp đơn vẫn thuộc “tài sản khánh tận” nên tín viên theo luật định có quyền hạn thu hồi lại. Nếu đã lỡ cho đi khi khai phá sản vẫn phải liệt kê trong danh sách “tài sản khánh tận” để tòa thẩm định, thà cứ công khai giải quyết vấn đề hơn là dấu bớt đi đến lúc bị khám phá ra sẽ trở thành tội phạm.

(3) Tài sản chung của vợ chồng cư ngụ ở California đều phải kể là “tài sản khánh tận” khi một trong hai người nộp đơn xin phá sản. Tất cả tài sản do hai vợ chồng kiếm được trong thời gian sống chung và sở hữu chung cũng thuộc vào “tài sản khánh tận.” Tương tự phần lớn các món nợ do một trong hai người gây ra trong thời gian lấy nhau đều bị coi là “nợ chung” (community debt) dù rằng nợ này chỉ có một người đứng tên. Tuy nhiên cũng có vài biệt lệ cho phép người có vợ hay chồng được khai phá sản theo cá nhân nên tham khảo với luật sư để phân loại tùy theo hoàn cảnh người khai trong nội vụ.

(4) Các trương mục hưu trí được tòa kể nằm ngoài phạm vi “tài sản khánh tận” do đó không bị tín viên chi phối vì tòa án nhìn nhận nhu cầu người về già đến tuổi hồi hưu sẽ rất cần những khoản tiền dưỡng lão để sinh sống. Dĩ nhiên đây là tiền cho tương lai nên không thể “trừng phạt” một người bằng cách lấy đi phương tiện mưu sinh trong những ngày cuối đời của họ.

Tuần tới chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích thêm các nguyên tắc của Luật Khánh Tận California về các tài sản miễn trừ cùng những điều cần biết cho những người muốn khai phá sản đang là chủ nhà hay không có nhà.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.



16. Những miễn trừ theo Luật Khánh Tận California 

Sunday, October 26, 2014 2:20:40 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=197232&zoneid=269#.VE40SfnF_TU

Luật Khánh Tận California đặc biệt khoan dung cấp cho những người khai phá sản tại tiểu bang này được nhiều khoản tài sản miễn trừ rất hậu hĩ kể cả những người có bất động sản hay không có gì hết.

Tài sản miễn trừ (exempt properties) là những vật sở hữu của người khai được tòa khánh tận bảo vệ cho họ. Như đã trình bày trước đây, ngay khi một người nộp đơn xin phá sản thì tòa án sẽ chỉ định một tín viên (bankruptcy trustee) đứng ra tiếp thu các tài sản của người ấy rồi bán đi để thanh toán đồng đều cho các chủ nợ trước khi tòa cho xóa nợ hoàn toàn. Do đó tín viên không có quyền thâu tóm hay đem bán những tài sản được tòa cho miễn trừ và người khai vẫn tiếp tục có quyền chiếm hữu và được giữ lại sau khi vụ phá sản kết thúc. Tùy từng vụ án việc áp dụng miễn trừ khác nhau rất xa nhưng vẫn theo một nguyên tắc chung. Những người muốn khai khánh tận có tài sản nhiều hơn mức miễn trừ liệt kê dưới đây cũng đừng vội nản lòng vì một điều giản dị là khai theo Chương 7 không có lợi thì sẽ khai theo Chương 13. 

Luật Khánh Tận California ấn định cho người có bất động sản khai phá sản theo Chương 7 nếu độc thân và không có con cái ở chung sẽ được hưởng mức miễn trừ gia cư (homestead exemption) là $75,000. Những người kết hôn hay những người có trẻ con vị thành niên ở chung được miễn trừ $100,000. Những người bị tàn phế không có khả năng đi làm được hưởng miễn trừ $175,000. Tuy nhiên chủ nhà muốn khai miễn trừ phải có điều kiện hiện tại đang cư ngụ tại ngôi nhà đó như gia cư chính, những người có nhà mà không ở thì không được hưởng miễn trừ này. Thêm vào đó những người đã xin hưởng miễn trừ gia cư nêu trên sẽ không được quyền xin đặc miễn (wild card exemption) đề cập tiếp đây.

Những người khai phá sản tại California nhưng không là chủ nhà có quyền xin hưởng theo hệ thống đặc miễn thay thế (alternative exemptions system) là $26,925. Đặc miễn này được áp dụng trên bất cứ vật sở hữu nào của người khai kể cả tiền mặt hay tiền gửi trong các trương mục ngân hàng hay bất cứ tài sản có giá trị nào khác.

Ngoài hai mục chính yếu là miễn trừ gia cư và đặc miễn kể trên còn có vài khoản miễn trừ riêng rẽ được áp dụng song hành với hai loại trên dành cho một vài loại tài sản khác được tòa án liệt kê gồm có xe cộ, đồ trang bị nội thất (furniture), y phục, các khoản phúc lợi do chính phủ ban cấp, nữ trang, dụng cụ tiêu khiển (hobby equipment), dụng cụ hành nghề, lãi do tiền gửi ngân hàng, một vài loại quỹ hưu trí hay y tế và nhiều khoản khác có thể hỏi luật sư cung cấp thêm chi tiết.

Một người khi cảm thấy mắc nợ quá nhiều mà không có sức nào trả nổi thì nên hỏi luật sư chuyên môn về luật khánh tận để tìm biện pháp giải thoát. Luật sư có khả năng giúp thân chủ duyệt lại tình trạng tài chánh hiện hữu bao gồm tài sản và nợ nần cùng lợi tức và chi tiêu. Căn cứ vào nhận định tình trạng hiện tại của các khoản đó luật sư sẽ đề nghị có nên khai phá sản không, nếu có thì khai theo chương nào cho thích hợp với nguyện vọng của thân chủ. 

Trước hết kiểm điểm về ngân sách thu chi của người khai, công thức để ước tính thu chi trong việc khai phá sản được tính một cách giản dị là lấy tổng số tiền thu được từ các nguồn lợi tức (như lương bổng cùng các khoản tiền khác có được) trừ đi tổng số tiền bắt buộc phải xài mỗi tháng cho mọi nhu cầu cần thiết để sinh sống. Rất nhiều người lâm vào cảnh tháng nào vừa tháng nấy có nghĩa là mỗi cuối tháng đều sạch nhẵn tiền hoặc còn rất ít không đủ để dành, nhiều khi còn phải xài lấn sang tháng tới dần dần thiếu hụt trầm trọng không trả được nợ đúng hạn đưa đến tình trạng bị lãi và tiền phạt chồng chất chưa kể đến phiền nhiễu bị chủ nợ kêu réo. Trường hợp này khai phá sản theo chương 7 là thích hợp nhất để giải quyết những món nợ không thế chấp. Những người có tình trạng khá hơn ngân sách tuy không bị thiếu hụt nhưng chỉ vừa đủ sít sao hoặc cuối tháng chỉ còn lại chút ít tiền vặt nếu muốn giải nợ để làm lại tất cả thì nên khai phá sản theo Chương 13. Dù rằng quá trình diễn tiến theo Chương 13 có phần lâu hơn nhưng thường chỉ phải trả một số tiền tượng trưng nhỏ cho chủ nợ rồi cuối cùng cũng sẽ xóa hết phần còn lại nên mục tiêu giải nợ của hai chương đều giống nhau. Về chi phí hàng tháng của người khai, tòa án liệt kê những khoản cần thiết để sinh sống với giới hạn “hợp lý” cho nên những khoản khai quá mức có thể bị tín viên từ chối hoặc đòi hỏi thêm tài liệu chứng minh. 

