CITY REALTY Inc., Brokerage
Tel: 416-248-8880  Fax: 416-645-5946
546 Annette St., Toronto   M6S 2C2

Nguyễn Andy
Salesperson

Cell: 416-894-8162
E mail: andy649@gmail.com

  Trang Nhà  |  Tìm Nhà  |  Thị trường  |  Kiểm Tra  |  Mortgage  |  Mua Nhà  |  Bảo hiểm  |  Chủ nhà nên biết  |  Bán Nhà  |  Tài Liệu Khác  |  Máy Tính  |  Liên Kết

Sau đây là các bài báo trích từ báo Người Việt online:

  • Hợp đồng sửa chữa nhà
  • Khuynh hướng tân trang nhà bếp hiện nay
  • Kỹ nghệ sửa chữa, tân trang nhà ngày càng bành trướng mạnh
  • Tân trang nhà sao cho có lợi về sau
  • Lót nền nhà bằng thảm hay gỗ cứng?
  • Mùa Thu, cần lưu ý đến chuyện săn sóc căn nhà
  • Bảo trì máy sưởi

  • và từ Viễn Đônng online:
    • Làm thế nào để nhận định màu sơn cũ?
    • Bồn tắm xục xịch
    • Lo cho… mái nhà
    • Mối nguy nhà dột
    • Sửa mái trong mùa mưa

    Hợp đồng sửa chữa nhà

    Từ Văn Thạch

    Nhiều vị chủ nhà người Việt ở Quận Cam từng gặp rắc rối, hay ít nhất, bực mình, khi thuê mướn nhà thầu (contractor) sửa chữa hay tân trang nhà cho mình.

    Không mấy vị chủ nhà (những gì mà chúng tôi được biết) đòi nhà thầu xuất trình giấy phép hành nghề (license), mà chỉ yêu cầu ước lượng phí tổn. Nếu thỏa thuận về giá cả là có thể hẹn ngày khởi sự.

    Nhưng có một số trường hợp từng xảy ra. Nhà thầu làm nửa chừng thì làm chậm lại, chuyển bớt người đi làm ở chỗ khác. Thời gian hoàn tất thỏa thuận là hai tuần lễ thì kéo tới một tháng vẫn chưa xong trong khi tiền bạc đã thanh toán phần lớn.

    Có những trường hợp bất ưng ý (vật liệu, phẩm chất công việc, tiền bạc thanh toán v.v...) dẫn đến cãi cọ và nặng hơn, đưa nhau ra tòa kiện tụng tốn kém.

    Trong số những trường hợp nói trên, khá nhiều trường hợp chỉ là thỏa thuận miệng giữa chủ nhà và nhà thầu, không có hợp đồng (contract) viết trên giấy và có chữ ký cả hai bên.

    Hồi tháng trước, sau khi mấy ngày mưa lụt gây nhiều tổn thất hàng ngàn nhà cửa ở khu vực Bắc tiểu bang California, Sở Cấp Giấy Phép Hành Nghề Thầu Khoán (California Contractors State License Board, viết tắt là CSLB) phổ biến một bản khuyến cáo cho những ai cần thuê nhà thầu sửa chữa nhà, hãy nên tránh đừng để thiệt hại thêm một lần nữa khi thuê mướn những nhà thầu không có giấy phép hành nghề. Nhu cầu sửa chữa của rất nhiều nhà bị hư hại đã là cơ hội tốt để một số kẻ lợi dụng cơ hội, nhảy vào kiếm tiền dù không có giấy phép hành nghề, mà dĩ nhiên, không bảo đảm về phẩm chất công việc, chưa nói tới những điều khác.

    Kể từ đầu Tháng Giêng năm 2006, tiểu bang California đưa ra mẫu mới về hai loại hợp đồng. Một loại là bản hợp đồng sửa chữa, tân trang nhà với rất nhiều chi tiết mới. Loại thứ hai là hợp đồng cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo trì. Mục đích của những mẫu hợp đồng mới này là giúp giới tiêu thụ tránh bị những nhà thầu không lương thiện (có hay không có giấy phép hành nghề) lừa gạt.

    Bản hợp đồng mẫu không những liệt kê chi tiết của công việc sẽ được hoàn tất, mà đồng thời trên đó cũng nêu ra những quyền của giới tiêu thụ cũng như tar1ch nhiệm của nhà thầu khi thi hành bản hợp đồng.

    Giới chủ nhà cũng sẽ thấy mẫu hợp đồng này ngắn gọn nhưng đầy đủ nhưng được viết bằng một thứ ngôn từ dễ hiểu, trong sáng. Quốc hội tiểu bang từng ra đạo luật cấm những nhà thầu đưa ra những mẫu hợp đồng với những từ ngữ mơ hồ và dễ gây hiểu lầm, lại còn có những chỗ viết tay rất khó nhận dạng.

    Người ta hy vọng bản hợp đồng sửa chữa tân trang nhà mới có hiệu lực sẽ gạt ra ngoài được những tay mơ hoặc hành nghề không mấy lương thiện làm mang tiếng cho những nhà thầu đứng đắn.

    Dù sao, từ trước tới nay, người ta vẫn có một lời khuyên rằng, nếu bạn bè, người thân nào của mình đã từng sử dụng một nhà thầu nào và thấy đáng tin cậy về khả năng chuyên môn cũng như sự lương thiện, nên nhờ được giới thiệu. Rất nhiều ngành nghề dịch vụ sống bằng sự giới thiệu từ người này sang người khác.

    Hợp đồng sửa chữa, tân trang nhà

    Mẫu mới về một bản hợp đồng sửa chữa, tân trang nhà tại tiểu bang California gồm những điểm chính liệt kê dưới đây:

    - Phải đọc được hoàn toàn (legible). Tức là tất cả những chữ viết trên đó không thể để bị hiểu nhiều cách khác nhau. Người chủ nhà có thể đòi hỏi một bản hợp đồng đánh máy, in bằng máy điện toán hay in sẵn. Chỉ có chữ ký là có thể vòng vèo và không dễ đọc.

