Trang Nhà  |  Tìm Nhà  |  Thị trường  |  Kiểm Tra  |  Mortgage  |  Mua Nhà  |  Bảo hiểm  |  Chủ nhà nên biết  |  Bán Nhà  |  Tài Liệu Khác  |  Máy Tính  |  Liên Kết

Các bài khác về Mua Nhà

Mua Nhà: Đứng tên ai?

(VienDongDaily.Com - 13/10/2011)
LS. Trần Khánh Hưng

Một điều mà ít khi thấy đối với người Mỹ, mà lại rất phổ thông trong cộng đồng Việt Nam chúng ta là việc mua nhà mà để người khác đứng tên trên căn nhà của mình, mà không có giấy tờ hay hợp đồng gì với người đứng tên nhà cả. Trên thực tế, việc này nhiều lúc đưa đến những bất hòa, tranh chấp, hay ít ra cũng thiệt thòi, hay phiền hà có khi cho cả hai bên. Tuần này chúng tôi xin bàn đến những vấn đề liên quan đến việc sang nhượng bất động sản cũng như những trở ngại mà bạn có thể gặp phải khi để người khác đứng tên nhà cho mình.

Mua Nhà: Đứng tên ai?
Deed là một văn kiện dùng để chuyển nhượng chủ quyền của một bất động sản. Deed có nhiều dạng khác nhau. Những loại Deed thông dụng là Grant Deed, Quitclaim Deed hay Tax Deed.

Grant Deed là gì? 

Grant Deed là giấy tờ chuyển nhượng bất động sản từ người này sang người khác, hay thay đổi cách đứng chủ quyền của chủ nhân.  Grant Deed thường phải ghi rõ tên của người bán hay người cho (grantor) và người mua hay người nhận (grantee), địa chỉ, legal description và những giới hạn của bất động sản. Grant Deed là loại deed thường được sử dụng khi mua bán, sang nhượng hay cho tặng bất động sản, vì có sự bảo đảm là khi sang nhượng chủ quyền cho người này (grantee), họ không được sang nhượng cho người khác, và bất động sản không có những rắc rối hay trở ngại (encumbrances).

Quitclaim Deed là gì? 

Quitclaim deed là một loại deed dùng để chuyển nhượng phần chủ quyền của một hay những chủ nhân của bất động sản.  Nếu bất động sản chỉ có một người đứng chủ quyền thì Quitclaim Deed có thể được dùng để chuyển nhượng toàn bộ bất động sản. Tuy nhiên, Quitlaim Deed chỉ chuyển nhượng phần của người bán hay người cho, nếu có, khi làm giấy tờ Quitclaim Deed, và không có những sự bảo đảm là chủ quyền có hay không, hay có bao nhiêu phần. Quitclaim Deed thường dùng cho những cặp vợ chồng khi chuyển nhượng tất cả phần tài sản của mình cho nguời phối ngẫu.
Thí dụ: Anh Tân mua nhà. Sau đó, anh Tân lấy vợ. Căn nhà tuy có là tài sản của riêng anh Tân, nhưng sau khi lập gia đình, vợ anh Tân có thể có phần trong căn nhà, nhưng không rõ là bao nhiêu phần trăm. Nếu anh Tân muốn giữ căn nhà là tài sản riêng của mình thì vợ anh phải ký một giấy Quitclaim Deed để khước từ phần của cô ấy có thể có trong căn nhà.
Như vậy ký giấy Quitclaim Deed có đủ để chứng minh là tài sản của riêng anh Tân không?
Không hẳn. Nếu căn nhà chưa trả hết nợ, và anh Tân muốn giữ căn nhà là tài sản riêng của mình, ngoài việc ký giấy Quitclaim Deed, anh Tân cần phải trả tiền nhà bằng tài sản riêng của mình, chẳng hạn bằng tiền anh có được trước khi lấy vợ, hay tiền thừa kế của cha mẹ. Điều cần thiết là anh không được bỏ chung những tiền này vào quỹ chung hay trương mục ngân hàng chung của hai vợ chồng (commingled assets), hay là xài tiền chung của hai vợ chồng như là tiền lương của anh Tân để trả tiền nhà, tiền thuế hay chi phí cho căn nhà.

Tax Deed là gì?

