Nguyễn Viết Tốn
Broker

Cell: 416-300-7653
E mail: tonguyen@trebnet.com
CITY REALTY Inc., Brokerage
Tel: 416-248-8880  Fax: 416-762-9910
546 Annette St., Toronto   M6S 2C2

Nguyễn Andy
Salesperson

Cell: 416-894-8162
E mail: andynguyen@trebnet.com

  Trang Nhà  |  Tìm Nhà  |  Thị trường  |  Kiểm Tra  |  Mortgage  |  Mua Nhà  |  Bảo hiểm  |  Chủ nhà nên biết  |  Bán Nhà  |  Tài Liệu Khác  |  Máy Tính  |  Liên Kết

Vay tiền mua nhà Canada Mortgage rate Canada Mortgage Housing Corp. Mortgage và thất nghiệp Tái tài trợ nhà Vay tiền khi già
Reverse Loan: Lợi và hại Khuyên người mua Tranh nhau mua nhà

Luật Tài Sản


Trích từ Báo Người Việt Online các bài sau:

1. Luật Tài Sản

2 Luật Tài Sản (tiếp theo), Tài Sản Chung

3. Luật Tài Sản (tiếp theo), Chuyển Quyền

4. Luật Tài Sản (tiếp theo), Luật Di Chúc

5. Luật Tài Sản (tiếp theo), Luật Tín Mục

6. Luật Tài Sản (tiếp theo), Tín Mục Ủy Thác

7. Luật Tài Sản (tiếp theo), Mua Bán Nhà

8. Luật Tài Sản (tiếp theo), Vay Tiền Mua Nhà

9. Luật Tài Sản (tiếp theo), Thuê Nhà

10. Luật Bảo Vệ Tài Sản: Phương cách chuyển tài sản miễn thuế 

11. Luật bảo vệ tài sản: Phương cách bảo vệ tài sản chống thưa kiện 

12. Luật bảo vệ tài sản: Tại sao tài sản cần được che chở? 

13. Luật bảo vệ tài sản: Tại sao cần che chở tài sản? 
14. Luật bảo vệ tài sản: Giải đáp thắc mắc của độc giả 
15. Luật bảo vệ tài sản: Một vài mẫu kế hoạch thông dụng 






Luật Sư LyLy Nguyễn
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về luật khánh tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về luật thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về luật thương mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 223, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714) 531-7080.

 

1. Luật Tài Sản

Sunday, May 04, 2014 2:03:18 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=187472&zoneid=120#.U61G4vldVsw

Trong loạt bài mở đầu Tìm Hiểu Luật Pháp Hoa Kỳ đăng trên Người Việt năm ngoái chúng tôi có đề cập đến luật tài sản với thủ tục quản trị và chuyển nhượng tài sản lúc còn sống cũng như sau khi qua đời qua các thể thức lập di chúc và lập tín mục theo luật lệ hiện hành của tiểu bang California. Sau khi loạt báo được phổ biến, chúng tôi đã nhận được nhiều thư của độc giả yêu cầu dẫn giải thêm về căn bản luật tài sản với những áp dụng chung trên toàn thể đất Mỹ.

Hoa Kỳ là một xã hội dân chủ ở đó ai cũng có quyền làm chủ những tài sản mình có và được bảo vệ dưới luật pháp trái hẳn với chủ thuyết vô sản của các nước cộng sản. Từ xưa tới nay nguyên tắc căn bản của luật tài sản thật rõ ràng: Ai có vật gì thì là chủ vật đó dĩ nhiên muốn sử dụng cách nào cũng được. Tuy nhiên luật tài sản không giản dị như vậy vì vướng mắc nhiều vấn đề xã hội nhất là thường thay đổi theo đà phát triển văn minh kỹ thuật. Lấy ví dụ chính phủ có quyền hạn chế không cho khai quang các vùng dọc theo duyên hải để tránh xói mòn bờ biển hay không? Còn trường hợp của một bác sĩ thông thái sáng chế ra một loại thuốc trị ung thư hữu hiệu do thử nghiệm bằng máu của một bệnh nhân thì bác sĩ hay bệnh nhân ai có chủ quyền sở hữu thuốc đó?
Ðề cập đến luật tài sản theo trực giác thì ai cũng hiểu nghĩa của chữ “sở hữu,” từ một trẻ nhỏ như Ashley cũng biết dành đồ chơi của bé cũng như cha mẹ Ashley có chủ quyền trên đất đai, nhà cửa, xe cộ của gia đình này. Sở hữu chủ (ownership) là quyền sử dụng một vật thể thuộc về mình ví dụ như Ashley có quyền chơi với búp bê của bé và giả làm mẹ săn sóc con. Về phía người lớn thì bà mẹ Quỳnh Thu có thể sơn nhà hai mầu hay trồng hoa hồng ở vườn sau theo ý thích. Quan niệm về sở hữu chủ là nòng cốt của luật tài sản đã có từ thời xưa từ khi xuất hiện xã hội loài người. Luật tài sản chú trọng đến nhiều thứ khác nhau mà mọi người có thể làm chủ được cũng như ấn định cách làm chủ ra sao. Những hiện vật như con búp bê của bé Ashley hay căn nhà của bà mẹ Quỳnh Thu đều được kể là tài sản và hầu hết tài sản là các hiện vật hữu hình.

Sở dĩ chỉ được kể là “hầu hết” thôi bởi vì có những thứ tuy là một thực thể nhưng không thể gọi là tài sản, ví dụ bé Ashley là con nên dĩ nhiên thuộc về Quỳnh Thu và chồng, nhưng không thể kể bé Ashley là “tài sản” của cha mẹ bé được. Ðịnh nghĩa tài sản dĩ nhiên thay đổi theo đà tiến hóa của xã hội, ví dụ vài trăm năm trước đây cũng ở đất Mỹ một người nô lệ da đen không được tôn trọng nhân quyền và được kể đồng loại với các tài sản khác của người chủ da trắng như một con bò, con ngựa.

Quyền sở hữu không chỉ tùy thuộc vào những hiện vật. Giả sử ông ngoại của Ashley là một nhạc sĩ, ông có bản quyền trên những tác phẩm do ông sáng tác. Ðó là một loại tài sản vô hình gọi là tài sản trí tuệ (intellectual property,) mặc dù ông không có chủ quyền trên một quyển sách nhạc người khác đã mua, nhưng ông có chủ quyền phát hành các sách nhạc đó. Cha mẹ của Ashley ngoài nhà cửa, xe cộ còn làm chủ một số cổ phiếu, công khố phiếu, ngân phiếu cùng một số tiền mặt bằng bạc giấy. Những công cụ tài chánh này rất thông dụng trong xã hội hiện đại dù mang giá trị vô hình. Vì nghĩa tài sản không hạn chế bằng những vật thể nên phải hiểu tài sản là tất cả những tài nguyên nào có giá trị do đó lệ thuộc vào luật tài sản. Tuy nhiên quyền sở hữu không tuyệt đối, ví dụ ở Mỹ một người không thể tự tiện biến cải nhà riêng ở khu dân cư thành một quán cà phê như ở Việt Nam, có khách ra vô tấp nập và mở nhạc ồn ào náo động hàng xóm vì như thế là vi phạm luật thành phố. Ðó chưa kể đến nhiều hạn chế khác áp đặt trên quyền sử dụng tài sản ví dụ những ai vay tiền mua nhà phải lệ thuộc vào khế ước vay tiền (mortgage) ký kết với ngân hàng theo đó không được tự ý sang nhượng cho tới khi trả nợ xong lúc đó mới kể là hoàn toàn làm chủ ngôi nhà. Như vậy quyền sở hữu thực ra không phải là chủ quyền tuyệt đối trên mọi thứ mà chỉ là mối liên hệ giữa người đối với một tài nguyên có trị giá.

Trên nguyên tắc sở hữu chủ một hiện vật có quyền tự do sử dụng theo ý muốn mà không bị người khác cấm cản, có quyền ngăn cấm người khác không cho đụng chạm đến vật sở hữu của mình, có quyền chuyển nhượng cho bất cứ ai mà mình muốn, và cũng có quyền không cho ai gây thiệt hại đến vật sở hữu của mình.

Trong các quyền trên việc ngăn cấm không cho người khác sử dụng tài sản của mình rõ rệt hơn cả. Dĩ nhiên một người hành khất vô gia cư không được ngang nhiên vào nhà người ta mà ngủ nếu không có phép của chủ nhà. Tự tiện dắt chó đi qua vườn nhà khác hay xả rác sẽ bị kết vào tội xâm nhập (trespass.) Theo truyền thống chủ một bất động sản dĩ nhiên hoàn toàn có chủ quyền trong ranh giới trên bề mặt đất, không những thế còn sâu xuống lòng đất và thẳng lên trời xanh tính thẳng góc với mặt đất. Lấy ví dụ đào một đường hầm xuyên ngang qua vườn nhà hàng xóm thì kể như vi phạm đất của họ. Tuy nhiên ngày nay chủ quyền trên không phận được giới hạn vì không thể cấm cản máy bay hay vệ tinh bay qua nhà mình được. Ngoài ra còn những ngoại lệ ví dụ như bộ hành có thể đi trên lề đường trước cửa nhà người khác không cần xin phép, hoặc nhân viên cảnh sát, cứu hỏa có quyền vào bất cứ nhà nào trong trường hợp khẩn cấp mà không bị kể là xâm nhập. Xâm nhập không hẳn chỉ kể hành vi cụ thể mà còn kể đến những sự kiện vô hình nhưng có gây ảnh hưởng đến tài sản người khác, ví dụ như một nhà máy bào chế phân bón nhả ra không khí mùi khó ngửi có hại cho sức khỏe mọi người, hoặc phun bụi khói rớt vào nhà cửa phụ cận cũng kể như xâm phạm gọi là phiền nhiễu (nuisances.) Tuy nhiên thẩm định những loại vi phạm này thành tội xâm nhập rất phức tạp vì tòa án phải xét thật kỹ sự kiện ra sao, thời gian và chu kỳ xảy ra cùng mức độ gây phiền nhiễu cho sở hữu chủ nghiêm trọng đến đâu để áp dụng luật tài sản một cách thích đáng.

Mặc dù tài sản có rất nhiều nghĩa nhưng luật tài sản phân định rõ hai loại chính yếu là bất động sản (real estate) như đất đai, nhà cửa và tài sản cá nhân (personal property) là tất cả những vật sở hữu khác không phải bất động sản. Tài sản có thể dưới dạng vật thể hữu hình như xe cộ, nữ trang, bàn ghế hay dạng vô hình như bản quyền, giấy nợ hay trương mục ngân hàng chẳng hạn và mỗi loại được ấn định theo một loại luật tài sản khác nhau. Ðất đai là một loại tài sản hữu hình thông dụng và bản quyền hay nhãn hiệu cầu chứng là ví dụ cho tài sản vô hình gọi chung là tài sản trí tuệ. Bản quyền, cầu chứng được luật pháp bảo vệ vì đó là những công trình sáng tạo bằng trí óc hay tài năng của một cá nhân và có giá trị thương mại. Những ai sử dụng máy điện toán đều biết danh hiệu “Windows” với hình sáu cánh cửa sổ bốn màu bay có giá trị thương mại vì mọi người đều biết nhu liệu này do hãng Microsoft sáng chế làm cho việc sử dụng máy điện toán trở thành giản dị và tất nhiên Microsoft có quyền sở hữu trên giá trị của hệ thống Windows.

Tài sản trí tuệ nói một cách tổng quát đã nêu lên những đặc điểm quan trọng của tài sản.
Thứ nhất, tài sản như đất đai vốn hiện hữu trên trái đất từ thuở khai thiên lập địa, vấn đề phân phối chủ quyền tính ngược thời gian từ lúc có người chiếm hữu đầu tiên chuyển qua tay nhiều sở hữu chủ cho đến người chủ hiện tại và sẽ còn tiếp nối vô tận trong tương lai. Trái lại bản quyền và cầu chứng đều là sản phẩm của luật pháp vì nếu không có luật bảo vệ thì đó chỉ là một công trình phát minh hay một tác phẩm nhưng không có quyền sở hữu mà ai chiếm cũng được. Dĩ nhiên bản quyền và cầu chứng là tài sản trí tuệ được tạo ra có luật pháp bảo vệ nên dễ được xác định hơn là hiểu theo nghĩa chung của chủ quyền.
Thứ hai, quyền sở hữu chủ của tài sản trí tuệ không giản dị đơn thuần. Bằng sáng chế, bản quyền và cầu chứng cùng đều là tài sản trí tuệ nhưng luật tài sản ấn định quyền hạn mỗi loại khác nhau, ví dụ như mỗi cầu chứng chỉ có giá trị trong hai mươi năm nhưng bản quyền thì có thời hạn suốt cuộc đời của tác giả cộng thêm bảy chục năm cho đến khi hết giá trị thương mại. Tuy nhiên bản quyền cũng định qui luật trong việc phổ biến cho phép công chúng sử dụng một cách hợp lý ví dụ như một giáo sư có quyền dẫn chứng một đoạn sách của một tác giả trong việc giảng dạy mà không bị vi phạm bản quyền.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật tài sản với chi tiết về quyền sở hữu chung. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship.) Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

2.Luật Tài Sản (tiếp theo), Tài Sản Chung

Sunday, May 11, 2014 3:05:37 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=187855&zoneid=120#.U61GrfldVsw

Tại Hoa Kỳ khi đề cập đến quyền sở hữu một tài sản, chúng ta thường nghĩ ngay đến chủ nhân là một người. Trên thực tế rất nhiều tài sản chung thí dụ như một ngôi nhà của hai vợ chồng cùng đứng tên khi mua. Công ty (Corporation hay Incorporated) là một hình thức tài sản chung điển hình với nhiều người cùng đứng làm chủ tập thể căn cứ vào số cổ phần (shares of stock) mua nhiều hay ít. Trên phương diện pháp luật nếu có người mua một cổ phần của Microsoft thì người ấy cũng có quyền lợi ngang với Bill Gates là vị chủ tịch cầm đầu công ty này đang nắm giữ 20% cổ phần của Microsoft. Dĩ nhiên trong thực tế những người mua cổ phần không tham dự vào việc điều hành công ty mà chỉ có ảnh hưởng gián tiếp bằng cách bầu người vào ban quản trị. Cổ phần viên có quyền bán, mua hay trao đổi số cổ phiếu mình có.

Dưới pháp lý các người có cổ phần đều độc lập nên quyền sở hữu của mỗi người không mạnh bằng làm chủ một mình.

Tổ hợp hùn hạp (partnership) khác với công ty ở điểm sở hữu chủ đi đôi với quyền điều hành. Như vậy có nghĩa là những người hùn hạp lập một cơ sở thương mại đều có quyền trực tiếp điều hành cơ sở đó và quyền lợi của người hùn hạp không bị giới hạn theo trị giá số phần hùn như theo công ty. Giả sử một công ty bị phá sản, giá trị cổ phiếu trở thành số không thì các người nắm cổ phiếu chỉ bị mất vốn nhưng không bị liên đới phải góp phần trả nợ. Ngược lại cá nhân những người hùn hạp chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu cơ sở bị lỗ lã nợ nần thì phải nai lưng ra mà gánh lấy. Vì điểm bất lợi này nên có vài hình thức hùn hạp biến cải thành tổ hợp hạn chế (limited partnerships) hay công ty hữu hạn (limited companies) theo đó cơ sở được điều hành như một tổ hợp hùn hạp nhưng có đặc tính của công ty. Mặc dầu tổ chức công ty và hùn hạp cùng các cơ sở thương mại khác đều có hình thức chủ quyền chung nhưng do Luật Thương Mại chi phối và Luật Tài Sản chỉ áp dụng cho các hình thức sở hữu chung đối với tài sản cá nhân.

Trong Luật Tài Sản Hoa Kỳ danh từ để gọi sở hữu chủ hay chủ quyền là ownership hay tenancy (xin đừng nhầm với nghĩa thuê mướn nhà cửa). Có ba loại quyền sở hữu tài sản chung (concurrent estates) là liên chủ quyền (joint tenancy), đồng chủ quyền (tenancy in common), và song chủ quyền (tenancy by the entirety).

Trong cả ba loại quyền sở hữu chung nói trên mỗi người chủ chung (cotenant) đều có thẩm quyền chiếm hữu và sử dụng trọn vẹn tài sản đó.
Song chủ quyền được đồng nhất dành riêng cho hai người hôn phối, có nghĩa là chỉ có hai vợ chồng đứng làm chủ của cải cùng có.
Trái lại liên chủ quyền và đồng chủ quyền có thể gồm nhiều nhân vật khác nhau cùng đứng làm chủ không giới hạn số người.
Liên chủ quyền và song chủ quyền có đặc điểm giống nhau là quyền chuyển lại cho người sống sót (right of survivorship) khi một người qua đời thì tài sản đó tự động trao cho người chủ chung còn sống.
Trái lại theo đồng chủ quyền khi một người chết thì tài sản sẽ được chuyển cho con cháu thừa tự (heir) chứ không cho người sống sót.
Sau hết, theo liên chủ quyền và song chủ quyền bao giờ tài sản chung cũng chia đồng đều cho mỗi người hưởng phần bằng nhau, còn theo đồng chủ quyền thì có thể chia không đều như người được phần ba còn người kia được hai phần ba chẳng hạn.

Thời nay quyền sở hữu chung rất thông dụng thí dụ như vợ chồng cùng đứng một trương mục ngân hàng hoặc cùng đứng tên mua nhà. Hai anh em ruột có thể cùng làm chủ một nông trại, một cửa hàng hay một nhạc sĩ viết nhạc có sở hữu bản quyền chung với người đặt lời ca.
Ðể hiểu rõ khác biệt giữa các hình thức sở hữu chung hãy lấy thí dụ bà quả phụ Năm trước khi qua đời để di chúc lại ngôi nhà cho hai người con còn sống là cậu Nam và cô Hoa. Theo luật lệ hiện hành thì hai anh em cậu Nam và cô Hoa được coi như có đồng chủ quyền trên ngôi nhà của mẹ để lại trừ phi bà Năm muốn cho các con theo kiểu liên chủ quyền thì luật sư của bà phải viết rõ như vậy trong di chúc. Một thí dụ khác khi mở trương mục tại ngân hàng trong hồ sơ trương mục bao giờ cũng có một ô vuông nhỏ bên cạnh có câu “Liên chủ quyền với quyền cho người sống sót” để ai muốn như vậy thì đánh dấu chữ x vào ô đó, nếu không thì đương nhiên coi như đồng chủ quyền.