    - Phải gồm một danh sách và mô tả tất cả mọi tài liệu liên quan đến bản hợp đồng, cũng như mô tả chi tiết dự án, những loại vật liệu và trang bị thực hiện trong dự án. Nếu là bản hợp đồng làm một hồ tắm, dự án này phải gồm cả bản vẽ, tỉ lệ bản vẽ mô tả hình dáng, kích cỡ và mỗi chiều ra sao cũng như sự xây cất và chi tiết về những dụng cụ của hồ tắm. Giới tiêu thụ cũng được khuyến khích là đòi nhà thầu cung cấp bản họa đồ cho tất cả những dự án sửa chữa, tân trang làm thay đổi diện tích, hình dáng bên trong hay bên ngoài của ngôi nhà. Trong đó, phải nói rõ kích thước cũng như diện tích thay đổi ra sao.

    - Phải nói rõ tạo sao nhà thầu lại được (hay không được) miễn trừ mua bảo hiểm bồi thường cho nhân viên (thợ) bị tai nạn khi làm việc. Chỉ có những nhà thầu nào không mướn nhân viên (without employees) mới được miễn trừ.

    - Phải nêu rõ tiền lời (finance charges) riêng rẽ bên cạnh những phí tổn thực hiện toàn thể dự án hay bản hợp đồng. Ðiều này phải viết riêng trên một mục và phải đề rõ tiểu mục là “Tiền lời” (Finance Charges).

    - Phải dùng cụm từ “Contract Amount” (Số tiền của bản hợp đồng) thay cho nhóm từ ngữ mơ hồ “Agreed Consideration for the Works” (Thỏa thuận cho công việc).

    - Phải nêu rõ rằng giai đoạn của quyền hủy bỏ hợp đồng bắt đầu khi người tiêu thụ nhận một bản (copy) của hợp đồng. Phần lớn những loại việc thuê mướn cho phép người tiêu thụ quyền hủy bỏ hợp đồng nội trong vòng ba ngày. Thời hạn cho quyền hủy bỏ hợp đồng có thể kéo dài đến 7 ngày khi bản hợp đồng thuộc loại sửa chữa, bảo tồn hay xây dựng lại những hư hại gây ra bởi thiên tai, thảm họa đã được chính phủ những cấp tuyên bố (declared desaster).

    - Phải bao gồm một lời xác nhận (statement) rằng nhà thầu cung cấp một bản thông báo “Lien Release Notice” (thông báo không áp đặt một giấy nợ trên căn nhà - thường nộp tại quận hạt sở tại) cho chủ nhà nếu có lời yêu cầu, sau khi dự án đã hoàn tất và nhà thầu đã nhận đầy đủ tiền. (Ðiều này để biết chắc chắn rằng nhà thầu đã nhận hết tiền rồi và không nộp tại quận hạt địa phương giấy đòi món nợ chưa trả áp đặt lên căn nhà. Khi nào chủ nhà bán nhà, phải trả số tiền này).

    “Mechanic liens” là giấy áp nợ chưa trả mà một nhà thầu, hay một người thợ, nộp tại quận hạt địa phương “đè” lên căn nhà của người chủ đã thuê họ thực hiện một công tác (sửa chữa, tân trang v.v...) nhưng chưa trả tiền. Vì nằm trong hồ sơ của ngôi nhà, khi bán nhà, chủ nhà phải trả nợ này (thường qua thủ tục escrow). Tuy nhiên, có những cái “liens” vô lý áp đặt lên ngôi nhà mà nếu người chủ nhà không để ý sẽ bị người nào đó lừa gạt.

    Chủ nhà có thể tự bảo vệ mình bằng cách lấy danh sách những nhà thầu phụ (subcontractors) từ nhà thầu chính (contractor) nếu là một dự án sửa chữa tân trang có tính cách quy mô tốn kém. Ðồng thời, cũng cần phải theo dõi để biết tiến trình công việc được thực hiện đến đâu cũng như những loại vật liệu, trang bị nào được sử dụng. Nên nhớ rằng chủ nhà là người chủ mướn nhà thầu. Nếu chủ nhà không giám sát, những sai lệch so với những sự thỏa thuận trong hợp đồng nhiều khi không thấy nếu không có mặt, có thể xảy đến mà sự thiệt hại dĩ nhiên thuộc về chủ nhà.

    Nếu thấy nhà thầu không thi hành đúng theo bản hợp đồng và bản hợp đồng có điều khoản chấm dứt hợp đồng khi có sự vi phạm xảy ra, chủ nhà cần phải mạnh dạn hành sử quyền làm chủ để bảo vệ quyền lợi cho mình.

    Bản hợp đồng mới do CSLB soạn thảo cũng nói rằng đặt cọc cho một dự án sẽ là khoảng $1,000 đô la hay 10% của trị giá công tác hay dự án, nhưng là số tiền nhỏ của một trong hai con số đó ($1,000 or 10% of the contract amount, whichever is less).

    Mẫu hợp đồng mới cũng có một phần nói rõ về vấn đề trách nhiệm tài chính hay bảo hiểm của nhà thầu. Theo đó, có phần nói rằng:

    1/ Nhà thầu không bảo hiểm đền bù thiệt hại (liability insurance).

    2/ Hay nhà thầu đã mua bảo hiểm đền bù thiệt hại tại công ty... và người tiêu thụ có quyền kiểm chứng.

    3/ Hoặc là nhà thầu tự bảo hiểm lấy cho mình.

    Với những điều rành rẽ như vậy để giới tiêu thụ nhìn vào và quyết định là mình có thể tin cậy được nhà thầu này hay không.

    Hợp đồng sửa chữa và bảo trì

    Ngoài bản hợp đồng sửa chữa và tân trang nhà cửa, CSLB cũng đưa ra một mẫu mới về hợp đồng sửa chữa và bảo trì những loại máy móc, dụng cụ hay phương tiện và có thể là cả nhà cửa mà tổng số tiền của hợp đồng trị giá từ $750 đô la trở xuống.

    Nếu bản hợp đồng hay hoàn cảnh không thích hợp với tất cả những sự đòi hỏi, nhà thầu bắt buộc phải dùng mẫu hợp đồng sửa chữa tân trang nhà cửa như đã trình bày ở phần trên, nếu chuyện sửa chữa bảo trì liên quan đến căn nhà.

    Cùng với sự giới hạn của trị giá hợp đồng từ $750 trở xuống, bản hợp đồng sửa chữa bảo trì phải gồm những điều nêu dưới đây:

    - Quyền hủy bỏ hợp đồng của người tiêu thụ bị chấm dứt khi công việc sửa chữa hay bảo trì bắt đầu. Nói khác, người tiêu thụ chỉ có thể hủy bỏ hợp đồng khi nhà thầu chưa khởi sự bắt tay vào việc.

