Nguyễn Viết Tốn Broker Cell: 416-300-7653 E mail: tonguyen@trebnet.com |
CITY REALTY Inc., Brokerage Tel: 416-248-8880 Fax: 416-762-9910 546 Annette St., Toronto M6S 2C2 |
Nguyễn Andy Salesperson Cell: 416-894-8162 E mail: andynguyen@trebnet.com |
Trang Nhà | Tìm Nhà | Thị trường | Kiểm Tra | Mortgage | Mua Nhà | Bảo hiểm | Chủ nhà nên biết | Bán Nhà | Tài Liệu Khác | Máy Tính | Liên Kết |
Các bài khác về Kiểm tra |
Ba bài sau trích đăng từ Viễn Đông online. |
Nóc nhà và rầm thượng
Cập nhật lúc 9:08:23 PM - 11/01/2011 VŨ HẰNG/Viễn Đông Daily onlineCon có cha như nhà có nóc, đó là câu tục ngữ người ta thường nói để nhấn mạnh vai trò của người cha trong gia đình. Chính ra phải nói là “… như nhà có mái”, nhưng có lẽ mấy ông không chịu khi bị gọi là “mái”, nên ông bà mình mới đổi là nóc thôi, Hằng nghĩ vậy. Nhưng gọi thế nào chăng nữa, thì cũng không ai có thể phủ nhận được sự quan trọng của nó. Cái mái quan trọng thật, nhưng nếu không có cái rầm thượng, thì ích lợi của nó sẽ bị hạn chế rất nhiều: Những người sinh hoạt dưới cái mái đó sẽ chịu cảnh nóng như thiêu trong mùa Hè, hoặc rét lạnh như cắt da trong mùa Đông. Với một cái rầm thượng được thiết kế khéo léo, chúng ta sẽ được thoải mái hơn - mùa Đông thì ấm, mùa Hè thì mát - mà cái mái cũng sẽ bền hơn. Suy nghĩ về cái rầm thượng, Hằng cảm thấy rất là thông cảm với cái thế “trên đe dưới búa” của nó. Là vì nó phải chống đỡ sự khắc nghiệt về nhiệt độ truyền từ trên mái, nhưng không được phép chuyển thẳng xuống dưới nhà. Đồng thời, nó lại phải bảo vệ cái bầu không khí thoải mái bên trong nhà, không được để năng lượng thất thoát lên trên mái. Muốn làm được như vậy, nó phải có đủ 2 điều kiện sau đây: Cách Nhiệt (Insulation) và Thông Thoáng (Ventilation). Nhiều bạn nói với Hằng là 2 cái thứ đó phải được làm ngay từ khi mới xây nhà, nếu hồi đó họ làm thất cách, thì bây giờ làm sao mà sửa được. Được chứ! Như các bạn thấy trong bài về Cách Nhiệt lần trước, chúng ta cũng có thể và cần phải chỉnh lại những sơ sót về Thông Thoáng. Với cách nhìn trong kỹ thuật xây cất ngày nay, thì quả thực cái nhà xây cách đây 50 năm của chúng ta có rất nhiều khuyết điểm về thông thoáng. Kẻ thù của rầm thượng Nếu không được chỉnh lại cho đúng thì cái rầm thượng của chúng ta sẽ là nạn nhân của 2 “kẻ thù” sau đây: Nhiệt độ: Vào mùa Hè, bảo đảm với các bạn rầm thượng là nơi nóng nhất trong nhà. Nếu ngoài trời là 95 độ, thì nhiệt độ trong rầm thượng có thể lên tới 150 độ. Một lượng nhiệt tích lũy cao như vậy mà chuyền xuống bên dưới thì người trong nhà sẽ thành… những quả trứng luộc hết. Sở dĩ chúng ta chưa đến nỗi như vậy là vì có máy lạnh. Máy lạnh sẽ phải làm việc vất vả hơn nhiều, nếu rầm thượng không có một phương tiện nào khác để giải tỏa hơi nóng ấy. Ẩm độ: Trong không gian sinh hoạt của chúng ta có rất