CITY REALTY Inc., Brokerage
Tel: 416-248-8880  Fax: 416-645-5946
546 Annette St., Toronto   M6S 2C2

Nguyễn Andy
Salesperson

Cell: 416-894-8162
E mail: andy649@gmail.com

  Trang Nhà  |  Tìm Nhà  |  Thị trường  |  Kiểm Tra  |  Mortgage  |  Mua Nhà  |  Bảo hiểm  |  Chủ nhà nên biết  |  Bán Nhà  |  Tài Liệu Khác  |  Máy Tính  |  Liên Kết

Tài Liệu Khác
Được mời làm bồi thẩm viên: Phải làm sao?
(VienDongDaily.Com - 01/12/2011)
LS. Trần Khánh Hưng

Làm bồi thẩm viên (jury duty) là một quyền lợi và nhiệm vụ quan trọng của công dân Hoa Kỳ theo Hiến Pháp quy định, tuy nhiên trên thực tế thì có nhiều người rất ngại ngùng khi phải thi hành nhiệm vụ này. Khi một người bị kết tội, theo Hiến Pháp, họ có quyền được một bồi thẩm đoàn xét xử và đưa ra kết luận về vụ án, căn cứ theo những chứng cớ và tranh luận trước tòa án. Là bồi thẩm viên, bạn là một trong số những người đưa ra quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời bị cáo, đồng thời cũng ảnh hưởng đến chính cộng đồng nơi bạn cư ngụ. 

Tôi nghe nói có nhiều loại tòa án, vậy những tòa nào có bồi thẩm đoàn?
Hai loại tòa án có bồi thẩm đoàn là tòa hình sự (criminal) và tòa dân sự (civil). Ngược lại, tòa án thiếu nhi (juvenile) và tòa án gia đình (family law) không có bồi thẩm đoàn. 

Nếu bị cáo không phải là công dân Hoa Kỳ thì có được quyền đòi phiên xử có bồi thẩm đoàn không?
Quyền được có bồi thẩm đoàn không nhất thiết chỉ dành cho những công dân Hoa Kỳ. Những phiên xử mà bị cáo không phải là công dân Hoa Kỳ vẫn được quyền có bồi thẩm đoàn, miễn là họ hiện đang cư ngụ ở Mỹ một cách hợp pháp.

Bồi thẩm viên phải cần có những điều kiện gì?
Bạn có thể là bồi thẩm viên nếu bạn là công dân Hoa Kỳ, trên 18 tuổi, là thường trú nhân của quân hạt xử những vụ án nơi mà giấy mời gởi đến cho bạn. Bạn phải đủ khả năng về sức khỏe và tinh thần để làm bồi thẩm viên. Ngoài ra, tại California, bạn phải không đã làm bồi thẩm viên trong vòng thời gian 12 tháng qua, cũng như không hề có tiền án, hoặc nếu có, đã được trả lại quyền công dân.

Làm cách nào họ có được tên tôi để gọi đi làm bồi thẩm viên?
Tòa án chiếu theo danh sách của Nha Lộ Vận (Department of Motor Vehicles) và danh sách cử tri đi bầu để chọn một cách ngẫu nhiên, tình cờ (random), chứ không theo quy luật nào. Một số tòa cũng có thể dùng những danh sách của những công ty điện thoại, hay điện, gas, nước, v.v.. Vì vậy, một số người tuy không hề đi bầu vẫn có thể bị gọi làm bồi thẩm viên.

Nhân viên tòa án có được hỏi về tiền bạc hoặc những chi tiết cá nhân của tôi không?
Trong thủ tục chọn bồi thẩm đoàn, vị chánh án, và luật sư hai bên được quyền hỏi bạn một số câu hỏi để tìm hiểu xem bạn có thể công bằng trong phiên xử không, nhưng họ không được hỏi những chi tiết cá nhân về tiền bạc, số credit card, về trương mục ngân hàng, số an sinh xã hội, vân vân. Bạn tuyệt đối không nên cung cấp những chi tiết thuộc loại kể trên cho bất cứ ai tự xưng là người của tòa án, và nếu có chuyện này xảy ra, bạn nên báo cho sở bồi thẩm tại địa phương biết chuyện vi phạm này.

Tại sao tôi bị gọi đi làm bồi thẩm viên mấy lần mà người khác lại không bị?
Điều này chỉ là sự ngẫu nhiên (random). Nếu trong vòng 12 tháng mà bạn đã làm bồi thẩm viên hoặc dù chưa làm bồi thẩm viên nhưng đã có trả lời trong một lần được chọn, thì bạn hãy trình bày trường hợp của bạn với nhân viên tại tòa. Hãy giải thích với họ rằng bạn đã được gọi tới 2 lần trong khoảng thời gian 12 tháng. Điều cần là bạn phải trình bày với nhân viên liên hệ để họ xóa tên mình trong kỳ này, chứ đừng coi như mình đã phục vụ rồi thì cứ mặc kệ, nếu làm vậy là vi phạm pháp luật. 