Liên chủ quyền và đồng chủ quyền đều có quyền chiếm hữu và sử dụng tài sản bất khả phân, có nghĩa là cậu Nam và cô Hoa đều có quyền ở chung trong ngôi nhà của mẹ để lại chứ không phải xé lẻ thí dụ như cậu Nam ở dưới bếp còn cô Hoa ở phòng trên. Nếu ngôi nhà có liên chủ quyền đem cho thuê thì cả hai anh em đều được chia đều số tiền thâu hàng tháng. Theo đồng chủ quyền khi cậu Nam chết nửa phần ngôi nhà sẽ về tay con cái thừa tự của cậu Nam, ngược lại theo liên chủ quyền thì trọn ngôi nhà sẽ về tay cô Hoa. Như vậy nếu cậu Nam trước khi qua đời muốn chuyển phần mình cho con thì có thể xin đổi liên chủ quyền thành đồng chủ quyền để hủy đi quyền cho người sống sót là cô Hoa. Riêng song chủ quyền chỉ dành cho một cặp vợ chồng nên dĩ nhiên quyền chuyển cho người vợ hoặc chồng sống sót được luật bảo vệ và không thay đổi được.

Xưa kia theo luật cũ cả hai vợ chồng được kể làm một nhưng chỉ có người chồng được quyền bán tài sản chung không cần đến sự đồng ý của vợ, người vợ chỉ có chủ quyền khi chồng chết mà thôi. Ngày nay tài sản của vợ chồng được chi phối theo một trong hai luật là tài sản tách riêng (separate property) áp dụng tại hầu hết các tiểu bang, hay là tài sản cộng đồng (community property) áp dụng ở một vài tiểu bang khác như California, Texas, và Louisiana.

Theo luật thứ nhất, tài sản tách riêng , tài sản của cả vợ lẫn chồng được tách riêng cho dù có sống chung. Nếu người vợ có một số đất đai, nhà cửa hay cổ phiếu thì bà ta có quyền sử dụng hay chuyển nhượng cho bất cứ ai theo ý muốn mà không cần chồng đồng ý. Trong suốt thời gian ăn ở vợ chồng chỉ có một ràng buộc là bổn phận chia sẻ và nâng đỡ nhau, thí dụ một bà vợ giàu sang không được để cho chồng bị nghèo túng cơ cực hay ngược lại. Dĩ nhiên vợ chồng vẫn có quyền chọn chủ quyền chung với nhau theo tài sản cộng đồng. Nếu ly dị cả hai được phân chia đồng đều (equitable distribution) theo tự nguyện thỏa thuận với nhau trong việc chia tài sản chung tùy ai là người đóng góp nhiều hơn và ai có nhu cầu cần hơn.

Theo luật thứ hai, tài sản cộng đồng , tài sản của vợ chồng có sẵn trước khi thành hôn kể cả những tặng phẩm hay những gì đạt được sau khi đã thành hôn do quà tặng riêng hoặc do di sản thừa hưởng riêng đều được kể là tài sản cá nhân của mỗi người và áp dụng theo luật tài sản tách riêng. Ngược lại những tài sản tạo được trong cuộc sống vợ chồng kể cả những gì do lợi tức của hai người kiếm ra phải kể là tài sản chung. Mỗi người hôn phối đều có quyền cùng sử dụng tài sản chung mà không cần xin phép người kia. Ngoài ra cả vợ lẫn chồng đều có quyền chuyển nhượng ngoại trừ đất đai và một vài loại tài sản thương mại cần phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Khi ly dị tài sản chung sẽ được chia đôi còn các tài sản khác sẽ được phân ra một cách công bằng và hợp tình hợp lý.

Chiếu theo Luật Thừa Kế (elective share) trong việc vợ chồng phân chia tài sản có một giới hạn quan trọng là cấm không cho giải tán tài sản chia cho thừa kế khác khi chồng hay vợ qua đời. Bất kể đến di chúc viết ra sao người hôn phối sống sót còn lại vẫn được hưởng một nửa hoặc một phần ba tài sản chung. Ðiều luật này bảo vệ cho vợ hoặc chồng còn sống không bị lâm vào tình trạng quẫn bách và thiệt thòi vì mất hết tài sản do hôn nhân tạo chung mà người quá cố lại muốn để cho người khác.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật tài sản với chi tiết về các thủ tục chuyển nhượng tài sản theo thời gian. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

3.Luật tài sản (tiếp theo), Chuyển Quyền

Sunday, May 18, 2014 1:12:45 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=188268&zoneid=120#.U61GX_ldVsw

Lịch sử loài người luôn luôn có nhiều thay đổi nên trong thi văn cổ Việt Nam có câu, “Trăm năm một cuộc bể dâu” ám chỉ những biến chuyển từ đời này sang đời khác mà bất động sản là một trong những đối tượng hay đổi chủ nhất. Hôm nay một người đang là chủ nhân ông một dinh cơ đồ sộ, ngày mai có thể bán đi sang tay người khác hay sau này qua đời để lại cho con cháu. Phức tạp hơn là trường hợp nhiều người cùng có quyền lợi trên một mảnh bất động sản nhưng ý muốn sử dụng lại phân chia theo thời gian và hoàn cảnh. Luật Tài Sản Hoa Kỳ đã có từ lâu là căn bản giải quyết những mâu thuẫn chủ quyền phân tán đó.

Lấy thí dụ điển hình một chủ trại nông nghiệp tại Florida. Ông Ba Ðơn có vài chục mẫu đất ở Orlando trồng rau thơm và hoa quả gốc nhiệt đới như vải, nhãn, mít, xoài cung cấp cho các siêu thị Việt Nam suốt miền Ðông Hoa Kỳ. Nhờ cần cù làm lụng trên hai mươi năm nay ông rất phát đạt trở thành giàu có bạc triệu. Ông xây trên đất đai của mình một ngôi nhà đồ sộ và có thể sẽ viết di chúc sau khi qua đời để lại cho cô con gái duy nhất ở suốt đời rồi sau đó cứ nối tiếp hết đời con đến đời cháu qua nhiều thế hệ thừa kế của dòng họ nhưng ông cấm không cho ai bán đi. Hoặc giả cũng có thể ông Ba Ðơn không để của hương hỏa cho con cháu mà lại viết chứng thư muốn hiến đất cho chính quyền tiểu bang với điều kiện lập một thí điểm nông lâm có trồng ít nhất mười loại thảo mộc thuộc giống Châu Á và sau thời hạn chín mươi chín năm nếu thi hành đúng như vậy thì đất này mới thuộc về tiểu bang, còn nếu không thì phải trả lại cho con cháu ông Ba. Những ý muốn sử dụng khác nhau cùng trên một bất động sản như thế được gọi là gia sản sử dụng toàn quyền (freehold estate) theo đó chủ nhân kiểm soát tài sản của mình trọn vẹn. Trong trường hợp này ông Ba Ðơn coi như làm chủ gia sản tự nhiên (fee simple) có nghĩa là nắm trọn chủ quyền bất động sản của mình nên tùy tiện muốn để cho con cháu khi chết hay đem cho người khác với bất cứ điều kiện nào ông đặt ra cũng được.

Phần đông sở hữu chủ mới cũng muốn được thoát khỏi ràng buộc khi sử dụng tài sản được truyền lại vì chẳng lẽ người chết trong quá khứ cứ tiếp tục chế ngự quyền tự do sử dụng của những người sau mãi trong hiện tại và tương lai. Thí dụ một chủ đất muốn đặt điều kiện hạn chế chặt chẽ giữ trọn tài sản cha truyền con nối không cho lọt ra ngoài dòng họ, thời gian trôi qua càng ngày tài sản đó càng hạn hẹp trong việc để lại ít tay làm chủ thay vì nới rộng ra đại chúng. Làm như vậy chưa chắc đã có lợi cho con cháu dòng họ đó vì họ chỉ có thể truyền lại chứ không bán được ra ngoài nên tài sản đó càng ngày càng mất giá trị thay vì họ có thể bán đi lấy vốn tạo cơ hội khuếch trương tài sản khác lớn lao hơn.

Ngoài phạm vi gia đình cũng có vấn đề xảy ra như vậy vì điều kiện thay đổi theo thời gian khiến những hạn chế do chủ trước áp đặt trên tài sản để lại không còn có nghĩa nữa. Sau hai mươi, năm mươi hay một trăm năm sau tiểu bang Florida có thể thấy rằng đất đai của ông Ba Ðơn ở Orlando có lẽ sẽ có ích hơn nếu dùng để xây bảo tàng viện hay thư viện hoặc giải trí trường tương tự như Disney World nếu không bị cản trở vì những hạn chế do ông áp đặt chưa kể đến nhiều rắc rối hành chánh. Văn tự và các giấy tờ liên hệ khác được lưu trữ tại các cơ sở chính quyền địa phương để người mua có thể tìm hiểu những điều kiện chủ đất cũ đặt ra có được giải tỏa chưa. Do đó tòa án đã phải cân nhắc giữa ý muốn của mọi người tự do hành xử quyền hạn trên tài sản của mình đối lại với hậu quả bất lợi của các điều kiện hạn chế. Trường hợp này tòa đặt giả thiết người sang nhượng không muốn gây khó dễ việc sử dụng đất bằng những hạn chế rắc rối ngoại trừ những điều kiện có minh định rõ ràng.

Một cách khác để đối phó với những cấm cản lỗi thời là dùng chủ thuyết tương cận (cy pres doctrine) theo đó một bất động sản để lại nếu không thi hành được đúng theo nguyện vọng người chủ cũ thì tòa sẽ cho thi hành cách nào gần giống nhất với ý của người đó. Một cách khác nữa là áp dụng luật ấn định giới hạn chủ quyền để ngăn cấm bớt một vài loại hạn chế của người quá cố theo đó chủ đất không được quyền ràng buộc đất đai của mình vĩnh viễn bằng những điều kiện cản trở không cho người đời sau sử dụng, thí dụ trường hợp ông Ba Ðơn đặt điều kiện giữ đất đai của mình ở Orlando sau này chỉ được cha truyền con nối không bán ra ngoài thì sẽ bị coi như bất hợp lệ.

Trong các tài sản chung mỗi sở hữu chủ đều có chủ quyền bằng nhau dù là chia xẻ. Tuy cùng làm chủ một mảnh đất nhưng theo thời gian ý muốn của mỗi người khác nhau. Có vài biệt lệ được xếp vào loại luật chia xẻ sử dụng (servitude) thí dụ như một du khách mua vé vào Disneyland có quyền dùng các cơ sở giải trí của Disney trong suốt thời hạn vé có hiệu lực. Vài thí dụ khác, để cung cấp phương tiện truyền thông cho công chúng dĩ nhiên công ty điện thoại phải chạy đường dây qua khu dân cư ngược lại chủ nhà được có tiện nghi liên lạc, hoặc hai nhà hàng xóm dựng chung một hàng rào trên lằn ranh giới đất mình, hay thí dụ những người mua nhà trong khu vực riêng không được xây cất thêm đổi khác kiểu mẫu đồng nhất đã định. Những thí dụ trên cho thấy một điểm tương đồng là một người có ý muốn sử dụng tài sản người khác khởi nguồn từ việc dùng tài sản của mình (như dựng hàng rào) hay để người khác sử dụng tài sản mình (như mua vé vào Disneyland), trong mỗi trường hợp người ấy phải nhượng bộ phần mình để đổi lấy quyền lợi tương ứng. Tuy nhiên trong những trao đổi đó có nhiều khác biệt. Du khách vào Disneyland mua vé để lấy quyền sử dụng giải trí trường trong ngày đó, hôm sau không được vào nữa trừ phi mua vé khác. Công ty điện thoại có quyền xây cất trên đất người khác (easement) trong công trình có ích lợi chung. Quyền không cho xây cất trên chính đất mình (negative easement) chỉ cho chủ nhà trong khu cư xá riêng có quyền sử dụng căn nhà mình mua nhưng không được tự tiện xây cất khác đi theo ý muốn. Luật tài sản gọi là thỏa thuận đất đai (real covenants) hay chia xẻ sử dụng công bằng (equitable servitude) theo đó chủ khu cư xá có quyền ngăn cấm chủ nhà không được hoàn toàn tự do xây cất trên tài sản của họ vì đã đồng ý với nhau về nguyên tắc chia xẻ sử dụng đất đai.

Từ những thí dụ trên chúng ta có thể hiểu được vài đặc tính căn bản của luật tài sản.
Thứ nhất, chia xẻ sử dụng là một thể thức quy định riêng về sử dụng bất động sản theo đó người chủ trước nhất nắm giữ toàn bộ chủ quyền rồi sau đó mới nhượng lại một vài quyền hạn dưới hình thức hợp đồng thỏa thuận sử dụng hạn chế. Muốn làm được điều này phải là sở hữu chủ bất động sản đó và có khả năng lập khế ước.
Thứ nhì luật chia xẻ sử dụng không phải là luật khế ước mà là luật được đặt ra để làm minh bạch quyền hạn về bất động sản.
Thứ ba, vì lý do vừa là khế ước vừa là tài sản nên ý muốn sử dụng đất đai của người khác dĩ nhiên không tuyệt đối.
Chia sẻ sử dụng còn tùy thuộc vào những hạn chế trực tiếp và gián tiếp của chính sách công thí dụ cấm các văn kiện chính thức có mang tính cách kỳ thị chủng tộc, thí dụ trước đây có điều lệ cấm không được sang nhượng bất động sản cho những người không phải là da trắng. Tòa án sau này đã tuyên bố điều cấm đó bất hợp hiến có nghĩa là quyền sở hữu tư nhân trên một bất động sản bị hạn chế bởi chính sách tối thượng của xã hội chống lại kỳ thị chủng tộc.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ với cách thức mua bán, sang nhượng bất động sản. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

4. Luật tài sản (tiếp theo), Luật Di Chúc

Sunday, May 25, 2014 2:10:15 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=188737&zoneid=120#.U61GCvldVsw

Một vấn đề quan trọng nhất về sở hữu là để lại của cải khi chết, do đó một phần riêng biệt của Luật Tài Sản Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng đến việc chuyển nhượng cho người khác khi qua đời. Ðó là các Luật Di Chúc (wills), Luật Di Sản Không Trăn Trối (intestate succession), và Luật Tín Mục (trusts). Thông thường một người khi chết thì tài sản được để lại cho người hôn phối còn sống sót hoặc cho con cháu, hoặc điều hành qua các kế hoạch kế thừa đã dự trù trước, hoặc hiến tặng cho các cơ quan từ thiện.

Tại mỗi tiểu bang đều có thiết lập một tòa án đặc biệt chuyên giải quyết về di chúc gọi là tòa di sản (probate court). Khi một người qua đời thì di chúc của người đó được nộp cho tòa, nơi đây sẽ chỉ định một người thi hành di chúc (executor) để cai quản tài sản người chết, thu góp kết toán các khoản chưa thu, thanh toán nợ nần và phân chia theo như di chúc ấn định. Nếu không có di chúc thì tòa sẽ chỉ định một quản lý (administrator) để thanh toán tài sản để lại. Thủ tục giải quyết di sản (probate process) do tòa án giám sát có tính cách công cộng (public) nên kéo dài thời gian rất phiền phức, do đó nhiều người dùng cách lập tín mục ủy thác (living trust) để thanh toán tài sản dễ dàng và mau chóng hơn mà không bị tòa án dính vào.

Luật di sản không trăn trối áp dụng cho trường hợp một người qua đời không lập cả di chúc lẫn tín mục ủy thác. Theo tinh thần luật này tòa đặt giả thiết nguyện vọng thông thường của một người chết là muốn để lại cho thân nhân nào trong gia đình lệ thuộc nhất về mưu sinh. Nếu người quá cố không có con cháu chỉ còn người hôn phối thì vợ hoặc chồng được hưởng trọn di sản. Tương tự nếu người quá cố chỉ có con mà không có người hôn phối thì con cháu sẽ hưởng di sản. Nếu còn lại cả hôn phối lẫn con cháu thì vợ hoặc chồng được hưởng từ một phần ba tới một nửa di sản, phần còn lại chia cho con cháu.

Luật di sản cho người chết không trối trăn áp dụng rất tổng quát cho nên một người vợ hoặc chồng từng sống chung với người quá cố vài chục năm và không có việc làm cũng được kể bằng với người có nghề nghiệp vững chắc nhưng mới lấy một ngày. Con cái đã trưởng thành hay con còn nhỏ, con được cưng chiều lẫn con bị hắt hủi đều được coi như nhau. Do đó lý do chính để lập di chúc là tránh bị tòa án chi phối phân chia tài sản không đúng ý nguyện mình sau khi chết. Ngoài ra nếu chết không có di chúc mà con còn vị thành niên thì tòa sẽ chỉ định giám hộ (guardian) để giao cho trông nom con mình sau này mà đó có thể là một người không phải do cha mẹ muốn. Ngược lại nếu có di chúc thì có thể chỉ định trước người giám hộ cho con cái còn nhỏ và khi chết tòa chỉ việc chính thức công nhận người đó. Ngay cả trường hợp một trong hai cha mẹ chết không có di chúc, đứa con có được để lại gia tài bắt buộc cũng phải chịu dưới quyền người giám hộ do tòa chỉ định, có nghĩa là tòa án hoàn toàn nắm quyền chi phối không theo nguyện vọng người chết. Hơn nữa chính phủ đánh thuế di sản rất nặng mặc dù nhiều khi của để lại không đáng giá bao nhiêu. Dù tiêu chuẩn thuế thay đổi luôn nhưng thông thường một người có nhà cửa với bảo hiểm nhân thọ cùng tiền hưu trí hay có ít tiền đầu tư đều là mục tiêu chính phải đóng thuế tài sản, do đó lập di chúc có nhiều lợi điểm hợp pháp để tránh bớt hoặc giảm thiểu tiền thuế trên di sản.