nhiều hơi nước từ các vòi trong phòng tắm, nhà bếp, và từ… máy tạo ẩm độ… Nếu trần nhà không có màng ngăn (vapor) thì hơi nước sẽ bốc lên, ẩn trong rầm thượng. Và nếu rầm thượng không có đủ độ thông thoáng, thì ẩm độ sẽ đọng lại thành giọt, ngấm vào chất cách nhiệt, làm giảm hiệu quả cách nhiệt và hư hại mái nhà. Làm sao cho rầm thượng đủ độ thông thoáng Như trước đây có đề cập, dù ở vào mùa nào chăng nữa, một cái rầm thượng tốt phải luôn luôn mát mẻ. Mát mẻ tự nhiên chứ không phải là mát cái kiểu thổi hơi máy lạnh lên đó đâu nhé. Bởi vì máy lạnh mang theo nhiều ẩm độ. Dù bạn không ngại trả tiền điện chăng nữa, thì không phải chỗ nào cũng dùng máy lạnh được đâu. Vậy cái rầm thượng của chúng ta cần gì? Đủ độ cách nhiệt, và đủ độ thông thoáng. Để tạo sự thông thoáng, chúng ta cần tới những lỗ hổng trên mái và chung quanh rầm thượng, gọi là những cái Vents. Lý tưởng nhất là 1 hàng Vent chạy dài trên chóp mái, gọi là Ridge Vent và rất nhiều những Vent phụ chung quanh phần mái chìa (soffit), gọi là Soffit Vent. Công dụng của hàng Ridge Vent trên chóp mái là để hơi nóng trong rầm thượng có chỗ thoát ra, còn những cái Soffit Vent ở chung quanh mái chìa, là để nhận không khí trong lành từ ngoài trời thổi vào. Cũng như con người cần có 2 cái lỗ mũi để thở, thì cái rầm thượng cần những cái Vent đó để trao đổi khí trời… Được nghe mấy bác kỹ sư bạn của bố giảng về điều này, Hằng mở mắt ra liền. Không ngờ những phương tiện xem ra rất đơn giản mà lại thực hiện được một cơ chế luân chuyển khí trời cần thiết như vậy cho cái mái nhà. Nói “xem ra” đơn giản, là vì trong những kiến trúc ngày trước, đâu có ai nghĩ được như vậy. Bằng chứng là thử nhìn lên những cái mái nhà hàng xóm xem bạn có thấy nhà nào có hàng Vent giống như cái “chào mào” ở trên chóp mái không? Không mấy nhà! Nhà của Hằng, xây dựng cách đây 55 năm, đương nhiên không có. Vậy bây giờ mình phải làm thế nào? Chẳng lẽ để cho sự hư hại cứ từ từ ngang nhiên gặm nhắm hay sao? Nhưng hỏi thì mấy bác cứ cười khà khà, làm như đó chỉ là một thứ mẹo vặt sẵn có trong túi các bác rồi … Chắc lại phải làm một bữa rượu mời các bác đến chơi với bố, rồi từ từ mình học hỏi thôi. Các bạn chờ nhé, để xem Hằng có làm cách nào moi được những mẹo vặt này hay không? Vuhang231@yahoo.com |
Thông thoáng bao nhiêu cho vừa? Cập nhật lúc 9:54:48 PM - 13/01/2011
VŨ HẰNG/Viễn ĐôngMái nhà và rầm thượng cần phải có đủ độ thông thoáng xuyên qua những “lỗ thở”, được gọi là những cái Vent. Nhà nào có được một hàng Ridge Vent trên chóp mái, và nhiều Soffit Vents ở phần mái chìa là tốt nhất. Ridge Vent là nơi để khí nóng thoát ra. Còn Soffit Vent là nơi để khí mát ngoài trời lùa vào, giống như một dòng nước luân lưu; nhờ 2 loại Vent này mà không khí trong rầm thượng không bị tù túng ngột ngạt, và luôn luôn được đổi mới.