    - Người tiêu thụ (chủ nhà) phải khởi sự bằng cách liên lạc và yêu cầu nhà thầu đến để thi hành nhiệm vụ sửa chữa hay bảo trì.

    - Nhà thầu không có quyền bán cho người tiêu thụ những món hàng hoặc dịch vụ không liên quan đến loại dịch vụ bảo trì, sửa chữa mà nhà thầu phụ trách thực hiện.

    - Giới tiêu thụ (chủ nhà) không phải trả lệ phí hay tiền công cho tới khi công tác sửa chữa, bảo trì đã được thực hiện và hoàn tất.

    Từ Văn Thạch

    Trích từ báo Người Việt online, Feb 8, 2006


    Khuynh hướng tân trang nhà bếp hiện nay

    Người Việt, Thursday, September 02, 2010

    Rất nhiều người đi xem nhà để mua, họ đi thẳng từ cửa tới ngay nhà bếp để xem trước. Nếu nhà bếp vừa cũ, vừa bẩn, vừa xấu, vừa chật chội, sự thất vọng này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định có mua căn nhà này hay không.

    Những nhà nào được chủ nhà tân trang toàn bộ nhà bếp thật đẹp từ trước khi tung nhà ra thị trường, tạo ấn tượng rất mạnh mẽ và thường dễ bán nhà hơn. Bếp lò, tủ lạnh mới toanh lại do nhà sản xuất nổi tiếng chế tạo; mặt quầy bếp bằng đá cẩm thạch hay loại nhựa cứng corian; các ngăn tủ bên dưới đều bằng gỗ tốt, không phải "gỗ giả thứ thật," ai đi xem nhà để mua cũng đều yêu thích. Ngay cả những ai đang tìm mua một căn nhà mới, dù có nấu nướng hay không, nhà bếp là một khu vực có nhiều triển vọng sẽ được người ta quan tâm nhiều nhất.

    Phòng tắm cũng có thể là một trong số những nơi đứng đầu danh sách mà bạn kiểm tra. Ðó là vì chúng ta trải qua rất nhiều thời gian trong cả phòng tắm lẫn nhà bếp, những nơi được sử dụng để giao tế và giải quyết những nhu cầu cần thiết. Hai khu vực này trong nhà quan trọng đến độ có cả một hiệp hội được thành lập để giáo dục, chứng nhận những nhà chuyên môn trong kỹ nghệ, và quảng bá những ý kiến cho những phòng này. Hiệp Hội Nhà Bếp và Phòng Tắm Toàn Quốc (NKBA) được thành lập vào năm 1963 với danh xưng American Institute of Kitchen Dealers, có gần 40,000 hội viên. Vào đầu năm nay, hội đã công bố các chiều hướng hàng đầu của họ về nhà bếp và phòng tắm cho năm 2010.

    Tìm kiếm những gì mà bạn thích trong một căn nhà là điều quan trọng nhất, nhưng nếu bạn xem xét việc bán lại căn nhà trong tương lai, hiểu biết thị hiếu của đa số là điều cũng có lợi. Do đó, chúng ta hãy nhìn vào những chiều hướng hàng đầu của NKBA.

    Nhà bếp được che giấu

    Ðiều này không có nghĩa bạn bước vào một căn nhà mà không thể tìm được nhà bếp ở đâu. Thay vào đó, nhà bếp được hòa lẫn với những khu vực khác trong nhà. Những nơi được chính thức dùng làm phòng ăn thường không được sử dụng nhiều. Nhưng khi một căn nhà có một nhà bếp thông với một phòng lớn, nó cho phép đời sống những người trong nhà thêm linh động. Những món có thể được che giấu chẳng hạn như những đồ dùng thông thường. Cuối cùng, sự pha trộn hài hòa về màu sắc, thiết kế, và chức năng làm cho nhà bếp dễ chịu về mặt thẩm mỹ và hữu dụng.

    Những nơi để giải khát

    Bản tin của NKBA nói rằng những trạm giải khát, gồm cả những tủ lạnh được đặt dưới mặt bàn bếp để chứa đồ uống và rượu vang, là một thành phần mới trong nhiều nhà bếp. Nhiều trạm giải khát này có cả một nơi pha cà phê. Thiết kế như vậy thường bao gồm nơi cất giữ ly uống rượu, ca và ly thủy tinh để uống nước, và lọ chứa đồ gia vị. Sự xếp đặt này cho phép người ta tụ tập để giải khát trong khi không làm quẩn chân những người nấu nướng.

    Làm tròn những góc cạnh

    Những mặt bàn bếp, cù lao, lối đi có mái vòm, và ngay cả các ổ gắn đèn, đang được thiết kế với những cạnh mềm, tròn. Theo NKBA, việc thiết kế những cù lao và mặt bàn bếp tròn tạo nên một kiểu đi lại thông suốt trong khắp phòng, trong khi một khung cửa hình cánh cung được đặt một cách thích hợp sẽ đem lại một vẻ mềm mại tổng quát cho những đồ vật cố định nhiều góc cạnh thường thấy trong các nhà bếp và phòng tắm.

    Chiều cao thay đổi.

    Không còn sự đơn điệu Các mặt quầy kệ nhà bếp, cù lao, và ngay cả những bức tường cũng đang được thiết kế cho những mục tiêu đặc biệt và điều đó có nghĩa chiều cao của chúng thay đổi. Những chiều cao khác nhau tạo ra "một đối trọng tốt đẹp."