Vì những lý do trên cho nên đa số mọi người lập di chúc để giải quyết tài sản mình sau khi qua đời. Xưa kia không dễ phân chia tài sản bằng di chúc, nhưng ngày nay quyền chuyển lại di sản được chấp nhận như một quyền lợi căn bản của một người tương tự như quyền mua bán, trao đổi, quyền cho đi tài sản của mình khi sống cũng như quyền để lại sau khi chết ngoại trừ một vài biệt lệ. Nói chung những người thành hôn không có quyền cho đi tất cả tài sản mình mà không để lại gì cho vợ hoặc chồng. Hôn nhân được coi như một hình thức hùn hạp kinh tế có nghĩa là khi vợ chồng chung sống cả hai đều có nghĩa vụ tương trợ lẫn nhau nên khi ly dị có quyền được chia đôi tài sản lẫn lợi tức và ngay cả khi chết cũng không gạt bỏ được những bổn phận đó. Giả sử một người đàn ông khi mệnh một đem của cải ban phát lung tung, nào là cho con riêng, cho tình nhân, cho nhà thờ thì dĩ nhiên người vợ vẫn có quyền dành một phần di sản đó dù không được chồng kể trong di chúc. Tuy luật di sản áp dụng khác nhau ở nhiều tiểu bang nhưng thường thường người vợ hay chồng cũng được ít nhất từ một phần ba tới phân nửa di sản bất kể di chúc ấn định ra sao. Gần đây Luật Di Sản Ðồng Nhất (Uniform Probate Code) quy định phần thụ hưởng của người hôn phối được chia tùy theo số năm sống chung và còn tùy thuộc tình trạng tài chánh của người đó có cần nhiều hay không.

Tuy nhiên người hôn phối còn sống sót có quyền đòi hay từ khước việc phân chia di sản và không bắt buộc phải nhận, thí dụ như một bà quả phụ khá giàu có, chồng chết để di chúc hiến cho nhà thờ thì bà vẫn vui lòng làm theo nguyện vọng của người quá cố, hoặc nhiều khi di chúc được hoạch định ủy thác cho những công trình người chồng đeo đuổi lúc còn sống mà không có gì làm bà buồn lòng thì vẫn cho thi hành như đã viết.

Tuy nhiên luật chia xẻ bảo đảm cho người hôn phối sống sót được chia di sản nhưng con cái thì không vì người vợ hoặc chồng đương nhiên phải cấp dưỡng cho con cái nên chuyển tiền bạc cho người hôn phối sẽ tránh được khỏi rơi vào tay giám hộ.

Phần đông những người sinh sống tại Mỹ vào tuổi trung niên trở lên có gia tài đáng kể đều lập di chúc vì đây là một lối chuyển tài sản khi chết rất thịnh hành. Trong mẫu di chúc căn bản phải viết bằng chữ nêu rõ dự định phân chia di sản ra sao, thêm vào đó người lập di chúc phải ký trước mặt nhân chứng và tòa án bắt buộc điều kiện này rất khắt khe. Di chúc là bằng cớ xác định người lập có ý muốn để lại tài sản làm tặng phẩm và minh định rõ trước pháp luật ý định đó đã được người lập quyết định một cách chín chắn. Di chúc bắt buộc phải viết thành văn bản chính thức để lưu thành hồ sơ vĩnh viễn và không thể dùng các phương thức khác thay thế như thâu băng không được chấp nhận. Ngoài ra tại nhiều tiểu bang còn bắt buộc di chúc phải được ký trước sự hiện diện của nhân chứng là người không có liên hệ thừa hưởng di sản sau này. Dĩ nhiên nhân chứng đó cũng phải ký vào di chúc sau khi chứng kiến người lập ký tên. Thông thường nhân chứng chính là luật sư giúp thiết lập di chúc để chính thức hóa văn kiện này. Theo thủ tục của tòa di sản thì người giữ di chúc sẽ trình tòa tờ di chúc đó để được công nhận có hiệu lực về sau. Thân nhân không có tên thừa hưởng nhưng tin rằng di sản đáng chia cho mình có quyền phản đối yêu cầu vô hiệu hóa di chúc vì họ thường đáng lẽ là kế thừa trong trường hợp người chủ tài sản chết không trăn trối. Hai lý do phản đối thông dụng nhất là vin cớ người lập trong tình trạng tâm thần không đủ minh mẫn để lập di chúc thật sự theo ý muốn, hoặc đương sự bị cưỡng bách ép buộc lập di chúc đem của cải cho người khác.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ với thủ tục kế thừa di sản bằng cách lập tín mục ủy thác. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

5. Luật Tài Sản (tiếp theo), Luật Tín Mục

Sunday, June 01, 2014 1:56:58 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=189120&zoneid=120#.U61Fm_ldVsw

Theo Luật Tài Sản Hoa Kỳ việc chuyển nhượng cho người khác khi qua đời ngoài Luật Di Chúc (wills) và Luật Di Sản Không Trăn Trối (intestate succession) còn có Luật Tín Mục (trusts).

Tín mục chuyển quyền sở hữu và điều hành tài sản cho đời sau theo một lối đặc biệt qua hình thức ủy quyền lập tín mục sinh thời (living trust) gọi tắt là tín mục. Tín mục khác với di chúc ở điểm quan trọng là có hiệu lực ngay khi thiết lập và trong suốt thời kỳ người chủ tài sản còn sống (lúc sinh thời) cho đến sau khi chết trong khi di chúc chỉ thi hành khi người lập qua đời. Theo tín mục việc điều hành và quyền thụ hưởng lợi tức trên tài sản đó hoàn toàn tách rời nhau. Tín mục là một bản hợp đồng pháp lý do người lập ủy thác cho một cá nhân hoặc một cơ sở thay mình quản trị và điều hành tài sản dưới danh nghĩa tín viên (trustee). Tín viên được ủy thác trách nhiệm dùng tài sản chỉ định để đầu tư, thu nhập lợi tức, cho thuê hay bán đi, nhưng tín viên được trả công làm những việc đó chứ không hưởng thụ gì trong tài sản ấy. Trái lại thừa kế (beneficiary) mới chính là người có quyền nhận những lợi nhuận do tài sản sinh ra thí dụ như tiền lời kiếm ra được chẳng hạn. Người chủ tài sản thiết lập tín mục được gọi là người cấp (grantor) cầm đầu tín mục. Người cấp sẽ ấn định quyền lợi của thừa kế và thanh toán tiền công điều hành quản trị cho tín viên cùng ấn định chi tiết thể thức thi hành thí dụ như cho thừa kế được nhận lợi nhuận do sinh lời nhưng không được rút vốn ra, hay là cho nhận lợi tức suốt đời nhưng đến khi chết thì giao vốn lại cho người khác, hoặc dùng vào một mục đích riêng như hiến vào công cuộc từ thiện chẳng hạn.

Tín mục tuy cùng một mục đích như di chúc là để lại tài sản cho thừa kế sau khi mệnh một, nhưng có ưu điểm đặc biệt trên phương diện pháp lý là không cần đến tòa phân xử nên loại bỏ được thủ tục giải quyết di sản (probate process) khỏi bị tòa án chi phối việc phân chia của cải, vì vậy giữ được tính cách riêng tư tránh phô ra công chúng nhòm ngó đồng thời bớt phí tổn đỡ tốn kém rất nhiều so với di chúc. Thông thường người cấp chính là tín viên đầu tiên khi lập nhưng sau đó phải chỉ định tín viên khác để quản trị tài sản thay thế mình. Tín viên mới được ủy nhiệm này có thể là một cá nhân, một ngân hàng, hay một công ty tín dụng (trust company). Nhiệm kỳ của tín viên có thể thay đổi cho đến khi người chủ tài sản qua đời.

Tín mục được thiết lập hoạt động suốt thời gian người chủ còn sống và tiếp tục có hiệu lực sau khi chết.

Tín mục dĩ nhiên được dùng để bảo vệ tài sản cho thừa kế không có năng lực điều hành vì không đủ tư cách pháp lý như còn vị thành niên, hoặc thiếu kiến thức chuyên môn về tài chánh thương mại để có thể điều hành hữu hiệu di sản để lại. Tuy nhiên lý do tín mục được thịnh hành nhất là giảm thiểu thuế má đặc biệt trong các kế hoạch điều hành tài sản (estate planning).

Theo luật thuế vụ liên bang các tài sản trị giá trên mức ấn định $5,340,000 trở phải chịu thuế. Lấy thí dụ một người vợ cùng chồng mỗi người có một tài sản riêng trị giá $5,250,000, nếu người vợ chết trước để lại cho chồng thì tài sản của bà sẽ không bị đánh thuế vì giá dưới mức $5,340,000. Ông chồng sau này qua đời để lại tất cả tài sản của hai người cho con cái thì tổng cộng trị giá sẽ lớn hơn $5,340,000 và phải đóng thuế liên bang rất nặng. Trường hợp này nếu áp dụng tín mục thì tránh được thuế vì bà vợ có thể để lại chúc thư ủy thác tài sản vào tín mục chỉ cho rút tiền lời và một phần vốn cho chồng suốt đời. Sau đó khi người chồng chết đi thì lợi tức sẽ dành cho các con cho tới khi chúng trưởng thành có khả năng tự quán xuyến lấy tài sản rồi lúc đó mới sang tên cho những người con ấy.

Nội dung tín mục gồm có những điều khoản chính yếu sau đây:
(1) Chỉ định tín viên và giao quyền hợp pháp để quản lý tài sản giao phó.
(2) Chỉ định thừa kế và ấn định các điều kiện thừa hưởng cùng phân chia lợi tức lẫn tài sản chính sau cái chết của người lập.
(3) Hướng dẫn thể thức quản trị tín mục, ấn định thẩm quyền điều hành và xác định việc phân chia tài sản một cách tín cẩn kín đáo.
Nói cách khác tín viên được hoàn toàn tín nhiệm để ủy thác điều hành tài sản với tiêu chuẩn cao hơn chính người chủ tài sản nếu tự điều khiển lấy. Tuy nhiên cần phải nói rõ là tín viên không có quyền sử dụng tài sản hoặc thủ lợi trên lợi tức tài sản ủy nhiệm nếu không được phép của người chủ viết rõ bằng giấy tờ. Tóm lại tín viên chỉ được ủy thác điều hành sinh lời và giữ giùm tài sản để lại cho thừa kế mà thôi. Như vậy tín mục sẽ giúp người chủ ủy thác quyền quản trị tài sản riêng cho người khác nếu chính mình không muốn tự quản lý lấy hay khi bị bất lực mất khả năng điều khiển thì tín viên được chỉ định thay thế đảm nhiệm điều hành tài sản cho phúc lợi người chủ mà không bị tòa án giám sát hay can thiệp vào.
Khi người chủ qua đời, tín viên sẽ thi hành việc thu thập toàn bộ tài sản, thanh toán các khoản nợ nần hợp pháp, khai báo và đóng thuế má rồi phân chia phần còn lại cho thừa kế theo ý nguyện của người quá cố đã được ấn định rõ trong văn bản tín mục.

Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng cần đến tín mục. Tín mục rất quan trọng đối với những người trong tình trạng sức khỏe yếu kém đang bị nan y có thể bị bất lực hoặc chết bất đắc kỳ tử. Những người có tài sản lớn, nhất là những người có nhiều của cải, nhà đất nên lập tín mục càng sớm càng tốt. Ngược lại một người trẻ tuổi và mạnh khỏe không có vốn liếng là bao thì không cần lập tín mục. Nói một cách rõ ràng hơn lập tín mục sớm chừng nào thì tài sản sẽ được bảo vệ chắc chắn trong tương lai trước những bất trắc do tai nạn bất ngờ hoặc bệnh tật nan y không dự đoán hay phòng ngừa được. Cũng nên nhấn mạnh về đặc điểm là tài sản lập theo tín mục sẽ không phải qua thủ tục thanh toán của tòa di sản như di chúc do đó tính chất và nguồn gốc các tài sản người chết để lại không bị ghi vào hồ sơ công khố (public record) khiến người ngoài ai cũng có thể biết được. Hơn nữa luật tài sản ấn định di chúc phải do tòa án thi hành việc chuyển di sản của người chết cho thừa kế do đó việc phân chia mất nhiều thời gian và rất tốn phí vì phải qua nhiều thủ tục rắc rối hơn là tín mục.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ với thủ tục mua bán nhà cửa, đất đai. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

6. Luật Tài Sản (tiếp theo), Tín Mục Ủy Thác

Sunday, June 08, 2014 2:33:47 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=189532&zoneid=269#.U61By_ldVsw

Qua các bài trước hẳn quí độc giả đã có khái niệm về Luật Tài Sản Hoa Kỳ liên quan đến việc chuyển tài sản cho người khác khi qua đời với các Luật Di Chúc, Luật Di Sản Không Trăn Trối, và Luật Tín Mục. Như vậy nên chọn cách nào có lợi nhất trong việc để lại của cải cho kế thừa là lập di chúc hay lập tín mục ủy thác hay không lập gì hết?

Ðiều đầu tiên nên phòng trước là trường hợp bị mất năng lực bất chợt. Ðồng bào Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày trên đất Mỹ tuy không gặp thảm họa do chiến tranh nhưng cũng không thiếu đủ chuyện bất trắc có thể xẩy ra cho bất cứ ai. Chưa kể đến các bệnh nan y như ung thư hay tai nạn xe cộ lấy mạng người như lá rụng mùa thu, chỉ cần một cơn đau tim cấp tính hoặc vài tia mạch máu nhỏ trong não bị vỡ cũng có thể bất chợt quật ngã một người khỏe mạnh khiến tử vong hoặc trở thành tàn phế mất năng lực (at incapacity) - theo luật pháp có nghĩa là mất khả năng không tự lo lấy được sức khỏe và tài chánh của chính mình thí dụ như bị hôn mê dài hạn. Nếu bị tình trạng này mà không có di chúc hay tín mục thì tòa di sản sẽ can thiệp ngay bằng án lệnh chỉ định người giám sát nắm giữ điều hành tài sản của nạn nhân.

Nhân vật được chỉ định này phải đóng tiền thế chân dù người đó chính là hôn phối của đương sự, phải giữ hồ sơ sổ sách kế toán chi tiết và báo cáo cho tòa rồi nơi đây sẽ duyệt xét phê chuẩn mọi khoản chi tiêu cùng kiểm soát tất cả tình trạng tài chánh của người chết cho dù nạn nhân có di chúc thì cũng bị tòa di sản nắm giữ giống như trên. Ngược lại nếu có tín mục sinh thời thì tòa không có quyền nhúng tay vào. Chính tín viên do người ấy chỉ định có thể là một cá nhân, một ngân hàng hay một công ty tín dụng, sẽ trách nhiệm cai quản trọn vẹn mọi vấn đề tài chánh được ấn định trong văn bản tín mục trước khi lâm bệnh hay qua đời. Do đó lợi điểm của tín mục là bảo vệ được tài sản của người lập lúc còn sống khi không may bị tai nạn trở thành tàn phế và có ưu điểm bớt được thuế tài sản sau cái chết nếu biết cách xếp đặt trước trong tín mục.

Lúc chết nếu không lập tín mục ủy thác - dù có di chúc hay không - vẫn phải qua thủ tục thanh toán di sản của tòa án. Tòa di sản sẽ ra lệnh trả hết nợ nần cho người chết rồi phần còn lại mới chuyển về tay thân nhân. Nếu có di chúc thì phần này sẽ phân định theo ý muốn của kẻ quá cố, còn không có di chúc thì tòa sẽ chia cho thừa kế theo thứ tự luật định mà thông thường không phải ý muốn của người ấy. Nếu nạn nhân chết tứ cố vô thân không có trăng trối mà tòa qua mọi nỗ lực không tìm ra được thân nhân thì đương nhiên tài sản của người bạc mệnh bị sung vào công quỹ của tiểu bang.

Về án phí cùng tất cả các chi phí linh tinh khác liên quan đến việc thi hành bản án, nếu qua đời mà không di chúc thì thông thường tốn vào khoảng từ 8% tới 12% giá trị của tài sản đó. Nếu bị mất năng lực thì tốn vô cùng không thể ước lượng được. Còn án phí trong trường hợp có di chúc cũng mất như vậy (từ 8% tới 12% tài sản) và sẽ phải trả nhiều hơn nữa nếu có tranh chấp giữa các thân nhân còn lại. Như vậy chỉ cần tính nhẩm một tài sản đáng một triệu Mỹ kim cũng hao đi từ $80,000 tới $120,000 án phí chưa kể đến thuế tài sản và tiền luật sư.

Với tín mục ủy thác thì khác hẳn, kể cả trường hợp mất năng lực hay chết đi thì sẽ không tốn kém gì hết nếu biết cách xếp đặt tránh được thuế tài sản. Về thời gian, nếu có di chúc hay không cũng kéo dài ít nhất từ chín tháng tới hai năm từ khi chết đến lúc tài sản được đến tay người thừa hưởng. Trường hợp mất năng lực thì tòa sẽ can thiệp vào nội vụ cho đến khi nạn nhân phục hồi được sức khỏe hoặc tới lúc chết. Trong suốt thời gian đó không ai có quyền đụng chạm đến tài sản của đương sự, ngược lại nếu có tín mục thì dù trong trường hợp chết hay mất năng lực việc chuyển nhượng cho thừa kế chỉ mất vài tuần lễ mà không bị chậm trễ vì bất cứ lý do gì.