Sau khi duyệt xét tiền thu trừ đi tiền chi cần thiết thì còn lại khoản “lợi tức thanh toán được” (disposable income). Đây là số tiền còn lại sau khi chi cho những nhu cầu không thể nào thiếu được như tiền nhà, tiền điện nước, tiền mua thực phẩm và những khoản khác bắt buộc phải có. Phần đông những người khai phá sản đều không còn “lợi tức thanh toán được” nhưng những ai có khả năng trả tối thiểu các món nợ theo Chương 13 có thể đạt lợi điểm tối đa của luật khánh tận thí dụ như xin tái lượng định giảm các nợ thế chấp (re-valuation of secured assets) có kết quả xóa nhiều nợ hơn là theo Chương 7.

Như đã đề cập ở trên nếu khai theo Chương 7 chỉ xóa được “nợ không thế chấp” nhưng không giải tỏa được “nợ thế chấp” (secured debts). Đây là loại nợ dùng một món đồ bảo đảm cho số tiền nợ vì nếu không trả nợ thì chủ nợ có quyền xiết đi hoặc phát mãi lấy tiền trả vào số nợ. Phần lớn các “nợ thế chấp” đều do người vay tình nguyện ký giấy làm tin lúc mua thí dụ như vay tiền mua nhà hay mua xe cộ. Ngoài ra còn có nợ thế chấp khác do chủ nợ hoặc tòa án chế tài bằng hình thức “nợ buộc” điển hình là nợ thuế hoặc nợ do kết quả thua kiện phải bồi thường thiệt hại cho người khác. Giải quyết nợ thế chấp khi khai phá sản thường có tính cách áp dụng “kỹ thuật” trong luật: Trên nguyên tắc khi hoàn lại vật thế chấp cho chủ nợ thì món nợ trở thành “không thế chấp” do đó món nợ sẽ được xóa giống như những nợ không thế chấp khác. Khi xin phá sản người khai có nhiều biện pháp chọn lựa đối với “nợ thế chấp” như:

(1) Hoàn lại vật thế chấp cho chủ nợ rồi xóa hẳn món nợ đó
(2) Dụng ý giải nợ buộc, sau khi cho lấy đi vật thế chấp thì không còn nợ buộc nữa 
(3) Xin phát mãi vật thế chấp theo thời giá nếu vật thế chấp có giá trị nhiều hơn món nợ
(4) Tái xác nhận nợ trên vật thế chấp đó và gạt nợ này ra khỏi đơn khai phá sản
(5) Giữ lại vật thế chấp và tiếp tục trả nợ như không hề khai phá sản
(6) Khai vật thế chấp theo Chương 13 để được dàn xếp trả tượng trưng trong thời gian hiệu lực

Mỗi chọn lựa trên đều có ảnh hưởng lợi hay hại tùy theo hoàn cảnh từng vụ, tuy nhiên không có chọn lựa nào có tác dụng thật tốt hay thật xấu, do đó trước khi quyết định giải pháp giải quyết nợ thế chấp bao giờ cũng nên bàn thảo với luật sư chuyên môn để phân tích rõ mọi khía cạnh rồi tìm lối giải quyết thích hợp.

Tuần tới chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích thêm các nguyên tắc của luật khánh tận California về các loại tài sản khác cùng những điều cần biết về những món nợ có ưu tiên (priority debt) và những nợ không giải tỏa được (non-dischareable debt).

 

 


17. Luật Khánh Tận California - Những loại nợ xóa được

 
Sunday, November 02, 2014 1:24:04 PM 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=197547&zoneid=269#.VFdhjdJDtOg

 

Luật Khánh Tận California có phân loại rõ loại nợ “ưu tiên” (priority debt) là những nợ không xóa được. Ngoài nợ ưu tiên các nợ khác đều có thể được tòa cho hóa giải vĩnh viễn.

Cũng có vài vụ xử ngoại lệ tòa cho tha một vài món nợ ưu tiên nhưng những vụ này mang tính cách đặc thù và phức tạp ngoài phạm vi thông thường nên chúng tôi không bàn ở đây. Nói chung nợ ưu tiên là những loại nợ không xóa được cho dù khai phá sản theo Chương 7 hay Chương 13. Nợ ưu tiên không bị luật khánh tận chi phối, người nợ vẫn phải thanh toán trọn vẹn như thường lệ. Những nợ ưu tiên phần lớn có dính dáng đến chính phủ điển hình là nợ học trò (student loan) được Bộ Giáo Dục bảo đảm cho sinh viên mượn khi theo học đại học hay các loại nợ thuế liên bang, tiểu bang và địa phương. Nợ ưu tiên còn gồm tiền chu cấp do kết quả tòa án xử các vụ ly dị bắt trả hàng tháng cho con cái hay người hôn phối cũ hoặc án phí nợ tòa án, tiền phạt các vụ lái xe khi say rượu, v.v... 

Những món nợ không liệt kê trong đơn xin phá sản lúc đầu cũng không xóa được vì các chủ nợ phải nhận được thông báo của tòa căn cứ vào lời khai trong đơn ấy mới có hiệu lực. Nên nhớ kết quả của vụ án cho giải nợ nhiều hay ít đều tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của từng người khai ít nợ hay nhiều nợ và chỉ có những nợ hiện tại có khai ra mới được cứu xét mà thôi.

Hầu hết các món nợ dễ được giải nhất thuộc loại nợ không thế chấp (unsecured debts). Đó là những món nợ không bị ràng buộc với bất cứ tài sản nào để bảo đảm cho tiền nợ. Tiền các thẻ tín dụng cho vay đặt trên căn bản người dùng thẻ hứa hẹn sẽ trả lại tiền vay theo điều kiện ấn định cùng với lãi tính trên số tiền ứng ra theo phân lời thỏa thuận giữa đôi bên. Nợ không thế chấp điển hình nhất là nợ các thẻ Visa, Mastercard, American Express, Discover... hay tương tự hoặc thẻ mua chịu của các cửa hàng bách hóa như Macy, Sears, WalMart... thẻ của hãng dầu xăng như Shell, Exxon... nói chung tất cả các loại nợ cấp cho người tiêu thụ có thành tích tín dụng tốt vay để mua sắm. Tuy nhiên cũng có vài loại thẻ tín dụng có thế chấp (secured cards) cho người không tín dụng hoặc tín dụng xấu, thẻ này đặt điều kiện muốn được cấp phải mở một trương mục tiết kiệm song hành với số tiền tương tự để bảo đảm cho thẻ. Ngoài ra nợ không thế chấp còn kể đến nợ vay bằng chữ ký (signature loan), nợ y tế như bệnh viện và bác sĩ, nợ do sai biệt thất thu sau những vụ tịch biên đồ đạc hay nhà cửa thế chấp (reposession/foreclosure deficiencies) vì đã tịch thu rồi dĩ nhiên phần sai biệt trở thành không bảo đảm.

Dù rằng phần lớn các thẻ tín dụng của các cửa hàng bán lẻ không thế chấp nhưng không tự động kể là không có bảo đảm mà còn tùy thuộc vào giao kèo ký kết lúc trao đổi mua bán, thông thường khi mua trả góp những món đồ đắt tiền đằng sau tờ biên lai thường có những dòng chữ in bằng chữ rất nhỏ có ghi điều kiện thế chấp mà người mua ít để ý đến. Cũng có những món nợ tưởng là không thế chấp nhưng thực ra chủ nợ đã “nối” với món nợ thế chấp khác mà người nợ có vay từ trước gọi là “thế chấp chung” (cross-collatelarization). Thí dụ một người vay nợ ngân hàng để mua nhà sau đó ngân hàng gởi thư cống hiến mời mở một thẻ tín dụng, khi cấp thẻ ngân hàng tự động dùng ngôi nhà đó làm làm “thế chấp chung” với nợ chính. 

