Hỏi: Tôi nhìn thấy tên và số điện thoại của địa ốc viên đại diện cho người bán trên tấm bảng ở phía trước một căn nhà mà tôi thích. Liệu tôi có nên nhờ địa ốc viên này làm trung gian để vụ mua bán tốt đẹp hơn hay không?
Ðáp: Câu trả lời ngắn gọn là không, bạn sẽ không thể nhận được một vụ mua bán tốt hơn. Bạn có thể làm cho địa ốc viên đó rất sung sướng, bởi vì người đó sẽ nhận được tiền hoa hồng từ cả hai phía, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa họ sẽ tìm cách thương lượng có lợi cho bạn trong vụ mua bán.
Nên nhớ địa ốc viên đó làm việc cho ai. Người đó đã ký một hợp đồng với người bán để bán căn nhà. Vì vậy, họ có trách nhiệm ủy thác với người bán. Họ không có bất cứ bổn phận nào đối với bạn. Tuy nhiên, họ có bổn phận nói cho người bán bất cứ điều gì họ biết về bạn hoặc do bạn tiết lộ trong cuộc thảo luận với họ. Ðiều đó có thể đặt bạn vào một thế bất lợi sau này khi bạn thương lượng giá cả hoặc các điều kiện hợp đồng, bạn không nghĩ như vậy hay sao?
Nói về vấn đề thương lượng, địa ốc viên của người bán bị ràng buộc về mặt hợp đồng để thương lượng nhân danh người bán, để vụ thương lượng có thể tốt nhất cho người bán. Nếu bạn gọi số điện thoại trên tấm bảng bán nhà, ai là người sẽ thương lượng cho bạn? Ðúng, bạn sẽ đơn độc khi thương lượng với địa ốc viên của người bán. Thương lượng là một tiến trình trong đó bất cứ chi tiết nhỏ nhặt nào về phía đối phương cũng có thể có giá trị và có thể ảnh hưởng lớn lao tới mọi chuyện. Do đó, bạn có nên giao chìa khóa để thương lượng cho phía bên kia hay không?
Hậu quả bất lợi có thể như thế nào?
Giả sử bạn khởi sự bằng cách gọi số điện thoại trên tấm bảng và viếng thăm căn nhà cùng với địa ốc viên của người bán, bạn có thể sẽ không dừng lại tại đó. Vả lại, có thể họ thực sự tử tế và có vẻ thực sự quan tâm đến bạn, do đó có thể bạn luôn luôn nói chuyện với họ. Bạn có thể lộ cho họ biết về giá tối đa mà bạn sẵn sàng trả để mua căn nhà hoặc bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho khoản tiền trả trước và các phí tổn hoàn tất vụ mua bán, hoặc, có thể bạn chỉ tình cờ đề cập tới chuyện bạn phải tìm nhà thật nhanh bởi vì hợp đồng thuê mướn của bạn sẽ hết hạn trong hai tháng. Bạn có nghĩ những mẩu tin vụn vặt đó có thể giúp người bán trong những cuộc thương lượng với bạn hay không? Bạn có thực sự tin rằng địa ốc viên của người bán, người có trách nhiệm trung thành với người bán, sẽ không nói cho người bán biết những điều đó hay không? Bạn có sống trong một thế giới khác hay không?
Nếu quả thật bạn đã gọi số điện thoại trên tấm bảng bán nhà và tình cờ gặp được một địa ốc viên lương thiện và đạo đức, người đó sẽ nói với bạn rằng họ đại diện cho người bán và có thể giới thiệu một người nào khác trong cơ quan của họ để giúp bạn.
Do đó, bạn có thể thắc mắc, như vậy thì tên và số điện thoại của địa ốc viên được ghi trên tấm bảng bán nhà để làm gì?
Lý do chính là để quảng cáo cho họ. Họ hy vọng rằng những người có thể bán nhà nhìn thấy tên của họ và gọi số điện thoại đó để rao bán căn nhà trên thị trường. Nó cũng có thể giúp ích một địa ốc viên của người mua bằng cách cho họ biết sẽ phải gọi trực tiếp cho ai để đưa ra những câu hỏi về căn nhà. Tên và số điện thoại trên tấm bảng bán nhà nhằm phục vụ một mục tiêu, nhưng mục tiêu đó không phải là giúp bạn, với tư cách người mua.
Mục tiêu của bài này không phải nhằm gièm pha các địa ốc viên đại diện cho người bán. Họ hoàn thành một nhiệm vụ cần thiết và có giá trị, nhưng điểm then chốt là họ làm việc cho người bán, không phải cho người mua.
Bạn cần một địa ốc viên làm việc cho bạn.
Mua một căn nhà không phải là một công việc thích thú và giản dị như việc mua một chiếc xe hơi. Mua một căn nhà là một quyết định lớn nhất về mặt tài chánh trong đời của hầu hết mọi người. Ðó là một trò chơi mà bạn không đủ khả năng để chơi một mình. Ðó là một nỗ lực chung của một toán. Tại sao chỉ có một mình bạn chống lại hai người trong trò chơi này. Hãy tìm một địa ốc viên đồng bạn và rồi theo đuổi đến cùng! (n.n.)
Một vài lời khuyên dành cho người mua nhà lần đầu
Trích từ báo Người Việt online, May 17, 2010
Mua một căn nhà, trong bất cứ thời nào, cũng là một vụ đầu tư lớn nhất đời người của hầu hết những người bình thường. Bởi vậy, sự thận trọng là điều cần thiết mà ai cũng phải tự võ trang cho mình trước khi đặt bút ký tên trên bản hợp đồng. Bút sa gà chết, câu tục ngữ này xưa nay vẫn đúng đối với một vụ mua bán nhà cửa.
Hợp đồng mua nhà là một văn bản có tính ràng buộc pháp lý rất dễ dẫn tới kiện tụng nếu một bên không thi hành đúng những cam kết.
* Nghiên cứu trước - Hãy chuẩn bị trước khi mua. Duyệt xét giá cả của những căn nhà tương đương trong khu vực, có thể tìm thấy trên các websites như Zilllow.com, PropertyShark.com, StreetEasy.com, HouseValues.com, Trulia.com và những địa chỉ khác. Nên nhớ rằng những con số này đôi khi đi chậm hơn thị trường một vài tháng. Một nhân viên địa ốc có thể cung cấp các dữ kiện mua bán mới nhất.
* Chữa trị tín dụng của bạn - Những lãi suất tốt nhất cho việc vay tiền mua nhà hiện nay đòi hỏi một điểm đánh giá tín dụng trên 700. Hãy tìm hiểu phương cách để gia tăng điểm tín dụng của bạn trước khi nộp đơn vay tiền mua nhà. Không những một điểm tín dụng thấp gây tốn kém thêm cho bạn vì lãi suất áp dụng cho món nợ thế chấp nhà của bạn cao hơn, nó cũng có thể khiến bạn không được vay tiền.
Hãy tới website AnnualCreditReport.com, dịch vụ duy nhất được chính phủ bảo trợ, để nhận một bản báo cáo tín dụng miễn phí từ một hoặc cả ba phòng báo cáo tín dụng lớn. Trên AnnualCreditReport.com, chọn tiểu bang của bạn và bấm vào nút “Request Report” màu đỏ và làm theo những chỉ dẫn. Báo cáo không tốn tiền, nhưng bạn sẽ phải trả một lệ phí nhỏ để nhận được điểm đánh giá tín dụng của bạn.
* Trả giá thấp - Trong nhiều thị trường thân thiện với người mua hiện nay, bạn có thể trả giá thấp hơn giá ghi bán từ 10 đến 15%, bởi vì giá cả được căn cứ vào các hợp đồng được ký từ ba đến bốn tháng trước. Giá rao bán không nhất thiết phản ánh trị giá gần đây nhất, đặc biệt tại các thị trường vẫn đang trên đà đi xuống.
