Thanh Phong/Viễn Đông
Cô Duyên Trần (áo đen) mời cô Ty
Nguyễn gắn những mảnh giấy màu cam vào vị trí mình bị ảnh hưởng hóa chất
- ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông
LITTLE SAIGON - “Cháu làm nghề Nail gần 5 năm rồi, cháu biết, đi làm ở các tiểu bang lạnh thì kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng mà ở Cali quen rồi, thôi thì ăn ít một chút mà gần gia đình vẫn hơn, vả lại cháu không có ý định làm cái nghề này lâu dài, bịnh chết, bỏ chồng cho người khác hưởng, bỏ con cho người khác sai” (lời của cô Lý Thanh Tâm, một thợ Nail tại Garden Grove).
“Ai cũng biết làm nghề Nail nguy hiểm lắm, ngày nào cũng hít thở các hóa chất độc hại. Tiệm của cháu có 6 thợ, hết đứa này sổ mũi, đứa kia ho, đứa khác nổi mụn đầy mặt. Sợ lắm, nhưng vẫn phải làm chú ơi. Biết sao bây giờ!” (lời chia sẻ của cô Công Tằng Tôn Nữ Minh Nguyệt, thợ Nail tại Huntington Beach).
Trên đây chúng tôi đơn cử lời nói của hai người thợ làm móng tay mà chúng tôi tiếp xúc tuần qua, cho thấy nghề Nail , có người nói đùa rằng nghề hái ra tiền, sáng gặt, chiều thu. Mỗi buổi sáng, trang điểm xong đến tiệm, chiều về thế nào trong túi cũng rủng rỉnh, ít thì một hai chục, hôm nào vớ mấy khách sộp, nội tiền tip, có khi cũng hơn một trăm, chưa tính lương, bảo làm sao ai không ham.
Theo thống kê, toàn tiểu bang California hiện nay có 115.000 người đang làm nghề móng tay, trong đó có 60 đến 80% là người Việt Nam. Nghề làm móng tay đa số gọi đơn giản theo tiếng Mỹ là làm Nail, một nghề làm đẹp hầu hết cho phụ nữ và cũng do đa số phụ nữ làm. Tuy nhiên, vì là nghề tự do lại kiếm tiền dễ dàng, nên phái nam cũng nhảy vào, sánh vai ngang hàng với phái nữ để kiếm tiền tậu nhà, cưới vợ.
Cùng tốt nghiệp “đại học” (college), một người phải mất bốn, năm năm chuyên cần học tập mới ra trường với bằng kỹ sư, nhưng làm lương có khi thua xa một cô thợ Nail học 3 tháng ở trường thẩm mỹ (Beauty College), ra làm mỗi tuần có thể kiếm được từ 500 đến 1000 Mỹ kim, chưa kể tiền “tip”.
Chính vì số tiền kiếm được dễ dàng như thế nên đa số thợ làm móng tay không nghĩ đến, không tìm hiểu về những tác hại vô cùng lớn lao mà họ sẽ phải gánh chịu sau một thời gian hành nghề. Nhiều người chỉ sau thời gian ngắn làm Nail đã đổ bệnh. Trong buổi họp do Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh tổ chức vào ngày Chủ Nhật 10-4-2011 tại Little Sài Gòn, bà Lucy Huỳnh (Hiệp Hội Á Châu Thái Bình Dương – OCAPICA), khi thấy số người tham dự quá ít, bà thở dài và nói: “Thật, mấy người làm nghề Nail chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Câu nói của bà Lucy Huỳnh vừa kể được một số chị em đang làm nghề Nail xác nhận là hoàn toàn đúng khi họ theo dõi bài thuyết trình khá công phu của cô Duyên Trần, đại diện Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh tại văn phòng BPSOS ở thành phố Westminster.
Chị Ty Nguyễn có mặt trong buổi thuyết trình cho biết: “Trước khi đi làm Nail, mắt tôi không phải đeo kính, chỉ sau hai năm, bây giờ làm phải đeo kính dầy như thế này”. Chị Kim làm Nail 20 năm, bây giờ mắc bệnh suyễn nặng, đi nhiều bác sĩ chữa không khỏi nhưng chưa dám nghỉ, chị nói, mình làm 20 năm rồi, toàn khách quen coi nhau như bạn, bây giờ nghỉ cũng tiếc mà cũng tội nghiệp cho những người đã tin tưởng yêu mến mình.
Cô Duyên Trần phụ trách thuyết trình, cô vẽ tượng trưng một hình người trên tờ giấy lớn, sau đó cô mời các chị thợ Nail có mặt lên, lấy một mảnh giấy màu cam, dán vào nơi nào mà mình cảm thấy bị ảnh hưởng nhiều nhất vì hóa chất; đa số đều dán vào vị trí mũi, miệng, mắt, phổi và tay.