Tưởng cũng cần nhắc lại căn bản của Luật Khánh Tận California khai theo Chương 7 có mục đích giúp cho một cá nhân trong tình trạng nguy ngập vì nợ quá nhiều không trả nổi sẽ được giúp giải thoát khỏi nợ để khởi sự làm ăn lại từ đầu, do đó còn được gọi là “phá sản thanh toán” (liquidation bankruptcy) hay “phá sản thẳng” (straight bankruptcy). Khai theo Chương 7 được hủy bỏ các nợ không thế chấp đã đề cập ở trên, nợ được hoàn toàn giải hết và rũ sạch vĩnh viễn. Trên thực tế 99% các vụ phá sản theo Chương 7 người khai được giữ lại trọn vẹn tài sản đồng thời xóa được rất nhiều nợ. Vụ xử thường kết thúc trong vòng 4 tháng trở lại, sau khi vụ án kết thúc người xin phá sản được tòa giải thoát không còn nợ ai một cách hợp pháp. Đối với nợ vay của thân nhân hay người quen biết có tính cách tình nghĩa thì người ấy có thể dàn xếp để trả theo ý muốn nhưng theo luật pháp không bị bắt buộc phải trả.

Ngay sau khi nộp đơn khai theo Chương 7 ở California tòa thông báo cho giờ hẹn gặp mặt một “tín viên khánh tận” (bankruptcy trustee) do tòa chỉ định với sự hiện diện của luật sư của người khai cùng các chủ nợ. Mục đích buổi họp mặt này để chủ nợ có cơ hội được nêu thắc mắc về món nợ nhưng trên thực tế rất hiếm chủ nợ hiện diện vì hầu hết nội vụ đều được luật sư đại diện thu xếp. Lúc gặp mặt tín viên có thể chú ý hỏi đến một vài món sở hữu nêu trong đơn khai mục đích để kiểm điểm tài sản và lợi tức của người khai.

Phần nhiều lần gặp mặt chỉ kéo dài vài phút, tuy nhiên theo tâm lý chung phần nhiều người khai cảm thấy hồi hộp bất an trước khi vào gặp tín viên vì sợ bị hỏi nhiều nhưng thực ra chẳng có gì đáng sợ cả. Tín viên chỉ lưu ý tìm người giấu giếm tài sản có nhiều khai ít hay những người có ý đồ lừa đảo chứ không dọa nạt hay làm phiền nhiễu người xin phá sản. Nơi hẹn thường chỉ là một văn phòng chứ không phải tòa án và tín viên cũng không phải là quan tòa nên buổi gặp mặt không có tính cách long trọng. Sau buổi gặp mặt người xin phá sản chỉ cần giữ liên lạc với tòa án cung cấp địa chỉ hiện hữu và đợi án tòa cho giải nợ gởi đến theo đường bưu điện.

Khai phá sản theo Chương 13 ở California có mục đích khác hẳn là giúp cho người khai có cơ hội gom nợ rồi trả dần một phần đang nợ trong một thời gian ấn định rồi sau đó dứt hẳn. Chương 13 có ý giúp người vướng nợ tuy kiếm đủ tiền sinh sống nhưng không đủ tiền để trả theo đòi hỏi của chủ nợ. Khi thi hành chương trình thì các chi phí cho nhu cầu mưu sinh cần thiết như nhà ở, ăn uống, tiện nghi tối cần được thanh toán trước rồi phần còn dư mới đem trả nợ. Chương trình này không căn cứ vào tổng số tiền nợ bao nhiêu mà chỉ căn cứ vào khả năng trả nợ bấy nhiêu của người khai. Số tiền trả hàng tháng căn cứ chính yếu vào ngân sách lợi tức và chi phí của người ấy, sau khi trừ các chi phí mưu sinh còn dư mới chia đều cho các chủ nợ dầu rằng chỉ đáng một xu cho mỗi đồng tiền nợ thì họ cũng phải chấp nhận. Do đó Chương 13 rất thích hợp cho những người có tài sản quá giới hạn miễn trừ hoặc có nhiều nợ ưu tiên không xóa được.

Muốn phá sản theo Chương 13 người xin phải nộp một tờ khai chi tiết lợi tức kiếm được đem về hàng tháng cùng liệt kê số tiền cần thiết bắt buộc phải có để sinh sống. Tòa chỉ định một tín viên đứng ra quản trị việc thi hành việc thanh toán, tín viên sẽ tính ra số tiền còn lại sau các chi phí rồi chia đều theo tỷ lệ số nợ cho toàn thể các chủ nợ. Chương trình trả nợ thường kéo dài từ 3 năm tới 5 năm trừ phi các món nợ được trả xong trước thời hạn này. Tới ngày cuối chương trình của tòa ấn định mọi khoản nợ chưa thanh toán hết đều được tha hết. Dĩ nhiên việc quản trị tài chánh trong thời hạn trên đều do tín viên nắm giữ. Chương 13 còn có đặc điểm định giá trị lại nợ thế chấp, thí dụ nợ vay mua xe quá cao so với giá trị hiện tại của chiếc xe nếu bán ra thị trường, trường hợp này tín viên sẽ cho định giá lại và cho trả theo giá mới. Ngoài ra Chương 13 còn có lợi điểm khác cho những người trả nợ nhà (mortgage) chậm trễ được gom số nợ những tháng thiếu chưa trả kịp rồi trả dần hàng tháng theo chương trình gom nợ do đó không còn sợ bị chủ nợ hay ngân hàng lấy cớ tịch biên phát mãi vì Chương 13 có mục đích bảo vệ cho người nợ không bị mất nhà hay mất tài sản. Lợi điểm khác của Chương 13 là giải quyết nợ thuế. Thông thường các món nợ chính phủ đều không xóa được nhưng Chương 13 có hiệu lực ngưng (freeze) không cho IRS tính lãi lẫn tiền phạt trên số nợ thuế còn thiếu do đó người nợ chỉ phải trả đúng số tiền nợ IRS thực sự mà thôi.

Tuần tới chúng tôi sẽ nêu những yếu tố giúp quyết định nên khai phá sản hay không.


18. Luật Khánh Tận California: Hoàn cảnh nào nên khai phá sản? 


Sunday, November 09, 2014 2:28:05 PM 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=197930&zoneid=269#.VGIqnNJDtOg

 

Rất nhiều người đang lúng túng vì mắc nợ quá nhiều không đủ khả năng trả tối thiểu hàng tháng đã thế còn bị đòi nợ phiền nhiễu, trong hoàn cảnh này khai phá sản có lợi không?