* Xem xét thể thức vay được gọi là “Lucky 7” - Lợi dụng các lãi suất được cung cấp với một món thế chấp có lãi suất thay đổi 7/1, thấp hơn so với một món thế chấp lãi suất cố định trả trong 30 năm. Lãi suất áp dụng cho món thế chấp lãi suất thay đổi 7/1 sẽ không thay đổi trong bảy năm. Vào năm thứ tám, món vay được ấn định lại như một món vay có lãi suất có thể được điều chỉnh. Ðể khỏi bị bất ngờ, bạn cần biết rõ sự sai biệt, lãi suất tối đa có thể thay đổi trong suốt thời kỳ trả nợ (life cap), và lãi suất tối đa có thể được thay đổi trong một thời kỳ điều chỉnh (periodic cap), sẽ bắt đầu trong năm thứ tám. Hãy sử dụng bảy năm đó để giảm bớt món nợ và gia tăng lợi tức của bạn để chuẩn bị cho điều có thể là một lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ban đầu.
Bạn cũng nên xem xét những món thế chấp 30/15 năm, có lãi suất cố định trong 15 năm, được trừ dần trong thời gian 30 năm (do đó tiền thanh toán hàng tháng ít đi) nhưng sẽ phải trả dứt nợ trong 15 năm.
Những cách vay tiền thế chấp này, và những cách khác, có những lãi suất khởi đầu thấp hơn như một hàng rào chống lại việc tăng lãi suất trong tương lai gần.
* Tiền vay được chấp thuận trước - Tiến xa hơn việc đủ điều kiện để vay tiền, là điều chỉ cho bạn biết bạn có thể vay bao nhiêu tiền. Hãy tìm cách để được chấp thuận trước một khoản thế chấp và bạn sẽ biết các thông số về giá nhà để tìm mua. Bạn cũng sẽ tự giới thiệu với người bán như một người có ý mua thật sự. Nắm trong tay sự tài trợ cũng sẽ giúp bạn ở vị thế ngang hàng với những người mua bằng tiền mặt và các nhà đầu tư và nó sẽ giúp bạn thương lượng một giá mua tốt hơn.
* Xem xét một căn nhà mới xây - Khu vực nhà mới bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhà bán lại trong cuộc khủng hoảng. Những nhượng bộ và giảm giá là chuyện thông thường. Các con số của Phòng Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ cho thấy rằng lượng mua bán những căn nhà mới giảm trong tháng thứ tư liên tiếp trong Tháng Hai, tới một mức hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 308,000 vụ mua bán - một mức sụt giảm hàng năm khoảng 13% và là mức thấp nhất từ trước tới nay.
* Kiểm tra mọi thứ - Hãy thực hiện một cuộc kiểm tra nhà cho một căn nhà mới, một nhà bán lại, một căn nhà gần như mới, hay một căn nhà rất cũ. Luôn luôn phải kiểm tra. Chỉ vì nó mới không có nghĩa nó không có khiếm khuyết. Những vấn nạn tiềm ẩn có thể phá hoại giá trị căn nhà của bạn.
* Ðọc giấy tờ về chủ quyền - Hãy bảo đảm rằng bất cứ những thêm thắt hoặc xây dựng mới nào cho một căn nhà hiện hữu cũng được phép và được ghi hồ sơ đầy đủ với nhà chức trách thị xã địa phương.
* Kiểm tra sự đánh giá- Cũng kiểm tra báo cáo đánh giá nhà để tìm bất cứ sự bỏ qua nào, những đặc điểm bị bỏ sót nào hoặc bất cứ sai lầm nào có thể khiến tài sản bị đánh giá thấp.
* Thương lượng - Ðừng sợ phải mặc cả. Ðây là thị trường của người mua. Những nhượng bộ được cung cấp từ cả những người xây dựng nhà mới lẫn những người bán những căn nhà hiện hữu. Hãy yêu cầu trợ giúp về các phí tổn đóng hồ sơ, sửa chữa, ngay cả trang bị đồ đạc cho căn nhà và những lợi lộc khác.
* Ðừng hà tiện trong việc tìm sự trợ giúp - Nếu bạn muốn ít tốn kém nhất trong việc mướn luật sư, chuyên viên địa ốc, kiểm soát viên, v.v... bạn sẽ nhận được những gì mà bạn chi ra. Hãy hỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các chuyên viên địa ốc và những người mà bạn tin tưởng để được giới thiệu và rồi điều tra họ một cách cẩn thận. (nn)
Trích từ báo Người Việt online, May 17, 2010
Căn nhà mơ ước
Có hàng triệu căn nhà được rao bán trên toàn quốc. Làm sao bạn có thể biết căn nhà nào là căn nhà lý tưởng cho bạn?
Ðiểm then chốt để tìm được căn nhà đúng ý là soạn ra một danh sách những điều mong ước. Từ lối sống mà bạn muốn sống cho tới kiểu dáng của căn nhà thích hợp nhất với các nhu cầu của bạn, một danh sách liệt kê những điều mơ ước là một đường lối tốt cho bạn và cho nhân viên địa ốc để nắm vững những mục tiêu của bạn.
1. Nhà cần sửa chữa hay nhà sẵn sàng để dọn vào?
Nhiều người mua coi quyền sở hữu nhà như một đường lối để dán nhãn hiệu của họ trên một bất động sản. Họ tin tưởng vào khả năng tân trang của họ, hoặc muốn mài giũa những khả năng đó. Một phần của sự hấp dẫn cũng có thể là nhiều căn nhà cần sửa chữa giá rẻ hơn đáng kể so với những căn nhà tương tự nhưng sẵn sàng để dọn vào. Nên bảo đảm bạn ngồi xuống và xét xem bạn muốn quyền sở hữu có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
2. Ðịa điểm.
Bạn có cần sống gần phương tiện chuyên chở công cộng, đường xe lửa, và xe điện ngầm hay không? Nên nhớ rằng tại những vùng đô thị lớn, sát với phương tiện di chuyển có thể làm cho giá cả cao ngất trời. Bạn cũng nên nghĩ tới việc giải trí, các tiệm ăn, và đời sống về đêm. Ở gần, hay cách xa, sự nhộn nhịp và ồn ào, có phải là điều quan trọng đối với bạn hay không?
3. Trường học.
Ðây không phải là điều bí mật. Phẩm chất của các trường công và tư khác nhau rất nhiều. Nên bảo đảm nghiên cứu các học khu trước khi khởi sự cuộc săn lùng nhà.
4. Kiểu kiến trúc.
Vài người bị hấp dẫn bởi một kiểu nhà mới với những khoảng không gian ngăn nắp và sáng sủa, trong khi những người khác thích sự mê hoặc ấm cúng của một căn nhà kiểu Victoria của thế kỷ 19. Nên đọc lướt qua các tạp chí, thực hiện những cuộc tìm kiếm online, và đọc thêm những cuốn sách về kiến trúc để quyết định xem kiểu nhà nào phù hợp nhất với khiếu thẩm mỹ của bạn.
5. Những cải tiến.
Bạn có thích đá hoa cương (granite) hoặc cẩm thạch (marble) hay không? Có một số cải tiến mà những người mua nhà thèm muốn. Hãy viết ra một danh sách những cải tiến nào mà bạn mong thấy nhất trong căn nhà mơ ước của bạn. Ðiều này có thể bao gồm những dụng cụ thuộc loại nhà nghề, gạch loại sang trọng, hoặc những cải tiến để tiết kiệm năng lượng.
6. Kiểu dáng nội thất.
Nếu bạn có những dị ứng, bạn có thể thù ghét thảm. Và trong khi việc thay sàn không phá hoại ngân sách của một vài người, nó có thể như vậy đối với những người khác. Các kiểu dáng bên trong có thể được thay đổi, nhưng thời gian và tiền bạc luôn luôn là một yếu tố. Bằng cách hình dung loại nội thất mà bạn mong muốn nhất, bạn có thể loại ra những căn nhà sẽ đòi hỏi quá nhiều công việc.