Tôi có giấy gọi làm bồi thẩm viên, nếu tôi không đi thì có sao không?
Nếu bạn đủ điều kiện để làm bồi thẩm viên, và không được tòa cho miễn vì không có lý do chính đáng, thì bạn vẫn phải làm. Nếu bạn không trình diện thì bạn sẽ bị toà phạt vạ lên đến 1.500 Mỹ kim và/hoặc ở tù 5 ngày.

Tôi nói tiếng Anh rất yếu và hiểu rất ít, vậy có thể lấy lý do này để không làm bồi thẩm viên được không?
Bạn không cần phải là người nói tiếng Anh lão luyện mới có thể làm bồi thẩm viên. Tòa án thường dùng loại tiếng Anh thông dụng để tất cả mọi người đều có thể hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn nói và hiểu được quá ít, đến nỗi không thể hoàn tất nhiệm vụ bồi thẩm viên thì bạn có thể được miễn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải trình diện tại tòa để xin được miễn.

Có những lý do nào để được miễn làm bồi thẩm viên?

Theo luật, không ai đủ khả năng làm bồi thẩm viên lại được tự động miễn trừ trách nhiệm này. Tuy nhiên, luật pháp cũng cho phép miễn trừ cho những trường hợp khó khăn. Đó là những trường hợp không có phương tiện chuyên chở một cách hợp lý, phải di chuyển quá nhiều, quá thiếu thốn tiền bạc, tinh thần hoặc thể xác không khỏe mạnh đối với những cụ già trên 70 tuổi, những người có bệnh tật để giữ an toàn về sức khỏe cho công chúng, không có người thay thế để trông nom người bệnh, được gọi lúc đang bệnh, hoặc đang trong thời gian được nghỉ vacation có lãnh lương, hoặc có những cuộc hẹn đặc biệt không thể dời ngày khi được gọi làm bồi thẩm viên. Trong tất cả các trường hợp kể trên, bạn đều vẫn phải đến toà để trình bày về trường hợp của bạn để xin được miễn.

Nếu tôi phải trông nom con nhỏ hoặc cha mẹ già thì làm thế nào?
Trong trường hợp này bạn nên yêu cầu tòa cho bạn dời lại ngày khác hoặc miễn luôn cho bạn. Hãy đọc kỹ thư mời hoặc liên lạc với cơ quan liên hệ. Nếu bạn đang cho con bú thì bạn có thể xin hoãn tới một năm sau bằng cách điền vào phần hồi báo trong thư mời.

Nếu tôi cần những dụng cụ đặc biệt để di chuyển thì làm thế nào?
Nếu bạn cần những dụng cụ đặc biệt như xe lăn, máy khuếch đại âm thanh hoặc chỗ ngồi đặc biệt, bạn cần liên lạc với toà ngay để báo cho họ biết những thứ bạn sẽ cần. Trong trường hợp tòa không thế cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của bạn thì bạn có thể yêu cầu được miễn trừ khỏi nhiệm vụ làm bồi thẩm viên.

Đến tuổi nào thì tôi sẽ hết bị kêu làm bồi thẩm viên?
Nhiệm vụ này bắt đầu khi bạn 18 tuổi và sẽ kéo dài cho đến khi bạn còn đủ khả năng về sức khỏe và tinh thần để phục vụ, bất kỳ bạn ở tuổi nào.

Một phiên tòa thường kéo dài bao lâu?
Tùy theo nội dung của vụ án phức tạp hoặc đơn giản và thời gian thảo luận và biểu quyết của bồi thẩm đoàn mà phiên tòa kéo dài hoặc sớm kết thúc. Một số lớn các phiên tòa thường kết thúc trong vòng một tuần. Các quan tòa có kinh nghiệm thường đoán được thời gian của mỗi vụ án, tùy theo mức độ phức tạp hoặc đơn giản, sẽ kéo dài khoảng bao lâu, và thường cho bồi thẩm đoàn biết khi họ được chỉ định. Nếu bạn không thể theo đuổi một kỳ hạn làm bồi thẩm viên quá lâu vì lý do chính đáng thì nên nói với quan tòa. 

Tôi có được quyền ghi chép trong sổ tay về những chi tiết của vụ án không?
Bạn có quyền ghi chép trong sổ tay, tuy nhiên bạn phải để sổ tay lại tòa mà không được mang về nhà.