Như vậy lợi điểm của tín mục ủy thác thật rõ ràng, người lập tín mục có quyền nắm giữ tối đa tài sản của mình kể cả lúc lâm trọng bệnh cho tới lúc qua đời, tài sản của người ấy được đặt toàn quyền trong văn bản tín mục và có thể thay đổi hay hủy bỏ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên di chúc có lợi điểm khác là tài sản được chia rõ ràng dưới pháp lý theo ý nguyện để lại trong di chúc ấy, trong khi không có di chúc lẫn tín mục thì tòa án hoàn toàn chi phối việc thanh toán di sản theo luật của tiểu bang. Những người có danh vọng lớn như các tỷ phú và các tài tử điện ảnh có tài sản khổng lồ thường lập cả tín mục ủy thác lẫn di chúc, lúc sống nếu bị bất trắc mất năng lực thì tài sản vẫn được điều hành và bảo vệ theo ý muốn và lúc chết đi gia tài được phân chia rõ ràng, minh bạch theo nguyện vọng. Những người muốn phân chia gia tài cho nhiều thừa kế liên hệ khác nhau cũng tốt hơn hết nên lập di chúc để tránh tranh tụng xâu xé lẫn nhau khi chủ nhân vừa nằm xuống. Riêng tín mục ủy thác còn có lợi điểm khác là việc để lại gia tài hoàn toàn kín đáo riêng tư vì đó không phải là một văn kiện công khố (public record), thân nhân của kẻ quá cố có quyền thu xếp tất cả vấn đề tài sản trong vòng thân tín.

Ngược lại nếu chết dù có di chúc hay không, thủ tục thanh toán di sản của tòa án có tính cách công cộng, ai ai cũng có quyền biết nên sẽ không tránh được những khiếu nại phiền phức của những kẻ khai có liên hệ nhưng không đúng theo ý nguyện của người quá cố, hoặc bị các hội đoàn có dính dấp đến xin xỏ hoặc man khai bừa bãi. Thông thường những người có tài sản đáng kể nên hội ý với một luật sư chuyên môn và tốt hơn hết nên lập cả tín mục ủy thác lẫn di chúc.

Một ý tưởng sau cùng, tài sản dù lớn hay nhỏ cũng do công khó một đời người, do đó chúng ta nên lưu tâm ngay đến việc lập cả di chúc lẫn tín mục ủy thác lúc còn khỏe mạnh làm ăn phát đạt để phòng hờ những bất trắc trong cuộc đời phù du này mà bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra trở thành biến cố. Ít ra những lo xa ấy cũng sẽ đem lại cho chúng ta yên ổn về tinh thần vì đã tiên liệu được trước được tương lai mà thu xếp mọi việc theo đúng ý muốn về sau của mình mai mốt khi qua đời.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật tài sản Hoa Kỳ với các luật lệ chuyển chủ quyền tài sản qua hình thức mua bán bất động sản. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

7. Luật tài sản (tiếp theo), Mua Bán Nhà

Sunday, June 15, 2014 3:06:53 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=190002&zoneid=269#.U61C8fldVsw

Tài sản có thể chuyển chủ quyền dưới hình thức cho đi như tặng phẩm hay để lại gia tài như di sản nhưng một lối đổi chủ thông thường nhất là mua bán địa ốc. Trong cuộc sống hàng ngày thiên hạ mua bán trao đổi đủ thứ chẳng hạn từ tờ báo đến cái xe hơi, nhưng trên phương diện pháp lý các thương vụ mua bán do Luật Khế Ước chi phối chứ không phải do luật tài sản. Tuy nhiên đối với nhiều người mua bán bất động sản như nhà cửa đất đai tương đối là một cuộc trao đổi lớn nhất trong đời nên dĩ nhiên luật tài sản ảnh hưởng nhiều hơn.

Mua nhà quan trọng trước hết vì món tiền chi ra quá lớn. Trong tài sản của một gia đình những món của cải lớn nhất ngoài tiền bảo hiểm nhân thọ và tiền hưu trí là nhà cửa đất đai. Khi vốn liếng tiền mua nhà càng nhiều bao nhiêu thì luật lệ liên hệ càng rắc rối bấy nhiêu. Tài sản cá nhân thường chỉ có một người vừa làm chủ vừa là người sử dụng, nhưng với địa ốc thì khác hẳn, thường thì ít nhất cũng có dăm ba kẻ khác nhau chi phối tài sản đó và người sử dụng chưa chắc đã là chủ bất động sản đó. Cũng cùng một ngôi nhà chung quanh người đứng mua còn có những người giúp đỡ cho vay tiền như bạn bè, thân nhân hay thông thường nhất là ngân hàng và công ty tài trợ địa ốc (mortgage company) cho vay từ tiền đặt (down payment) đến đủ thứ tiền tốn phí linh tinh khác trước khi hoàn tất ký kết (closing). Từ đó đã nảy sinh ra nhiều nguyên tắc luật lệ liên quan đến mua bán bất động sản.

Một thương vụ địa ốc dính dấp đến cả hai khía cạnh về Luật Tài Sản và Luật Khế Ước nhưng chuyện ký kết mua bán bất động sản xảy ra thông thường hơn nên được áp dụng khác với các thỏa hiệp thương mại khác. Cuộc mua bán nhà cửa thường theo truyền thống tập tục địa phương lẫn sự tín nhiệm lẫn nhau giúp cho cả hai bên thuận mua vừa bán chỉ khi nào bất đắc dĩ gặp vấn đề nan giải lắm mới phải đem ra pháp luật giải quyết. Người bán nhà và người mua nhà có thể tự thương lượng với nhau, tuy nhiên thường qua trung gian của một người môi giới địa ốc (real estate broker). Dù rằng người môi giới thường giao dịch với cả hai bên kẻ bán lẫn người mua, thí dụ như giúp bên bán sửa sang lại ngôi nhà cho khang trang để rao bán, đặt giá bán, đưa đi quảng cáo đồng thời cũng giúp phía mua lùng được căn nhà vừa ý, nhưng theo tinh thần luật khế ước thì môi giới vẫn đứng về phía bán chứ không phải bên mua. Theo giao kèo giữa môi giới và người bán thì môi giới bao giờ cũng có bổn phận phục vụ quyền lợi bên bán tìm cách bán giá cao nhất có thể được và môi giới ăn hoa hồng do người bán trả chứ không phải người mua (thường từ 5% đến 10%). Luật pháp vì vậy có ấn định một vài bổn phận và nghĩa vụ của môi giới đối với người mua thí dụ như phải tiết lộ tình trạng thật sự của ngôi nhà chứ không được giấu giếm những khiếm khuyết ẩn khuất để bán giá cao bịp người mua.

Sau khi lùng kiếm qua nhiều phương tiện quảng cáo trên báo chí, lưu ý đến bảng “For Sale” trước nhà, hay được giới thiệu qua người quen, hoặc bây giờ thịnh hành nhất là tìm trên Internet, người có ý định mua sẽ liên lạc với chủ bán hoặc qua môi giới để được hướng dẫn đi coi nhà. Khi người định mua có ý thích ngôi nhà thì sẽ dạm giá (offer). Ðiều kiện dạm giá tùy theo từng nơi có thể nói miệng hay bằng chữ viết, kèm theo một ít tiền cọc cùng ấn định thể thức thương lượng sau đó. Khi cả đôi bên đồng ý giá cả với nhau thì sẽ viết giao kèo (contract).

Bản giao kèo này sẽ gồm có tất cả các điều khoản đã thương thảo gồm có giá mua, ngày ký kết, điều kiện ký kết, quyền của người mua được thanh tra tình trạng nhà cùng bổn phận của chủ bán phải giao văn tự (deed) hợp lệ. Ngày ký kết giao nhà sẽ được ấn định vài tuần lễ sau đó, nhiều khi kéo dài cả vài tháng nếu cần để người mua có đủ thì giờ đi vay tiền mua nhà (mortgage). Sau thời gian chuyển tiếp này nếu không có gì trục trặc thì hai bên sẽ kết thúc hợp đồng bằng một cuộc trao đổi cả chồng giấy tớ dĩ nhiên có cả ngân phiếu của bên mua trao cho bên bán để đổi lại lấy tờ văn tự. Khi bán nhà thì người bán chuyển văn tự cho người mua, đó là một văn kiện chính thức biểu hiện sự chuyển giao tài sản (văn tự được áp dụng cho mọi chuyển giao địa ốc kể cả cho không). Văn tự được dùng làm bằng chứng rằng bất động sản đã được chuyển giao chủ quyền và là hồ sơ chứng minh tài sản đó đã đổi chủ. Dĩ nhiên văn tự được chủ cũ ký tên và giao cho người mua hay đại diện là môi giới địa ốc.

Người mua nhà sau khi nhận văn tự liền xin trước bạ (title) ngôi nhà. Trước bạ là một bằng chứng chính thức về chủ quyền trong luật tài sản. Thông thường người bán nhà sẽ phải giao trước bạ phát mại được (marketable tittle) cho người mua. Theo luật pháp có nghĩa là người mua phải nhận được trọn vẹn chủ quyền trên cơ sở địa ốc đó mà không bị trở ngại rắc rối sau này do các sai sót theo luật gọi là hàng loạt nhược điểm trước bạ (chain of title defects) gây ra. Lý do khiến việc mua nhà có nhiều luật rắc rối vì không có cách gì để bảo đảm tránh được sơ sót hoặc không có hàng loạt nhược điểm trước bạ trên một bất động sản. Tại mỗi tiểu bang đều có đặt luật lưu trữ hồ sơ trước bạ bất động sản. Thông thường văn phòng Lục Sự Tòa Án (Clerk of the Court) ở mỗi tòa án quận hạt là nơi lưu trữ tất cả các văn kiện chính thức về địa ốc cùng các giấy tờ liên hệ đến mua bán sang nhượng bất động sản lẫn văn kiện về tiền vay mortgage của dân chúng địa phương từ nhiều thế kỷ trước cho tới hiện tại.

Rất ít người mua có đủ sức trả bằng tiền mặt để mua nổi một món tiền lớn như vậy nên bắt buộc phải đi vay ngân hàng hay công ty tài trợ địa ốc. Trong giao dịch này gồm có hai phần, một là hợp đồng vay tiền và một là hợp đồng mua bán địa ốc. Người vay phải viết một tờ giấy nợ (promissory note) ghi rõ điều kiện vay và bổn phận hoàn trả lại và lấy ngôi nhà làm thế chấp (collateral) để bảo đảm món tiền nợ. Nếu người vay không chịu trả lại thì người cho vay có quyền đem bán nhà đó để lấy lại số tiền đó. Lối cho vay có thế chấp này không những áp dụng cho nhà cửa mà được các ngân hàng áp dụng cho tất cả các loại cho vay khác như xe hơi, hay các tài sản cá nhân.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ với những lỗi lầm tốn tiền mà nhiều người thường mắc phải khi mua nhà. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

8. Luật tài sản (tiếp theo), Vay Tiền Mua Nhà

Sunday, June 22, 2014 2:14:22 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=190420&zoneid=269#.U61DxPldVsw

Từ ngày rời xa quê hương lưu lạc ra hải ngoại ai cũng muốn có cuộc sống ổn định được “an cư lạc nghiệp” như lời cổ xưa của tiền nhân, việc mong làm chủ một ngôi nhà là một mộng ước bình thường của hầu hết người Việt trên đất Mỹ. Chưa bao giờ lãi xuất tiền vay mua nhà xuống thấp như hiện nay nên càng ngày càng nhiều đồng bào khắp nơi cố gắng chạy tiền mua nhà. Thường khi tìm được ngôi nhà vừa ý dĩ nhiên ít ai có đủ tiền mặt mua đứt nên phải tìm vay các nguồn tài trợ địa ốc, mà vay tiền mua nhà không phải là một việc đơn giản dễ dàng, trái lại đôi khi có thể là một kinh nghiệm rất nản lòng.
Chắc chắn không ai vui khi phải vay một món nợ khổng lồ lớn nhất đời bằng cả chục năm lương của một dân trung lưu. Ngoài ra còn phải đụng phải cả chồng hồ sơ giấy tờ vay nợ ký lia lịa, nhiều khi chẳng biết mình ký cái gì chưa kể đến việc điên đầu vì trăm thứ lệ phí nghe rất xa lạ lẫn với đủ loại từ ngữ chuyên môn của địa ốc làm ù tai hoa mắt. Trong quá trình đi mua nhà phải vượt qua nhiều nỗ lực gay go phần đông rất dễ mắc phải nhiều lỗi lầm lẫn đi đến kết quả tốn kém đáng lẽ có thể tiết kiệm được. Sau đây là tám khuyết điểm nhiều người dễ bị mắc phải.

1.Ðầu tiên là lỗi không để ý đến tín dụng (credit).
Tín dụng là một hồ sơ đánh giá trị thành tích vay và trả nợ của một cá nhân. Trong xã hội Việt Nam không nợ là tốt, nhưng ở Mỹ những ai là con cháu chúa Chổm nợ nhiều và có quá trình trả đều thì là những khách quý của các nhà băng và công ty tín dụng. Mỗi khi chúng ta đi mua trả góp một món hàng lớn nhỏ thì người bán chịu sẽ thông báo cho một trong ba văn phòng báo cáo tín dụng (credit bureau) là Equifax, Trans Union, và Experian, nơi đây sẽ ghi lại các chi tiết về món nợ và lề lối trả nợ đó. Mỗi khi các nhà tài trợ như ngân hàng hay các công ty muốn cho ai vay thì họ lấy các tin tức về tín dụng của người xin vay qua ba văn phòng trên để căn cứ vào đó mà quyết định chấp thuận hay từ chối. Trước khi nghĩ đến chuyện vay tiền mua nhà chúng ta trước nhất phải xét lại tình trạng tín dụng của mình bằng cách xin một bản báo cáo tín dụng (credit report) của mình cùng điểm tín chỉ FICO. FICO là một số điểm gồm ba con số dùng để đánh giá trị tín dụng của người xin vay. Nhiều khi hồ sơ tín dụng của quí vị có thể có nhiều sai sót hoặc có chứa các món nợ cũ quá lâu hay những nhầm lẫn không chính xác bất lợi. Những ai có ý định mua nhà thì nên kiểm soát báo cáo tín dụng của mình sáu tháng trước để có đủ thời giờ yêu cầu sửa chữa những điểm xấu do nhầm lẫn của các văn phòng tín dụng hay tìm cách dàn xếp những nợ xấu để được có điểm khá hơn, thí dụ trả bớt nợ đi và trả dứt các món nợ quá hạn. Những người có thành tích tín dụng tốt thường được ưu đãi hưởng lãi suất thấp nhất và ít phí tổn lặt vặt, ngược lại với tín dụng không tốt thường bị lãi rất nặng vì chủ nợ lấy lý do đương đầu với nhiều rủi ro hơn.

2. Sơ hở thứ hai thường thấy là không để ý đến các chương trình chính phủ giúp người mua nhà lần đầu.
Chương trình này ở các tiểu bang, quận hạt, hay thành phố nào cũng có với mục đích giúp đỡ cho những người lợi tức thấp và mới mua nhà lần đầu có được một mái nhà bằng cách cho vay với lãi suất thật thấp và qui định ít tiền đặt (down payment). Dĩ nhiên quyền lợi và điều kiện tại mỗi nơi khác nhau tùy theo ngân sách và chính sách của địa phương, trên đây chỉ là hướng dẫn tổng quát, quí vị nên hỏi các trung gian tài trợ địa ốc hoặc liên lạc với chính quyền địa phương về nhà cửa (housing) tại nơi cư trú hoặc vào các mạng lưới Internet để liên lạc với các nguồn tài trợ có thể tìm được.

3. Lỗi lầm thứ ba thường thấy là không xin chấp thuận trước tiền vay.
Khi giao tiếp với môi giới trung gian nhiều người mua nhà lần đầu thường nhầm lẫn tình trạng “đủ điều kiện” (pre-qualified) với tình trạng “đã được chấp thuận trước” (pre-approved). “Ðủ điều kiện” chỉ là thủ tục phân loại thông thường cho những người hội đủ căn bản đòi hỏi theo đó họ tính ra số tiền tối đa có thể mượn được căn cứ vào lợi tức, nợ nần hiện hữu và khả năng tiền đặt. Ngược lại tình trạng “đã được chấp thuận trước” là kết quả một đơn xin vay đã được phê chuẩn qua cứu xét khắt khe theo đó nơi cho vay tiền đã phối kiểm thành tích tín dụng cùng lương bổng và công ăn việc làm đã khai và đồng ý cho vay số tiền yêu cầu, người vay coi như đã nắm sẵn tiền trong tay tha hồ mà đi tìm nhà tốt và lấy đó làm lợi khí để thương lượng. Trên thị trường địa ốc nóng hổi người bán và các tay môi giới trung gian thường sốt sắng nới giá hơn đối với những người mà họ biết đã có sẵn tiền trong tay thay vì phải thương thảo với người muốn mua nhưng chưa rõ có khả năng mượn tiền được không.

4. Lỗi lầm thứ tư thường thấy là vay quá sức trả.
Nhiều người cố vay cho thật nhiều tính rằng với số lương hay lợi tức hiện hữu sẽ dư dả đủ trả nợ về sau. Tuy nhiên phần đông những người mới mua nhà lần đầu không có kinh nghiệm mấy về phí tổn để được làm chủ nhà. Không những họ phải trả tiền vay hàng tháng nhiều hơn tiền thuê chưa kể đến tiền thuế địa ốc cùng bảo hiểm nhà cửa cộng thêm vô số phí khoản khác vào việc sử dụng ngôi nhà như tiền điện nước, tiền bảo trì và sửa chữa nhiều hơn là ở thuê. Các chủ nợ dĩ nhiên sẵn lòng cho vay vì họ nắm dao đằng cán với cái nhà làm thế chân, họ biết chủ nhà sẵn sàng hy sinh từ bỏ hết mọi xa hoa để cố giữ nhà còn hơn để bị mất nhà. Càng vay nhiều bao nhiêu thì càng quá sức trả, đó chính là con đường đưa đến hậu quả bị xiết nhà vì chậm trả tiền hàng tháng. Thông thường trước khi vay tiền mua nhà nên ấn định sở phí nhà cửa kể cả bảo hiểm lẫn thuế vào khoảng 25% tổng số lợi tức so với tỷ số 33% mà ngân hàng cho vay tối đa. Lỗi lầm thứ năm thường thấy là không đi hỏi quanh để so sánh lãi suất và điều kiện vay.