Hoa Kỳ là một xứ tư bản nên giới tiêu thụ ở đây hầu hết ai cũng mắc nợ cả, hàng tháng tiền kiếm về ngoài các chi tiêu căn bản còn lại để thanh toán mọi món nợ theo kỳ hạn thỏa thuận. Những người chu toàn việc trả nợ sẽ có thành tích tín dụng tốt được các ngân hàng hay công ty tín dụng (gọi chung là chủ nợ) tín nhiệm sẵn sàng chấp thuận tài trợ mọi giao dịch tiêu thụ mua sắm nếu yêu cầu. Ngược lại có người để nợ quá trớn, số lợi tức thâu vào không đủ để trả tối thiểu hàng tháng tất nhiên trả chậm trễ trở thành vi phạm giao kèo (delinquent) bị ghi thành tích tín dụng xấu đưa đến hậu quả bị đòi nợ và nhiều biện pháp chế tài khác như tăng lãi và tính tiền phạt nặng nề. Hầu hết những trường hợp khủng hoảng tài chánh thường bắt đầu do một hoàn cảnh nào đó xảy ra khiến mức lợi tức hàng tháng không đủ để trả các phiếu nợ trong tháng đưa đến tình trạng sớt đầu này trả đầu kia, thâm thủng tiền tiết kiệm hoặc rút tiền ứng trước từ các thẻ tín dụng nên càng lún sâu thêm vào vòng nợ nần. Nếu tình trạng không cải tiến có nghĩa là không phục hồi lại được mức quân bình giữa lợi tức và tiền nợ hàng tháng sẽ đưa đến tình trạng trả chậm không bắt kịp ngày đáo hạn. Sau khi chậm hai ba kỳ thì phản ứng đầu tiên của chủ nợ là không ngừng gọi điện thoại nhắc nhở.

Chủ nợ thường dùng các dịch vụ đòi nợ (collection agencies) để đối phó với những người nợ chậm trả tiền tháng. Dịch vụ đòi nợ là các hãng tư chuyên nghiệp được trả tiền công để đi đòi nợ, nhân sự thi hành việc này đều được huấn luyện những phương pháp truy thu gay gắt tùy theo từng đối tượng. Nhân viên đòi nợ thường có lời lẽ và hành động rất cứng rắn và thô lỗ, họ không từ bỏ bất cứ biện pháp nào có thể đeo đuổi hay quấy nhiễu người nợ. Họ làm áp lực bằng đủ mọi thủ đoạn, sử dụng mọi mánh khóe để đòi cho bằng được kể cả mọi cách gây điêu đứng làm lung lay tinh thần của nạn nhân. Hành động điển hình nhất là liên tiếp gọi điện thoại, viết thư hăm dọa hoặc áp dụng những phương cách bá đạo có mục đích làm cho con nợ sợ sệt mà phải chạy tiền để trả cho yên thân.

Bắt đầu bị dịch vụ đòi nợ “hỏi thăm” là dấu hiệu khởi sự khủng hoảng tài chánh trầm trọng. Trước tình thế này ai cũng nghĩ tới phá sản nhưng quyết định này là một điều rất khó nghĩ vì hầu hết mọi người thường do dự không biết nên nhờ luật pháp giúp giải thoát xóa bỏ tất cả để làm lại cuộc đời hay nên tìm cách giải quyết khác. Để đi đến quyết định quan trọng này trước hết phải kiểm điểm lại tình trạng tài chánh thực sự của mình một cách chính xác với tổng số nợ cùng lợi tức hàng tháng hiện có hay những khoản tiền có thể bán những tài sản đáng giá để trả nợ. Tùy theo loại nợ và nếu nợ quá nhiều không có cách nào trả được thì bắt buộc phải phá sản để thoát nợ. 

Nếu tổng số nợ không thế chấp không quá lớn và còn một ít lợi tức cầm cự được không đáng để khai vỡ nợ thì có thể để ý đến phương sách khác.

Ngân sách tiêu chuẩn của một người trong tình trạng bình thường phải hội đủ ít nhất 35% chi cho nhà cửa, 15% cho xe cộ, 15% cho nợ nần, 10% tiết kiệm để dành và 25% cho mọi chi tiêu khác. Dĩ nhiên gặp hồi tài chánh khủng hoảng mức tiền trả nợ chiếm 100% ngân sách cá nhân hay nhiều hơn nữa, do đó trước hết phải trừ ra chi phí sinh sống căn bản kể cả tiền nhà và tiền xe cộ rồi phần còn lại mới tính tất cả nợ trong vòng ba năm liệu có thể trả dứt với lãi xuất hiện hành không? Không nên tính trả các thẻ tín dụng mức tối thiểu mà phải tính trả dứt hẳn với lãi xuất hiện hành, ngoài ra còn xét xem những biện pháp có thể thực hiện được như giảm bớt khoản chi nào hay tăng lợi tức bằng cách kiếm việc làm phụ thêm hoặc bán đi những món tài sản có giá trị để trả nợ. Cần nhấn mạnh không nên tính rút những trương mục hưu bổng như 401K để thanh toán nợ vì theo luật các ngân khoản hưu trí được miễn trừ, các chủ nợ không đụng tới được. Những khoản tiền này một khi rút ra để xài thì rất khó có thể gây dựng lại được và quan trọng hơn cả nếu rút tiền hưu trí để trả nợ sẽ tạo ra nợ mới dưới hình thức thuế lợi tức và tiền phạt vì rút sớm, ý định thoát nợ cũ sẽ biến thành buộc nợ mới mà chủ nợ mới sẽ là sở thuế IRS thay vì các chủ nợ hiện tại.

Có quyết định khai phá sản kịp thời trước tình trạng ngập nợ vô phương giải quyết trước hết giúp cho người nợ được bình an trước những hành động quấy nhiễu của dịch vụ đòi nợ, sau đến cơ hội rũ sạch nợ nần để làm lại sự nghiệp từ đầu. Khai phá sản đúng lúc có luật sư chuyên môn trợ giúp thì có thể vừa xóa được nợ mà vẫn giữ được phần lớn tài sản hiện hữu. Một người nợ nhiều hơn khả năng trả chắc chắn sẽ bị lún sâu thêm vào nợ trừ phi có được một tài sản lớn hơn đem bán đi mà trả nợ. Thay vì phải chật vật xoay xở tìm cách trả số tiền tối thiểu hàng tháng nhờ khai phá sản có thể khởi sự lại ngay từ đầu chỉnh đốn lại tình trạng tài chánh cá nhân, gây dựng lại thành tích tín dụng và dành dụm tiền cho tương lai đỡ lãng phí thời gian kéo dài trả lãi do nợ. Một luật sư khánh tận giỏi có thể giúp hướng dẫn thân chủ thiết lập lại tình trạng tài chánh và khởi sự lại đời mới. 

Mướn luật sư khánh tận có thể chặn đứng được sự quấy nhiễu của chủ nợ cùng các dịch vụ đòi nợ. Một khi đã quyết định khai phá sản người nợ coi như đã tìm được giải pháp thoát hiểm. Trước hết nên tìm một luật sư có uy tín để tham khảo trường hợp của mình. 

Hiển nhiên mỗi vụ khai phá sản tùy theo hoàn cảnh từng cá nhân khác nhau nên không ai bảo đảm kết quả mọi vụ sẽ giống nhau, tuy nhiên thủ tục và luật lệ áp dụng không có gì khác biệt sẽ cùng đưa đến kết quả cuối cùng là giải thoát cho người khai thoát khỏi nợ nần để có cơ hội làm lại sự nghiệp. Sau khi tham khảo và đồng ý mướn luật sư đại diện tiến hành thủ tục vụ khai, luật sư sẽ hoàn tất mọi đơn từ và hồ sơ cần thiết nộp cho tòa án. Đồng thời người nợ có quyền yêu cầu tất cả dịch vụ đòi nợ liên lạc thẳng với luật sư của mình và đình chỉ mọi hành động đòi nợ. Sau khi nhận được hồ sơ xin phá sản tòa án sẽ chỉ định một “tín viên khánh tận” (bankruptcy trustee) quản trị tài sản và thanh toán tùy theo Chương 7 hay Chương 13.