    Ảnh hưởng Á Ðông

    Từ lâu các nước Á Châu đã tạo một sự quyến rũ và hiện nay có vẻ như ảnh hưởng của thiết kế theo lối Nhật đang gia tăng một cách tế nhị, chẳng hạn như những kiến trúc với "những đường nét cân đối, những khoảng không gian trống trải, và những mảng màu trung tính với những vệt màu bạo dạn trong những vùng được lựa chọn," theo NKBA. Hiệp hội nói thường thường sẽ có một phần căn bản có nguồn gốc Nhật để các thiết kế được xây dựng chung quanh. Dù bạn đang tìm mua một căn nhà mới hoặc nghĩ tới chuyện tân trang căn nhà hiện nay của bạn, nên nhớ rằng các khuynh hướng thường thay đổi. Tuy nhiên, những khuynh hướng tồn tại là những khuynh hướng phối hợp bề ngoài dễ chịu với các đặc điểm có công dụng cao. (nn)

    Trích từ báo Người Việt online


    Kỹ nghệ sửa chữa, tân trang nhà ngày càng bành trướng mạnh

    Wednesday, January 19, 2005

    Từ sáng sớm đến tối, các tiệm bán vật liệu xây cất không lúc nào vắng khách mua hàng. Vài hộp sơn, tấm cánh cửa, cái bồn tắm, vài chục ống nhựa dẫn nước tưới vườn. Đủ kiểu, đủ thứ. Các con số do Viện Nghiên Cứu Gia Cư của trường đại học Harvard từ ba năm qua cho thấy số tiền mà người ta đổ vào việc sửa chữa tân trang nhà cửa mỗi ngày mỗi nhiều hơn.

    Không phải nhà cũ quá, hư nát nhiều nên cần phải sửa chữa kịp thời trước khi nó đổ xuống đầu. Rất nhiều người muốn tân trang nhà cho đẹp hơn, nới rộng căn nhà cho lớn hơn. Từ thay lại toàn bộ mọi thứ trong nhà bếp đến làm thêm phòng gia đình phiá sau nhà, các dự án lớn nhỏ được giới chủ nhà tuỳ lúc thuận tiện, tùy túi tiền, tùy nhu cầu thẩm mỹ liên tục thực hiện.

    Theo sự khảo cứu của trung tâm nói trên mà bản phúc trình phổ biến trên Internet hồi tuần trước cho thấy, trong năm 2004, số tiền người Mỹ đổ ra để sửa chữa tân trang nhà cửa lên đến $233 tỉ USD. Cũng vào dịp này năm ngoái, trung tâm trên nói rằng dân Mỹ đã tiêu tốn $180 tỉ USD cho việc sửa chữa, tân trang nhà cửa. Năm trước đó còn ít hơn nữa.

    Dựa vào con số này, trường đại học Harvard nói rằng các tốn phí đó tượng trưng ho 2% của tất cả các chi tiêu của dân chúng nước Mỹ.

    LỚp chủ nhà ở tuổi 60 (thế hệ người ta gọi là baby boomer) tức những người đã có đời sống kinh tế vững chắc, làm chủ căn nhà từ hai ba chục năm qua, là những người chi nhiều đến phân nửa số tiền thống kê về chi phí sửa chữa tân trang nhà. Nhưng các tay chủ nhà ở thế hệ con cháu của họ cũng chạy đua trong nhu cầu này.

    Có lẽ các chi phí tân trang làm cho căn nhà đẹp hơn lên, giá trị hơn lên đã làm cho kỹ nghệ sản xuất cả ở nước Mỹ cũng như các nhà chế tạo ở ngoại quốc rất đẹp dạ. Theo các nhà khảo cứu của trường Harvard, khi tân trang, người ta có khuynh hướng sử dụng các loại vật liệu đắt tiền cho nhà bếp, phòng tắm hay làm thêm phòng mà thường là phòng gia đình.

    Cuộc khảo cứu trên thấy rằng các ngôi nhà có giá trị cao và các gia đình có lợi tức từ $120,000 một năm trở lên chiếm đến 90% của sự tăng trưởng trong kỹ nghệ tân trang nhà cửa của gia đoạn từ 1995 đến 2003. Cho dù họ chỉ chiếm 11% trong tổng số các người làm chủ nhà trên cả nước, họ lại bỏ tiền ra sửa chữa tân trang nhiều nên người ta thấy chỉ trong các năm 2002-2003, họ đã mua sắm, tiêu tốn đến một phần ba trong tổng số tiền mà cả nước đổ vào việc tân trang sửa chữa nhà cửa.

    Tính vào chi tiết, những gia đình bỏ ra khoảng $10,000 để tân trang nhà cửa chiếm hơn phân nửa các gia đình có dự án tân trang nhà. Nhưng những gia đình tiêu tốn từ $25,000 trở lên lại chiếm tới một phần ba trong tổng số các gia đình có dự án tân trang nhà.

    Ngoài ra, cuộc khảo cứu của đại học Harvard cũng thấy rằng các gia đình thuộc các nhóm thiểu số và các nhóm di dân (tức những người không phải sanh đẻ ở đây) cũng chi tiêu rất nhiều tiền để tân trang nhà cửa. Người ta cũng có thể hình dung ra một cách dễ dàng ở khu vực quận Cam California khi các người gốc Á Châu như Việt Nam, Đại Hàn, Phi luật Tân, Ấn Độ v.v... lũ lượt vào các cửa tiệm bán vật liệu xây cất như Home Depot để chở xe lớn xe nhỏ vật liệu. Phúc trình trên nói rằng các nhóm chủ nhà gốc dân thiểu số (ý nói người gốc Châu Mỹ La Tinh, người gốc dân bản xứ) này chiếm đến 15% trong tổng số chi phí tân trang sửa chữa nhà ở Hoa Ky. Trong khi đó, các sắc dân ngoại nhập trong năm 2003 đã tiêu tốn đến $10 tỉ USD cho nhu cầu này. Số tiền thật lớn và còn gia tăng thêm mãi khi tỉ lệ người làm chủ nhà trong đám họ gia tăng nhanh chóng.

    Bản phúc trình của đại học Harvard nói các vùng có dân cư chi nhiều tiền để tân trang nhà cửa hiện nay tiếp tục nằm ở khu vực các tiểu bang đông bắc và trung tây, nhưng những thị trường bán đồ tân trang sửa chưã nhà cửa lại phát triển nhanh nhất ở các tiểu bang miền tây hoặc các tiểu bang nắng nóng phía nam. Chẳng hạn, Miami, Tampa ở tiểu bang Florida, San Diego, Los Angeles-Orange County, San Francisco-San Jose ở tiểu bang California và Portland ở tiểu bang Oregon. Các địa phương đông dân lại giầu có này có tỉ lệ phát triển trong kỹ nghệ sửa chữa tân trang nhà cửa vượt xa khu vực thị tứ ở các tiểu bang phía đông bắc, ngoại trừ khu vực thủ đô Hoa Thịnh Đốn và các thành phố lân cận nằm ở hai tiểu bang Virginia và Maryland.