7. Muốn có vườn lớn.
Ðối với vài người mua nhà, khu vườn hoàn hảo là một khu vườn không đòi hỏi sự bảo trì (như những căn nhà loại condo). Tuy nhiên, đối với những người khác, khu vườn lý tưởng phải rộng, riêng tư, và được chăm sóc đẹp đẽ. Nên bảo đảm xem xét những gì thích hợp nhất với lối sống của bạn.
8. Nhà mới hay nhà cũ?
Nhà cũ có thể có nhiều hấp dẫn, nhưng chúng có thể đòi hỏi nhiều bảo trì. Nhà mới không phải là không cần bảo trì, nhưng chúng có thể đi kèm với một số bảo hành từ nhà xây dựng để bảo vệ bạn trong một vài năm sắp tới.
9. Nhà để xe như thế nào?
Bạn muốn một nhà để xe tách rời hay gắn liền với nhà? Những nhà để xe tách biệt thích hợp với những chủ nhà sẽ làm việc về những dự án ồn ào và tạo nhiều mùi. Như vậy căn nhà duy trì một khoảng cách. Những người khác thích một cuộc đi bộ ấm áp từ nhà bếp tới chiếc xe của họ mỗi buổi sáng. Loại nhà xe nào thích hợp nhất với lối sống của bạn?
10. Nhà biệt lập hay liền nhau?
Có nhiều lựa chọn khi mua nhà. Các chủ nhà condo thích sự thoải mái và tiện lợi khi sống trong một cộng đồng với những tiện nghi phụ trội. Những người ở nhà biệt lập thích sự riêng tư và khoảng không gian mà căn nhà của họ cung cấp. Và những người muốn bất động sản đem lại lợi tức thích có một người thuê sẽ giúp họ trả một phần tiền thế chấp nhà của họ.
Ðiều quan trọng cần nhớ là rất có thể bạn sẽ không nhận được mọi thứ trên danh sách mơ ước của bạn, nhưng có một danh sách chắc chắc được viết ra sẽ giúp hướng dẫn bạn đi đúng hướng trong cuộc tìm kiếm căn nhà mơ ước của bạn. (nn)
Mua một căn nhà có lẽ là thành quả cam go nhất, đắt giá nhất, và, cuối cùng, giá trị nhất mà bạn từng hoàn tất từ trước tới nay. Ðối với đại đa số các gia đình, đây là tài sản lớn nhất đến từ sự đầu tư và vun đắp từ năm này sang năm khác, có khi suốt cả đời lao động của cả nhà.
Nhưng, ngay từ bước đầu, khi quyết định tìm một căn nhà để mua, chỉ cần một sai lầm cũng có thể đưa tới thảm họa - có thể là sai lầm tệ hại nhất mà bạn từng mắc phải.
Ðể tránh những sơ suất lớn trong một vụ giao dịch khó khăn như vậy, giới chuyên gia địa ốc khuyên người mua hãy tìm hiểu và tránh những sai lầm thông thường nhất để khỏi thiệt hại và ân hận về sau.
Không phải chỉ những người mua nhà lần đầu, cả những người đã từng mua nhà, nay đi mua nhà khác cũng có thể mắc phải những lỗi lầm trầm trọng. Bởi vì chuyện mua nhà không phải là chuyện hàng ngày nên không mấy ai nhớ những gì cần làm, cái gì nên tránh.
1. Làm một mình
Mua một căn nhà là một vụ giao dịch phức tạp và tốn nhiều thời gian trong một hạn định được thỏa thuận và theo nhiều ràng buộc pháp lý. Nó phải là một nỗ lực của một nhóm người với các khả năng chuyên môn của những lãnh vực khác nhau. Bạn sẽ cần một chuyên viên địa ốc, chuyên tài trợ địa ốc, chuyên viên kiểm tra tình trạng căn nhà (home inspector), hãng bảo hiểm, có thể một luật sư và những người khác nữa, để giúp bạn vượt qua từng bước đường. Nên xây dựng toán trước khi bạn khởi sự cuộc tìm kiếm.
Không ai cấm cản một cá nhân có nhu cầu mua nhà đi tìm mua nhà một mình, điều đình trực tiếp với chủ nhà. Nhưng hàng trăm hàng ngàn vụ kiện xảy ra khắp nơi hàng năm liên quan đến mua bán nhà cửa cũng chỉ vì một trong hai bên đã vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận. Nếu không hiểu luật lệ địa ốc, tài trợ địa ốc và các vấn đề liên quan có tính ràng buộc pháp lý, không có sự cố vấn của những chuyên viên trong ngành, có thể dẫn đến các hậu quả xấu nhiều khi không lường trước được.
2. Vừa thấy đã thích ngay
Sau này bạn sẽ hối hận nếu bạn để cho cảm xúc điều khiển bạn trong tiến trình mua nhà. Căn nhà của bạn phải thích hợp với các nhu cầu thực sự của bạn, không phải để bạn trình diễn. Nên mua một căn nhà phù hợp với ngân sách và lối sống của bạn. Nên bảo đảm căn nhà nằm trong một cộng đồng và khu dân cư mà bạn mong muốn. Nên viếng thăm các khu lân cận vài lần trước khi mua để xem xét các trường học, tiếng ồn và xe cộ lưu thông.
3. Ði tìm nhà mà chưa lo vay tiền
Ðược xác nhận là đủ điều kiện vay tiền giúp bạn một ý niệm tổng quát về chuyện bạn có thể vay được bao nhiêu. Ðược chấp thuận trước cho một món vay nào đó thì tốt hơn. Những người bán sẽ coi bạn như thực sự muốn mua. Nên giới hạn ở mức ngân sách được dự trù.
4. Mua quá khả năng tài chính
Một phần vì có những người mua nhà với giá cao hơn mức họ thực sự kham nổi nên thị trường địa ốc mới sụp đổ. Có thể sự hấp dẫn đến từ căn nhà đẹp “ấn tượng” hoặc có diện tích lớn, vườn như “vườn địa đàng.”
Mua với giá cao hơn mức bạn có thể kham nổi sẽ làm cho căn nhà mơ ước của bạn trở thành ác mộng. Nên phân tích mọi phí tổn hàng tháng kể cả nợ nần, thực phẩm, chuyên chở, giải trí, và những khoản tiết kiệm. Những món nợ hàng tháng của bạn, kể cả tiền mượn nợ mua nhà, không nên vượt quá 36% lợi tức chưa trừ thuế của bạn. Ðừng quên ngân khoản dành cho các phí tổn giấy tờ, thủ tục chuyển nhượng tài sản (closing costs) (thường từ 2 đến 5 phần trăm giá mua của căn nhà), cộng với chi phí dọn nhà, trang hoàng lại và bảo trì. Nên nhìn xa hơn và dự trù những gia tăng chi phí sắp tới như các tiện ích (utilities) và thuế.
5. Tin tưởng không đúng chỗ
Bạn đang chuẩn bị tiếp nhận một tài sản có thể giá trị nhất từ trước tới nay. Ðó là một giao dịch kinh doanh. Nên hỏi gia đình, bạn bè, các đồng nghiệp, những nhà chuyên môn và những người mà bạn tin tưởng để được giới thiệu, nhưng đừng tin vào lời của họ. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên viên đang giúp bạn mua căn nhà.
6. Chấp nhận những thỏa thuận miệng
Hãy ghi trên giấy tờ. Lãi suất cố định, việc kiểm tra tình trạng căn nhà, những vụ xiết nhà, hợp đồng. Luôn luôn trên giấy tờ. Nếu một vụ tranh cãi xảy ra, bạn có sẵn các chi tiết được ghi trên giấy tờ. Nên nhớ, mua bán nhà là một dịch vụ có tính ràng buộc pháp lý. Bởi vậy, tất cả mọi điều khoản thỏa thuận hay phản bác, từ chối, thông tin, đều phải viết rành rẽ trên giấy.