Tuần tới chúng tôi sẽ nêu vài giải pháp thay thế khai phá sản theo Luật Khánh Tận California. 

 

19. Luật Khánh Tận California - Thương thảo điều đình nợ 


Sunday, November 16, 2014 1:55:48 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198261&zoneid=269#.VGtoH9JDtOg

Không hẳn những người ở California có hoàn cảnh khó khăn vì nợ nhiều đều bắt buộc phải khai phá sản. Ngay lúc mới bắt đầu manh nha khủng hoảng tài chánh vì không đủ tiền trả tối thiểu mọi phiếu nợ (bills) đáo hạn trong tháng, điều đầu tiên nên làm là liên lạc tham khảo ngay với một luật sư California chuyên môn về khánh tận để lấy ý kiến. Thông thường luật sư này sẽ phân tích tình trạng tài chánh cá nhân của thân chủ sau đó sẽ đề nghị giải pháp giải quyết thích ứng có lợi nhất cho người ấy.

Trước khi dùng đến giải pháp khai phá sản nếu nhận thấy nguyên nhân của khủng hoảng tài chánh do một biến cố bất thường nào đó gây ra và tình trạng thiếu hụt chỉ tạm thời và có khả năng bắt kịp lại trong tương lai hoặc tổng số nợ không quá lớn thì luật sư có thể đề nghị một số giải pháp thay thế như thương thảo điều đình nợ. Điều đình là một hình thức “câu giờ” mua thời gian trả nợ dần để bắt kịp lại số tiền đã trả chậm. Thông thường khi người nợ chậm trả tiền hai hay ba tháng thì các chủ nợ miễn cưỡng phải áp dụng thủ tục đòi nợ (collection) mà họ không muốn vì rất tốn kém, những dịch vụ đòi nợ mà họ sử dụng nhiều khi lấy hoa hồng tới 50% số tiền thu được. Để tránh thiệt hại này họ thường cho người điện thoại tìm gặp người nợ mở lời sẵn sàng chấp nhận cho giảm mức tiền trả hàng tháng hay gia hạn thời gian trả, miễn tiền phạt trả chậm hay điều chỉnh tình trạng để giúp đương sự trở lại bình thường. Sự thành công trong việc điều đình tùy thuộc vào từng loại nợ, thời gian chậm trễ bao lâu, và còn tùy theo đường lối hành động (policy) của từng chủ nợ, có công ty tài trợ tương đối dễ dàng nhưng cũng có công ty khác rất cứng rắn. 

Sau khi chiết tính ngân sách cá nhân nếu kiểm điểm lại thấy có đủ sức trả dứt tất cả nợ nần trong vòng ba năm với mức lãi xuất hiện tại thì không cần phải khai phá sản mà nên dùng giải pháp thay thế nói trên là thương thảo điều đình nợ. Theo giải pháp này người nợ có thể nhờ đệ tam nhân bên ngoài giúp điều hành việc trả nợ mà thịnh hành nhất là dùng các tổ chức có tên “dịch vụ cố vấn tín dụng” (credit counseling service) hay nôm na gọi là “dịch vụ điều đình trả nợ” (debts negotiation service) hoặc tương tự. Tại California có rất nhiều dịch vụ tư nhân sẵn sàng nhận đảm trách thu xếp điều đình gom các loại nợ cho giới tiêu thụ tại tiểu bang này. Dùng dịch vụ này tại địa phương bao giờ cũng tốt hơn là dùng dịch vụ ngoài tiểu bang vì nhiều khi họ ở xa không quen thuộc với luật lệ đặc biệt tại California nên có thể làm cho thân chủ bị rắc rối thêm. Những tổ chức này thường lấy danh nghĩa bất vụ lợi có nghĩa là phục vụ miễn phí cho thân chủ tuy không lấy tiền của người nợ nhưng họ được các nguồn tài trợ lớn như ngân hàng, hãng cấp thẻ tín dụng hay các cửa hàng bách hóa danh tiếng trả hoa hồng tiền thu được. Sở dĩ các chủ nợ chịu chi ra cho dịch vụ vì họ muốn giúp người nợ vẫn trả nợ được và dễ dàng vượt qua cơn túng bấn khỏi phải khai phá sản tránh hậu quả xóa nợ gây thiệt thòi cho chủ nợ nhiều khi mất hết cả vốn lẫn lãi. Điều kiện để dùng được dịch vụ này là người nợ phải có một số lợi tức hay lương bổng tối thiểu để trả theo một số phần trăm ấn định.

“Dịch vụ điều đình trả nợ” hay “cố vấn tín dụng” thông thường tìm cách liên lạc với các chủ nợ không thế chấp thí dụ như các thẻ tín dụng và đề nghị cho người nợ được kéo dài thời gian trả nợ với số tiền trả hàng tháng ít đi với một số tiền tối thiểu nào đó cùng bớt lãi tuy nhiên vẫn phải trả đủ món nợ cho đến hết. Nói chung thường thường một số công ty tín dụng chấp nhận cho trả theo điều kiện mới với điều kiện có “dịch vụ cố vấn tín dụng” tham gia. Tuy nhiên có những chủ nợ khác không ưa các “tổ chức đệ tam” này dính dáng vào và “dịch vụ cố vấn tín dụng” cũng không có quyền hạn pháp lý nào đối với các chủ nợ để bắt buộc họ phải chấp nhận điều kiện trả nợ mới. Do đó những ai sử dụng những “dịch vụ điều đình trả nợ” hay “cố vấn tín dụng” nên cẩn thận vì một khi tổ chức này lấy tiền của người nợ mà không nạp lại cho chủ nợ thì nạn nhân vẫn là người nợ, trên mặt pháp lý vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những món nợ của mình.

Sử dụng “dịch vụ điều đình trả nợ” hay “cố vấn tín dụng” thì mọi diễn tiến như thế nào và có lợi gì không? Điển hình một vụ dàn xếp nợ qua các dịch vụ này sẽ diễn tiến như sau: Trong buổi tiếp xúc đầu tiên người đại diện dịch vụ hoặc cố vấn (counselor) yêu cầu thân chủ đóng một lệ phí nhỏ khoảng $10 và phải mang đến cho họ tất cả các phiếu nợ mới nhất để lập bảng chiết tính xem lợi tức hàng tháng có đủ trả được mức ấn định tối thiểu hay không. Nhiều trường hợp tính ra số tiền còn lại dùng để trả nợ quá ít thì dịch vụ sẽ từ chối điều đình, vì có điều đình cũng không xong, hơn nữa tiền thu quá ít dịch vụ đâu hưởng được gì nên họ sẽ khuyên người nợ nên đi khai phá sản là hơn. Còn nếu thấy đủ điều kiện trả được phần nào và thi hành được (thí dụ nạp được 50% số tiền phải trà hàng tháng hiện hữu) thì dịch vụ này sẽ lập “chương trình điều hành nợ” (debt management program) gồm một bản danh sách tổng kết các món nợ cùng với số tiền đề nghị trả tối thiểu hàng tháng căn cứ vào lợi tức hiện tại trừ đi các nhu cầu sinh sống căn bản. Sau đó là lập giao kèo theo đó thân chủ ký nhận đồng ý nộp trực tiếp tiền tối thiểu trả hàng tháng và ấn định ngày nộp cho dịch vụ vào một ngày nhất định tuyệt đối không được chậm trễ lấy một ngày. Vài ngày sau khi thu được tiền của người nợ dịch vụ này sẽ gửi trả cho các chủ nợ như đã ấn định dĩ nhiên có trừ tiền phần trăm hoa hồng trả cho dịch vụ (mà người nợ không biết). Từ đó trở đi người nợ không còn phải trả trực tiếp cho chủ nợ nữa mà hàng tháng chỉ trả một lần cho dịch vụ để họ đại diện trả trong thời gian vô hạn định cho đến khi nào hết nợ mới thôi. Ngoài bổn phận nộp tiền hàng tháng cho dịch vụ đúng ngày còn có điều khoản theo hợp đồng cả hai bên người nợ lẫn chủ nợ có quyền ngưng hay hủy bỏ chương trình bất cứ lúc nào mà không bị ràng buộc gì hết.