    Vậy người ta bỏ tiền ra tân trang nhà cửa thì họ chú ý đến những thứ gì nhất? Dưới đây là các nét chính mà cuộc khảo cứu của Harvard nhận thấy:

    Tân trang và nới rộng diện tích để ở trong nhà. Đặc biệt là tân trang để làm cho nhà bếp, nhà tắm đẹp hơn, tối tân hơn; làm bồn tắm spa để ngồi ngâm nước cho sướng, làm thêm phòng, lên lầu cho căn nhà rộng hơn. Các dự án tân trang này chiếm đến 45% tổng số các dự án tân trang nhà.

    Thay thế các phần bên ngoài hay bên trong của căn nhà. Thay mái nhà vì nó đã quá cũ. Nhiều người ở các tiểu bang không có tuyết như khu vực phiá nam hoặc tây nam như Florida, California thì người ta còn thay các loại mái nhà bằng gỗ hay nhưạ bằng mái ngói. Với các phần bên trong, người ta thay các cửa ra vào, cửa sổ lỗi thời và quá cũ bằng những loại cửa mới vừa đẹp hơn vừa tối tân hơn. Chúng có đặc điểm chống thất thoát nhiệt năng từ bên trong ra ngoài vào muà đông và chống hơi nóng từ bên ngoài vào trong nhà vào mùa hè. Rồi người ta thay thảm, làm lại trần nhà. Các dự án này chiếm khoảng 28% các tốn phí tân trang.

    Thay thế hoặc tân trang các hệ thống máy móc trong nhà. Hệ thống sưởi và điều hoà không khí; bếp và lò nướng, máy rửa bát đĩa, tủ lạnh. Các thứ này chiếm 11% trong tổng số tiền chi tân trang.

    Ngoài ra có thể kể đến một số chuyện tân trang khác như làm lại sân đậu xe (driveway), kiên cố hoá sườn căn nhà theo sự khuyến cáo của chính phủ để chống lại thiên tai như bão, lụt, động đất. Các thứ này cũng chiếm đến 18% tổng số chi phí tân trang sửa chữa mà người ta thấy cần phải làm.

    Copyright © 1999 - 2010 by Nguoi Viet, Inc.
    Nguoi-viet Online
    http://www.nguoi-viet.com/


    Tân trang nhà sao cho có lợi về sau


    Thursday, March 04, 2010 medium_Nha_Frontage.jpg

    Hình minh họa.

    (Money Magazine) - Mới một vài năm trước đây, bạn có thể trông mong thu lại phần lớn số tiền bỏ ra cho hầu như bất cứ dự án sửa sang nào cho căn nhà mà bạn đã mua. Ngày nay, chỉ thay một mặt ghế của bồn cầu cũng cảm thấy như quăng tiền qua cửa sổ. Theo một cuộc nghiên cứu của tạp chí Remodeling, tiền thu hồi trung bình cho một vụ tân trang giảm từ 87% trong năm 2005 còn 64% trong năm 2009. Nhưng sáu quy tắc mới sau đây sẽ giúp bạn thu lại tối đa trong việc đầu tư để sửa sang nhà của bạn.

    Quy tắc số 1: Những sửa chữa thu lại được nhiều nhất

    Tiền bạc khôn ngoan nhất hiện giờ đi vào việc bảo trì cần thiết không thể trì hoãn. Bởi vì những người mua sẽ không chấp nhận một căn nhà với một mái dột hoặc hệ thống ống nước cổ lỗ. Nếu đó là một bất động sản rõ ràng có nhiều vấn đề, những người mua hiện nay sẽ không thèm để mắt tới.

    Và cố giữ kín các vấn nạn có thể gây tốn kém thêm cho bạn. Nếu người mua khám phá ra những vấn nạn đó trong cuộc kiểm tra, thông tục hiện nay là người bán không những phải chịu chi phí sửa chữa mà còn phải trả một khoản phạt để đền bù người mua về sự bất tiện trong việc sửa chữa.

    Do đó, số tiền $20,000 mà bạn tiết kiệm bằng cách bỏ qua việc sửa mái nhà, chẳng hạn, có thể biến thành một số tiền $30,000 trả cho người mua khi hoàn tất vụ mua bán.

    Quy tắc số 2: Tân trang tốt hơn là làm thêm

    Có một phòng khách lớn, khang trang, cộng với một phòng cho gia đình sinh hoạt hàng ngày không được ưa thích bằng có một nơi có thể sử dụng chung cho nhiều mục đích. Do đó, thay vì làm thêm, bạn nên ấn định lại mục tiêu của diện tích hiện hữu bằng cách hình dung lại kế hoạch mặt bằng hoặc tận dụng khu vực tầng hầm hoặc gác xép.

    Bạn muốn một nhà bếp có thể ngồi ăn ư? Hãy phá bức tường ngăn nhà bếp và phòng ăn (tốn từ $2,000 đến $8,000). Ðiều đó sẽ tức khắc đưa tới một nhà bếp lớn để ngồi ăn và tạo cho toàn thể căn nhà một cảm tưởng thoáng hơn - mà không cần một khoản đầu tư lớn cần bù lại khi bán nhà.

    Quy tắc số 3: Những cải tiến thân thiện với môi trường có thể tiết kiệm tiền bạc

    Vài cải tiến "xanh" đền bù cho bạn rất lâu trước khi bạn bán căn nhà của bạn. Lắp đặt các đặc điểm tiết kiệm năng lượng, như các dụng cụ được công nhận là tiết kiệm năng lượng (EnergyStar) và thực hiện việc cách nhiệt thêm cho vách tường, bạn sẽ thấy hóa đơn năng lượng hạ hơn mỗi tháng. Cộng thêm tín thuế của liên bang lên tới $1,500 cho tới hết năm 2010, cùng với nhiều khoản bồi hoàn của địa phương và các khích lệ về thuế, công việc có thể tự nó bù lại chỉ trong năm năm. Các đặc điểm xanh cũng ngày càng ăn khách. Hầu hết những người trong thị trường hiện giờ là những người mua nhà lần đầu ở độ tuổi 30, và họ đã được nuôi dưỡng để quan tâm về sự gieo rắc chất carbon và có khuynh hướng thân thiện với môi trường. Khi đã đến lúc thay chiếc lò sưởi của bạn, nói thí dụ, việc cải tiến tới loại siêu hiệu năng chỉ làm tăng $500 (sau khi đã trừ các tín thuế), so với trang bị mới thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm cho bạn - và một ngày nào đó cho những người mua nhà của bạn - $150 hoặc nhiều hơn về các chi phí sưởi ấm hàng năm.