7. Bỏ qua những chi tiết nhỏ
Nên hiểu rõ những gì thực sự được ghi trên bất cứ tài liệu, văn bản, hợp đồng nào trước khi đặt bút ký. Nên nhận các tài liệu trước, bỏ thì giờ để đọc và nêu lên các câu hỏi. Nên có bản đồng vay nợ ngân hàng để mua nhà của bạn và các giấy tờ kết thúc hồ sơ một vài ngày trước khi ký giấy nợ và đóng hồ sơ. Như trên đã nhắc, hồ sơ mua bán nhà có tính ràng buộc pháp lý nên bất cứ chi tiết gì trong các bản hợp đồng, văn bản mua bán nhà không thể bỏ sót.
8. Bỏ qua hay trông mong vào việc bán lại
Tránh mua một căn nhà tốn hơn 50% so với những căn nhà lân cận. Nên xét lại việc mua căn nhà đắt tiền nhất trong khu phố. Căn nhà của người hàng xóm có giá thấp hơn sẽ làm giảm giá trị căn nhà của bạn. Nói khác, bán lại căn nhà này về sau sẽ bị thiệt thòi vì không thể tìm được những căn nhà có giá tương đương để so sánh.
9. Ðưa ra một đề nghị mà không kèm theo điều kiện. Hãy tự vệ trước những tình huống bất ngờ
- Việc vay tiền mua nhà. Bạn có thể được chấp thuận trước nhưng căn nhà thì sao? Một cuộc đánh giá chính thức có thể xác nhận - hoặc không - rằng giá trị của căn nhà không đủ bảo đảm cho món tiền vay. Nếu căn nhà được đánh giá thấp hơn giá bán, việc vay tiền có thể bị từ chối.
- Kiểm tra tình trạng căn nhà (home inspection). Ðừng mua một căn nhà mới hay có sẵn mà không có một cuộc kiểm tra nhà kỹ càng. Nên đi xem xét khắp nhà cùng với chuyên viên kiểm tra để biết thêm về căn nhà và bất cứ lo ngại nào mà người đó có thể nêu lên.
- Bảo hiểm. Cần mua bảo hiểm đầy đủ cho căn nhà. Ở nhiều khu vực, ngoài bảo hiểm căn nhà về hỏa hoạn và thiên tai thông thường, chủ nhà còn phải mua bảo hiểm lụt và động đất. Trong vài vùng, hoặc sau những tai ương nào đó, bạn có thể khó mua những loại bảo hiểm rủi ro.
10. Hối tiếc vì đã không mua
Không có nơi nào được coi là hoàn hảo. Sẽ luôn luôn có những bất ngờ. Ðừng để cho một vài đốm nhỏ lúc đầu làm hại toàn thể tiến trình. Và đừng bỏ lỡ một căn nhà quá tốt để chờ đợi một căn nhà hoàn hảo! (nn)
Trích từ báo Người Việt online, April 8, 2010
Làm chủ một căn nhà không phải chỉ trả tiền nợ mỗi tháng
Cập nhật lúc 6:17:29 PM - 01/01/2010
Vũ Đức Hiền
Ông Lâm mừng là mọi
chuyện mua căn nhà đã xong. Ông đã đánh bạt được gần hai chục đối thủ để mua được
căn nhà ở thành phố Garden Grove do ngân hàng xiết nợ bán lại trên thị trường.
Ông biết căn nhà cần
phải sửa chữa. Ông đã quan sát trong ngoài, nhẩm tính thấy phải thay mái nhà,
thay thảm và một số thứ lặt vặt ở bên trong. Nhiều lắm, hết khoảng $10,000. Sơn
thì ông sẽ mua và cả nhà xúm vào sơn, chỉ tốn tiền vật liệu vài trăm.
"Tôi không ngờ nó lại
tốn nhiều hơn là tôi tính". Ông Lâm nói với người viết bài này.
Khi gọi công ty làm
mái nhà tới thay mái, người ta gỡ lớp ngói mục bên trên, mới thấy gần hết lớp
gỗ bên dưới hoặc mục nát, hoặc bị mối ăn rỗng hết. Nhiều chỗ dột lâu ngày không
được chủ cũ nhìn ngó và đối phó kịp thời đã dẫn đến cảnh này. Gỡ một số tủ kệ
nhà bếp, mới thấy bên trong cũng chẳng có thể giữ lại. Ông đã phải làm lại cả
nhà bếp, cả hai phòng tắm và làm lại hoàn toàn mái nhà. Vợ chồng ông phải vay mượn
anh chị em, bạn bè thêm 30 ngàn nữa mới đủ tiền để hoàn tất công việc sửa chữa
căn bản. Những thứ nho nhỏ khác, ông đành để đó tính sau.
Cái kinh nghiệm và
bài học tốn kém của ông Lâm là không thể tính nhẩm bằng ước đoán không chuyên
môn. Ông phải thuê những công ty chuyên nghiệp về sửa chữa đến cho ý kiến và ước
tính phí tổn trước khi đặt bút ký vào tờ giấy đề nghị mua nhà. Họ phải xem xét
kỹ lưỡng và họ cũng biết nếu phải thay thế hay sửa chữa sẽ gồm những gì, tốn
kém ra sao.
Bên cạnh đó, ông
không thể chỉ chuẩn bị vừa đủ số tiền mua nhà, ước lượng số tiền chi phí cho căn
nhà chỉ là tiền trả cho chủ nợ hàng tháng. Giới chuyên môn địa ốc, những người
nhiều kinh nghiệm, thường khuyên khách hàng những điều xa hơn là tiền trả nợ
hàng tháng. Bởi vì, làm chủ một căn nhà, các phí tổn để làm chủ không giản dị
là trả tiền cho ngân hàng tài trợ. Nó còn nhiều thứ khác nữa nên chủ nhà phải
có một ngân khoản dự phòng.
"Tôi thật chới với.
Khi gỡ mái nhà ra, thợ người ta nói số tiền tốn kém nhiều gấp đôi số tiền thỏa
thuận ban đầu. Đã lỡ rồi nên phải chạy vay nợ lung tung". Ông Lâm vừa lắc đầu
vừa nói.
Khi mua một căn nhà
của người khác bán lại, nhất là những căn nhà đã khá cũ, bốn năm chục tuổi hoặc
có thể cũ hơn, luôn luôn có những vấn đề liên quan đến sửa chữa, không đến ngay
lúc này thì cũng sẽ đến vào lúc khác. Giới chuyên viên địa ốc thường cho rằng
cái lỗi lầm lớn nhất của những người đi mua nhà là ước tính quá thấp về những
tốn phí để làm chủ. Bởi vì, ngoài tiền trả cho nhà tài trợ , còn có tiền bảo
hiểm, tiền thuế bất động sản là những thứ căn bản. Kế đến, còn tiền bảo trì và
sửa chữa cho căn nhà có thể đến bất cứ lúc nào. Không có một ngân khoản dự
phòng, nhiều khi sẽ để những chuyện hư hỏng nho nhỏ biến thành những hư hỏng
phải sửa chữa vô cùng tốn kém một vài năm sau.
"Người mua nhà tối
thiểu phải dành riêng ra ngay từ đầu số tiền ít nhất phải 1% của giá mua căn
nhà cho những chuyện sửa chữa bất thường sau này." Một địa ốc viên nói với người
viết bài này. "Đấy là tối thiểu chứ đúng ra, nên có số tiền nhiều hơn, như 2%
tới 3% của giá mua nhà thì hợp lý hơn."
Đối với những người
mua nhà lần đầu, thông thường, tất cả những số tiền dành dụm dồn hết vào số
tiền trả trước (downpayment) nên sổ tiết kiệm ngân hàng thường chẳng còn gì.
Sửa chữa đã vậy, lỡ chẳng may thất nghiệp thì sao? Nhiều chuyên viên địa ốc tin
rằng, người đi mua nhà, đừng nên dồn hết tiền vào việc trả trước và mua căn
nhà. Nên mua căn nhà ở mức an toàn và số tiền còn lại trong trương mục tiết
kiệm phải đủ ít nhất cho 6 tháng trả tiền nhà.