Tham gia các chương trình điều hành nợ cũng tương tự như khai phá sản theo Chương 13 nhưng có lợi điểm là không bị án tòa ghi “Khánh Tận” vào hồ sơ công khố mà có ảnh hưởng tín dụng 10 năm và cũng có lợi điểm ngưng được các hành động đòi nợ. Tuy nghiên có điều bất lợi nếu sau này chậm không trả nổi thì các chủ nợ sẽ tái diễn thủ tục đòi nợ và chương trình này không có quyền lực pháp lý gì để bảo vệ người nợ; chủ nợ hay nguồn tài trợ có thể thay đổi ý kiến hủy bỏ bất cứ lúc nào để tiếp tục áp dụng thủ tục đòi nợ hay thưa kiện ra tòa xin xiết nhà, xiết đồ. Hơn thế nữa theo chương trình này người nợ vẫn phải trả trọn số tiền nợ cho đến khi sạch hẳn nhiều khi kéo dài một thời gian vô hạn định. Thông thường chỉ nên dùng giải pháp thay thế để vượt qua một thời kỳ khó khăn ngắn hạn mà người nợ có khả năng phục hồi trở lại tình trạng bình thường mau chóng với số nợ nhỏ tương đối có thể trả sạch trong thời gian ngắn, thích hợp nhất với loại nợ thẻ tín dụng.

Các “dịch vụ điều đình trả nợ” hay “cố vấn tín dụng” thường bị chỉ trích là sống nhờ vào tiền công do hoa hồng của chủ nợ trả nên có khuynh hường không chú trọng đến những món nợ chính yếu có thế chấp mà lại dành ưu tiên cho các nợ không thế chấp có thể xóa được nếu phá sản (vì được trả hoa hồng nhiều hơn) khiến cho thân chủ không được giải thoát nợ mà cuối cùng nợ đâu vẫn hoàn đó. Vì lý do ấy Ủy Viên Thương Mại Tiêu Thụ Liên Bang (Federal Trade Comission) qui định bắt buộc các tổ chức này phải tiết lộ cho các thân chủ biết rõ rằng có nhận hoa hồng của các chủ nợ. Ngoài ra phải cố vấn rõ người nợ liệu có đủ khả năng để theo chương trình này cho đến khi sạch nợ hay nên khai phá sản. 


20. Một vài sách lược bảo vệ tài sản cho chuyên gia

Sunday, November 23, 2014 2:17:39 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198648&zoneid=269#.VHSGTYvF_hk

Các chuyên gia hành nghề tại Hoa Kỳ thông thường đều có nghĩ đến việc thiết lập kế hoạch bảo vệ tài sản cá nhân để đề phòng những vụ kiện thưa không lường trước tránh hậu quả phải bồi thường nặng nề có thể tiêu hao sản nghiệp mà họ đã mất bao công khó tạo dựng. Tuy nhiên giới này thường là mồi ngon cho nhiều kẻ không lương thiện chuyên gạ bán những sản phẩm và sách lược “dỏm” mà hiệu quả rất đáng nghi ngờ.

Như đã định nghĩa trong bài trước, danh từ “chuyên gia” để chỉ những người làm nghề chuyên môn có bằng cấp cao và đăng ký hành nghề với chính quyền tiểu bang thí dụ như các bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư hoặc kế toán gia chuyên nghiệp (CPA), v.v... Bí quyết chính muốn tìm đúng được sách lược thích hợp là thảo luận với một luật sư chuyên môn về luật bảo vệ tài sản để xác định kế hoạch nào có ý nghĩa nhất cho hoàn cảnh cá nhân người ấy rồi sau đó sẽ áp dụng đúng mức và duy trì hoàn hảo chương trình đó. Sau đây là một số sách lược thông dụng cho giới chuyên gia, tuy nhiên những kế hoạch này không hoàn toàn bao che hoàn hảo đủ mọi khía cạnh của nghiệp vụ vì mỗi sách lược đều có ưu điểm cho từng trường hợp, nhưng cũng có sơ hở không bao che được khía cạnh khác.

Trước hết có vài sách lược đặt trên kế hoạch căn bản công ty (basic corporate planning strategy), thứ nhất là thành lập một “công ty chuyên nghiệp” (professional corporation). Kế hoạch này bao che rất hữu hiệu các khiếu nại của nhân công hay kiện thưa liên quan đến điều hành nghiệp vụ và có lợi điểm về thuế má nếu sau này bán công ty đi. Tuy nhiên theo luật “công ty chuyên nghiệp” không bảo vệ được các vụ kiện hành nghề bất cẩn có gây thương tích hay thiệt hại cho thân chủ.

Một kế hoạch khác gọi là “thuê mướn trang cụ” (equipment leasing). Có nhiều chuyên gia phải trang bị máy móc để hành nghề thí dụ như bác sĩ hay nha sĩ cần mua hệ thống quang tuyến chẳng hạn. Nếu công ty hay chính chuyên gia làm chủ những máy móc này thì vốn liếng (equity) đã trả vào đó trong trường hợp thua kiện sẽ trong tầm tay của các nguồn tài trợ (gọi nôm na là chủ nợ). Hơn nữa nếu thiết lập “tổ hợp thuê mướn trang cụ” thì chủ nhân hay công ty còn có cơ hội sinh lợi. Căn bản kế hoạch này là lập ra một tổ hợp hùn hạp hữu hạn (limited partnership gọi tắt là LLC) chỉ có mục đích duy trì các dụng cụ máy móc sử dụng trong công ty. Những trang cụ hiện hữu trên mặt pháp lý sẽ được bán cho tổ hợp này rồi sau đó cho công ty thuê lại. Do đó mỗi đồng bạc trả tiền thuê máy là mỗi đồng lọt thoát tay chủ nợ. Tuy nhiên việc thiết lập tổ hợp thuê mướn không phải chỉ dùng cho một ngày mà phải sắp đặt thành một tổ chức lâu dài có giấy tờ hợp pháp để tránh không bị chủ nợ phong tỏa hoặc thưa ra tòa là tổ chức giả hiệu.

Sách lược tương tự là “thuê mướn cơ sở” (property leasing). Có nhiều chuyên gia vừa là chủ nhân văn phòng hay phòng mạch vừa là chủ nhân luôn cơ sở bất động sản ở địa điểm đó. Nếu tách cơ sở không cho dính líu tới văn phòng của mình thì mặc nhiên chuyên gia ấy đã tách lợi tức của khu nhà ra khỏi lợi tức của nghiệp vụ do đó cũng có lợi điểm tránh được hiểm họa tước đoạt của chủ nợ nếu thua kiện. Kế hoạch này giống tổ hợp thuê trang cụ đề cập ở trên nhưng tách một cơ sở đem sáp nhập vào một tổ chức khác cũng phải thiết lập một cách hợp pháp để hoàn toàn tránh được đe dọa của chủ nợ đồng thời chứng minh rõ không phải là tổ hợp giả hiệu.