    Quy tắc số 4: Hạ tầng cơ sở kỹ thuật đè bẹp các dụng cụ đắt tiền.

    Bỏ ra $10,000 hay nhiều hơn cho hệ thống âm thanh như ở rạp hát ngày hôm nay, một thứ nào đó tốt hơn sẽ ra đời ngày mai và làm cho hệ thống của bạn có vẻ như từ thời đồ đá. Với những người mua tìm kiếm mọi lý do để trả giá thấp hơn, họ sẽ không tưởng thưởng cho bạn về một hệ thống lỗi thời.

    Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở kỹ thuật thì khác. Bất cứ khi nào bạn mở các vách tường cho một công trình xây dựng, nên cho lắp đặt hệ thống dây cáp và các ổ Ethernet. Với phí tổn khoảng $80 cho một phòng, đó là đường lối ít tốn kém để cung cấp khả năng thích hợp với các kỹ thuật mới.

    Quy tắc số 5: Làm theo sự hướng dẫn của đa số

    Trong thời kỳ phát đạt, bạn có thể là người đầu tiên trong khu phố có một căn bếp sang trọng, phòng tắm có bồn nước xoáy (spa bathroom) hoặc hồ tắm đào dưới đất và trông mong những người khác theo chân. Và dù cho các hàng xóm không hề làm theo bạn, giá trị tài sản của bạn sẽ gia tăng để trang trải các chi phí của bạn.

    Ngày này yếu tố giả tạo đó không còn nữa. Hiện giờ bạn thực sự cần duy trì những tiện nghi của căn nhà bạn phù hợp với khu phố.

    Nếu những căn nhà khác trong khu phố có những mặt bàn bếp bằng cẩm thạch thật, bằng mọi cách nên thêm một mặt bàn như vậy cho căn nhà của họ, nhưng nếu mọi người vẫn có những mặt bàn bằng fomica giả cẩm thạch xanh từ thập niên 70, bạn sẽ không lấy lại được tiền đã chi ra.

    Ngoài ra, hãy giữ các dự án của bạn trung lập về thiết kế để chúng sẽ hấp dẫn con số người mua lớn nhất. Chọn các màu sắc trung tính và các đồ điện và nước theo truyền thống trừ phi căn nhà của bạn có một kiểu kiến trúc tân thời.

    Quy tắc số 6: Thời gian để đền bù bây giờ là 5 năm

    Như với bất cứ vụ đầu tư không chắc chắn nào, khung thời gian của bạn càng dài, mức rủi ro càng thấp. Ðừng thực hiện một dự án lớn nếu bạn có thể chỉ dọn vào một thời gian dưới ba tới năm năm. Có nhiều nguy cơ là bất cứ món tiền nào bạn bỏ vào - ngoài những sửa chữa cần thiết hoặc công việc mỹ thuật bề ngoài - có thể bị mất trong khi thị trường gia cư tiếp tục khúc khuỷu.

    Nhưng nếu bạn dự tính ở lại một thời gian, đừng trì hoãn việc bắt đầu một dự án. Những vụ sửa sang nhà hiện giờ có lợi, với những nhà thầu giảm giá 10%, 20%, hoặc ngay cả 40% cho cũng công việc đó chỉ một năm hoặc hai năm trước đây.

    Hãy nắm lấy thời cơ trong khi họ khao khát việc làm. Bạn sẽ hoàn thành được quy tắc đầu tư đầu tiên. Mua rẻ. Rồi hy vọng rằng khi bạn sẵn sàng dọn đi, bạn có thể bán được giá cao. (n.n.)

    Copyright © 1999 - 2010 by Nguoi Viet, Inc.
    Nguoi-viet Online
    http://www.nguoi-viet.com/

    Lót nền nhà bằng thảm hay gỗ cứng?


    Người Việt, Tuesday, September 14, 2010

    HOA KỲ - Những ngôi nhà mới xây cất, những khi sửa chữa nhà để bán và cả những lần chủ nhà tân trang nhà đều đứng trước một vấn đề quan trọng. Nên lót nền nhà bằng gì? Nên lót thảm, với bản chất ấm cúng, hấp dẫn, và thật dễ chịu khi bước qua. Hay nên lót bằng gỗ cứng, với truyền thống được nhiều người ưa chuộng và có thể tồn tại lâu dài?


    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/119133-NHA_hardwood-flooring.jpg

    Bất kể bạn là một nhà thiết kế, một người tự làm lấy, hay một nhà xây dựng, sự lựa chọn là do bạn: gỗ cứng hay thảm?
    Về giá cả, những loại thảm với phẩm chất thấp và trung bình có thể ít tốn kém lúc đầu, nhưng tuổi thọ trung bình của thảm chỉ từ 10 đến 15 năm, do đó bạn sẽ phải thay thảm vài lần trong chính cuộc đời của bạn. Và bạn phải xem xét vấn đề phí tổn trong việc giặt thảm hàng năm để giữ cho thảm được vệ sinh và hấp dẫn.


    Gỗ cứng có giá thay đổi rộng rãi, tùy thuộc vào sự thông dụng của chúng, nhưng có những lựa chọn có thể kham nổi hầu như cho bất cứ dự án nào. Ngoài ra, gỗ cứng có thể tồn tại suốt đời với sự chăm sóc thích hợp, dù chúng có thể cần được chà nhám và sơn phết lại mặt gỗ sau này.
    Gỗ ít cần sự bảo trì, với "sự chăm sóc thích hợp" là điểm then chốt để mặt sàn của bạn có một tuổi thọ lâu dài mà vẫn đẹp. Rất nhiều nhà, hoặc để sàn gỗ phơi bày trọn vẻ đẹp của nó, nhưng cũng có những người chủ lại lót thảm, một loại thảm đẹp, đắt tiền, trên một vài phần của sàn gỗ như một hình thức trang trí.
    Trước khi có quyết định, lựa chọn nào, nên tham khảo và nghe ý kiến chuyên môn.