Mua nhà kiểu "bóc ngắn
cắn dài" tức ráng gồng để mua căn nhà to hơn, đẹp hơn, giá cao hơn và mua xong
thì sạch túi như khá nhiều người từng mua nhà kiểu này sẽ khó lòng đối phó khi
bất ngờ đối diện với một thứ khó khăn cần giải quyết bằng tiền. Thời gian này,
tình hình việc làm có nhiều bấp bênh. Một số tiểu bang hay khu vực có tỉ lệ
thất nghiệp lên hơn 11%, nếu không cẩn thận và giữ mức an toàn tài chính cần
thiết, dễ sa lầy.
"Khi làm hợp đồng mua
nhà, người ta nên thuê một công ty kiểm tra tình trạng căn nhà." Bill
Richarson, chủ tịch Hiệp Hội Chuyên Viên Kiểm Tra Tình Trạng Căn Nhà (American
Society of Home Inspectors) phát biểu với đài CNN gần đây. "Nhờ vậy người ta
biết được tình trạng căn nhà ra sao để tránh được những phí tổn bất ngờ xảy đến."
Theo ông, người mua
nhà nên có mặt lúc người chuyên viên kiểm tra căn nhà để người ta cho biết ngay
tình trạng của căn nhà. Đồng thời, đặt các câu hỏi để nghe giải thích. Chi phí
cho một bảnkiêm tra căn nhà (Home
Inspection Report) khoảng $350 đến $450 tùy khu vực. Đây là một số tiền nhỏ nhưng
có lợi lớn mà nhờ đó có thể đỡ được nhiều chuyện tốn kém bất ngờ. Cất giữ một
bản cẩn thận để sau này, mở ra đối chiếu, xem lại có thể nó sẽ còn nhiều hữu
ích.
Đối với căn nhà cũ,
chuyên viên kiểm tra có thể cho người mua nhà ước lượng tuổi của những thành
phần trang bị trong căn nhà. Nhờ đó, khi làm chủ, chủ nhà biết bao giờ nên thay
thế hay sửa chữa trước khi có đẻ ra những chuyện phải làm tốn kém hơn.
Hệ thống sưởi chẳng
hạn, sử dụng được khoảng 12 đến 15 năm. Một bình nước nóng cũng tốt được khoảng
10 đến 12 năm, thí dụ vậy. Danh sách của nhiều loại trang bị trong căn nhà với độ
tuổi thọ ước lượng và phí tổn (phỏng định) nếu cần thay thế, quí vị có thể tìm
thấy ở địa chỉ LivingWithMyHome.com, một trang thông tin điện tử do công ty
kiểm tra nhà Pillar to Post bảo trợ.
Một khi quí vị biết
tình trạng căn nhà, những gì phải giải quyết ngay, những gì sẽ phải đối diện
vài năm sau, quí vị hình dung được là mình sẽ cần khoảng bao nhiêu tiền và cho
những việc gì. Những điểm căn bản nhìn thấy được thì sẽ ước tính theo là mình
sẽ dành tiền riêng ra cho căn nhà bao nhiêu để an toàn, từ sửa chữa đến trả
tiền nhà hàng tháng bên cạnh tiền bảo hiểm và tiền thuế bất động sản đóng cho
chính phủ.
Một điều cũng nên
nhớ: Ngân hàng dạo sau này khá chặt chẽ đối với chuyện vay tiền để sửa chữa,
tân trang nhà. Mấy năm trước, bất cứ chủ nhà nào cũng vậy, đều thường xuyên
nhận được các tờ giấy quảng cáo dụ dỗ cho vay tiền sửa nhà, tân trang. Thậm chí
cho mượn ngay những số tiền lớn mà chẳng cần đòi hỏi điều kiện gì nếu quí vị đang
làm chủ một căn nhà.
Bây giờ, không có
những chuyện dụ dỗ như vậy nữa. Trái lại, xin vay còn khó khăn là đàng khác.
Cho nên, đừng nghĩ là khi cần mình sẽ chạy lại ngân hàng để vay sửa nhà. Phải
cố gắng để dành ra một số tiền để chi cho chuyện sửa chữa khi cần.
Khi có chuyện hư hỏng
nhỏ, sửa liền chứ đừng để nó trở thành lớn chuyệnsau này. Thí dụ, cái bàn cầu tiêu nhúc nhích, rỉ nước. Chỉ cần
thay miếng cao su đệm nối bồn cầu với ống thoát ra cống nước bên dưới, siết
chặt các con ốc là giải quyết được vấn đề. Tốn kém chỉ vài đô la, chủ nhà có
thể làm lấy dễ dàng. Nhưng nếu ỳ ra, lâu ngày, thảm hoặc gỗ bị ngấm, bị hỏng,
dẫn tới nhiều thứ phải thay hay phải sửa, tốn kém bạc ngàn như chơi.
Người viết bài này
từng thấy một hai chủ nhà lấy thau nhựa hoặc nồi cũ vất đi, hứng chỗ dột trên
trần nhà. Thay ngay một vài miếng ngói, hoặc gọi thợ mái nhà tới sửa có thể tốn
một vài trăm nhưng an toàn. Nếu để lâu dài, hỏng hết lớp gỗ bên dưới ngói, tốn
kém cả chục ngàn nếu phải làm lại hết mái nhà.
Hiệp Hội Chuyên viên
Kiểm Tra Nhà khuyên nên dành riêng ngân khoản từ $500 đến $1,000 cho những
chuyện sửa chữa vặt vãnh hoặc bất thường cho căn nhà.
"Mua
một căn nhà là mua một tài sản lớn nhất đời của nhiều người. Nếu chăm sóc nó
cẩn thận, nó sẽ đem đến tiền bạc lớn cho chủ nhà. Nhưng nếu không săn sóc nó đúng
cách, tới một lúc nào đó, có thể nó trở thành gánh nặng." Chủ tịch hiệp hội nói
trên khuyến cáo.
Trích từ báo VienDong Daily.... online
Từ mua nhà đến làm chủ nhà
Wednesday, May 12, 2010
Ngô Ðồng
Trong một bản tường trình được phổ biến giữa tháng trước, Hiệp Hội Ðịa Ốc Hoa Kỳ thông báo rất hồ hởi rằng nhà bán được trong tháng 3 tăng được 6.8% so với tháng 2 trước đó. Nhưng nếu so với một năm trước thì đã tăng được tới 16.1%.
Tin này song song với tin kỹ nghệ xây nhà mới cho biết số nhà bán được của tháng 3 đã gia tăng tới 27% làm giới chơi chứng khoán vội vã bơm tiền mua cổ phiếu của ngành này.
Người mua nhà lợi dụng tín thuế mua nhà của chính phủ trước khi nó hết hạn ngày 30 tháng 4, 2010, hối hả tận dụng một cơ hội hiếm có và không mấy ai tin nó sẽ được triển hạn.
Ngay bây giờ, theo một bản tường trình phổ biến trên một số công ty tài trợ địa ốc, lãi suất chương trình 30 năm lãi suất cố định vẫn nằm bên dưới 5%, nếu người xin vay có điểm số tín dụng tốt đẹp.
Tuy nhiên, qua sự khảo cứu của hãng thông tấn AP, rất nhiều người khi mua nhà, đặc biệt là những người chưa có nhiều kinh nghiệm về mua nhà, chỉ chú ý tới một điều duy nhất. Giá bán căn nhà.
Ðành rằng phải “liệu cơm gắp mắm,” mua nhà thì chỉ mua tới mức khả năng tiền bạc, lợi tức của mình cho phép, nhưng giá bán căn nhà không phải là điều duy nhất cần phải lưu tâm. Có rất nhiều thứ tốn kém gắn liền với việc mua căn nhà. Từ phí tổn vay nợ, chi phí dọn nhà, mua sắm đồ đạc cho chỗ ở mới là một số trong những thứ tốn kém làm cho người mua nhà tốn nhiều hơn là người ta trù tính ban đầu.