Tuy nhiên, có tới 80% số nhà tại nước Mỹ này không có đủ những điều kiện thông thoáng như vậy. Còn nhà bạn thì sao, bạn đã có đủ diện tích “lỗ thở” cho mái nhà và rầm thượng chưa? Làm sao biết được bao nhiêu cho vừa? Không cần phải là kỹ sư hoặc bác học, bạn cũng tính được. Lấy chiều rộng căn nhà nhân với chiều dài, thí dụ rộng 30 bộ và dài 50 bộ, bạn sẽ có diện tích căn nhà, cũng là diện tích rầm thượng: 1.500 bộ vuông. Sau đó, lấy diện tích rầm thượng chia cho 300 (1500:300), bạn được 5. Vậy tổng số “lỗ thở” cho rầm thượng nhà bạn là 5 bộ vuông. Dưới số đó là không đủ, và có nhiều hơn thì chưa chắc đã tốt. Là vì, càng nhiều Vent thì mái nhà bạn càng có nhiều lỗ hổng, dễ phát sinh rò dột về sau. Quạt Mái Như có đề cập trong bài trước, lần này chúng ta phải giải quyết vấn đề nếu dọn vào một căn nhà đã xây sẵn mà không có Ridge Vent trên chóp mái thì sao? Trong khi chưa có tiền để thay mái mới, chúng ta nên ứng phó như sau: Biện pháp thứ nhất là gắn những cái quạt trên rầm thượng, gọi là Attic Fan. Có nhiều loại quạt. Nhưng để đáp ứng trào lưu đợt sống mới, Hằng đề nghị trước hết các bạn hãy nghĩ tới quạt Solar, tức là quạt chạy bằng điện mặt trời (Solar Attic Fan). Đối với các bạn ở miền Nam California, nơi mà mặt trời gần như lúc nào cũng rực rỡ chói chang để cung cấp năng lượng chạy máy miễn phí, thì biện pháp quạt điện mặt trời thật là quá lý tưởng. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại quạt: 10 watt, 15 watt, 20 watt, và lớn nhất là 25 watt. Đối với diện tích rầm thượng 1.500 bộ vuông, bạn chỉ cần lắp một cái Solar Attic Fan 15 watt là đủ. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hơn về sức mạnh của quạt, chúng ta cần phải coi chỉ số CFM (cubic feet of air per minute), tức là khối lượng không khí mà quạt có thể vần chuyển được trong một phút. Đồng thời, phải tính lại cả chiều cao của rầm thượng, bởi vì khối lượng không khí trong một cái rầm thượng cao 3 bộ và một rầm thượng cao 4 bộ đương nhiên không giống nhau. Phí tổn mua quạt từ 200 tới 400 Mỹ kim, với công lắp ráp khoảng 100 mỹ kim nữa, là chúng ta có một hệ thống quạt Solar tươm tất, phục vụ miễn phí ngày này qua tháng khác; trời càng nóng quạt lại càng sung, giúp bạn giữ nhà, giữ mái trong những ngày Đông và giảm bớt tiền điện máy lạnh rất nhiều trong mùa Hè. Khi quạt mặt trời không hoạt động Tuy nhiên, điểm bất tiện của quạt Solar là nó cần mặt trời, nên gặp phải những khuyết điểm sau đây: Nếu địa phương thiếu ánh nắng thì quạt sẽ xuội lơ: Thua không cách gỡ! Ngay cả trong vùng nắng, nhưng gặp những ngày trời nhiều mây, quạt chỉ có thể quay xìu xìu ển ển: Cũng thua! Hoặc khi mặt trời đã lặn, nắng đã tắt, quạt không còn nhúc nhích được trong lúc nhiệt độ rầm thượng vẫn còn rất cao. Để bù lại những khoảng thời gian thiếu hụt ấy, mình dùng quạt không cần đến ánh nắng. Đó là quạt điện: Khi trời nóng, leo lên mở quạt, trời mát không dùng