    Cửa hàng vật liệu xây dựng Lowe's có những lời khuyên sau đây về bảo trì sàn gỗ:
    - Sử dụng một khăn ướt để lau những vết bẩn ngay khi làm vấy bẩn.
    - Quét, lau và hút bụi thường xuyên với một bộ phận gắn thêm cho sàn cứng để tránh bụi và sạn tích tụ, có thể làm trầy hoặc mờ mặt sàn.
    - Sử dụng có tính cách định kỳ chất làm sạch sàn bằng gỗ cứng có công thức đặc biệt để dùng cho những sàn bằng gỗ cứng mà bề mặt đã được hoàn tất.
    - Ðừng lau ướt hoặc rửa sàn bằng xà bông, nước, thuốc tẩy có xà bông dầu hoặc bất cứ chất lỏng làm sạch nào khác. Nó có thể làm cong vênh và làm mất giá trị việc bảo hành.
    - Ðừng sử dụng bùi nhùi bằng sợi thép, các chất lau chùi làm mòn hoặc các chất chùi rửa có chứa ammonia hoặc chlorine với hàm lượng cao.
    - Tránh đánh bóng (buffing) hoặc máy đánh bóng trên những sàn đã được hoàn tất.
    - Ðối với những vết khó chùi trên sàn gỗ như dầu, sơn, bút đánh dấu (marker), son môi, mực hay hắc ín, hãy lau bằng acetone hoặc thuốc chùi sơn móng tay với một khăn trắng sạch, rồi lau sạch với một khăn ướt để loại hết bất cứ thứ gì còn sót.
    - Ðối với những vết như sáp đèn cầy hoặc kẹo cao su, hãy làm cứng chỗ đó bằng nước đá và rồi nhẹ nhàng cạo đi với một miếng plastic, như một thẻ tín dụng.


    Lót sàn nhà bằng gỗ có thể là một sự lựa chọn thích hợp cho môi trường. Gỗ là một nguồn thiên nhiên, và ngày càng có nhiều loại, như tre. Có một dạo, phong trào lát nền nhà bằng tre đã rất được ưa chuộng, nhưng rồi qua nhanh. Các loại gỗ quí, vân đẹp, màu đẹp vẫn là cái được lựa chọn với giá trị vượt thời gian.
    Ngoài ra, các chuyên viên y tế về Dị Ứng, Hen Suyễn, và Miễn Nhiễm của Mỹ khuyến cáo rằng những người bị dị ứng vì bụi bậm trong nhà hãy "gỡ bỏ thảm trong phòng ngủ nếu có thể." Chín mươi phần trăm những người bị hen suyễn bị dị ứng với loài bọ li ti như hạt bụi (dust mites), thường không làm hại nhưng có thể gây dị ứng. Và những con bọ này ưa sống trong thảm.


    Chính việc lót thảm cũng đưa tới một sự nhức đầu khó chịu khác. Có những hóa chất được sử dụng trong hầu hết thảm ngày nay sẽ bốc hơi trong những tháng và năm sắp tới. Những đám hơi này có thể gây nhức đầu và chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, có những giải pháp thiên nhiên được cung cấp cho những thảm thân thiện với môi trường hơn. Nhưng những lựa chọn này hầu như chắc chắn sẽ làm tăng chi phí tổng quát của bạn.
    Bạn có toàn quyền lựa chọn về loại sàn nào thích hợp với bạn. Bạn nên chịu khó nghiên cứu và so sánh giá cả trước khi có bất cứ quyết định chung cuộc nào! (nn)

    Trích từ báo Người Việt online



    Mùa Thu, cần lưu ý đến chuyện săn sóc căn nhà


    Wednesday, November 23, 2005

    Vương Thuận

    Mùa Thu, thời tiết chuyển mùa, từ nắng nóng sang mát dịu trước khi sang Mùa Ðông lạnh giá. Ðây cũng là dịp để coi lại trong ngoài, nhất là phía bên ngoài của căn nhà trước khi Mùa Ðông đến.

    Pilar To Post, một công ty chuyên về kiểm soát tình trạng ngôi nhà (Home Inspection Service) có 400 chi nhánh trên toàn nước Mỹ, mới đây đề nghị 10 điều mà quý vị chủ nhà nên làm để giữ cho căn nhà khỏi hư hại.

    Ngôi nhà phản ứng theo sự thay đổi của thời tiết và nhiệt độ tùy theo mùa. Bởi vậy, nếu ngôi nhà được săn sóc đầy đủ sẽ giúp cho chủ nhà đỡ tốn tiền điện, tiền ga để sưởi vào Mùa Ðông hay làm cho mát nhà vào Mùa Hè. Nặng hơn nữa, đỡ tốn những khoản tiền sửa nhà có khi lên hàng chục ngàn đô la chỉ vì chủ không chịu chăm lo cho nó ngay từ khi vấn đề còn nhẹ.

    "Mọi người nên hiểu rằng săn sóc căn nhà vào Mùa Thu không những giúp cho chủ nhà đỡ tốn tiền sưởi vào Mùa Ðông. Hơn thế nữa, nó còn giúp cho chủ nhà tránh được những rắc rối lớn hơn như nhà dột khi trời mưa, cháy nhà..." Dan Stewart, chủ tịch Pilar To Post, nói như thế trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

    Theo ông Stewart, 10 điều căn bản mà người chủ nhà nên làm vào Mùa Thu:

    1. Kiểm soát lại hệ thống sưởi:

    Coi lại bộ phận lọc, bộ phận mồi lửa, đánh lửa. Nếu cũ và bẩn, thay lọc mới. Cái này không tốn kém gì nhưng lại quan trọng đối với sức khỏe của mọi người sống trong căn nhà. Một cái lọc bị nghẹt sẽ làm cho tốn ga và điện nhiều hơn. Lò sưởi, máy nước nóng, hệ thống sưởi cần phải kiểm soát và bảo quản hàng năm. Một số người có thói quen từ khi mua bình làm nước nóng cho tới khi phải vất đi vì hỏng, không bao giờ ngó ngàng.

    2. Làm sạch hệ thống ống dẫn hơi (air duct system) của hệ thống sưởi:

    Lau sạch và hút thật sạch bụi trong hệ thống ống dẫn hơi sưởi. Bụi bám dày ở trong hệ thống ống là nguồn chính của những chất gây dị ứng ở trong nhà. Trong một căn nhà lúc nào cũng đóng kín những cửa vào Mùa Ðông, bụi gia tăng cơ hội làm cho người ta bị bệnh. Nên thuê một công ty chuyên môn về dọn sách hệ thống ống hơi trong nhà để dọn sạch hệ thống ống hơi ít nhất 3 năm một lần.