Cho nên, để nhắc nhở người mua nhà những điều cần thiết tối thiểu, giới chuyên viên đề nghị các vị nào đang có nhu cầu mua nhà nên để ý những điều sau đây hầu giúp cho chuyện mua nhà trở nên suôn sẻ, và cũng có thể đỡ tốn thì giờ và tiền bạc cũng như làm chủ căn nhà về lâu về dài.
1. Dọn cho sạch sẽ bản tiểu sử tín dụng
Nhiều người không nhìn thấy ngay sự lợi hại này. Nếu quí vị có một bản tiểu sử tín dụng đẹp đẽ, không tì vết, các nợ nần trả đều đặn, đúng hạn và trả dứt phần lớn những món nợ lắt nhắt trước khi mua nhà, bản tiểu sử tín dụng (credit report) tốt đẹp hơn sẽ giúp điểm số tín dụng (credit scores) tăng điểm. Nhà tài trợ khi cứu xét đơn xin vay tiền mua nhà, họ nhìn ngay vào điểm số tín dụng xem quí vị đáng tin cậy đến đâu. Ðộ tin cậy càng cao, mức lời phải trả càng thấp. Nếu phải vay với lãi suất cao hơn mức thấp nhất trên thị trường, có lý do của nó, tức quí vị có điểm số tín dụng không tốt lắm.
Trước khi đi mua nhà, nên có một bản tiểu sử tín dụng, nhìn vào đó nếu thấy cái gì sai, yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu (Credit Reporting Agencies) phải điều chỉnh.
Theo công ty sáng lập hệ thống điểm số tín dụng FICO đang được sử dụng rộng rãi trong kỹ nghệ tài trợ, sự khác biệt của 100 điểm trong bản tiểu sử tín dụng sẽ làm tốn kém thêm cho con nợ $25,000 khi vay món nợ phải trả trong 30 năm. Giả sử số tiền xin vay là $300,000.
Một bản điểm số tín dụng tốn $19.95 khi quí vị mua online tại địa chỉ http://www.myFICO.com. Nhưng nếu quí vị không muốn có điểm số tín dụng, quí vị có thể vào địa chỉ www.annualcreditreport.com để lấy bản tiểu sử tín dụng miễn phí.
2. Các phí tổn liên quan vay nợ
Gần đây, hai định chế tài trợ Fannie Mae và Freddie Mac lấy lệ phí đắt hơn khi mua lại các món nợ từ kỹ nghệ tài trợ, làm cho lệ phí vay nợ tốn kém hơn đối với người mua nhà hay tái tài trợ món nợ cho căn nhà. Lệ phí có thể lên đến 3% đối với một số trường hợp, theo lời ông Marc Savitt, nguyên chủ tịch của Hiệp Hội Ngân Hàng Tài trợ Ðịa Ốc Toàn Quốc (National Association of Mortgage Bankers).
Theo đó, cứ mỗi $100,000 tiền vay, quí vị đã phải trả $3,000 rồi chưa kể một lô những tốn kém khác.
Nếu quí vị trả trước (downpayment) dưới 20%, nhà tài trợ đòi quí vị mua bảo hiểm cho món nợ (mortgage insurance). Tiền này sẽ tốn trung bình tương ứng với khoảng 2.5% của số tiền xin vay. Ðồng thời hàng tháng phải đóng một số bảo phí nữa. Như vậy, với số tiền vay $300,000 quí vị có thể phải trả ngay từ đầu cho bảo hiểm nợ là $7,500 và hàng tháng phải đóng khoảng $100 cho tới khi phần tiền của quí vị có trong căn nhà (equity) đạt 20%.
3. Tốn phí vay nợ
Ngoài tiền trả trước, rất nhiều tốn kém liên quan tới thủ tục vay nợ và chuyển nhượng bất động sản gọi chung là tốn phí hoàn tất chuyển nhượng tài sản (closing costs). Tiền thuê người kiểm tra nhà, tiền thuê người giám định trị giá nhà, tiền lệ phí làm thủ tục vay nợ, tiền mua bảo hiểm nhà, bảo hiểm món nợ và nhiều thứ khác đều phải kể hết. Một chuyên viên địa ốc hoặc tài trợ địa ốc chuyên nghiệp phải làm con tính giúp quí vị biết số tiền tổng cộng cần phải có để mua nhà.
Tùy trường hợp, các loại lệ phí, tốn phí cộng lại chiếm từ 4% đến 6% của giá mua căn nhà. Nếu giá mua căn nhà là $300,000 tốn kém đủ thứ có thể từ $12,000 đến $18,000. Các loại tốn phí này tùy thuộc nhiều yếu tố từ công ty tài trợ, khu vực quí vị ở, số tiền trả trước, điểm số tín dụng, số tiền xin vay.
Theo luật, công ty tài trợ hay ngân hàng mà quí vị tới xin vay tiền phải cung cấp cho quí vị một bản ước tính thành thật về phí tổn vay nợ. Từ ngữ chuyên môn gọi là “Good Faith Estimate.” Mọi tốn phí đều được viết xuống và trao cho quí vị trước khi ký giấy nợ để quí vị biết mà quyết định nên vay hay không.
4. Dọn nhà
Nơi ở mới có thể lớn hơn chỗ ở cũ. Nhà cần thêm đồ đạc. Căn nhà có thể cần thêm một số bàn ghế. Cũng có thể những gì quí vị có trước đó không thích hợp với chỗ ở mới, cần mua thứ khác thay thế. Tùy theo nhu cầu và căn nhà mà quí vị phải trang trí, bày biện đồ đạc thế nào cho đẹp, tốn kém hàng ngàn đô la là chuyện dễ hiểu.
Nếu quí vị tính tới chuyện sửa chữa hay tân trang nhà bếp, phòng tắm, thay mái nhà, hàng chục ngàn đô la sẽ phải đổ ra.
5. Bảo trì
Mua nhà không phải chỉ dọn vào ở cho tới cuối đời và không phải tốn kém gì thêm. Trái lại, bảo trì hàng năm từ hệ thống máy lạnh, máy sưởi, tủ lạnh, đến sơn trong ngoài, hệ thống ống nước, mối mọt v.v... sẽ tốn tiền. Làm chủ nhà mà không bảo trì thường xuyên, căn nhà mỗi ngày một tồi tệ đi, khi bán lại sẽ thiệt thòi lớn vì không bán được bằng giá với căn nhà hàng xóm.
Trích từ báo Người Việt online, May 12, 2010
Mua tranh nhà với người khác
Ngô Ðồng
Trái với những phân tích và bình luận không mấy hồ hởi về tương lai địa ốc tổng quát trên cả nước, thị trường địa ốc quận Cam nói riêng và nói chung ở phía Nam California không còn chiều đãi quỵ lụy các người đi mua nhà nữa. Không ít người than mua nhà tranh với người khác đã mua hụt vì trả giá thấp hơn người ta.
Theo bản tường trình của công ty chuyên cung cấp dữ liệu địa ốc Dataquick, nhà bán được ở khu vực quận Cam cũng như toàn phía Nam California đều tăng trong những tháng qua. Giá nhà vì thế cũng từ từ tăng lên.
Tường trình mới nhất của Dataquick nói nhà bán ở quận Cam trong tháng 4, 2010 có giá nhà trung bình là $430,000 chung cho cả mọi loại nhà. So với tháng 4, 2009 đã tăng 13.2%, một mức gia tăng đáng kể. Số ngôi nhà bán được trong khu vực cũng tăng được 11%,
Khi giá nhà tăng lên và nhiều người tranh nhau mua, đó là điều mơ ước của tất cả những ai có nhà đem ra bán trên thị trường. Ngược lại đối với những ai đi mua nhà trong hoàn cảnh này, nó là sự hãi hùng. Cái giá mà mình tính mua nhẩm ở trong đầu khó lòng mua được khi người nọ sợ người kia tranh mất, ráng trả giá cao hơn.
Ba bốn năm trước, nhiều người không bán nổi nhà dù giá nhà xuống rất thấp, đành phải gỡ bảng cất đi. Giờ thì gió đã đổi chiều.