Tôi có được quyền nói chuyện với ai về vụ án trong thời gian xử không?
Bạn tuyệt đối không được quyền thảo luận với bất cứ ai, kể cả những người khác trong bồi thẩm đoàn, thân nhân của bạn, chính quan tòa, hoặc luật sư của đôi bên, ngoại trừ qua người bailiff, về vụ án trong thời gian xét xử. Điều này có thể đưa đến phiên tòa bị bãi bỏ (mistrial). Cho đến khi bồi thẩm đoàn vào phòng họp, bạn sẽ được thảo luận với các bồi thẩm viên khác để biểu quyết về kết quả của vụ án.

Nếu công việc ở sở làm của tôi khiến cho tôi không đi được thì sao?
Theo luật, hãng của bạn bắt buộc phải cho bạn nghỉ để đi làm bồi thẩm viên. California có luật bảo vệ nhân viên, tránh bị chủ nhân sa thải hoặc gây khó khăn khi nhân viên được chỉ định làm bồi thẩm viên. Nhân viên trường học và các sinh viên cũng được luật bảo vệ để được đi làm nhiệm vụ bồi thẩm viên. Tuy nhiên, bạn cần báo cho chủ nhân ngay khi bạn được thư mời. Nếu bạn gặp khó khăn từ phía chủ nhân sở làm thì bạn nên báo cho tòa án biết. Nên nhớ rằng bạn cũng có thể xin dời ngày đi thi hành nhiệm vụ bồi thẩm viên vào một thời điểm khác thuận tiện hơn. Bạn cần đọc kỹ thư mời hoặc liên lạc với tòa để được chỉ dẫn cách yêu cầu để có được một thư thông báo cho bạn hoãn lại qua thời điểm khác.

Nếu tôi có chuyện và đến tòa trễ hơn giờ bắt đầu xử thì sao?
Nếu bạn đến trễ, phiên xử phải đình lại, vì tất cả mọi người trong bồi thẩm đoàn đều phải nghe mọi dữ kiện, bằng chứng trong vụ kiện. Vì vậy, nếu bạn đi trễ, từ chánh án, luật sư, bồi thẩm đoàn, nhân viên tòa án, nguyên cáo, bị cáo, nhân chứng, v.v., đều phải chờ bạn. Nếu bạn không có lý do chính đáng cho việc đi trễ, bạn có thể bị phạt vì làm trễ phiên xử.

Trong phiên xử, khi bai bên tranh cãi và đưa bằng chứng thì tôi có được quyền hỏi nếu tôi có thắc mắc không?
Thông thường bồi thẩm đoàn chỉ ghi nhận phần trình bày của luật sư hai bên và của những nhân chứng, và sau khi hai bên đã trình bày xong, thì bồi thẩm đoàn sẽ bắt đầu thảo luận với nhau để đi đến kết luận về kết quả của vụ án. Tuy nhiên, nếu bạn cần có thắc mắc thì bạn có thể viết vào giấy rồi nhờ người nhân viên của tòa án (bailiff) chuyển đến vị quan tòa. Quan tòa có thể trả lời ngay trong phiên xử, hoặc cho bạn biết là câu hỏi sẽ không được trả lời ngay vào lúc đó.

Tôi có được trả lương khi làm bồi thẩm viên không?
Công ty bạn làm có thể, nhưng không bắt buộc phải trả lương cho bạn trong thời gian bạn làm bồi thẩm viên. Tuy nhiên bạn sẽ được trả lương tối thiểu được quy định theo luật của tiểu bang. Tại California, số tiền này hiện nay là 15 Mỹ kim cho một ngày, tính từ ngày thứ nhì, và 34 cent cho mỗi mile từ nhà bạn đến tòa, một chuyến thôi (one-way). Đôi khi quận của bạn có thể trả thêm hơn. 

Ai là người trả tiền cho bồi thẩm đoàn?
Trong những vụ án hình sự thì chính phủ tiểu bang sẽ phải trả lương cho bồi thẩm đoàn, còn trong những vụ kiện dân sự thì bên nào đòi có bồi thẩm đoàn thì bên đó phải trả chi phí này. Sau phiên xử, bên thắng kiện có thể đòi tiền phí tổn, kể cả chi phí cho bồi thẩm đoàn.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề liên quan đến việc làm bồi thẩm viên, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng luật sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 830-4077, hay e-mail tại davidtran@dktran.com, hoặc gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst Street, Westminster CA 92683.
 

Nghề Nail và những rủi ro khi sử dụng hóa chất

Về đầu trang