Ở đâu cũng có những chủ vay rất tốt với lãi suất thấp và những nơi khác lấy lời cao hơn cùng đòi hỏi nhiều thứ tiền tạp phí nhất là với những người mua không có thành tích tín dụng hoặc không hoàn hảo. Có nhiều người mua nhà có tín dụng rất tốt nhưng lại chịu lãi suất cao dành cho những người không đủ tiêu chuẩn vay thông thường. Dĩ nhiên những người có tín dụng tốt bao giờ cũng được ưu đãi với lãi suất thật hạ kèm theo nhiều điều kiện dễ dãi trong khi những người tín dụng bị khiếm khuyết hay ít tiền đặt thường bị cả chủ vay lẫn môi giới trung gian “làm thịt” không tiếc tay. Nếu người đi vay không biết rõ ưu thế tín dụng của mình nhiều khi phải trả từng bạc ngàn vào những khoản tạp phí như vậy tốt hơn hết nên đi dò ướm nhiều nơi cũng tương tự như đi sắm đồ hạ giá, hễ thấy nơi nào giá cả nhẹ nhàng nhất thì mới dính vào. Ðôi khi những người có tín dụng không thật hoàn hảo nhưng vẫn có thể vay được với lãi suất hạ hơn thông thường thí dụ vay qua chương trình của chính phủ như Sở Gia Cư Liên Bang (Federal Housing Administration viết tắt là FHA) chắc chắn rẻ hơn vay của tư nhân.

6. Lỗi lầm thứ sáu thường gặp là bị trả quá nhiều tạp phí (junk fee).
Cả chủ nợ lẫn môi giới trung gian thường nâng lợi lộc bằng cách thêm thắt nhiều khoản chi phí tạp nhạp, có thứ hợp pháp song cũng có thứ thổi phồng hay hoàn toàn bịa đặt. Thông thường là tiền soạn thảo hồ sơ (document fee), tiền đệ nạp hồ sơ (processing fee) hết của nhân viên nơi cho vay lại đến môi giới trung gian là bổn phận họ phải làm như điền sẵn mấy cái mẫu. Thông thường họ liệt kê tạp phí trong một tờ giấy dài khoảng gần trăm món có mỹ danh là Bản Ước Lượng Thật Thà (Good Faith Estimate viết tắt là GFE) là bản ước lượng tiền đóng hồ sơ ký kết (closing cost) có khi lên đến 7% giá mua nhà. Trước khi muốn mua nhà nên thử gặp vài môi giới hay cơ sở vay tiền khác nhau, yêu cầu họ ước lượng sớm trước khi làm đơn vay tiền rồi thương lượng từng khoản, chọn nơi nào ít tạp phí nhất thì mới xin vay. Nếu họ không chịu bớt thử đi tìm nơi khác xem có rẻ hơn không chứ đừng đợi tới khi sắp đặt bút ký thì đã quá muộn.

7. Lỗi lầm thứ bảy là không tính trước tiền đóng hồ sơ ký kết (closing cost).
Khi nhận được tiền vay và ký kết nhận nhà tại hãng đăng ký trước bạ (title company) gọi là ngày đóng hồ sơ là lúc người mua phải viết chi phiếu thanh toán rất nhiều thứ tiền dựa theo bản ước lượng GFE. Tiền đóng hồ sơ không tính trong giá mua nhà nhiều khi lên đến một con số làm tối tăm mặt mũi. Người mua nên khôn ngoan hoạch định trước số tiền này bằng cách đòi bản ước lượng ngay khi mới có ý mua nhà đừng đợi đến phút chót mới ngã ngửa ra mất nhiều tiền quá ước tính. Người mua cần chuẩn bị sẵn tiền trong trương mục chi phiếu để thanh toán ngay trong buổi đóng hồ sơ ký kết đừng để thiếu hụt vì những biến cố khẩn cấp vào phút chót.

8. Chót hết là lỗi để cạn sạch tiền sau khi lấy nhà.
Nhiều người sau khi đóng hồ sơ nhận nhà thì sạch túi không có đủ tiền phòng hờ những món chi không dự đoán trước, thậm chí nhiều khi không đủ đóng tiền nhà ngay tháng đầu, vì thế nhiều khi nơi vay bắt phải nộp trước một khoản tiền dự trữ (reserves) ba tháng tiền nhà sau khi đóng hồ sơ. Tuy đóng trước phải ra nhiều tiền hơn nhưng cũng có điểm lợi là giúp tân chủ nhân nhà mới bớt bị căng thẳng đầu óc trong thời gian đầu mới làm chủ.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ với thủ tục thuê mướn bất động sản với quyền của chủ lẫn quyền người thuê. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 930 W. 17th Street, Suite F. Santa Ana, CA 92706, ÐT: (714) 531-7080.



9. Luật Tài Sản (tiếp theo), Thuê Nhà

Sunday, June 29, 2014 1:14:07 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=190849&zoneid=269#.U7IetvldVsw

Trong Luật Tài Sản Hoa Kỳ ngoài những luật lệ chuyển chủ quyền cho thừa kế sau khi chết hoặc trong đời người tài sản đổi chủ qua việc mua bán địa ốc, còn có luật lệ liên hệ đến trao quyền sử dụng nhà cửa qua sự thuê mướn (leasing). Vấn đề thuê mướn chỗ cư ngụ dù mướn ngắn hạn một ngôi nhà ở (residential premise) hay một căn chung cư (apartment) hay thuê dài hạn một văn phòng thương mại (office) đều có ảnh hưởng đến đời sống một số đông đồng hương Việt Nam trên đất Mỹ.

Thuê mướn thật ra là một hình thức chia xẻ quyền sử dụng bất động sản theo đó chủ (landlord hay lessor) trao quyền cho người mướn (tenant hay lessee) được chiếm hữu nhà đất của mình suốt thời gian đã giao kết trước. Dĩ nhiên trong cuộc sống ai cũng đều quen thuộc với chuyện thuê mướn nhà cửa nhưng ít ai để ý đến quan niệm chia xẻ quyền sử dụng tài sản giữa chủ và người mướn được luật định dựa trên cả hai môn luật tài sản và luật khế ước. Luật về liên hệ giữa chủ và người thuê từ trước tới nay đã đổi nhiều, đặc biệt hai thay đổi có ảnh hưởng quan trọng đến luật hiện hành, thứ nhất là các điều luật về thuê mướn nhà cửa chuyển từ căn bản sở hữu tài sản sang căn bản có chứa đựng thành phần khế ước, và thứ hai là gia tăng các điều luật điều hành giao kèo giữa chủ và người mướn.

Trước đây việc thuê mướn nhà cửa đất đai được coi như chuyển nhượng quyền sử dụng dưới luật tài sản có từ thời trước bên Anh. Theo tinh thần luật đó người chủ nhường quyền cư ngụ tại ngôi nhà đó lại cho người mướn trong thời gian ký kết với điều kiện trả tiền mướn sòng phẳng cùng tuân theo những điều kiện bắt buộc do thỏa thuận trước. Như vậy tuy liên hệ thuê mướn khởi nguồn từ sự đồng ý giữa chủ và người thuê nhưng chính yếu vẫn liên quan đến chuyển quyền chiếm hữu tài sản chứ không liên quan đến quyền hạn ấn định theo khế ước. Do đó bổn phận căn bản của chủ là trao nhà đất đó trong một thời gian có hạn định và bổn phận căn bản của người mướn là trả tiền và hoàn lại cho chủ khi việc thuê mướn chấm dứt. Ngoài những phận sự kể trên luật pháp áp đặt rất ít điều kiện ràng buộc khác cho cả đôi bên.

Thời xưa người ta hay cho mướn đất để trồng trọt hoa màu nhưng bây giờ việc canh tác để sinh sống đã lỗi thời. Ngày nay thuê mướn nhà cửa đất đai tư nhân để ở hay để hoạt động thương mại thông dụng hơn là thuê mướn nông trại. Ðiển hình đồng bào Việt Nam trong những ngày đầu tiên lìa xa quê hương đặt chân ra hải ngoại hầu hết đều trải qua một thời phải ở thuê trước khi tạo dựng được cơ đồ để làm chủ ngôi nhà của chính mình hoặc mở cơ sở làm ăn buôn bán, chỉ có một số rất ít ở những tiểu bang đất rộng người thưa mới mở nông trại nhưng họ thường mua đất chứ không có ai thuê đất. Thuê mướn nhà ở nhất là tại những chung cư vùng đông dân người mướn bị lệ thuộc vào chủ việc duy trì tình trạng căn nhà, duy trì an ninh trật tự trong toàn cư xá cùng việc cung cấp tiện nghi điện nước hay hơi nóng. Trên thị trường gia cư tại các thành phố đông dân cư đặc quyền ưu đãi cho người ở thuê rất hạn chế. Chung cư cho mướn có tính cách thương mại nên đôi bên phải thương lượng và ký kết với nhiều chi tiết tỉ mỉ hơn là theo luật thuê mướn thời trước. Thay đổi này đã khiến tòa án và các nhà làm luật nghĩ khác về liên hệ giữa chủ và người thuê nhất là kể từ thập niên 1960 trở đi có sự xuất hiện của các dịch vụ cố vấn pháp luật cho người nghèo lẫn các phong trào hoạt động tranh đấu nhân quyền, thêm vào nhận thức về tình trạng khủng hoảng gia cư giữa các yếu tố xã hội khác. Kết quả đưa đến quan điểm luật pháp về thuê mướn nhà cửa chuyển từ thuần túy nhượng quyền sở hữu sang quan hệ mang tính chất khế ước, ít ra đối với việc thuê mướn gia cư luật pháp kiểm soát những điều khoản giao kèo chặt chẽ hơn.

Có lẽ phần thay đổi quan trọng nhất là trách nhiệm của chủ với tình trạng của căn nhà đó. Trước đây theo thông lệ giao kèo thuê mướn gia cư được coi như trao quyền cư ngụ nên việc trao quyền đó được kể như hoàn tất khi chủ trao chìa khóa nhà cho người mướn. Vì thế chủ có nhiệm vụ giao nhà nhưng nhưng không có nghĩa là bắt buộc phải giao căn nhà đó trong tình trạng có thể ở được. Chẳng hạn như chủ nhà không cung cấp nước nóng hay hơi nóng vào mùa Ðông thì người mướn cũng đành phải chịu dù cho bất hạnh. Dĩ nhiên nếu chủ khóa căn nhà lại ngăn không cho người mướn chiếm ngụ hay nói một cách khác nếu chủ nhà trục xuất (evicted) thì người mướn không còn bị ràng buộc vào giao kèo nữa. Tương tự nếu chủ nhà làm một điều gì khiến căn nhà không ở được nữa tức là chủ nhà đã trục xuất ngầm (constructively evicted), người mướn có quyền trả nhà và hủy bỏ giao kèo. Ðiều này phù hợp với quan niệm căn bản của luật tài sản là chủ nhà đã không thi hành giao quyền cư ngụ căn nhà đó. Tuy nhiên trục xuất ngầm không phải là đền bù có lợi gì cho người mướn. Ðầu tiên hết căn nhà phải trong tình trạng hoàn toàn không ở được, người mướn có thể bị thiệt vì sau đó kể như thua kiện nếu tòa xử là ở được. Thứ nhì, người mướn nếu không ở được thì phải dọn đi tìm nhà khác là một điều không mấy dễ dàng nếu sống ở một thành phố đông dân.

Án lệ chính về thay đổi luật thuê mướn là vụ Javins v. First National Realty Corp., vào năm 1970 tại tòa phá án thủ đô Washington D.C. Vụ này là một phần trong loạt kiện tụng do các luật gia khởi xướng để đòi quyền lợi cho những người thuê mướn. Chủ nhà là công ty First National Realty tìm cách trục xuất người mướn vì không trả tiền. Người mướn nhìn nhận quả thật không trả tiền thuê nhưng có lý do là để khấu trừ vào tiền sửa chữa những hư hỏng trầm trọng trong căn nhà mà chủ không chịu sửa. Tòa án trước hết nhận ra là vụ án cần được xử với luật mới. Nếu coi giao kèo thuê mướn căn nhà này như chuyển quyền chiếm hữu tài sản thì chỉ có nghĩa trong xã hội canh nông thời trước nhưng đối với việc thuê mướn nhà ở thì khác hẳn, hiển nhiên phải xét xử như một giao kèo. Luật khế ước bảo vệ người tiêu thụ được diễn giải như một hãng sản xuất phải bảo đảm phẩm chất và an toàn trong việc sử dụng sản phẩm bán ra; nguyên tắc này cũng áp dụng với nhà cho thuê tương tự như một sản phẩm. Tòa cho áp dụng điều kiện bảo đảm cư ngụ được theo đó chủ phải duy trì căn nhà ở được theo các điều luật ấn định. Theo sau vụ Javins các tòa án khắp liên bang áp dụng luật trên. Nhiều tiểu bang đã dùng các điều luật địa phương về an toàn nhà cửa làm tiêu chuẩn trong khi các tiểu bang khác ra điều lệ một cách tổng quát hơn và ấn định rằng gia cư phải thích hợp cho sự sinh sống của loài người. Vài nơi điều luật này áp dụng cho tất cả mọi nhà ở, còn các nơi khác chỉ áp dụng cho các chung cư cho thuê mướn mà thôi.

Vì luật lệ bảo đảm an toàn nơi nhà cho thuê liên quan nhiều đến luật khế ước hơn là luật tài sản, một câu hỏi hợp lý được đặt ra là trong giao kèo thuê mướn mỗi bên được quyền ấn định ra sao, có thể loại bỏ điều kiện bảo đảm tình trạng ở được của căn nhà không? Theo nguyên tắc ấn định dưới luật khế ước và luật tài sản hiện tại, câu trả lời thường là không. Ngược lại chủ nhà có thể dùng mánh khóe để loại trừ bổn phận bảo đảm trên bằng cách thêm vào một vài điều kiện khước từ dưới dạng một điều khoản trong tờ giao kèo thuê mướn in sẵn mà ít người mướn có đủ hiểu biết hay có đủ quyền hạn để yêu cầu loại bỏ các điều khoản bất lợi đó. Vì lý do sự bảo đảm luật định là một phần của khế ước, những biện pháp đền bù cho người mướn cũng được tăng thêm. Trong vài vụ người mướn được quyền chọn giải pháp dọn đi và chấm dứt giao kèo. Nhưng người mướn cũng có thể áp dụng biện pháp khác là kiện chủ nhà đòi bồi thường vì vi phạm không thực thi bảo hành hoặc người mướn có quyền sửa rồi trừ (repair and deduct) tức là tự sửa chữa lấy những hư hỏng mà chủ nhà không chịu sửa rồi trừ tốn phí sửa chữa đó vào tiền thuê. Người mướn cũng có quyền khai những hư hỏng để từ chối trả tiền mướn, và nếu bị chủ nhà kiện thì dùng cớ hư hỏng đã khai vi phạm bảo hành để biện hộ. Nếu tòa đồng ý chung cư không đủ điều kiện cư ngụ thì lúc ấy người mướn có quyền ở khỏi trả tiền cho đến khi nào những hư hỏng được sửa chữa thỏa đáng.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ với trường hợp chính phủ trưng dụng bất động sản vào công ích. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.



10. Luật Bảo Vệ Tài Sản: Phương cách chuyển tài sản miễn thuế

 
Sunday, August 31, 2014 1:57:30 PM 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=194301&zoneid=269#.VAWd5fldWgE

 

Thể theo lời yêu cầu của một số độc giả muốn biết về luật bảo vệ tài sản (asset protection law) qua những phương cách luật định có mục đích đem lại lợi điểm về mặt thuế khi rút tiền ra từ các ngân khoản đầu tư nên tuần này chúng tôi trở lại với phần tìm hiểu Luật Tài Sản Hoa Kỳ song song với việc áp dụng Luật Thuế.

Một cách phổ thông nhất mà các luật sư chuyên môn về bảo vệ tài sản thường hay áp dụng là giúp thân chủ lập ra Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn (Limited Liability Company hay LLC). Ðúng như tên gọi, các hình thức tổ hợp này có khả năng bảo vệ tài sản của cá nhân người thiết lập một cách hữu hiệu cũng giống như bảo vệ tài sản của các công ty thương mại lớn. Nếu những người liên hệ trong tổ hợp cùng trong gia đình thì sẽ áp dụng một hình thức tương tự gọi là Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn do Gia Ðình Quản Lý (Family Owned Limited Liability Company tạm gọi tắt là Tổ Hợp Gia Ðình FLLC). Hình thức tổ hợp này không những được đặt ra để bảo vệ tài sản cá nhân mà còn có khả năng làm cho các kế hoạch tài sản thi hành dễ dàng và chu đáo hơn.

Trước hết một Tổ Hợp Gia Ðình FLLC được thiết lập với ngân quỹ hoạt động chuyển từ tài sản của người chủ. Tổ chức của FLLC có hai loại nhân sự, chính yếu nhất phải kể đến “hội viên” (members) là những người có chủ quyền trên tài sản của tổ hợp; và thứ hai kể đến “quản lý” (managers) là một hay nhiều người điều hành tổ hợp mà chức vụ quản lý cũng có thể do chính hội viên đảm nhiệm. Như vậy hội viên (tức là chủ nhân) có thể là quản lý nhưng quản lý không bắt buộc phải là hội viên. Ngoài chủ nhân ra những hội viên khác trong tổ hợp thường là con cháu của người chủ và các hội viên con cháu này đều không có quyền hạn điều hành lẫn quyền hạn đơn phương rút tiền ra khỏi tổ hợp, tuy nhiên những hội viên này được hưởng các quyền lợi ấn định rõ ràng trong nội qui ràng buộc với các điều kiện hạn chế trong việc sang nhượng quyền lợi được thừa hưởng. Quản lý thường là cha mẹ hay ông bà nội ngoại là những người nắm giữ quyền quyết định trong việc điều khiển Tổ Hợp Gia Ðình FLLC nhưng không đụng chạm đến quyền lợi của các hội viên con cháu trong tổ hợp. Dĩ nhiên quản lý cũng có thể là người ngoài được mướn vào để quản trị và điều hành hoạt động tổ hợp, do đó dù quản lý là người ngoài hay người nhà thì tổ chức và lề lối sinh hoạt trong tổ hợp vẫn không khác nhau miễn tổ hợp hoạt động với điều kiện chính yếu là các hội viên phải thuộc cùng một gia đình.