Ngoài ra còn vài phương sách thông dụng như là “Tổ hợp hùn hạp gia đình hữu hạn” (Family limited partnership gọi tắt là LLC). Kế hoạch này nếu thi hành chu đáo cùng vài chương trình hỗ trợ khác sẽ đem lại tác dụng bảo vệ hữu hiệu hầu hết tất cả tài sản quan trọng cho chuyên gia. Tuy nhiên kế hoạch này có khuyết điểm không hoàn toàn hiệu quả nếu thi hành đơn độc như một giải pháp bảo vệ tài sản độc nhất vì kế hoạch này chỉ che chở được một vài khía cạnh chứ không bảo vệ được hết mọi mặt nếu không áp dụng song hành cùng một vài kế hoạch khác.

Một sách lược khác dùng kế hoạch mua bảo hiểm nhân thọ theo lối trả góp được gọi là “tài trợ bảo phí” (premium financing). Theo lệ thường phương pháp mua trả góp bảo hiểm nhân thọ với một trị giá nhân mạng (face value) lớn có thể đem lại lợi điểm bao che toàn bộ tài sản của người mua bảo hiểm đó như nhà cửa, trương mục chứng khoán cùng các tài sản giá trị khác mà các chủ nợ không đụng tới được cho đến lúc tiền được trả ra khi người mua bảo hiểm qua đời. Dĩ nhiên chủ nợ không bao giờ muốn chờ đợi cả hàng chục năm mới thâu tóm được món tiền đó cho nên họ thường đưa đề nghị thuận lợi cho việc thương lượng dàn xếp cho xong chuyện.

Phần lớn các chuyên gia đều có các trương mục hưu bổng như IRA hoặc các quỹ hưu khác tương tự. Thông thường chủ nợ không có quyền đụng đến tiền hưu nhưng tùy thuộc từng tiểu bang có vài nơi không cho đặc miễn nên hẳn nhiên những quỹ này trở thành mục tiêu tốt cho các chủ nợ săn đuổi. Trên phương diện bảo vệ tài sản các trương mục hưu trí hội đủ tiêu chuẩn của điều luật ERISA. Quỹ ERISA được hoàn toàn bảo vệ hữu hiệu hơn quỹ IRA vì IRA còn có kẽ hở đôi khi không che chở được đối với luật của vài tiểu bang. Vì có lợi điểm như vậy nên hình thức lập quỹ hưu ERISA rất đắc dụng cho chuyên gia đồng thời còn thêm lợi điểm tiền đóng vào quỹ hưu này bao giờ cũng được trừ trước thuế nên giảm được số tiền phải đóng thuế lợi tức cá nhân cho liên bang.

Một trong những khoản tài sản điển hình dễ bị chủ nợ thâu tóm nhất khi bị kiện là quỹ truy nhập (account receiveable). Đây là một trương mục kế toán đã làm biên lai nhưng chờ khách hàng trả tiền và được kể là một loại tài sản không sinh lời vì trị giá của tài khoản này không đẻ lãi và cũng không sinh lợi đầu tư. Nếu chuyên gia “vay” một phần tiền của tài khoản này làm cho số tiền kế toán trong tài khoản truy nhập ít lại do đó cũng bớt đi hiểm họa bị chủ nợ xiết. Vài năm vừa qua một số công ty bảo hiểm và công ty tài trợ lớn đã phát triển ra những kế hoạch phức tạp để tạo điều kiện thuận lợi cho mục đích phân tán quỹ thu nhập theo sách lược trên để bảo vệ hữu hiệu một phần tài sản có giá trị nhưng dễ bị đe dọa vì chủ nợ.


 

21. Bí quyết bảo vệ tài sản giản dị

 
Sunday, December 28, 2014 2:15:36 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=200521&zoneid=269#.VKPzkSvF_hk

Bảo vệ tài sản là một tiến trình phức tạp liên quan đến nhiều khía cạnh luật pháp khác nhau. Tuy nhiên mỗi loại tài sản đều có tính chất khác biệt cho nên có loại được coi như an toàn hơn loại khác và cũng có vài bí quyết giản dị được áp dụng cho mục đích bảo vệ tài sản.

Có ba loại tài sản chính là nhà đất, tiền hưu trí và tiền bảo hiểm nhân thọ có thể được miễn trừ một phần hoặc toàn phần tùy theo luật tiểu bang.

Trước hết là “miễn trừ gia cư” (homestead exemptions) đặt trên quan niệm căn bản là các chủ nợ không có quyền tước đoạt bản thân và gia cư của con nợ. Luật “miễn trừ gia cư” được áp dụng cho nhà đất đều khác biệt tùy nơi, phần đông các tiểu bang chỉ cho miễn trừ tới giới hạn $100,000. Trên toàn cõi Hoa Kỳ có chín tiểu bang cho trừ hơn $100,000 là Arizona, Florida, Iowa, Kansas, Massachusett, Minesota, Nevada, South Dakota và Texas nhưng riêng chỉ bốn tiểu bang có giới hạn tối đa vô hạn định là South Dakota, Iowa, Texas, và Florida. Vì giới hạn hẹp hòi đó nên đối với đa số nhiều người coi mức miễn trừ không hẳn là yếu tố quan trọng trong việc hoạch định tài sản. Để áp dụng được luật miễn trừ điều kiện cốt yếu người chủ phải cư ngự ở đó như gia cư chính và dùng nhà đó để khai. Những người ở tiểu bang với giới hạn miễn trừ thấp có thể dọn về tiểu bang với mức miễn trừ cao hoặc không giới hạn tối đa, nhưng cần lưu ý đến nhiều nơi đặt điều kiện qui định phải lưu ngụ một thời gian thí dụ hai năm rồi mới được hưởng mức miễn trừ mới, dưới thới gian này phải dùng mức hạn chế ở tiểu bang cũ. 

Loại tài sản kế tiếp được miễn trừ là tiền dành cho hưu trí nói chung được bảo vệ nếu hội đủ điều kiện của luật hưu trí liên bang ERISA. Tuy nhiên cũng có kẽ hở thí dụ như quỹ hưu IRA không được miễn trừ theo luật liên bang mặc dù cũng có thể được vài luật tiểu bang bảo vệ. Theo dự án luật phá sản cải cách do Tổng Thống Bush mới phê chuẩn thì các tài khoản hưu trí chỉ được miễn trừ nếu hội đủ điều kiện của ERISA và luật thuế IRS. Quỹ hưu IRA có thể được miễn trừ tới 1 triệu Mỹ Kim nhưng phải kiểm điểm lại luật tiểu bang nơi cư ngụ xem áp dụng cho loại IRA nào. Phần đông các tiểu bang theo Điều Luật 408 của IRS cho loại Traditional IRA, còn một số tiểu bang khác áp dụng Điều Luật 408A mới được tu chính dành riêng cho loại Roth IRA. Cần lưu ý rõ ràng vì tùy từng tiểu bang có nơi chỉ bảo vệ cho Traditional IRA nhưng không cho Roth IRA hay ngược lại. Các chương trình hoãn thuế tương tự hay chương trình mua cổ phiếu tại hãng làm việc thường không được miễn trừ.