Có những bất động sản bị thiếu thuế, bị chính phủ tịch thu đem bán để lấy lại thuế. Những bất động sản này được bán theo hình thức “As Is”, nghĩa là bán với tình trạng hiện thời, không có sửa sang. Người mua những bất động sản này sẽ có tờ Tax Deed để chuyển nhượng sang tên của họ, vì chủ nhà không phải là người bán nhà.

* Nếu mua nhà nhờ người khác đứng tên thì có những rắc rối gì?
Nếu bạn nhờ người khác đứng tên vì lý do sức khoẻ, tinh thần, hay bị dụ dỗ, lường gạt, nhầm lẫn giao nhà cho người khác đứng tên thì bạn phải khởi tố để đòi lại nhà từ người bạn đã tin tưởng khi giao chủ quyền nhà.
Trường hợp thứ hai là bạn nhờ người khác đứng tên và cả hai bên đều đồng ý, thì bạn cần phải có những hợp đồng hay những chứng cớ rõ rệt về việc mình là chủ nhân của căn nhà và người đứng chủ quyền của căn nhà chỉ là người đại diện cho mình. Nếu không, bạn có thể bị mất nhà bởi chính người đại diện, hay có khi ngoài ý muốn của người đại diện.
Trong trường hợp bạn bị mất nhà, bạn phải khởi tố để chứng minh ý muốn của đôi bên ngay lúc mua nhà. Ngoài ra, có những yếu tố khác cũng cần thiết, như tiền down payment, tiền trả tiền nhà hàng tháng, tiền thuế, v.v.,   để chứng tỏ sự bất công nếu người đại điện nay không công mà có nhà (unjust enrichment).
Thí dụ ông bà Bằng mua căn nhà. Vì lớn tuổi, không có lợi tức, không mượn tiền nhà băng được, nên ông bà đã đưa tiền down payment cho con trai mình, anh An, mua nhà, và để anh đứng tên trên căn nhà. Sau đó anh An lấy vợ. Vì anh An là người vay tiền của nhà băng, nên mỗi tháng ông bà đưa tiền mặt cho con trai trả tiền nhà, anh An mỗi tháng ký check từ nhà băng của mình để trả tiền nhà. Ông bà Bằng yên chí là căn nhà vẫn là của mình. 10 năm sau, anh An ly dị. Vợ anh An đòi chia đôi căn nhà, với lý do căn nhà là nhà của anh An, anh là người đứng tên nhà, và cũng là người trả tiền nhà hàng tháng, cũng như tiền thuế nhà hàng năm. Trong trường hợp này, đôi bên phải tranh tụng để chứng minh ai là chủ nhân thật sự của căn nhà, tiền down nhà từ đâu mà có, và anh An có dùng tiền chung của hai vợ chồng để chi phí cho căn nhà hay không.

* Vậy nếu lúc hai người ly dị thì anh An bán nhà hay sang tên cho người khác được không?
Ngay khi đơn ly dị được nộp tại tòa, lập tức có những án lệnh tạm thời, kể cả việc hai bên không được quyền bán những bất động sản riêng của mình mà cộng đồng (vợ chồng anh An) có một phần, mà không có sự đồng ý của đôi bên.  

* Vậy nếu anh An không lấy vợ mà chỉ sống chung với cô bạn gái thì có sao không?  
California không có luật Common law, nghĩa là hai người nếu sống chung với nhau 10, 15 năm, nhưng nếu không làm hôn thú và thì không thành vợ chồng, và không được luật gia đình bảo vệ. Tuy  nhiên, ông bà Bằng vẫn có thể gặp rắc rối nếu anh An để người bạn gái đứng tên chung trong trương mục ngân hàng của mình. Lúc đó ông bà Bằng sẽ phải tốn kém tiền thưa kiện để chứng minh căn nhà đó của mình. Đó là chưa kể những trường hợp không thể chứng minh được, chẳng hạn khi ông bà Bằng đang hưởng những tiền trợ cấp xã hội, hay không có đầy đủ bằng chứng về tiền down nhà và tiền đưa cho anh An mỗi tháng.

* Nếu cô bạn gái có đóng một phần tiền nhà hàng tháng thì sao?