Hai trường hợp xẩy ra giống nhau cho cô Trần Thanh Hằng, một người thợ Nail tại Chicago, và cô Lê Thị Nơi, một người thợ Nail tại Nevada, cả hai là con của hai người bạn chúng tôi tại Little Saigon. Hai người mới vào nghề Nail khoảng 3 năm, một hôm đột nhiên thấy choáng váng, ngã quỵ ngay tại tiệm, xe cứu thương chở vào bệnh viện chữa trị; khi thấy bớt, họ cho về. Vài ngày sau bị lại, càng lúc càng nặng hơn, hai cô kể khá giống nhau: “Lúc đó, cháu thấy mình như đang đi trên mây, có lúc thấy trong người không còn chút sinh lực nào và nghĩ mình sắp chết đến nơi rồi, cháu sợ hãi và khóc. Người trong tiệm phải kêu xe cứu thương. Bị đi bị lại nhiều lần trongmột tháng, nhưng không dám nghỉ, vì tiệm quá đôngkhách, nghỉ thì tiếc và lại sợ bị chủ đuổi, tìm được tiệm ngon lành như vậy đâu phải dễ, thế là cứ cố gắng đi làm, sau đó chịu không nổi, nói mê sảng như người bị bệnh thần kinh”. Sau đó, cả hai người đều phải bỏ việc về Cali chữa trị. Đến nay một người bỏ nghề, một người vẫn còn đang cố theo đuổi.
Tuy dễ kiếm tiền thật, nhưng chị Kim, một người đã một thời làm chủ, bây giờ làm thợ chia sẻ: “Nhìn thì ngon lành lắm,quần áo bảnh bao, phấn son tươm tất nhưng khi vào nghề mới biết. Làm chủ thì lo trách nhiệm với State Board, lo làm sao điều hành cho khéo kẻo thợ bỏ đi và dĩ nhiên lo làm sao kiếm được nhiều tiền, vừa cho mình vừa cho thợ, làm thợ thì nhiều cái bực tức, bất công chịu không nổi”.
Một chị khác nói: “Nhiều người chủ họ đưa bà con, anh em họ vào, mình là thợ họ mướn vô, hễ khách nào sộp, cho tiền tip cao là không đến phiên mình, họ dành cho người nhà của họ, nên nhiều lúc tức không chịu được; nhiều nơi đã sinh ra cãi lộn và có cả đánh nhau nữa”.
Một số chủ tiệm không chịu mua những hóa chất tốt, vì mắc tiền cứ mua những hóa chất rẻ do Việt Nam sản xuất, nên rất độc hại.
Cô Duyên Trần cho mọi người xem khoảng 10 loại hóa chất dùng trong tiệm Nail. Có ba loại độc hại và nguy hiểm nhất là:
- Formaldehyde (chất làm cho cứng móng)
- Phthalates (nước sơn móng tay)
- Toluene (nước sơn và keo dán móng tay giả). Các loại sản phẩm làm móng tay có hóa chất này do công ty TNHH TOP Solvent Vietnam, Khu Công Nghiệp (KCN) Gò Dầu, Long Thành, Đồng Nai sản xuất.
Chị Kim cho biết, các loại thuốc có hóa chất này nếu Mỹ sản xuất, họ bán 900 Mỹ kim một gallon, còn của Việt Nam chỉ có 400 Mỹ kim/gallon.
Theo cô Duyên Trần, những hóa chất độc hại trên và các loại hóa chất khác có thể gây ra nguy hiểm cho sức khỏe nếu hít hay nuốt phải. Các hóa chất có thể xâm nhập cơ thể qua da, nhất là khi da có vết trầy, xước. Có thể làm tổn thương mắt nghiêm trọng, có thể gây vô sinh hoặc phá hủy bào thai, gây choáng váng và có thể hủy hoại hệ thống thính giác, có thể gây tử vong nếu nuốt phải khi xâm nhập đường hô hấp, và còn nhiều những tai hại khác nữa.
Chính vì muốn bảo vệ mạng sống cho giới làm móng tay, Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh ra đời, và tổ chức các buổi thuyết trình, hướng dẫn anh chị em ngành Nail hiểu biết cách bảo vệ sức khỏe an toàn cho mình, cho đồng nghiệp và gia đình. Cô Duyên Trần đã đi thuyết trình nhiều nơi, và thu thập các ý kiến, kinh nghiệm để hoàn thành tập tài liệu “Bảo Vệ Sức Khoẻ Cho Nhân Viên Tiệm Móng Tay”. Có thể nói đây là cuốn cẩm nang vô cùng cần thiết cho người thợ móng tay, được phân phát cho người tham dự thuyết trình.
Bà Lucy Huỳnh (Hiệp Hội Á Châu Thái Bình Dương) tuyên bố: “Hai cô Duyên Trần và Lisa là những người rất tốt, họ có tấm lòng lo cho đồng hương. Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh là chỗ dựa cho nghề Nail khi bị chủ phủi tay, chẳng có bảo hiểm sức khỏe, các bạn hãy tìm đến đây như một câu lạc bộ để chia sẻ, tìm hiểu và được hướng dẫn hoàn toàn miễn phí, trang bị cho mình kiến thức để giúp tránh nguy hiểm về sức khỏe khi hàng ngày phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Cô Lisa, cô Duyên Trần sẽ đưa tiếng nói của người thợ móng tay lên chính phủ. Tiếc rằng những buổi thuyết trình hữu ích như thế này, anh chị em ngành Nail quá lơ là, không tham dự, có lẽ vì ‘Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ chăng’?”.
Buổi thuyết trình kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 8-5-2011 từ 9 giờ 30 sáng cũng tại địa chỉ văn phòng BPSOS, 9191 Bolsa Ave, Suite 110, trong khu chợ Á Đông. Quý vị nào muốn tham dự có thể ghi danh với cô Duyên Trần: 213-385-5834.