nữa, lại leo lên tắt quạt… có vậy thôi! Đành rằng có vậy thôi, nhưng bực mình lắm! Với lại làm sao mà nhớ được có một cái quạt ở nơi khuất nẻo xa xôi đó? May quá, hôm nay Hằng đã mời được ông bác tài giỏi đến uống rượu với bố ở nhà. Bác có câu trả lời ngay: Mình phải mua loại quạt có bộ phận cảm ứng nhiệt (thermostat), có thể tự động tắt mở tại những điểm do mình ấn định trước. Như vậy không còn phải lo gì về vấn đề leo lên leo xuống nữa. Để sức cho mấy ông làm chuyện khác nhé! Ông xã Hằng nghe đến đây đã mừng lắm rồi. Nhưng chưa hết, bác của Hằng nói còn một thứ quạt khác, không cần ánh nắng mà cũng chẳng cần điện. Tưởng bác nói đùa, nhưng đó là chuyện thiệt: Bạn có thể dùng quạt chạy bằng sức gió. Cứ ra ngoài cửa hàng nói họ kiếm cho mấy cái Turbine là đúng nó, muốn nói đầy đủ hơn thì gọi là “wind powered turbine”. Dĩ nhiên loại quạt này vào những ngày không có gió thì turbine sẽ lại xuội lơ. Có điều là bằng ấy thứ bổ túc cho nhau, cũng đủ để giúp chúng ta cầm cự cho đến khi có tiền làm mái mới rồi, phải không bạn? À, bác của Hằng cũng nhắc, bộ quạt ấy là để thay thế cho hàng Ridge Vent đẩy khí nóng ra ngoài, chúng chỉ có thể hoạt động hữu hiệu với hệ thống Soffit Vent đầy đủ. Phải rồi, Soffit Vent là “lỗ thở” để lấy hơi, không có khí nạp vào thì làm gì có khí để cho những cái quạt ấy thổi ra? Bác mà không nhắc, thế nào chẳng có người quên. Vuhang231@yahoo.com |
Chất cách nhiệt và rầm thượng Cập nhật lúc 9:57:58 PM - 06/01/2011
Vũ Hằng/Viễn Đông Không gian “độn”
Nhân nói về mái, hôm nay Hằng xin nói về cái rầm thượng (attic). Rầm thượng là không gian “độn” giữa mái và trần. Trên mái là những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, như nắng mưa tuyết bão. Dưới trần là bầu không khí điều hòa – Đông thì ấm áp, Hè thì mát mẻ - để con người sinh sống. Rầm thượng phải làm tròn công tác của mình là phân ranh 2 khu vực, bằng không sẽ ảnh hưởng đến mái và làm hư hao thất thoát năng lượng trong nhà. Rầm thượng có thể làm hư mái Nếu rầm thượng không tốt, nó sẽ hút khí ẩm và nhiệt độ trong nhà, gặp hơi lạnh trên mái sẽ đọng thành hơi nước làm hư mái. Đồng thời, hơi nhiệt hút từ dưới nhà tỏa lên, làm tan tuyết trên mái, tuyết chảy tới gần cuối mái thì gặp lạnh, trở thành những giọt băng cứng (icicles). Tuyết bị những giọt băng này ngăn lại, tạo ra những “đập tuyết” (icedamp) trên mái nhà, làm ẩm ướt và hư mái. Rầm thượng không tốt còn làm thất thoát năng lượng trong nhà: Mùa Đông thì nhiệt thoát lên, làm hao nhiệt. Mùa nóng thì hơi nóng tỏa xuống làm máy điều hòa phải làm việc vất vả hơn. Rầm thượng tốt Vì thế, là người biết săn sóc nhà cửa, và đã từng ra tay sửa mái, thì chúng ta không thể nào bỏ qua rầm thượng. Một cái rầm thượng tốt phải luôn luôn giữ nhiệt độ ở mức thấp nhất: Mùa Đông thì lạnh còn mùa Hè thì phải mát. Tại sao nhiệt độ rầm thượng trong mùa Đông phải lạnh? Là vì, nếu nó ấm thì có nghĩa là nó hút nhiệt