Căn cứ theo vài án lệ xử luật bảo vệ tài sản gần đây, tòa đã đặt một số giới hạn trong việc ấn định loại tài sản nào chuyển được sang Tổ Hợp Gia Ðình FLLC. Do đó điều quan trọng nhất là phải tôn trọng Tổ Hợp Gia Ðình FLLC như một nghiệp vụ chớ có hiểu lầm tai hại mà đổ tất cả tài sản vào tổ hợp để sử dụng giống như một trương mục ngân hàng trong cuộc sống. Tài sản lưu giữ trong tổ hợp chỉ nên hạn chế làm tài sản đầu tư hay tài sản thương mại để giữ được tính chất hợp pháp.

Về lợi điểm trong kế hoạch điều hành tài sản thì quản lý của Tổ Hợp Gia Ðình FLLC trên phương diện thuế coi như chỉ nắm một số nhỏ giá trị tài sản tổ hợp nhưng thực tế lại nắm giữ trọn quyền điều hành tài sản dù rằng các hội viên con cháu đều có phần trong đó. Ðể đạt được hiệu quả có lợi tối đa thì phương thức đem lại kết quả tốt nhất là chủ nhân tài sản ngay từ lúc đầu duy trì mọi phần sở hữu của tất cả thành phần quản trị lẫn không quản trị nhưng sau đó đem tặng (gift) cho các hội viên con cháu với phần tặng tăng dần lên mãi nhưng giữ sao cho dưới số tiền giới hạn miễn trừ thuế theo luật ấn định hàng năm. Mức miễn trừ thuế hàng năm là số tiền hay tài sản có giá trị tương đương được luật ấn định cho phép người tặng cho người thụ hưởng mà không bị tính thuế, trong năm thuế 2014 mức miễn trừ này là $14,000.

Do lợi điểm miễn trừ con cháu người chủ tổ hợp được thụ hưởng lợi tức miễn thuế tăng dần tuy chậm nhưng trọn tài sản ấy bao giờ cũng vẫn do người quản lý tổ hợp nắm trọn quyền kiểm soát. Thêm vào một lợi ích khác của Tổ Hợp Gia Ðình FLLC là phần tài sản tặng cho con cháu đều được kể hạ giá (discount) so với sổ sách vì lý do không bán ra thị trường nên giá cả không thể ấn định được một cách cụ thể, vì vậy giá trị thật sự của phần tài sản tặng cho con cháu thực ra hơn hẳn số tiền giới hạn để tính thuế nhưng vẫn được miễn thuế. Hạ giá có nghĩa là đánh giá trị của phần tài sản tặng cho con cháu cho thấp bớt giá trị giống như trường hợp đem một món đồ cao giá đem bán rẻ mạt cho người không muốn mua. Lấy thí dụ vì lý do hạn chế không cho con cháu quyền đem bán phần tài sản được tặng nên giá trị phần tài sản đó dĩ nhiên kém đi so với giá trị thật vì có mà không bán được. Nhờ lợi điểm miễn thuế tính ra theo thời gian sẽ tiết kiệm được một khoản tiền thuế khổng lồ. Như vậy trong Tổ Hợp Gia Ðình FLLC người chủ tặng cho con cháu một phần tài sản trị giá nhiều hơn $11,000 nhưng được tính hạ giá nên vẫn nằm trong giới hạn miễn thuế và mỗi năm đều được tặng một lần như thế. Với mức miễn thuế hàng năm gia tăng và số tiền tặng tích lũy dần nên qua một thời gian dài có thể chuyển hết cho con cháu mà chẳng mất một đồng thuế nào cả. Tuy nhiên có điều nên thận trọng trong các cuộc kiểm thuế IRS thường để ý xét kỹ mục tặng tài sản cho con cháu theo Tổ Hợp Gia Ðình FLLC, do đó luôn luôn phải lưu giữ giấy tờ chứng minh việc tặng cho đầy đủ và để ý khai số tiền tặng bao giờ cũng trong giới hạn miễn thuế và số tiền tặng phải trong mức hợp lý không quá đáng.

Chúng tôi xin kể sau đây là một trường hợp điển hình về lợi điểm của Tổ Hợp Gia Ðình FLLC. Bác sĩ Nguyễn là một y sĩ hồi hưu ở Orange County. Ngoài các tài sản khác với tiền mặt và nhà cửa ông còn có một triệu Mỹ kim đầu tư trong một quỹ chung (mutual fund). Nếu muốn rút số tiền này ra thì Bác Sĩ Nguyễn phải đóng một số thuế khổng lồ ít nhất là $250,000. Ông theo lời luật sư chuyên môn thiết lập một Tổ Hợp Gia Ðình FLLC với số vốn một triệu Mỹ kim chuyển từ quỹ này sang. Trong tổ hợp này ông đứng làm quản lý và tặng cho năm người người cháu nhỏ nội ngoại mỗi đứa 1.9% số vốn, còn ông nắm phần 90.5% còn lại. Trên giấy tờ giá trị 1.9% vốn là $19,000 ($1,000,000 x 1.9%) cho mỗi đứa cháu nhưng số vốn tặng này được tính hạ giá 26.67% do điều kiện con cháu không có quyền tự bán nên không có giá trị theo thời giá trên thị trường. Do đó mỗi phần tặng của mỗi đứa cháu được thay vì đáng $19,000 tính hạ giá [($19,000 x (100% - 26.67%)] nên chỉ còn kể là $13,933 số tiền này nằm trong mức được miễn thuế.

Như vậy mỗi năm Bác sĩ Nguyễn có quyền tặng $95,000 ($19,000 x 5) hoàn toàn miễn thuế cho năm cháu nhỏ với giả thiết năm nào cũng tặng và tính theo mức hạ giá như năm đầu. Theo thời gian sau này khi các cháu nội ngoại của Bác Sĩ Nguyễn trưởng thành thì mỗi người cháu sẽ có được một số tiền tích lũy rất lớn trong Tổ Hợp Gia Ðình FLLC và vì không còn là tiền lời đầu tư của Bác Sĩ Nguyễn nữa nên cũng không phải đóng thuế. Trong những năm tháng các cháu ông còn nhỏ tuy là hội viên của tổ hợp nhưng quản lý là Bác Sĩ Nguyễn vẫn nắm trọn vẹn số tiền trong tổ hợp lấy từ quỹ chung $1,000,000 nguyên thủy. Dĩ nhiên với tư cách quản lý chỉ có mình ông nắm quyền phân phối lợi tức có thể bán ra hay tái đầu tư theo ý muốn.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục trình bày các lợi điểm khác của hình thức Tổ Hợp Gia Ðình FLLC trên khía cạnh bảo vệ tài sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 



11. Luật bảo vệ tài sản: Phương cách bảo vệ tài sản chống thưa kiện

 
Sunday, September 07, 2014 1:38:03 PM

 

Tuần trước chúng tôi trình bày cách chuyển tài sản từ trương mục đầu tư sang hình thức Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn do Gia Ðình Sở Hữu (Family Owned Limited Liability Company tạm gọi tắt là Tổ Hợp Gia Ðình FLLC) để có thể sử dụng hay phân phối mà không phải đóng thuế. Ngoài lợi điểm về thuế Tổ Hợp Gia Ðình FLLC còn là một phương tiện hữu hiệu trong việc bảo vệ tài sản.

Từ ngữ “bảo vệ tài sản” dùng trong luật pháp Hoa Kỳ không ám chỉ việc đền bồi thiệt hại các vật sở hữu mà các công ty bán bảo hiểm thường dùng mà có nghĩa là che chở theo luật pháp để bảo toàn tài sản cho một cá nhân tránh bị thất thoát hay tịch biên vì kiện tụng, nợ nần hay thuế má. Tổ Hợp Gia Ðình FLLC sở dĩ có khả năng bảo vệ tài sản vì lý do tổ hợp được điều hành bằng những qui luật ấn định trong một văn kiện pháp định có tên là Bản Nội Qui Ðiều Hành (Operating Agreement gọi tắt là Bản Nội Qui) theo đó quyền bán đi hay phân phối tài sản nằm trong tay của quản lý tổ hợp và không bị các án quyết tịch biên của tòa án ảnh hưởng tới. Do đó những điều khoản trong Bản Nội Qui ấn định mức giới hạn của tổ hợp trước các trách nhiệm liên đới và mức trách nhiệm hữu hạn này được luật tiểu bang chấp nhận và che chở cho tài sản của các hội viên trong tổ hợp chống lại việc xiết nợ một cách hữu hiệu. Bản Nội Qui định đoạt rõ ràng những điều khoản hoạt động để quản lý dựa vào đó mà tổ chức và quản trị Tổ Hợp Gia Ðình FLLC cùng xác nhận rõ tài sản được phân phối, chuyển nhượng cho ai và theo lề lối nào. Văn kiện này cũng thiết lập quyền hạn của quản lý có thuần túy tự quyết định lấy được hay không trong các phương thức phân chia tài sản. Bản Nội Qui bao gồm rất nhiều phương cách chọn lựa khác nhau mà nhiều khi có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả theo đuổi mục tiêu vạch ra lúc đầu khi mới thành lập tổ hợp. Vì thế điều quan trọng trước khi lập Tổ Hợp Gia Ðình FLLC là phải tham khảo với luật sư chuyên môn trong việc soạn thảo Bản Nội Qui sao cho chắc chắn bao gồm đầy đủ tất cả mọi điều khoản cần thiết để hoạt động được phù hợp với mục đích đã ấn định. 

Khác với tính chất của công ty thương mại thông thường theo đó các ngân hàng hay chủ nợ tài trợ có quyền truất hữu hay xiết số cổ phần liên hệ của người nợ có trong công ty; với Tổ Hợp Gia Ðình FLLC chủ nợ không có quyền xiết bất cứ tài sản nào của hội viên cho dù có đem ra thưa kiện. Tòa án chỉ có quyền ra phán quyết có hiệu lực với cá nhân hội viên chứ không ảnh hưởng gì đến tổ hợp, do đó tòa chỉ có thể xử tổ hợp thay vì chia cho người thụ hưởng thì phải chuyển cho chủ nợ tiền bạc hay tài sản của hội viên liên hệ đó mỗi khi phân phối. Trái lại tòa không có quyền ra phán quyết bắt buộc tổ hợp phải phân phối tiền bạc hay tài sản của hội viên liên hệ để thỏa mãn cho chủ nợ. 

Như vậy điều thành công của Tổ Hợp Gia Ðình FLLC trong việc bảo vệ tài sản các hội viên trước trường hợp xiết nợ hay thưa kiện ở điểm các chủ nợ chỉ có quyền xiết tiền bạc hay tài sản nếu hội viên được “chia vốn” (capital distribution). May thay quyết định chia vốn cho hội viên trong Tổ Hợp Gia Ðình FLLC lại nằm trong toàn quyền định đoạt theo ý riêng của người quản lý, do đó các chủ nợ chẳng có hy vọng xiết được gì ở tài sản chia vốn ấy cả. Ðiều cần nhấn mạnh là từ ngữ “tài sản chia vốn” không bao gồm tiền trả lương hay chi phí cho nhân viên, do đó quản lý Tổ Hợp Gia Ðình FLLC nếu có ra quyết định không chia vốn ra để hội viên khỏi bị xiết nợ nhưng vẫn có quyền phát lương hay cấp chi phí công tác cho hội viên đó (giả sử hội viên đó có làm việc cho tổ hợp bất luận việc gì lớn nhỏ) và những món tiền này trước pháp lý hoàn toàn ngoài tầm tay với của các chủ nợ. Kết quả chủ nợ không có quyền ép buộc quản lý Tổ Hợp Gia Ðình FLLC phải bán đi tài sản của tổ hợp để trả nợ cho hội viên ấy hoặc can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ hợp như giành lấy quyền bỏ thăm chấp thuận chuyển nhượng tài sản, vv... Án tòa mà chủ nợ được chấp thuận đòi nợ bất cứ hội viên nào trong tổ hợp chỉ là công cụ để chủ nợ dùng vào việc nhờ cậy xin tổ hợp giúp đòi nợ một hội viên nên chỉ có quản lý tổ hợp mới có quyền định đoạt cho trả nợ hay không hoặc nếu trả thì lúc nào sẽ trả tùy ý.

Trong việc bảo vệ tài sản chỉ có một nguy cơ duy nhất là trường hợp chính Tổ Hợp Gia Ðình FLLC bị mắc nợ. Tuy nhiên không giống như Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn LCC là một công ty thương mại thật sự, Tổ Hợp Gia Ðình FLLC thường chỉ có hình thức nghiệp vụ nhưng thực ra không bao giờ được đặt ra để làm thương mại, do đó khi thành lập tổ hợp chủ nhân không nên để dính líu tới những hoạt động nào có khuynh hướng bất lợi có thể đem đến hiểm họa bị trách nhiệm liên đới như vay mượn hay cầm thế cho tổ hợp.

Sau đây là một thí dụ điển hình về khả năng bảo vệ tài sản của Tổ Hợp FLLC. Cụ Hòa ở Westminster, California có lập một Tổ Hợp Gia Ðình FLLC và cho con cháu trong nhà làm hội viên trong đó có cậu con út tên San mới biết lái xe ít lâu. Mới đây San bị đụng xe mà lại là người có lỗi nên bị tòa xử phải đền $20,000. Vì cậu San lái xe không có bảo hiểm nên việc đền bồi này chỉ liên hệ tới cá nhân của San và không dính dáng gì đến ai khác trong gia đình. Vì còn đi học chưa làm ra tiền nên San không có một xu dính túi. Các chủ nợ gồm có hãng bảo hiểm của xe bị đụng cùng ngân hàng cho cậu San vay tiền mua xe bèn điều tra tìm kiếm nguồn tài sản của San và khám phá ra cổ phần hội viên của San trong Tổ Hợp Gia Ðình FLLC do cụ Hòa làm quản lý. Họ còn được biết là phần vốn của San mới được cha là cụ Hòa cho tăng lên đến 4.5% tổng số tài sản của tổ hợp và San mới được chia $5,000 trên căn bản mỗi tam cá nguyệt. Tường vớ được món bở xiết nợ được nên các chủ nợ đem ra tòa kiện và xin được án tòa bắt cậu San đền $20,000 sau đó đem án lệnh đến cụ Hòa yêu cầu thi hành nghĩa là xiết số tiền mỗi kỳ San được chia vốn. Chờ mãi đến tam cá nguyệt tới các chủ nợ không thấy tiền đâu bèn đến hỏi và ngã ngửa khi được cụ Hòa cho biết là tổ hợp quyết định không chia vốn kỳ này và đình hoãn luôn việc chia vốn vô hạn định cho đến khi có quyết định khác trong tương lai. Cụ Hòa cũng nói thêm là quyết định trên được dựa theo Bản Nội Qui của tổ hợp và án quyết của tòa với cậu San không có ảnh hưởng gì tới cụ hay tổ hợp. Không chịu thua các chủ nợ lại đem ra tòa khiếu nại xin can thiệp thì được trả lời rằng tòa không có thẩm quyền bắt ép Tổ Hợp Gia Ðình FLLC trong việc chia vốn cho hội viên là cậu San. Cuối cùng các chủ nợ đành xuống nước cho người đề nghị cậu San là họ chịu sẽ bãi nại cậu với số tiền đền bớt xuống còn $5,000. 

Tuần tới chúng tôi tiếp tục trình bày thêm về Luật Bảo Vệ Tài Sản Hoa Kỳ và dẫn giải lý do tại sao cần đến luật này. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.



12. Luật bảo vệ tài sản: Tại sao tài sản cần được che chở? 


Sunday, September 14, 2014 6:12:21 PM 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195033&zoneid=269#.VBbfFvldXTU

Trong bài báo trước chúng tôi trình bày một vài phương cách thường được luật sư chuyên môn về bảo vệ tài sản áp dụng cho thân chủ trong mục đích bớt thuế khi rút tiền lời từ trương mục đầu tư hoặc với mục đích che chở tài sản khỏi bị tịch biên hay xiết nợ vì bị thưa kiện. Như vậy tài sản được luật pháp bảo vệ ra sao?

Từ ngữ “bảo vệ tài sản” dùng trong luật pháp Hoa Kỳ để chỉ hành động bảo toàn hay che chở tài sản của một cá nhân bất luận loại nào như vật dụng riêng tư, bất động sản, chứng khoán hay tiền bạc hoặc các món trân quý khác trước nguy cơ bị người khác tước đoạt vì thua kiện. Dù dưới hình thức nào chăng nữa mọi người trong cuộc sống ít nhiều gì đều từng áp dụng một vài biện pháp bảo vệ tài sản thí dụ như bảo hiểm nhà cửa xe cộ, gắn hệ thống báo động trong nhà, lập di chúc chỉ định thừa kế khi qua đời định rõ tài sản sẽ để lại cho ai, hoặc ký thác tiền bạc vào ngân hàng. Có thủ tục bắt buộc phải thi hành do luật định nhưng cũng có thủ tục do tự ý lựa chọn. Sở dĩ mọi người lựa chọn thực thi các thủ tục an toàn đó có thể do kinh nghiệm hiểu biết bản thân hoặc vì chứng kiến tai họa từng xảy ra cho người khác do thiếu biện pháp phòng vệ nên phải gánh hậu quả đau thương mất mát tài sản hay các thứ quí giá khác khi tai biến đến bất chợt mà không tiên đoán trước được.

