CITY REALTY Inc., Brokerage
Tel: 416-248-8880  Fax: 416-645-5946
546 Annette St., Toronto   M6S 2C2

Nguyễn Andy
Salesperson

Cell: 416-894-8162
E mail: andy649@gmail.com

  Trang Nhà  |  Tìm Nhà  |  Thị trường  |  Kiểm Tra  |  Mortgage  |  Mua Nhà  |  Bảo hiểm  |  Chủ nhà nên biết  |  Bán Nhà  |  Tài Liệu Khác  |  Máy Tính  |  Liên Kết

Các bài khác về Bảo hiểm


Lại nói về bảo hiểm và tiền deductible


Người Việt, Thursday, August 23, 2007 2:53:29 PM   Kiểm tra xe để bảo đảm an toàn khi sử dụng.
  medium_XE-Garage.jpg
  Cần một garage có uy tín để gửi gấm chiếc xe.
  medium_XE-car_inspection.jpg
  Tai nạn gây phiền phức cho mọi người. Cần phải tránh nó.
  medium_XE-Hot_Sun.jpg
  Giữa Mùa Hè, cả xe và người đều cần “nước cooling”.
 

Phạm Ðình

 

Bài lần trước đề cập việc báo cáo tai nạn với hãng bảo hiểm, có thể tóm tắt lại trong 2 điều sau đây:

1. Nếu mình lỗi, và tai nạn không nặng lắm, bạn nên để cho đối phương báo cáo trước.

2. Ngược lại, nếu đối phương có lỗi, thì nhiệm vụ của mình là phải báo cáo trước. Báo cáo với bảo hiểm của mình? Hay bảo hiểm đối phương? Vấn đề khơi ra như vậy khiến nhiều bạn đọc thắc mắc. Hy vọng chúng tôi sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc đó trong bài viết này.

 

Khi mình có lỗi

 

Trước tiên xin nói thêm về trường hợp mình có lỗi. Nếu vụ tai nạn không lớn lắm, thì bạn có thể... im. Như vậy không phải là trốn trách nhiệm. Bởi lẽ, tại hiện trường mình đã khai báo đầy đủ thông tin cho “thiên hạ” rồi. Muốn khiếu nại hay không là quyền và bổn phận của người ta. Chuyện đó là đương nhiên. Có người cho rằng, cần phải báo để bảo hiểm mình biết trước, bằng không đối phương sẽ “bé xé ra to” hầu làm tiền. Thế nhưng, trước những quan tâm đó của chúng ta, nhân viên bảo hiểm chỉ trả lời... với một vẻ lịch sự rất hình thức, “Không sao. Chúng tôi sẽ đến xem cụ thể, và chỉ bồi thường về những thiệt hại do anh/chị thực sự gây ra cho đối phương mà thôi.”

Một mặt khác, có thể đối phương thấy thiệt hại nhỏ, và không muốn lôi thôi giấy tờ với bảo hiểm, nên bỏ qua luôn. Sự mau mắn khai báo của bạn bắt buộc bảo hiểm phải làm việc, phải thiết lập hồ sơ, phải gọi cho đối phương để điều tra và... đề nghị bồi thường. Cần nhớ rằng, tuy mình không khai báo trước, nhưng khi đối phương đã khiếu nại và bảo hiểm của mình gọi đến để điều tra, chúng ta có bổn phận hợp tác và trả lời đầy đủ. Thực ra, chỉ một cú điện thoại là xong. Trốn tránh là việc tuyệt đối không nên, có thể dẫn đến nhiều hậu quả phiền phức khác, như bị kiện ra tòa, chẳng hạn.

Nhưng nếu trong vụ tai nạn ấy, xe của bạn cũng bị hư hại thì sao? Bạn có lỗi, bạn phải tự sửa lấy! Ðơn giản vậy thôi! Khai báo với bảo hiểm của mình cũng chẳng ích gì. Là vì, nếu chỉ mua bảo hiểm một chiều, thì hãng bảo hiểm sẽ bảo vệ bạn bằng cách... thay mặt bạn bồi thường cho đối phương, chứ không bồi thường cho bạn. Nếu có bảo hiểm 2 chiều, bạn cũng vẫn phải chịu tiền “deductible”, thường là $500, $1,000 hoặc một con số nào bạn đã chọn trước, lúc bắt đầu ký hợp đồng bảo hiểm. Trong một vụ tai nạn nhẹ, phí tổn sửa xe thường không quá số deductible ấy, nên rốt cuộc hãng bảo hiểm cũng sẽ để bạn tự lo lấy.