Loại tài sản miễn trừ khác tránh khỏi đe dọa của chủ nợ và người thắng kiện là bảo hiểm nhân thọ và “góp hưu đồng niên” (annuities). Hai loại tiền này cũng được bảo vệ một phần hay toàn phần tùy từng tiểu bang tuy nhiên phải đề phòng nếu bị buộc vào luật sang chuyển tài sản bất chính thì miễn trừ sẽ bị vô hiệu hóa. Tại nhiều tiểu bang có luật ấn định mức miễn trừ trị giá tiền mặt (cash value) cho giao kèo bảo hiểm chưa có hiệu lực có nghĩa là người được bảo hành còn sống nhưng chỉ cho giới hạn rất thấp. Nhiều tiểu bang cũng có luật tiếp tục bảo vệ không cho chủ nợ đụng tới tiền bảo hiểm trả cho thân nhân khi người được bảo hành qua đời, tuy nhiên có yếu điểm là người thừa kế lại có thể bị kiện do lỗi chính mình nên vẫn gặp nguy cơ bị mất, do đó để chắc ăn nên đặt giao kèo bảo hiểm này vào một tín mục (a trust). Đối với tiền “góp hưu đồng niên” nhiều tiểu bang cho miễn trừ nhưng với giới hạn thấp, nhiều nơi hạn chế chỉ cho mua từ $200 tới $500 một tháng. Hơn nữa mức miễn trừ “góp hưu đồng niên” cũng bị ảnh hưởng theo thời điểm mua lúc nào và cũng có tiểu bang bắt buộc tiền này này phải chung với giao kèo (policy) bảo hiểm nhân thọ thì mới được bảo vệ.

Trong các kế sách bảo vệ tài sản cá nhân có thể áp dụng một vài bí quyết giản dị là lập “Di Sản Sinh Thời” (Life Estate), “Vay Nợ Nhà Để Bảo Vệ Tài Sản” (Mortgaging Property), và “Từ Chối Di Sản” (Disclaimers).

“Di Sản Sinh Thời” là một văn kiện tương tự như di chúc được thiết lập theo đó sở hữu chủ một tài sản có ý muốn cho phép người được chỉ định sử dụng tài sản đó suốt đời nhưng người chủ vẫn nắm quyền truyền cho các thừa kế khác khi chết. “Di Sản Sinh Thời” được coi là một cách để gia tài tương tự như tín mục hay di chúc nhưng ít tốn kém hơn tuy nhiên không an toàn và chắc chắn bằng lập di chúc hay tín mục. Để hiểu rõ công dụng của “Di Sản Sinh Thời” lấy hai thí dụ, thứ nhất chủ một ngôi nhà truyền lại cho các con kế thừa nhưng suốt thời gian người ấy còn sống vẫn có quyền cư ngụ ở ngôi nhà đó. Trường hợp thứ hai một người có ngôi nhà nhưng để bà vợ đứng tên làm chủ để tránh mất nhà nếu rủi ro có chuyện bị kiện thưa phải đền bồi. Bà vợ lập “Di Sản Sinh Thời” cho chồng được ở ngôi nhà đó suốt đời đến khi ông chết các con mới được kế thừa. Cả hai thí dụ trên cho thấy ngôi nhà được bảo vệ không bị mất nếu rủi ro xảy ra chuyện thua kiện vì trường hợp thứ nhất sở hữu chủ ngôi nhà là các con và trường hợp thứ hai quyền sở hữu ở bà vợ. Trong cả hai thí dụ trên người chủ sau khi lập “Di Sản Sinh Thời” không còn làm chủ ngôi nhà nhưng điều chính yếu là vẫn có quyền sống ở đó suốt đời. Dĩ nhiên có điểm bất lợi là quyền lợi bị hạn chế vì người này không còn quyền bán nhà nên chủ quyền kém giá trị nhưng có lợi điểm quan trọng là chẳng bao giờ sợ mất nhà vì kiện thưa hay đền bồi. Nếu ai có mục đích chỉ muốn sống ở một ngôi nhà suốt đời thì sẽ thấy việc hạn chế chủ quyền nêu trên không đáng lo âu bằng có nhà nhưng vẫn cảm thấy bất an vì còn trong tầm tay của chủ nợ hay kẻ thắng kiện. “Di Sản Sinh Thời” còn được coi là một phương cách bảo vệ tài sản thông dụng cho người già giữ được nhà đất không sợ lúc lâm trọng bệnh bị xiết đi vì nợ thầy thuốc, nhà thương hay các chi phí y tế, dưỡng sinh khác. Hiện nay chương trình trợ giúp y tế Medicaid của chính phủ vẫn chấp nhận trợ cấp cho người lập “Di Sản Sinh Thời” dù rằng có lập luận cáo buộc rằng những người này vẫn còn nhà để ở chứ thực sự không phải là người nghèo.

“Vay Nợ Nhà Để Bảo Vệ Tài Sản” thực ra không phải là một phương sách bảo vệ tài sản hữu hiệu vì đó là một cách cất tiền vào túi. Tuy nhiên những người có tài sản khó giữ an toàn thí dụ như làm chủ một ngôi nhà đã trả hết nợ hoàn toàn và không thích hợp áp dụng những phương pháp đã nêu thì có thể dùng một bí quyết giản dị là đem nhà vay nợ thế chấp (mortgaging) lấy một món tiền mặt lớn rồi đem đầu tư vào một kế hoạch bảo vệ tài sản khác. Theo thí dụ trên nói một cách khác là làm giảm giá trị một tài sản không được bảo vệ là ngôi nhà đã hết nợ đem đổi thành tiền mặt rồi chuyển tiền đó vào những kế hoạch được bảo vệ như “tín mục bất hủy” (irrevocable trust) hay “tổ hợp gia đình hữu hạn” (family limited partnership). Kết quả là ngôi nhà trở thành một tài sản không mấy hấp dẫn đối với chủ nợ vì vướng nợ chẳng còn giá trị, còn số tiền mặt vay ra nay đã được đặt vào tín mục hay tổ hợp là thành trì bảo vệ mà chủ nợ hay kẻ thắng kiện không thể đụng tới được.

Các kế hoạch bảo vệ tài sản không có nghĩa là chỉ che chở của cải mình có mà còn phải tránh không để gia tài được thừa hưởng bị xiết đi. “Từ Chối Tài Sản” cũng là một cách bảo vệ di sản được để lại nếu không nhận. Thí dụ cậu Hai có một ông bác giầu có mới qua đời để di chúc cho $300,000. Không may ngay trong thời gian đó cậu thua kiện phải bồi thường một nạn nhân bị thương tích nặng trong một tai nạn giao thông mà cậu có lỗi. Nếu nhận $300,000 lúc đó không những cậu Hai bị xiết hết mà còn bị người thắng kiện làm tới. Cậu có thể chọn giải pháp không nhận (disclaimer) hay từ chối (renunciation). Di sản đó theo di chúc sẽ truyền cho thân nhân khác trong đại gia đình của cậu Hai là con cháu cậu còn hơn là mất vào tay người ngoài. Muốn từ chối được hợp pháp cần phải hội đủ các qui định của luật thuế liên bang IRS - Section 2518 là (1) không được đổi ý (2) phải viết thành giấy tờ (3) không được đặt bất cứ điều kiện nào (4) không được nhận hay hưởng bất cứ lợi lộc nào trong tài sản đã từ chối (5) không được quyền chỉ định cho người khác (6) phải từ chối trong vòng chín tháng sau ngày chết của người để lại di sản.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 223, Fountain Valley, California 92708, điện thoại a(714) 531-7080 . website:www.lylylaw.com.


Trích từ báo Người Việt online

HTML hit counter - Quick-counter.net