Vậy tai họa bất trắc nào cần phải đề phòng và những tài sản nào cần được bảo vệ? Tất nhiên những mục được chọn bảo vệ là những mục được biết có bị đe dọa nên được coi như hành động “bảo vệ phản ứng” (reactive protections). Những biện pháp phòng ngừa này được mọi người thi hành cốt để bảo toàn cho chính mình nếu có chuyện bất hạnh xảy ra vào một lúc không may nào đó có thể đưa đến thiệt hại trầm trọng. Cũng có người nghĩ rằng “ai bị xui xẻo chớ tôi thì không.” Nhận định sai lầm đó khiến cho tài sản bị rơi vào tình trạng không được bảo vệ trong lúc người ấy không lưu ý đến nguy cơ đáng lẽ tiên đoán được lại để xảy ra thí dụ như kinh doanh bị thất bại; hoặc không biết để ý đến một nguồn đe dọa khó đoán hơn có thể đưa đến đe dọa trầm trọng cho an toàn tài chánh, đó là phản ứng của chủ nợ là những người ngoài chuyên dùng pháp luật để xiết đoạt tài sản của con nợ bằng phương pháp cổ điển nhất là đem ra tòa kiện tụng. Có những vụ chủ nợ kiện với lý do chính đáng và hợp pháp được tòa bênh vực thí dụ như những lỗi bội ước vi phạm hợp đồng hay quỵt nợ. Ngoài ra còn nhan nhản những vụ kiện khác càng ngày càng tăng trong xã hội thời nay vốn đã tràn ngập chuyện kiện cáo thí dụ như đòi bồi thường thương tích do bất cẩn, hay đòi cấp dưỡng ly dị nuôi con thơ, hoặc mất mát trong những cuộc mạo hiểm kinh doanh bị thất bại. Xã hội Hoa Kỳ thời nay càng ngày càng đẻ ra thêm nhiều luật lệ mới áp đặt đủ mọi thứ trách nhiệm liên đới nếu dính dáng sẽ phải đền bồi rất nặng, thí dụ như trách nhiệm chủ đất trong các khu vực làm sạch sẽ ô nhiễm môi trường, trách nhiệm chủ hãng sở kinh doanh trong việc bồi thường cho công nhân theo Luật Trợ Giúp Người Tàn Tật (Americans with Disabilities Act), Luật Y Tế Gia Ðình (Family Medical Leave Act), hay bồi thường nạn nhân sách nhiễu tình dục (sexual harassement claims).

Các thí dụ trên có ý nghĩa rằng trong kế hoạch phòng vệ toàn thể ngoài các biện pháp “bảo vệ phản ứng” chúng ta còn phải có “bảo vệ cố hữu” (proactive protections) là những biện pháp che chở những mục trọng yếu đã có sẵn từ trước. Nhân vật có đủ khả năng bảo vệ an toàn cho tiền mồ hôi nước mắt cùng những tài sản giá trị của thân chủ chính là một luật sư chuyên môn đặc biệt trong lãnh vực luật bảo vệ tài sản vốn bao gồm cả hai bộ môn luật rắc rối luôn luôn thay đổi là luật tài sản lẫn luật thuế.

Dĩ nhiên khi đề cập đến việc bị kiện cáo thì phản ứng đầu tiên của quí vị là nghĩ đến ai kiện và vì sao mà kiện được một khi mình là người làm ăn đứng đắn và là công dân thượng tôn pháp luật và như vậy chắc sẽ chẳng bao giờ có ai theo sau làm hại mình cả. Ðiều đó có thể đúng trong hiện tại, nhưng quan niệm chính của luật bảo vệ tài sản là tiên liệu trước những bất trắc có thể xảy ra trong tương lai càng tính xa được tới đâu thì hay tới đó để mà phòng ngừa trước cho chắc ăn. Nên dành ra đôi lúc để suy nghĩ tại sao đã có vài biện pháp đang áp dụng. Giả sử có động đất với độ địa chấn 8.0 xảy ra ngay tại chỗ đang ở và đánh sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp trong phút giây trọn vẹn cơ nghiệp biến thành đống gạch vụn tan hoang. Theo thống kê tính ra nguy cơ này rất mong manh nhưng nếu đã mua bảo hiểm động đất thì có thể ăn ngon ngủ yên không phải lo âu gì, có thể sẽ chẳng bao giờ phải đòi bảo hiểm bồi thường thiệt hại nhưng bao giờ cũng được bảo đảm hoàn toàn chẳng bị mất mát gì nếu động đất có xảy ra chăng nữa. Bảo hiểm xe cộ cũng có cùng một triết lý như vậy, dĩ nhiên chẳng ai dại dột cầu mong cho tai nạn xảy ra nhưng nếu lỡ không may bị tai nạn thật thì ít ra cũng có tiền điều trị thuốc men và sửa chữa hư hỏng hay mua xe khác. Tương tự một kế hoạch bảo vệ tài sản được ví giống như một hợp đồng bảo hiểm toàn bộ gia sản để bảo vệ quí vị tránh bị mất trọn gia sản trong trường hợp vướng trách nhiệm cá nhân liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh hoặc bồi thường dân sự. Nếu một phần hoặc toàn bộ tài sản của một nghiệp chủ được bảo vệ theo luật thì khi tai biến xảy ra người ấy vẫn còn đầy đủ tài nguyên để tạo dựng lại cơ nghiệp. 

Liệu quí vị có thể tưởng tượng ra được hoàn cảnh nào khiến mình bị kiện? Tùy theo nghề nghiệp và tùy theo địa vị cao thấp trong xã hội cùng tùy theo khả năng thanh toán tài sản của thân chủ, người luật sư có thể tiên đoán và đặt giả thuyết đối lại từng hoàn cảnh hay tai biến có thể xảy ra với phản ứng của tất cả chủ nợ rồi từ đó luật sư sẽ sắp đặt biện pháp phòng vệ thích ứng sẵn sàng đối phó với bất cứ nghịch cảnh nào.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục trình bày thêm về Luật Bảo Vệ Tài Sản Hoa Kỳ và nêu trường hợp điển hình về những thành phần thường gặp nguy cơ cần bảo vệ tài sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 


13. Luật bảo vệ tài sản: Tại sao cần che chở tài sản? 


Sunday, September 21, 2014 1:15:41 PM 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195392&zoneid=269#.VCAXtfldXTU

Tiếp nối tuần trước bài này giải thích tầm quan trọng của việc đặt kế hoạch bảo vệ tài sản và nêu rõ thành phần hoặc giới nào sinh sống tại Hoa Kỳ thường gặp bất trắc có nguy cơ mất của nhiều nhất.

Trước hết câu hỏi đầu tiên được đặt ra là ai bị nhiều đe dọa đến tài sản nhất? Câu trả lời rất giản dị là tất cả mọi người không phân biệt già trẻ miễn ai có chút của cải giá trị là đáng kể rồi. Trong trường hợp không may dính dáng thưa kiện nếu bị thua tòa án sẽ ra lệnh thi hành bản án tịch biên ngay những gì bán được.

Ðôi khi lệnh tịch thu đã thảo sẵn từ trước người bị kiện không hề hay biết. Lúc đó trương mục ngân hàng bị phong tỏa, các trương mục cổ phiếu, trái phiếu hay các chứng khoán khác đều bị khóa bất động hoặc nhà cửa đất đai bị niêm phong không có quyền sang nhượng hay bán đi.

Hiện nay tại các tòa án dân luật Hoa Kỳ chứa đầy rẫy hồ sơ kiện cáo đòi bồi thường thiệt hại do tai nạn bất cẩn gây thương tích. Các luật sư bên nguyên đơn ráo riết tranh tụng vì thù lao được tính theo phần trăm tiền đền đòi được nên các luật sư này rất hăng hái đứng kiện. Càng kiện bao nhiêu thì họ càng có nhiều cơ may thắng, càng bắt đền nhiều được bao nhiêu thì tiền công càng lớn bấy nhiêu, nhiều vụ lên đến bạc triệu là thường. Dĩ nhiên mục tiêu của họ nhắm vào những người có tài sản lớn cho chắc ăn bị cáo đủ tài nguyên thanh toán khi tòa xử thua. Gặp những mục tiêu có tiền họ càng bám chặt tìm đủ mọi cách “bé xé ra to.” 

Tựu trung thành phần bị cáo có tiền đều được coi như những mỏ vàng, càng giầu bao nhiêu thì nguy cơ bị kiện càng cao bấy nhiêu. Ðược kể vào loại mục tiêu “kếch xù” phần đông là những người có nghề nghiệp chuyên môn như các nha y sĩ, luật sư, kiến trúc sư, thầu khoán, chủ nhân các cơ sở địa ốc hoặc thương mại lớn, vv... nói chung những người có nhà cửa hay tài sản nổi trên vài trăm ngàn, các chủ nhân hùn hạp buôn bán, hay các chủ nhà chủ đất cho thuê. Tuy nhiên ngay cả những người chỉ có tài sản vừa phải cũng không thoát được hiểm họa bị kiện, thực ra họ còn dễ bị đưa đến thảm cảnh cơ nghiệp tiêu tan sau khi thi hành bản án họ thành trắng tay. Những thảm cảnh này không phải chỉ xảy ra trong tiểu thuyết hay trên TV mà là những chuyện thật xảy ra khắp nơi trên đất Mỹ mỗi ngày một nhiều. Vì vậy “phòng hỏa hơn cứu hỏa” ai có chút vốn liếng tài sản nên tham khảo ngay với luật sư chuyên môn đặt trước những kế hoạch phòng ngừa không để ai xâm phạm được mồ hôi nước mắt của mình do bao công khó tạo dựng. Sau đây là một vài trường hợp điển hình đã xảy ra:

Bác Sĩ Smith là chủ một dẫy lầu hai từng tọa lạc tại một khu thương mại sầm uất ở Quận Cam, nơi đây ông vừa mở phòng mạch và vừa cho tư nhân thuê để mở các cửa hàng nhỏ buôn bán đủ loại. Không may một buổi chiều có cơn mưa lớn, một chủ mướn bán tạp hóa dưới lầu khi chạy ra thu dọn hàng bầy trước cửa bị trượt chân té ngoài hiên. Ông này bèn mướn luật sư đi kiện đổ trách nhiệm tai nạn gây thương tích tại cơ sở của Bác Sĩ Smith. Luật sư bên nguyên đơn vốn là một chuyên gia kinh nghiệm lão luyện về bồi thường thương tích - biết Bác Sĩ Smith có tiền vì vừa mở phòng mạch lại vừa cho thuê cơ sở - nên lập đầy đủ hồ sơ chứng minh nạn nhân bị thương trầm trọng không buôn bán được vì đau đớn hành hạ gây ảnh hưởng nặng đến tâm trí. 

Trước tòa luật sư trình đầy đủ giấy giám định hợp pháp của các bác sĩ chuyên khoa về nội ngoại thương lẫn tâm thần nên tòa xử Bác Sĩ Smith phải bồi thường cho nạn nhân một số tiền khổng lồ kể cả tiền phạt lên đến trên hai triệu đô la vì tội xây lối đi thiếu an toàn khiến người té bị thương. Chuyện nghe vô lý nhưng luật là luật và án tòa phải thi hành. Dĩ nhiên Bác Sĩ Smith có mua bảo hiểm cơ sở nhưng chỉ có giới hạn trách nhiệm tối đa $1,000,000 nên luật sư nguyên đơn đề nghị xiết căn nhà của ông ở Laguna Beach có trị giá hơn một triệu vừa đủ bù phần còn lại. Ngại bị làm rùm beng hại đến thanh danh nhất là không kham nổi tiền mướn luật sư đeo đuổi chống án cùng nỗi lo âu chưa chắc lật ngược được kết quả vụ kiện nên ông bác sĩ đành đau khổ nuốt hận chịu dàn xếp đem căn nhà ra đền cho yên. Giá Bác Sĩ Smith nghĩ trước đến việc lập kế hoạch bảo vệ toàn bộ tài sản thì chắc chắn thoát khỏi vụ này chỉ cần thu xếp bồi thường một món tiền nhỏ cũng xong vì bên nguyên đơn không có cách gì đòi hơn.

Một vụ khác xảy ra không tiên đoán trước được theo đó hội đồng quận Pinellas ở Florida kiện bà Davis chủ cũ một khu apartment đã bán đi cho người khác nhưng ít năm sau thanh tra quận hạt mới khám phá ra là chung cư này trước đây xây cất trên một khu đất bị ô nhiễm. Phí tổn để thu dọn tẩy uế lên đến trên cả triệu đô-la. Dù bà Davis không còn là chủ khu chung cư đó nữa nhưng chính quyền dùng luật CERCLA theo đó có định rằng “bất cứ ai từng làm chủ hoặc thực sự quản trị khu đất đó” đều phải chịu trách nhiệm trả phí tổn thu dọn tẩy uế. Lý do khiến điều luật này có hiệu lực mạnh là vì chính phủ địa phương đặt mục đích kiếm ngân khoản cần thiết để làm sạch khu vực, cho nên những người từng làm chủ nhân cơ sở trên đất đó không sao đoán trước được hiểm họa ngầm làm mất tiền vì trách nhiệm khắt khe của luật lệ ràng buộc. Rút kinh nghiệm chuyện này những ai mua, bán, làm chủ hay cho thuê mướn bất động sản đừng quên lập kế hoạch che chở tài sản của mình để phòng ngừa bất cứ bất trắc nào dù lường trước được hay không.

Những gia đình có con cái mới biết lái xe trong tuổi từ mười sáu đến hai mươi mốt nên để ý phòng bị kiện thưa vì tai nạn xe cộ. Trường hợp cô bé Jennifer mười bảy tuổi học lớp mười hai ở San Francisco hàng ngày lái xe đi học có một cô bạn cùng lớp tháp tùng. Một buổi không may khi lái gần đến trường thì bị mấy tên thiếu niên mất dạy lái theo rồi băng ngang trước mặt chọc ghẹo. Jennifer hốt hoảng bị lạc tay lái đâm sầm vào cột điện bên lề. Jennifer chỉ bị trầy trụa mặt mũi nhưng cô bạn bị thương khá nặng trong lúc đó mấy tên du đãng dông mất tiêu. Vì bị thương ở đầu nên cô bạn phải nằm bệnh viện khá lâu và thành tật nguyền, phiếu đòi tiền bệnh viện lên đến con số khủng khiếp nhưng hợp đồng bảo hiểm xe bồi thường tối đa chỉ thanh toán được một phần nhỏ. Gia đình người bạn kiện Jennifer đòi bồi thường ngoài chi phí y tế chạy chữa còn phải đền bù cho hậu quả tật nguyền gây đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần cho con mình. Cha mẹ của Jennifer dĩ nhiên phải vét hết tiền bạc dành dụm tính sau này cho con vào đại học để bồi thường, còn gia đình cô bạn đâu cần nghĩ gì đến tình quen biết hay biết ơn việc Jennifer trước đây chở con mình đi học miễn phí! 

Nhiều người trước khi kết hôn đã tạo được một tài sản đáng kể. Ngay lúc mới cưới bên những lời chúc tụng trăm năm hạnh phúc của thân nhân bạn bè có mấy ai nghĩ đến chuyện sau này có thể đổ vỡ? Tuy nhiên theo thống kê thời nay trên đất Mỹ số hôn nhân tan vỡ hình như nhiều hơn là số bền vững. Lúc vợ chồng hòa thuận thì nói gì cũng được, nhưng một khi “tình yêu vỗ cánh bay đi” thì không ai còn nghe ai nữa. 

Theo luật tài sản áp dụng tại nhiều tiểu bang khi ly dị tài sản sẽ chia đôi đồng đều nên người hôn phối nào trước đây có của nhiều hơn hiển nhiên bị thiệt thòi. Do đó trước khi cưới hỏi nếu muốn an bài số tài sản này theo ý mình thì nên tham khảo với luật sư chuyên môn.

Trong thương mại kinh doanh khi thất bại dù đứng chủ một mình hay hùn hạp với người khác tài sản vẫn bị tiêu tán trong tay chủ nợ. Lúc đó nhà cửa, của cải riêng tư đều bị tóm thâu sau những vụ kiện tụng để thanh toán dù có dính đến thương nghiệp hay không. Ngay cả những giao dịch thương mại tưởng được bảo hiểm che chở nhưng rốt cuộc vẫn bị từ chối vì những điều khoản hóc hiểm được ghi bằng những hàng chữ ghi chú nhỏ li ti mà người ký không để ý lúc ký kết. Trước khi mở hàng làm ăn buôn bán nên thiết lập kế hoạch bảo vệ tài sản phòng ngừa trước không để của cải bị đụng tới cho dù không được may mắn ăn lên làm ra.

Tóm tắt lại bất cứ ai có của cải gì coi là giá trị thì đều có thể gặp nguy cơ bị thưa kiện xiết đi. Dĩ nhiên những hiểm họa đều có thể tiên đoán trước, và hễ biết trước thì đều có cách bảo vệ phòng ngửa được. Bí quyết chính đặt được kế hoạch bảo vệ hữu hiệu là phải nhận định ra những đề mục gì cần được bảo vệ, phương cách bảo vệ ra sao cho phù hợp luật định và đặt giả thiết tiên đoán trước để khi có biến cố xảy ra thì chỉ việc thi hành có lớp lang mà không phải bận tâm lo lắng gì khác. Cần nhất phải tham khảo với một luật gia chuyên môn để cố vấn kỹ thuật trong việc dùng luật làm khí giới bảo vệ tài sản cho mình chống lại bất cứ nguy cơ hay biến cố bất hạnh có thể xảy ra trong tương lai. 

  Chúng tôi có nhận được một số thư của độc giả đặt nhiều câu hỏi liên quan đến luật bảo vệ tài sản nên tuần tới trong mục này chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc ấy. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 


14. Luật bảo vệ tài sản: Giải đáp thắc mắc của độc giả 


Sunday, September 28, 2014 12:57:33 PM 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195767&zoneid=269#.VCqwHvldXTU

 

Trong vài tuần trước chúng tôi có nhận được thư của một số độc giả nêu thắc mắc về Luật Bảo Vệ Tài Sản Hoa Kỳ. Nhận thấy đây là những câu hỏi có hữu ích chung nên chúng tôi xin giải đáp sau đây vài vấn đề dễ hiểu lầm nhất trong việc áp dụng luật này.