Tùy theo sự thỏa thuận của đôi bên về tiền nhà. Việc cô bạn gái đóng tiền nhà hàng tháng không có nghĩa là sau này cô sẽ có một phần trong căn nhà, vì nếu cô sống trong căn nhà thì số tiền đóng hàng tháng có thể chỉ là tiền thuê nhà mà thôi. Trong trường hợp cô ta đóng tiền nhà mà không sống trong căn nhà, hay có bỏ tiền sửa chữa nhà cửa, với sự thỏa thuận là sau này khi bàn nhà có lời thì sẽ chia đôi, thì cô ta có quyền bỏ equitable lien, nghĩa là đăng ký một món nợ trên căn nhà để bảo đảm công sức hay tài sản đã bỏ ra trên căn nhà mà thôi, nhưng cô ta vẫn không thể đòi chủ quyền trên căn nhà được.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề chủ quyền nhà, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.
 

 

 

 

Mua nhà: Đứng chủ quyền thế nào

Cập nhật lúc 6:41:16 PM - 12/08/2010
Luật Sư Trần Khánh Hưng

Tuần này chúng tôi xin bàn đến những cách đứng chủ quyền bất động sản, xin dành cho những quý vị sắp mua nhà lần đầu, cũng như những quý vị đã có nhà rồi.  Đây là một vấn đề rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ nhân cũng như những người đứng chủ quyền  căn nhà.

I.   Một người đứng chủ quyền:

Single Man/Woman

Cách đứng chủ quyền này dành cho những người độc thân, chưa có gia đình bao giờ. Thí dụ: An Nguyen, a single man.

Unmarried Man/Woman

Cách đứng chủ quyền này dành cho những người đã từng có gia đình, hiện nay độc thân hay đã ly dị. Thí dụ:  Hoa Nguyen, an unmarried woman.
Married Man/ Woman as his/her sole and separate property
Cách đứng chủ quyền này dành cho những người đang có gia đình, nhưng muốn có tài sản riêng và đứng tên một mình. Muốn đứng tên theo cách này thì người phối ngẫu phải ký một tờ giấy gọi là Quit Claim Deed, và chấp nhận mất đi những quyền lợi của mình trên căn nhà đó.  
Thí dụ:  Ba Nguyen, a married man as his sole and separate property.

II.   Hai hay nhiều người đứng chủ quyền:


Joint Tenancy
Cách đứng chủ quyền này dành cho hai hay nhiều người cùng đứng chủ quyền. Những người này có thể là vợ chồng hay không phải vợ chồng.  Phần của mỗi người bằng nhau, với cùng quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Chủ quyền được thành lập cho những người này cùng lúc. Sau đó, trong lúc còn sống, nếu một trong những người đứng tên bán, hay cho phần của họ, thì chủ quyền mới sẽ là tenancy in common.
Khi một trong những người này qua đời thì chủ quyền sẽ được chia đều cho những người còn lại. Vì vậy, những người đứng chủ quyền bằng cách này khi còn sống có thể cho hay bán phần của họ; nhưng khi họ qua đời lại không thể để phần của mình lại trong di chúc cho người nào khác. Thí dụ:
- An Tran and Ba Nguyen, husband and wife as joint tenants.
- An Tran, a single man, Hung Pham and Hanh Le, husband and wife, all as joint tenants.


Tenancy in Common

Cách đứng chủ quyền này dành cho hai hay nhiều người cùng đứng chủ quyền. Mỗi người chung một phần vốn và cùng chia những chi phí cho bất động sản. Những người này có thể là vợ chồng hay không phải vợ chồng.  Phần của mỗi người cũng không nhất thiết phải bằng nhau. Mỗi người đều có quyền bán hay để lại phần của họ cho người khác, mà không cần có sự đồng ý của những người cùng đứng chủ quyền. Vì vậy, với cách đứng chủ quyền này, sau này bạn có thể sẽ đứng chủ quyền với những người khác, không quen biết.
Thí dụ: Anh  Bằng Nguyễn và cô Hoa Trần là hai người bạn, cùng mua một căn nhà, anh Bằng có 3/4 cổ phần và cô Hoa có 1/4 cổ phần. Chủ quyền sẽ là:
Bang Nguyen, a single man, as to an undivided 3/4 interest and Hoa Tran, a single woman, as to an undivided 1/4 interest, as tenants in common.
Sau đó, anh Bằng Nguyễn bán phần của ông cho ông Duy Phan, một người đã ly dị, và chủ quyền mới sẽ là:
Duy Phan, an unmarried man, as to an undivided 3/4 interest and Hoa Tran, a single woman, as to an undivided 1/4 interest, as tenants in common.