từ dưới nhà lên, sẽ làm hao nhiệt trong nhà. Tại sao phải mát trong mùa Hè? Là vì nếu nó nóng, nó sẽ hút hơi mát từ dưới nhà, làm máy điều hòa phải làm việc vất vả hơn. Muốn được như vậy thì rầm thượng phải có 2 yếu tố sau: cách nhiệt (insulation) và thông thoáng (ventilation). Độ cách nhiệt Hãy nói về việc cách nhiệt: Đây là một công việc rất dễ dàng, chỉ việc mua chất cách nhiệt chất lên rầm thượng là xong. Và dĩ nhiên, càng nhiều càng tốt. Nhưng cần phải hiểu như thế này: Giá trị của chất cách nhiệt không chỉ xác định bằng độ dầy, mà được xác định bởi chỉ số R, gọi là R-Value. R-Value là khả năng ngăn sự thoát nhiệt, tức là không để cho hơi nóng bên ngoài lọt vào nhà trong mùa Hè, và không để hơi nóng trong nhà thoát ra ngoài trời trong mùa Đông. Chúng ta có thể xếp nhiều tầng cách nhiệt với trị số R-Value nhỏ, thì chưa chắc đã tốt bằng một tầng cách nhiệt mỏng hơn mà trị số R-Value lớn. Vì thế, khi đi mua chất cách nhiệt, chúng ta phải so đo giữa giá cả và chỉ số R-Value. Nếu chất cách nhiệt rẻ tiền, nhưng R-Value của nó thấp, thì chưa chắc đó là món hời. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là càng bỏ ra nhiều tiền càng tốt. Thí dụ: Nhu cầu cách nhiệt trong nhà bạn là R-12. Như vậy, bạn có thể mua 1 lớp R-12, hoặc 2 lớp R-6, hoặc 3 lớp R-4, đúng không? Tùy tình hình thị trường, bạn có thể mua 1 lớp, 2 lớp hoặc 3 lớp cũng được, miễn là độ cách nhiệt cộng lại đủ số R-12 là được. Khi phải lắp nhiều tầng cách nhiệt, thì chỉ số R-Value chính là tổng số của mỗi tầng cách nhiệt. Tổng số này càng cao, thì hiệu quả cách nhiệt càng tốt. Bằng không cũng phải đạt được mức qui định tối thiểu. Mức qui định tối thiểu là bao nhiêu? Làm sao biết? Do khí hậu thay đổi từ địa phương này sang địa phương khác, nên nhu cầu cách nhiệt cũng không giống nhau, California đã khác với Virginia, mà ngay cả Nam California cũng khác với Bắc California nữa. Trong cùng một gian nhà, cách nhiệt cho bức tường khác với cách nhiệt cho rầm thượng. Hằng chỉ nhớ lõm bỏm được một điều, là cách nhiệt rầm thượng trong địa phương nhà mình ít nhất phải đạt mức R-30. Để biết mức cách nhiệt tại địa phương của mình là bao nhiêu, các bạn có thể tham khảo tại trang mạng sau đây: http://www.ornl.gov/sci/roofs+walls/calculators/rvalue/index.html Dĩ nhiên, có tiền mua càng nhiều chất cách nhiệt chất lên càng tốt. Chỉ sợ rằng, gia chủ không đủ tiền để chất đầy rầm thượng mà thôi. Nhu cầu thông thoáng Bên cạnh đó, rầm thượng không phải chỉ cần cách nhiệt mà cũng cần thông thoáng (Ventilation). Dù thế nào chăng nữa, đừng để chất cách nhiệt bít kín các lỗ thông hơi chung quanh rầm thượng. Những lỗ này rất cần để rầm thượng được hít thở. Bằng không, rầm thượng có thể bị ẩm, và chất cách nhiệt có thể ngấm nước. Khi bị ngấm nước thì khả năng cách nhiệt có thể giảm đi tới 70%. Thông thoáng, đó là một nhu cầu khác mà chúng ta không thể bỏ qua. Vuhang231@yahoo.com |