Nhìn trên bình diện cả nước, Hiệp Hội Ðịa Ốc Hoa Kỳ (NAR) loan báo nhà bán được đã gia tăng 7.6% trong tháng 4, 2010 so với tháng 3 trước đó, nhưng nếu so với tháng 4, 2009 thì đã gia tăng tới 23%. Một tỉ lệ gia tăng rất lớn.
Giá nhà bán được trong tháng 4, 2010 cũng ở mức trung bình $173,100, cao hơn tháng này của năm ngoái 4%.
“Gần như tất cả các bản đề nghị hợp đồng mua nhà mà văn phòng chúng tôi đại diện cho khách hàng đều phải mua tranh với nhiều người khác. Nhiều khi với rất nhiều người khác.” Ông Joe Phan, một địa ốc viên của văn phòng Realty Savers ở Westminster nói với người viết bài này.
Hồi đầu năm và những tháng cuối năm ngoái, tin tức thời sự cho hay có những trường hợp cả trăm người tranh nhau mua một căn nhà ở quận Cam. Thật ra, đây là các căn nhà đã bị xiết nợ bán lại trên thị trường. Ðể đập vào mắt người tiêu thụ, nhà đã được niêm yết với giá thấp hơn giá thị trường 30%. Người mua nhà đã hối hả gửi đề nghị mua, tạo ra các trận chiến đấu giá trong đó, chỉ có một người thắng trận.
Rất nhiều người mua nhà không có kinh nghiệm lao vào các “trận đánh” này vừa thiếu chuẩn bị, vừa thiếu hiểu biết và cũng có thể, không lượng định đúng sức mình cũng như không được cố vấn khôn ngoan.
Trong một bản tin của CNN, David Kerr, một địa ốc viên của công ty môi giới địa ốc có tiếng tại vùng vịnh San Francisco cho hay, “Bây giờ chúng tôi đang thấy có rất nhiều người tranh nhau mua một căn nhà” mà 4 hay 5 người tranh nhau trả giá không phải là chuyện hiếm hoi nữa.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của rất nhiều địa ốc viên, một bản đề nghị mua (Offer to purchase) được người bán chấp nhận không nhất thiết là bản đề nghị trả giá cao nhất. Nó gồm rất nhiều yếu tố cộng lại để người bán tin rằng, nếu bán cho người này, chắc chắn mình sẽ bán được nhà với giá cao nhất, với những điều kiện có lợi nhất và trong thời gian nhanh nhất.
Người mua phải chứng tỏ cho người bán thấy mình chắc chắn được một nhà tài trợ chấp thuận cho vay tiền, công việc làm vững chắc, tiền sẵn sàng trong trương mục ngân hàng, bản tiểu sử tín dụng rất đáng tin cậy.
Khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với các tài liệu chứng minh như trên đi kèm bản đề nghị mua, người mua có nhiều hy vọng thành công dù chưa chắc đã là người trả giá cao nhất.
Khi phải tranh mua nhà với nhiều người, cần phải cân nhắc và tính toán trong hoàn cảnh của mình, không nên để cảm tính lấn át lý trí. “Bút sa gà chết.” Sự tính oán sai lầm không ai ngoài mình chịu sự thiệt hại sau này. Bản hợp đồng mua bán nhà, với chữ ký đầy đủ của cả hai bên là một văn kiện có tính cách ràng buộc pháp lý. Ai thi hành sai, nhiều phần sẽ bị phe bên kia kiện để đòi thiệt hại.
Dưới đây là một số lời khuyên cho những ai mua nhà và phải tranh mua với nhiều người khác:
1. Hãy tự đặt mình trong một giới hạn
Tranh nhau mua một căn nhà gần giống với một cuộc đấu giá mà mọi người tranh mua tuy không giơ tay trả giá trong cùng một căn phòng. Ðịa ốc viên, sau khi thảo luận với thân chủ, gửi bản hợp đồng đề nghị mua qua e-mail hay qua Fax. Phía chủ nhà sẽ trả lời bằng lòng bán hay không hoặc sẽ bán với những điều kiện nào (Counter-Offer). Hãy thảo luận với người địa ốc viên của mình, khảo cứu để biết trị giá căn nhà mà mình muốn mua, đối chiếu với giá bán, rồi quyết định trả giá thế nào. Không trả giá cao hơn trị giá của căn nhà. Nói khác, cần định trước giá nhà tối đa mình sẽ mua là bao nhiêu. Nếu mua với giá quá cao hơn sức chịu đựng tài chính của mình, hoặc cao hơn trị giá thị trường trong khi tình hình thị trường vẫn chưa có gì vững chắc, thường không thuận lý.
2. Nên uyển chuyển khi đặt các điều kiện để mua
Khi đề nghị mua một căn nhà, cần đưa ra các điều kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình, từ vấn đề kiểm tra tình trạng căn nhà, vấn đề trừ mối mọt, các điều kiện vay nợ v.v... Tuy nhiên, cũng nên uyển chuyển chứ không nên quá cứng rắn. Cứng rắn quá có thể không thành công.
3. Ðề nghị cho đại diện nhà tài trợ nói chuyện với người bán
Một trong những cái mà người bán sợ nhất là sau khi bản hợp đồng đã ký, thủ tục tiến hành đến gần cuối hạn kỳ phải hoàn tất thì nhận được cú điện thoại của đại diện người mua thông báo khách hàng của ông ta không vay được tiền. Thế là phải làm lại từ đầu, mất hết 6 đến 8 tuần lễ toi công. Ðồ đạc đã bán hay cho đi một phần lớn nếu dọn đi xa, nay phải mua sắm mớ khác hay sao?
Bởi vậy, khi đề nghị mua, một số chuyên viên nhiều kinh nghiệm cho rằng trong lá thư của địa ốc viên đi kèm với bản đề nghị mua, nên có cả điện thoại, địa chỉ công ty tài trợ và tên người chuyên viên tài trợ để tiếp xúc. Nếu người chủ nhà gọi cho chuyên này và biết mọi thứ đã được chuẩn bị để cho vay, chỉ đợi có bản hợp đồng đầy đủ chữ ký gửi tới là tiến hành ngay và không có trở ngại gì, người chủ của căn nhà đem bán sẽ yên trí rất nhiều để quyết định bán hay không.
4. Biết chắc là mình đủ sức mua
Rất nhiều trường hợp phải trả giá cao hơn giá niêm yết (list price) của căn nhà mới mua được nhà ở khu vực thị trường quận Cam California trong khi các khu vực khác vẫn còn trì trệ và giá nhà vẫn còn tiếp tục xuống giá. Bởi vậy, theo giới chuyên viên, cần biết chắc chắn là nếu mình trả giá cao hơn giá niêm yết, khả năng tài chính của mình, từ tiền trả trước (downpayment) đến tiền trả hàng tháng (monthly payment) cho nhà tài trợ có chịu được không. Còn đủ tiền để lo cho những tốn phí khác, chi tiêu gia đình hay không. Làm chủ một căn nhà không có nghĩa là chỉ đủ tiền mua và tiền trả hàng tháng. Cần phải có tiền lo bảo trì, sửa chữa, sơn phết cho căn nhà, cái gì cũng tính ra thành tiền.
Ðuối sức, đừng nên cố sức quá để về sau phải bỏ ngang, như hàng triệu người mất nhà trong ba bốn năm qua là điều không nên.
5. Người bán nghĩ khác người mua
Nên nhớ, người chủ đem bán nhà trên thị trường có cái nhìn về trị giá của căn nhà hoàn toàn khác với người mua.
Người bán có thể tin rằng trị giá căn nhà của họ nằm ở mức này, có thể cao hơn trị giá thị trường. Hoặc chủ nhà cho rằng họ mới tân trang toàn bộ phòng tắm nhà bếp, trị giá căn nhà phải tăng lên thêm $50,000. Tuy nhiên, căn cứ vào cách đánh giá của chuyên viên định giá nhà (appraiser) để trả giá chứ không nên dựa theo cảm tính thích hay không thích của mình hoặc cách tính trị giá kiểu chủ nhà.