Community Property
Cách đứng chủ quyền này chỉ dành cho hai vợ chồng đứng chủ quyền, mỗi người một nửa, và họ có thể để phần của họ lại cho bất cứ ai trong di chúc.  Lợi điểm của Community property là căn nhà sẽ được nâng cấp (stepped-up basis) cho cả hai người,  khi một trong hai người qua đời. Điều bất lợi là khi người đó mất, bất động sản không được tự động chuyển qua người phối ngẫu sống sót, như trong joint tenancy.

Community Property with Right of Survivorship

Cách này cũng chỉ dành cho hai vợ chồng đứng chủ quyền. Kể từ  07-2001, bạn có thể làm được cả hai điều lợi của Joint Tenancy Community Property , theo cách Community Property with Right of Survivorship.  Nghĩa là khi một trong hai người mất đi, người còn lại sẽ đương nhiên được hưởng, mà không cần có di chúc, (ngay cả khi di chúc để lại cho người khác), lại vừa được tăng cấp căn nhà cho cả hai người, khi một trong hai người qua đời. Cách đứng tên này đòi hỏi hai vợ chồng phải cùng ký tên khi lập chủ quyền.
Tuy nhiên, nếu bạn đứng chủ quyền theo phương cách này, thì khi một trong hai người  mất, họ không thể cho người  khác, ngoài người phối ngẫu của họ. Chẳng hạn những người có gia đình lúc trước, nay lập gia đình lại, sẽ không thể để lại bất động sản cho con riêng của họ khi họ qua đời.

- Hai vợ chồng tôi sắp mua một căn nhà, chúng tôi nên đứng tên là “joint tenants” hay “community property”?
- Nếu đứng tên dưới hình thức joint tenancy thì khi một trong hai người qua đời, người kia sẽ được đương nhiên thừa hưởng bất động sản, mà không cần phải qua thủ tục probate. Tuy nhiên, lúc đó, bất động sản sẽ được định giá lại và chỉ có phần của người qua đời sẽ được nâng cấp lên theo giá trị mới (stepped-up basis).  
Nếu đứng tên theo community property, thì phần của cả hai vợ chồng sẽ cùng được nâng cấp theo giá trị hiện thời, vì vậy, có thể giảm được tiền thuế (capital gain tax). Thí dụ:
Ông bà Tư mua một căn nhà cách đây 15 năm, với giá $100.000. Nay khi ông Tư mất, bà Tư bán căn nhà với giá $500.000 theo giá hiện thời.  
Nếu ông bà Tư đứng chủ quyền là joint tenancy, chỉ có phần của ông Tư sẽ được nâng cấp theo giá mới, tức là $250.000 (nửa của $500.000), còn phần của bà Tư thì vẫn là $100.000 (nửa của $200.000), như vậy tiền lời của căn nhà (capital gain)ø là $150.000, có thể phải đóng thuế.  
Nếu ông bà Tư đứng chủ quyền là community property, phần của cả hai ông bà Tư sẽ được định theo giá mới, tức là $500.000, vì vậy bà Tư không phải đóng thuế tiền lời của căn nhà.  
Ngoài ra, nếu đứng tên dưới hình thức joint tenancy, thì khi một người mất, bất động sản sẽ được chuyển qua người vợ hoặc chồng còn sống, và những chủ nợ của riêng người quá cố sẽ không được đòi phần tài sản  này.  Ngược lại, nếu đứng chủ quyền là community property, thì họ được quyền.
Một cách đứng chủ quyền căn nhà khác cũng giúp bạn tránh được probate là dùng Tín Quỹ (Living Trust), mà chúng tôi sẽ nói chi tiết trong một dịp tới.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề đứng chủ quyền bất động sản, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo về vấn đề luật pháp, xin gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683, hoặc E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran) qua số điện thoại (714) 839-4077.


Trích từ báo VienDong Daily online

HTML hit counter - Quick-counter.net