Những ý kiến trên đây được bàn luận với giả thiết rằng tai nạn chỉ là một vụ việc nhỏ, không gây thiệt hại lớn, không ai bị thương tích đáng kể. Khi gặp tai nạn lớn, dù có lỗi chăng nữa, chúng ta cũng cần phải báo ngay cho bảo hiểm của mình, để họ kịp thời lo liệu, sớm tránh được những rắc rối xảy ra cho chính mình.

Tựu trung, lý do quan trọng nhất khiến chúng ta mua bảo hiểm, hay bổn phận quan trọng nhất của hãng bảo hiểm là lo lắng cho đối phương trong trường hợp chúng ta có lỗi. Ðó là cách họ bảo vệ khách hàng sau nhiều tháng năm lấy tiền bảo phí của chúng ta. Bởi vì, nếu họ không nhận lấy trách nhiệm ấy, bạn sẽ phải bỏ tiền túi ra bồi thường. Nếu không bồi thường đủ, bạn có thể bị đối phương kiện ra tòa.

 

Khi mình không có lỗi

 

Xảy ra đụng xe mà mình không có lỗi, thì việc đòi bồi thường là bổn phận của bạn. Tức là phải gọi cho bảo hiểm của đối phương. Bạn ngạc nhiên ư? Xưa nay bạn cứ tưởng rằng, mình đóng tiền cho hãng nào thì trước hết, hãy gọi cho hãng đó để họ lo cho mình từ đầu chí cuối. Thế nên, khi nhận được câu trả lời rất lịch sự của nhân viên bảo hiểm rằng, “Rất tiếc chúng tôi không lo cho quí vị được, quí vị phải tự báo với bảo hiểm của đối phương,” thì chúng ta vừa giận dữ vừa lạ lùng. Cái bọn này xài không được, xong vụ này là phải đi hãng khác. Nhưng có đi hãng nào cũng vậy, chúng ta không thể tìm ở đâu ra cái công thức “hai cộng với hai là... năm”. Ai ngứa thì người ấy phải gãi, chúng ta muốn thiên hạ đền cho mình thì phải nói cho họ biết. “Thiên hạ” đây là người có lỗi trong vụ tai nạn với mình. Nhưng vì đương sự có bảo hiểm, chúng ta phải “mách” với bảo hiểm của họ. Ðó là lẽ đương nhiên. Vì thế, chúng ta đừng ngại ngần khi “file a claim”, tức là đòi lập hồ sơ bồi thường với hãng bảo hiểm đối phương. Hãy nghĩ rằng họ đang chờ chúng ta gọi tới để có cơ hội thực thi bổn phận với khách hàng của họ. Mục đích chính của việc mua bảo hiểm xe cộ là như vậy: Ðể có kẻ đứng ra lo hộ mình mỗi khi mình không may gây tai nạn. Ðó cũng là điều mà luật pháp tại nhiều quốc gia trên thế giới, và đa số các tiểu bang Hoa Kỳ đòi hỏi người chủ xe: Mua bảo hiểm.

 

Khi nào cần nói chuyện với bảo hiểm của mình?

 

Ðọc những dòng trên chắc hẳn nhiều bạn bực mình về... vai trò hãng bảo hiểm của mình. Trong một vụ đụng xe mà mình không có lỗi, nếu phải trực tiếp khiếu nại với hãng bảo hiểm đối phương, thì chẳng hóa ra hãng bảo hiểm của mình ngồi chơi xơi nước, tiền bạc đóng cho họ trước nay hóa ra “nước đổ lá khoai” cả à? Ðâu có. Họ vẫn ở đó để bảo vệ bạn khi bạn có lỗi, tức là đền bù thiệt hại cho đối phương hộ bạn. Trong trường hợp này, bạn không có lỗi, nên họ không can thiệp mà thôi.

Thực ra, phần trên chúng ta mới nói đến cái nhiệm vụ căn bản và mục tiêu trước hết của bảo hiểm: Bảo vệ chúng ta khi chúng ta có lỗi, bằng cách đền bù thiệt hại cho nạn nhân hộ chúng ta. Cái nhiệm vụ này, tiếng chuyên môn gọi là “liability”, người Việt Nam thường gọi là “chiều thứ nhất”, hoặc “một chiều”. Luật pháp buộc người lái xe có bảo hiểm là buộc cái điều căn bản này thôi: Có bảo hiểm một chiều.

Thế nhưng, như đã nói trong bài trước, khi khiếu nại với bảo hiểm của người gây ra tai nạn, bạn phải cho họ cơ hội nói chuyện với khách hàng của họ đã. Chuyện này là bình thường, không phải là kỳ thị hay cố tình gây khó dễ đâu (hãng bảo hiểm của bạn cũng sẽ làm như vậy, khi nhận được khiếu nại của ai đó về bạn). Người khách hàng này phải nhận lỗi, hoặc kết quả điều tra cho thấy đương sự có lỗi thì họ mới buộc phải đền cho bạn. Dĩ nhiên, sự chờ đợi đòi hỏi thời gian, và có thể gây nhiều phiền phức. Nhất là phải nhìn những chỗ móp méo trầy trụa trên body của cái xe cáu cạnh vừa mới mua trong đại lý ra, ai mà không đau lòng hả bạn? Thà tự bỏ tiền ra sửa cho xong, cho đỡ ngứa mắt. Chứ chờ kiểu này, thì bực mình muốn... “chớt”.