1. Hỏi: Tôi có một số tài sản tạm đáng kể nên đã lập di chúc. Như vậy tôi có cần phải thiết lập thêm những kế hoạch bảo vệ tài sản khác để đề phòng lỡ bị thưa kiện không? (Bà Cẩm Vân - San Diego, CA)

Ðáp:Thưa bà di chúc là một hình thức sang chuyển lại quyền sở hữu cho thừa kế sau khi qua đời tránh khỏi bị lọt vào tay những người thụ hưởng không do ý muốn. Tuy nhiên di chúc không có hiệu lực gì với của cải lúc bà còn sống. Dĩ nhiên bà vẫn cần phải lập kế hoạch bảo vệ tài sản đang có để giữ của ấy trọn vẹn cho tới mai sau khi qua đời vẫn còn tồn tại mà để lại cho thân nhân theo di chúc.

2. Hỏi: Tôi không phải là triệu phú hiện chỉ có trong tay ngoài một căn nhà đang ở, một chiếc xe Acura mua từ bốn năm nay và hơn một trăm ngàn trong quỹ 401K dành để hưu trí. Với mức tài sản không bao nhiêu như vậy liệu tôi có cần thiết lập kế hoạch bảo vệ tài sản không? (Ông Trần Ðình Hải - Miami, FL)

Ðáp: Thưa ông không hẳn chỉ có triệu phú hay tỷ phú mới cần đến bảo vệ tài sản, thực ra những giới này tiền bạc như nước tai ương hoạn nạn xảy ra đối với họ lỡ có mất mát vài triệu chẳng ảnh hưởng nhằm nhò gì. Trái lại giới trung lưu có được một số tài sản căn bản như ông bỗng dưng vận hạn bất tường làm tiêu tán đi chắc chắn sẽ thành thảm họa đau lòng. Nếu thử muốn biết có cần kế hoạch bảo vệ tài sản hay không ông hãy viết ra giấy liệt kê chi tiết những gì mình có rồi đặt giả thiết lỡ xảy ra tai họa nào đó (đừng sợ nói dại) làm mất hết thì ông sẽ phải làm sao? Dĩ nhiên phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính những gì gở mà nghĩ trước cách đối phó thì rủi trở thành may chắc chắn không bị mất của.

3. Hỏi: Tôi đã mua bảo hiểm nhà và xe như vậy có kể như đủ biện pháp bảo vệ tài sản rồi không? (Ông Nguyễn Văn Bé - Westminster, CA)

Ðáp: Thưa ông không phải mua bảo hiểm là được che chở hoàn toàn một khi tai vạ xảy ra. Có nhiều trường hợp họa vô đơn chí lỡ bị dính vào một vụ kiện cáo rắc rối phải bồi thường nặng cho nhiều người thưa (dĩ nhiên không ai ngờ tới) thì hiển nhiên tài sản có nguy cơ bị mất hết. Chưa kể đến bảo hiểm mua theo giới hạn, mua cao thì bảo phí trả liên tục quá nặng không ai muốn và có khi không dùng đến. Nếu mua nhẹ vừa đủ theo luật ấn định dĩ nhiên bảo hiểm chỉ chịu theo mức đã ký kết. Nên nhớ các hãng bảo hiểm thường rất khó khăn kỹ lưỡng trong việc điều tra tai nạn để định số tiền đền. Thí dụ điển hình một người mua bảo hiểm xe hơi với mức bồi thường liên đới cho thương tích (bodily injury liability) $25,000/$50,000 có nghĩa là đền mỗi nạn nhân $25,000 tối đa tổng cộng tất cả cho một tai nạn không quá $50,000. Lỡ không may người ấy lái xe đụng vào một đám đông gây thương tích nặng cho nhiều nạn nhân tòa xử bồi thường một số tiền quá lớn. Khỏi cần nói hãng bảo hiểm chỉ đền tới mức tối đa $50,000, phần còn lại đương nhiên đương sự phải gánh lấy, dĩ nhiên tòa sẽ cho xiết tất cả những gì bị can sở hữu để thỏa mãn đủ số tiền bồi thường cho mọi nạn nhân. Rủi ro hơn nữa nếu bị kết tội gây tai nạn vì lái xe mà có hơi men thì chắc chắn hãng bảo hiểm sẽ viện cớ đó từ chối không bồi thường một đồng nào dù có mua bảo hiểm.

4. Hỏi: Bảo vệ tài sản có phải là một hình thức ngụy trang để giấu tài sản không? (Cô Hạnh - Fountain Valley, CA)

Ðáp: Thưa cô giấu tài sản với ai thì dễ nhưng rất khó giấu được với các chủ nợ vì họ sẽ mướn những dịch vụ điều tra chuyên nghiệp phanh phui một cách khoa học dễ dàng những gì có mang tên tuổi hay số an sinh xã hội của sở hữu chủ. Hơn nữa giấu giếm tài sản là phạm hình luật khi bị truy tố sẽ rất nặng tội có thể còn bị đi tù. Mặt khác kế hoạch bảo vệ tài sản theo luật nên không có mục đích ngụy trang hay che giấu, trái lại các kế hoạch này áp dụng luật lệ hiện hành để che chở an toàn cho của cải người lập.

5. Hỏi: Khi bị kiện nếu tôi sang tên tất cả tài sản cho thân nhân thì có thoát khỏi bị tịch thu không? (Ông Hoàng Thế Năng - Memphis, TN)

Ðáp: Thưa ông hoàn toàn không được. Thực tế dù có chuyển tài sản cho thân nhân hoặc cho bất cứ ai trước ngày khởi tố thì tòa vẫn có quyền ra lệnh cho người được chuyển phải đem nộp lại cho tòa tất cả những gì đã nhận nếu tòa xác định là chuyển nhượng bất hợp pháp. Tòa còn quyền ra lệnh tịch thu bất cứ tài sản nào đã tặng cho ai trước khi xảy ra vụ án. Muốn hoàn toàn thoát tay chủ nợ thì tất cả mọi việc sang nhượng, hiến tặng cho người khác phải hoàn tất trọn vẹn một thời gian xa trước khi xảy ra kiện tụng.

6. Hỏi: Nếu tôi lập một công ty thương mại mà bị thưa kiện vì vấn đề liên quan đến công ty thì tài sản riêng của tôi có bị ảnh hưởng gì không? (Bà Hồng - Falls Church, VA)

Ðáp: Thưa bà các chủ nợ dĩ nhiên sẽ tìm đủ mọi cách nắm lấy bất cứ món tài sản nào có giá để xiết lấy, không những chỉ gồm tài sản chung của công ty mà họ còn gia tăng nỗ lực truy lùng cả tài sản của chủ nhân hay các nhân vật quản trị liên hệ của công ty đó. Riêng đối với công ty trong tình trạng suy sụp thất bại thì chủ tịch cùng ban giám đốc đều vướng nguy cơ liên lụy trách nhiệm cá nhân dù nợ hoàn toàn của công ty. Ngay cả trường hợp vụ án được bãi nại nhưng tài sản riêng của những giới chức đó cũng vẫn đối đầu hiểm họa đe dọa một thời gian dài nhiều khi kéo tới vài năm trước khi được hoàn toàn minh oan sáng tỏ.

7. Hỏi: Tháng trước tôi có đọc bài báo của luật sư nói về kế hoạch thiết lập tổ hợp hữu hạn gia đình trong việc bảo vệ tài sản cá nhân. Như vậy kế hoạch đó có hoàn toàn bảo vệ được toàn thể tài sản của tôi tránh hiểm họa bị chủ nợ tịch biên không? (Ông Nguyễn Ðăng Lâu - San Jose, CA)

Ðáp: Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn do Gia Ðình Quản Lý (Family Owned Limited Liability Company tạm gọi tắt là Tổ Hợp Gia Ðình FLLC) là một kế hoạch bảo vệ tài sản rất hữu hiệu, tuy nhiên có khuyết điểm là không bao trọn vẹn toàn thể mọi người trong nhà nhất là với gia đình đông người. Ðể tránh mọi kẽ hở ông nên tham khảo luật sư thiết lập thêm một vài kế hoạch hỗ tương khác nhau cho được đa hiệu bao che mọi hoàn cảnh bất tường có thể xảy ra.

8. Hỏi: Tôi có thể tự tham khảo sách vở để thiết lập lấy kế hoạch bảo vệ tài sản mà không cần đến luật sư được không? (Ông Lê Văn Thái - Anaheim, CA)

Ðáp: Thưa ông bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu tài liệu mà tự lập lấy kế hoạch bảo vệ tài sản cho chính mình. Tuy nhiên luật bảo vệ tài sản có nhiều khía cạnh rất khúc mắc đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của cả hai ngành luật tài sản và luật thuế vụ Hoa Kỳ mà ngay chính các luật sư không chuyên ngành cũng không am tường đầy đủ vì các môn luật này thay đổi liên tục. Việc bảo vệ của cải do mồ hôi nước mắt một đời tạo dựng khó khăn là một vấn đề rất cần thiết, do đó ông nên tham khảo với luật sư chuyên về môn này thì kết quả sẽ được đảm bảo hơn. Ít ra ông sẽ không phải lo nghĩ trước bất cứ nguy cơ bất hạnh nào có thể xảy ra và chi phí thiết lập kế hoạch bảo vệ tài sản chắc chắn sẽ đền bù xứng đáng với lợi ích chống lại xâm phạm của mọi thành phần chủ nợ.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 


15. Luật bảo vệ tài sản: Một vài mẫu kế hoạch thông dụng

 
Sunday, October 05, 2014 4:46:12 PM 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=196166&zoneid=269#.VDPU6PldXTU

Bất kể vốn liếng tài sản ít nhiều từ giai cấp tỷ phú cho đến giới trung lưu, triết lý chính vẫn là “những gì cần che chở là những gì không muốn mất.” Vì vậy nếu quí vị có tốn chút thì giờ gặp luật sư chuyên môn để bàn luận về việc lập kế hoạch bảo vệ những gì mình có là một điều đáng làm.

Mỗi người trong chúng ta đều có mức tài sản khác nhau nên thực sự không có một kế hoạch mẫu mực tổng quát nào bao che được đủ mọi trường hợp hay tình huống có thể xảy ra để đối phó với đủ mọi thành phần nguyên đơn thưa kiện hoặc chủ nợ. Nói cho đúng một kế hoạch bảo vệ tài sản hữu hiệu cần đặt biện pháp thích đáng giữa sự kiện nên bảo vệ những gì và bảo vệ bằng cách nào. Vì vậy có trường hợp chỉ cần lập một kế hoạch đơn giản nhưng phần lớn phải khai triển một kế hoạch phức tạp hơn với đôi ba biện pháp hỗ tương khác nhau để có khả năng che chở đủ mọi mặt phòng ngừa bất kỳ đe dọa khác nhau chẳng khác gì xây một thành lũy kiên cố như Vạn Lý Trường Thành bao che tứ phía. Dĩ nhiên khác biệt giữa mỗi kế hoạch bảo vệ tài sản là do những yếu tố thay đổi tùy thuộc theo sở hữu chủ thí dụ như nghề nghiệp cùng những thứ mà người thắng kiện hay chủ nợ có thể dùng án tòa để xiết lấy đi. Ngoài ra còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác có hay không như sau: nghề nghiệp thuộc loại dễ bị kiện, tài sản trị giá trên $500,000 dễ bán đi để lấy tiền đền, đứng kinh doanh hùn hạp, kết hôn, v.v... 

Trước tiên phải kiểm kê tất cả các nguồn tài sản để xác định những thứ nào thuộc loại có giá trị và dễ bán, chính đó là những mục tiêu mà kẻ thắng kiện hay chủ nợ chắc chắn sẽ bám sát để xiết lấy, thông dụng nhất là nhà cửa đất đai, xe cộ tàu thuyền, nữ trang hay đồ cổ sưu tầm, các trương mục hiện kim, tiết kiệm, tiền dành cho con vào đại học, tiền hưu trí hay bảo hiểm nhân thọ, tiền hùn buôn bán kinh doanh,v.v... Sau đó xếp hạng tùy theo tính chất từng loại món nào có khuynh hướng bị nguy cơ từ cao trở xuống thí dụ như cơ sở thương mại hay chung cư cho thuê mướn chắc chắn sẽ là mục tiêu dễ bị mất nhất trong các vụ kiện tụng.

Tùy từng tiểu bang nơi cư ngụ mỗi nơi đều có điều luật bảo vệ ấn định khác nhau theo đó kẻ thắng kiện hoặc chủ nợ chỉ được xiết tới một giới hạn nào đó, hoặc ngăn cấm không cho đụng tới một vài khoản đặc biệt thí dụ như ngôi nhà đang cư ngụ, tiền để dành hưu trí, trị giá tiền mặt bảo hiểm nhân thọ, hoặc tài sản riêng của chồng hoặc vợ người bị kiện. 

Ðể sáng tỏ quan niệm đa dạng trong việc thiết lập kế hoạch bảo vệ tài sản chúng tôi lấy một thí dụ giả tưởng sau đây dựa trên một vài chuyện có thật. Một cặp vợ chồng ở Orange County là ông Thái và bà Bình kết hôn được hơn 20 năm và có với nhau bốn con. Ông bà Thái Bình là sở hữu chủ một căn nhà trị giá $700,000 mua mười năm trước nay đã trả dứt nợ, một trương mục chứng khoán đầu tư với hiện giá $200,000 và một ngân quỹ hiện kim $40,000 để dành trả chi phí cho các con khi lên đại học. Tuy không nợ nần ai cả nhưng muốn được lợi điểm miễn thuế và để bảo vệ những món tài sản này nên ông bà Thái Bình nhờ một luật sư chuyên môn thảo giấy tờ tự thiết lập ra “Tổ Hợp Hữu Hạn Gia Ðình Thái Bình” rồi chuyển chủ quyền ngôi nhà, trương mục chứng khoán và quỹ tiền học vào tổ hợp này. Theo văn bản điều lệ tổ chức Tổ Hợp Thái Bình, ông bà tự chỉ định chính mình làm “tổng hội chủ” (general partners) mỗi người nắm 40% trị giá tài sản tổ hợp đồng thời hai người đứng quản lý chung để điều khiển tổ hợp đặc biệt nắm quyết định liên hệ tới ngôi nhà, trương mục đầu tư và quỹ tiền học. Các hội viên trong tổ hợp gồm bốn người con, mỗi người được chia sở hữu 5% (tổng cộng thành 20% còn lại). Ông bà dự định theo thời gian mỗi năm sẽ sang thêm $11,000 là mức được miễn thuế cho mỗi con tới khi trưởng thành mỗi người con sẽ nắm trọn chủ quyền phần cha mẹ cho.

Làm như vậy trong bước đầu ông bà Thái Bình đã khôn ngoan đi đúng đường, tuy nhiên tài sản vẫn chưa được che chở hoàn toàn vì dù ông bà có chuyển quyền tư hữu cá nhân vào tổ hợp nhưng chỉ bảo vệ phần nào chủ quyền tài sản cá nhân ông bà mà thôi. Hơn nữa mọi sang nhượng vẫn còn phải lệ thuộc vào mức giới hạn miễn thuế ấn định cho việc quyên tặng. Yếu điểm của tổ hợp nằm trong phần 80% phần sở hữu ngôi nhà và trương mục chứng khoán của hai người “tổng hội chủ” vẫn còn dính dáng trách nhiệm liên đới với các hội viên. Giả sử cậu Ðức - một người con trai 16 tuổi của ông bà Thái Bình - mới biết lái xe đi học. 

Nếu rủi ro chẳng may cậu bất cẩn gây tai nạn đụng vào xe khác khiến có người bị thương nặng thì ông bà Thái Bình vẫn bị kiện liên đới bồi thường cho nạn nhân. Dĩ nhiên bảo hiểm chỉ đền tới mức nào đó, phần còn lại tòa nhắm vào 80% trị giá phần sở hữu của “tổng hội trưởng.”

Ðể đề phòng và muốn bao che yếu điểm đó luật sư đề nghị lấy 80% phần hùn của ông bà trong Tổ Hợp Thái Bình để lập ra một công ty có tên là “Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thịnh Vượng.” Công ty Thịnh Vượng nay trở thành “tổng hội chủ” của Tổ Hợp Thái Bình với 1% sở hữu tài sản. Ông bà Thái Bình vẫn tiếp tục điều khiển cả công ty Thịnh Vượng lẫn Tổ Hợp Thái Bình. Với tư cách là cha mẹ liên đới trách nhiệm trong trường hợp thua kiện phải bồi thường cho nạn nhân tai nạn xe cộ do cậu Ðức gây ra thì ngôi nhà của ông bà đã được luật pháp hoàn toàn bảo vệ không ai đụng chạm tới được. Hơn nữa ông bà Thái Bình thi hành đúng theo luật lệ ấn định thủ tục thiết lập công ty trách nhiệm hữu hạn tách riêng hẳn với tổ hợp trách nhiệm hữu hạn do gia đình quản lý, do đó công ty Thịnh Vượng hoàn toàn không bị liên lụy hậu quả nếu có vụ cậu Ðức gây thương tích tai nạn xe cộ xẩy ra thật sự.

Mặt khác ông bà Thái Bình đồng thời cũng hoạt động kinh doanh và hiện làm chủ một tiệm giặt ủi sấy hấp có tên là “Thai Binh Cleaners.” Làm sao ông bà Thái Bình có thể bảo vệ được phần tài sản liên hệ đến thương mại? Ðể có giải pháp cho thí dụ này trong bài báo tới chúng tôi sẽ trình bày thêm vài kế hoạch khác có tác dụng hỗ tương trong nhiệm vụ bảo vệ trọn vẹn tài sản của ông bà Thái Bình khiến họ được an tâm trọn đời không sợ bị hao hụt suy chuyển mảy may nào tới toàn bộ tài sản mà ông bà đã nhọc công tạo dựng một đời.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

 

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 223, Fountain Valley, California 92708, điện thoại ab(714) 531-7080 .


Trích từ báo Người Việt online
HTML hit counter - Quick-counter.net