Trên đây chỉ là một số ý kiến tổng quát chia sẻ về đề tài mua tranh nhà với người khác. Một địa ốc viên nhiều kinh nghiệm và giỏi, làm việc toàn thời gian sẽ giúp cho người mua nhà các điều tư vấn hữu ích, thiết thực.
Trích từ báo Người Việt online, June 2, 2010 Ngô Đồng
Làm thế nào mua được nhà với giá rẻ
Danh sách nhà được rao bán trên toàn quốc hiện đầy ngập với những căn nhà bị tịch thu, nhà bán dưới mức nợ, và những căn nhà mới mà những nhà xây dựng sẵn sàng thương lượng để giảm bớt giá bán hoặc tặng thêm một vài thứ trang bị trong nhà. Nếu bạn hiện đang thăm dò thị trường để mua một căn nhà, có thể bạn đang cân nhắc các lợi ích của mỗi loại tài sản được cung cấp cho người mua.
Ðừng để bị lừa. Không phải mọi căn nhà bị ngân hàng thu siết nợ rồi đều được bán lại trên thị trường với giá hạ giảm đáng kể. Không phải mọi công ty xây cất nhà đều giảm giá. Những vụ bán dưới mức nợ có thể là một chuyện may rủi - với vài người mua trải qua hàng tháng chờ đợi mà vẫn chưa mua được nhà.
Nói một cách tổng quát, cần cân nhắc mọi trường hợp, có thể bạn có lợi nhất khi mua một căn nhà do chủ bán lại và được bán theo đường lối cổ điển (hai bên người mua người bán thương thuyết giá cả qua các đại diện môi giới địa ốc), do đó đừng loại bỏ những căn nhà đó trong khi bạn tìm mua nhà.
Ðể được lợi nhất với số tiền của bạn, điều quan trọng là bạn có một sự hiểu biết về số nhà được cung cấp trên thị trường địa phương; sự biến động của thị trường sẽ liên hệ rất lớn tới việc nhà được ấn định với giá cả khác nhau. Ngoài ra, cũng nên tự kiểm điểm để xác định bạn sẵn sàng liều lĩnh tới mức nào và bạn sẵn sàng đầu tư bao nhiêu thời gian và tiền bạc vào một căn nhà.
Các bất động sản do ngân hàng làm chủ
Những căn nhà bị ngân hàng thu hồi (siết nợ), thường được gọi là những bất động sản do ngân hàng làm chủ (REO), phần nhiều được bán với một giá được hạ giảm. Tuy nhiên, tầm mức của sự giảm giá tùy thuộc vào thị trường mà bạn xem xét.
Một báo cáo mới đây của Zillow.com cho thấy rằng sự hạ giảm tiêu biểu cho các bất động sản do ngân hàng làm chủ, so với một căn nhà được bán theo lối cổ điển, trung bình 20% đến 30%. Theo các dữ kiện khác của RealtyTrac, một thị trường online về nhà bị tịch thu, mức hạ giảm trung bình về các bất động sản do ngân hàng làm chủ là 34% trong tam cá nguyệt thứ nhất, tính trên căn bản toàn quốc.
Có nhiều lý do tại sao giá bán một căn nhà bị tịch thu lại thấp hơn giá một căn nhà bình thường.
“Người bán thường là một ngân hàng, và muốn loại bất động sản đó ra khỏi sổ sách càng sớm càng tốt. Một người bán bình thường sẽ muốn bán với một giá nào đó và sẵn sàng chờ đợi,” theo lời ông Stan Humphries, kinh tế gia trưởng của Zillow.
Ngoài ra, tình trạng của căn nhà có thể cũng là một vấn đề; một chủ nhà không thể thực hiện được những vụ thanh toán tiền nợ mua nhà cũng có thể không đáp ứng được sự bảo trì cần thiết. Một trong những sai lầm lớn nhất mà người mua nhà phạm phải khi mua một căn nhà bị tịch thu là ước lượng thấp phí tổn trong việc sửa chữa, theo lời ông Rick Sharga, phó chủ tịch cao cấp của RealtyTrac.
Những người khác đồng ý: “Phí tổn thường cao hơn rất nhiều so với bạn nghĩ,” theo lời ông Leonard Baron, một giáo sư địa ốc tại đại học San Diego của California (CSUSD). “Bạn có thể làm tăng giá trị cho một căn nhà bằng cách sửa sang lại, nhưng giá trị không thể tăng nhiều hơn phí tổn mà bạn bỏ ra.”
Với giá rẻ hơn, người mua cũng cần chấp nhận rằng có thể họ sẽ mua một căn nhà hiện đang bị bỏ trống, thường đi kèm với một số các vấn đề, bởi vì các vấn nạn nhỏ - một chỗ rò rỉ chẳng hạn - có thể trở thành những vấn nạn lớn nếu không có ai lưu ý tới chúng. Những căn nhà này cũng có thể ít có gì để người bán tiết lộ, bởi vì chủ nhân - tức ngân hàng tài trợ - đã không sống trong căn nhà đó và do đó không có nhiều thông tin để tiết lộ.
Những cuộc kiểm tra nhà thường được khuyến cáo bất kể bạn mua loại bất động sản nào, và trong trường hợp một căn nhà do ngân hàng làm chủ, đó là điều thiết yếu.
Ðịa điểm cũng ảnh hưởng tới việc ấn định giá cả của một căn nhà do ngân hàng làm chủ. Tại những nơi có nhiều nhà bị tịch thu, các bất động sản do ngân hàng làm chủ cung cấp những giảm giá nhỏ nhất, so với những nhà được bán theo truyền thống.
Một cách khác để xem xét: Một chủ nhà muốn bán nhà trong một thị trường có nhiều nhà bị tịch thu có thể sẽ phải định giá giống như một căn nhà bị tịch thu để có thể cạnh tranh.
Những vụ bán dưới mức nợ (Short sales)
Bà Diann Patton, một chuyên viên địa ốc tại Coldwell Banker, nói trong thị trường của bà ở California, những vụ bán dưới mức nợ cung cấp một số những cuộc thương lượng tốt nhất. Một vụ được gọi là short sale khi người bán nợ tiền vay mua nhà nhiều hơn là trị giá hiện nay của căn nhà, và nhà tài trợ đồng ý nhận ít hơn để căn nhà có thể bán được.
Mặc dù những ngân hàng tài trợ và các chương trình của chính phủ đang có những nỗ lực nhằm gia tốc tiến trình để hoàn tất một vụ bán dưới mức nợ, người mua có thể vẫn phải chờ hàng tháng chỉ để biết rằng họ không mua được căn nhà đó. Căn nhà được giảm giá một phần vì sự bất trắc mà người mua trải qua, bà Patton nói.
Nhà mới
Trong nhiều thị trường, lượng cung cấp nhà mới đang giảm bớt. Ðiều đó khiến cho việc ấn định giá cả trong thị trường nhà mới được ổn định.
Ðiều đó có nghĩa ít có cơ hội mua được giá rẻ đối với những người mua nhà mới. Những nhà xây dựng ít linh động hơn trong việc thương lượng giá cả. Ngoài ra, với số cung nằm dưới sự kiểm soát nhiều hơn, họ không bị thúc bách để hạ giá đối với những căn nhà hiện đang nằm trên thị trường.
Và nếu có những vụ bán vì bị túng quẫn trong các cộng đồng nhà mới mà bạn đang xem xét, hãy tiến hành với sự thận trọng.
“Tình trạng trong vùng có nhiều vụ bán nhà bị tịch thu sẽ kéo giá cả những căn nhà khác xuống, và điều đó có thể lan rộng tới cả những căn nhà mới xây,” ông Humphries nói. “Không phải là không thể tìm được những căn nhà bị tịch thu và các bất động sản bị bỏ trống ngay cả trong những cộng đồng vẫn chưa hoàn tất,” ông nói. (N.N.)