Khoan bạn, đừng “chớt”. Kỹ nghệ bảo hiểm hiểu nỗi lòng đó và có biện pháp đáp ứng ngay. Ðó là chiều thứ hai, tiếng chuyên môn gọi là “collision” hay “comprehensive”. Gọi là tiếng chuyên môn, bởi lẽ 2 từ ngữ này chẳng dính dáng gì với cái nghĩa phổ thông của chúng cả. Ngoài việc bó buộc mua bảo hiểm “liability”, tức là mua một chiều căn bản (để đền cho đối phương khi bạn có lỗi), bạn có thể mua thêm “collision” (chiều thứ hai) để hãng bảo hiểm của mình đền xe cho mình. Nhớ rằng, mua “collision” được gọi là “mua thêm”, hoàn toàn tùy ý không bó buộc.

Chỉ khi có “collision”, bạn mới nên gọi hãng bảo hiểm của mình để họ “bo” lại cái xe cho đỡ đau lòng trước đã. Rồi chuyện phải quấy sẽ tính với bảo hiểm của đối phương sau.

Thế nhưng, dính liền với “collision” là deductible, tức là phần tiền mà hãng bảo hiểm khấu trừ (deduct) vào tổng số chi phí cần phải bỏ ra để sửa xe. Nói nôm na là tiền bạn phải móc từ túi của mình ra, góp vào việc sửa chữa đó. Bạn phải trả cái món này trước, còn bao nhiêu bảo hiểm mới lo. Có nhiều người thường rất khổ sở biện luận với hãng bảo hiểm của mình rằng “Tại sao tôi phải đóng deductible khi tôi không có lỗi?” Ðừng bực tức đến mất ngủ nếu cãi không lại họ về chuyện đó. Ðây không phải là chuyện có thể thương lượng hay biện bác. Vấn đề đã được ghi rõ trên giấy trắng mực đen: Dùng “collision” là phải chịu khấu trừ “deductible”, bất kể mình có lỗi hay không. Xin nói thêm rằng, đây là phần khấu trừ, nghĩa là khoản tiền hãng bảo hiểm không bỏ ra, mà người khách hàng phải móc túi trả cho tiệm sửa xe, chứ không phải trả cho hãng bảo hiểm.

Lo xong cho bạn rồi, hãng bảo hiểm của bạn khi đó mới quay sang tính sổ với đối phương, nếu họ cũng đồng ý là bạn không có lỗi. Tới đây, bạn lại phải chờ để hãng bảo hiểm đối phương làm việc, nghĩa là họ sẽ lấy lời khai của bạn, lấy lời khai của người đã đụng bạn, và điều tra xem ai lỗi ai phải. Nếu sự việc trôi chảy, người gây ra tai nạn hợp tác với tiến trình điều tra, vụ việc có thể kết thúc sớm, hãng bảo hiểm của bạn lấy lại được tiền sửa xe, và bạn lấy lại được cái khoản deductible từ bên bảo hiểm đối phương. Nhưng cũng có thể là người khách của họ... cù nhầy, không chịu hợp tác, khiến cho tiến trình điều tra kéo dài rất lâu, hoặc không có thể kết thúc. Có điều là bây giờ bạn không cần quan tâm mấy đến việc ấy, vì xe của bạn đã sửa rồi. Chuyện điều tra có kéo dài đến cả năm cũng được. Hãng bảo hiểm của bạn phải lo theo dõi chuyện đó. Phần bạn, chỉ có món tiền Deductible còn kẹt lại, chưa lấy về được, có thể sẽ không bao giờ lấy về được.

Chúng ta đã cà kê khá nhiều mà chưa nói được với bạn về chuyện làm sao có thể dùng bảo hiểm của mình để sửa xe mà vẫn không phải trả “deductible”. Chắc phải gặp lại nhau trong tuần tới. Cũng cần nói thêm rằng, chúng tôi không làm việc cho hãng bảo hiểm nào, không hề có ý cổ võ cho ai. Khi hữu sự, các bạn cần tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn có môn bài hành nghề chính thức. Phạm Ðình trao đổi với bạn về những vấn đề này qua nghiên cứu và kinh nghiệm cá nhân, hy vọng góp vui đôi chút cho độc giả của mình mà thôi.

Phạm Ðình

dinhcpham@yahoo.com