    3. Kiểm soát và thử lại những máy báo động khói (smoke alarm):

    Ðể phòng ngừa cháy nhà cũng như kiểm soát mức độ khí các-bon có thể làm chết người. Người ta thường có thói quen không thấy nó "có vấn đề" thì cứ mặc kệ. Cần phải thử xem pin của chúng còn tốt hay không, mỗi 6 tháng. Một số người vì gắn máy báo động khói, máy báo động cháy rất gần bếp lò. Mỗi khi nướng món gì là nó "óe" ầm ỹ. Họ bèn gỡ cục pin vất ra ngoài để nó khỏi làm phiền. Ðỡ phải nghe nó "óe" thật, nhưng lỡ khi để bếp xào nấu rồi nói chuyện điện thoại ở trong phòng ngủ, quên chuyện cái bếp đang cháy thì sao? Cháy bếp, cháy nhà là chuyện dễ dàng. Chuyện này từng xảy ra rất thường.

    4. Dọn sạch lá, rác chung quanh nhà:

    Cắt những cành cây có thể gãy khi gió lớn, nhất là những cành cây cao vươn vào mái nhà hay đè sang nhà hàng xóm. Cây nhà mình làm hư nhà hàng xóm có thể dẫn tới kiện tụng tốn kém.

    5. Coi lại hệ thống máng xối:

    Dọn sạch hết tất cả rác rến đất cát nằm đọng trên máng xối. Nước mưa bị đọng lại có thể tràn và làm hư mái nhà.

    6. Kiểm soát lại tình trạng của mái nhà:

    Xem xét coi có chỗ nào có ngói bị gãy, bị lệch, bị mục cần thay thế. Máng nước xuống từ những chỗ giáp nối trên mái nhà bị mục cần thay thế. Chung quanh ống khói, trên mái nhà, có nứt không thì cần sửa ngay.

    7. Xem xét những vách tường quanh nhà:

    Chỗ nào nứt cần phải sửa. Gỗ mục phải thay thế. Cần trám trét chung quanh những cửa sổ để ngăn thất thoát hơi sưởi vào Mùa Ðông.

    8. Hàng ba vào nhà cần coi lại:

    Thay thế tay vịn (handrails) khi thấy lung lay. Vào Mùa Ðông, vịn vào cái tay vịn không chắc chắn có thể làm người ta ngã, bị thương.

    9. Chuẩn bị những cánh cửa:

    Cho cửa và cửa sổ chống gió bão hay bão tuyết. Ðối với những vùng có tuyết. Những ngôi nhà có làm thêm cánh cửa này, theo giới chuyên môn, giúp chủ nhà tiết kiệm nhiều tiền ga tiền điện.

    10. Hồ tắm cần che đậy kỹ:

    Ðể tránh đất bụi bay xuống mà mấy tháng lạnh không sử dụng. Hệ thống vòi nước tưới vườn tự động cần khóa lại nếu không tưới nước vào Mùa Ðông.

    Ðó là những điều căn bản cần thiết mà những chủ nhà nên làm trước khi Mùa Ðông đến. Những công việc đó, chắc chắn hầu hết mọi người đều nói "Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!" Nhưng chúng tôi lại thấy rất nhiều người đã không làm.

    Người viết bài này đã từng thấy có người gọi thợ tới sửa mái nhà dột vào Mùa Ðông, sau mấy cơn mưa lớn.

    Nhiều người ỷ y, tin rằng căn nhà của mình không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát kỹ lưỡng, nhất là không có con mắt của người chuyên môn, những nguy cơ tiềm ẩn trong căn nhà nhiều khi chủ nhà đã không ước lượng đúng mức.

    Một điều khác nữa, một số vị chủ nhà rỗi rảnh lại có ý kiến muốn sơn nhà vào mùa lạnh. Trước hết, sơn nhà vào mùa lạnh sẽ lâu khô hơn. Thứ hai, nhà đóng kín cửa để giữ hơi ấm trong nhà sẽ giữ luôn cả mùi sơn, một điều sức khỏe nhiều người không cho phép. Khi sơn cần phải mở cửa sổ và cho quạt máy quạt hết mùi sơn ra ngoài cũng như giúp cho sơn mau khô.

    Giặt thảm cũng vậy. Sau khi giặt, cần phải mở cửa sổ và dùng quạt máy quạt cho hơi ẩm, mùi hóa chất bị đẩy ra ngoài.

    Nói tóm, những điều nên làm vào Mùa Thu như trình bày ở trên, theo ý kiến của công ty Pillar To Post, nên lập kế hoạch, phân chia thành những dự án nhỏ để dễ thực hiện. Một số dự án có thể cùng làm trong một ngày. Nhưng một số dự án cần phải chia thời giờ để làm trong nhiều ngày khác nhau vào những buổi rảnh rỗi cuối tuần.

    Sau khi ngôi nhà đã được chăm sóc kỹ lưỡng, khi ngồi bên lò sưởi để hưởng những ngày lễ tết cuối năm, chắc chắn đầu óc chủ nhà sẽ thư thái và yên trí về một mái ấm gia đình.


    Copyright © 1999 - 2010 by Nguoi Viet, Inc.
    Nguoi-viet Online
    http://www.nguoi-viet.com/

     



    Bảo trì máy sưởi

    Friday, November 23, 2007

    LOS ANGELES - Mùa Thu đã gần kề, Southern California Gas Co. lên tiếng khuyên khách hàng của họ kiểm soát các máy sưởi gia dụng và sửa sang bảo trì máy trước khi những cơn lạnh kéo đến.

    "Bây giờ chính là thời điểm để kiểm soát bảo trì máy sưởi gia dụng để bảo đảm sự an toàn khi sử dụng máy," Michelle Mueller, phó giám đốc phục vụ khách hàng của công ty The Gas Company phát biểu. "Nếu khách hàng nghĩ rằng máy sưởi của họ hiện không hoạt động đúng tiêu chuẩn, họ nên gọi cho một thợ máy sưởi hay thợ sửa ống có giấy phép hành nghề, hay gọi cho The Gas Company."

    Không kiểm soát bảo trì máy móc gia dụng đúng mức hàng năm có thể dẫn đến việc hở khí carbon monoxide, khí này có thể gây ra chứng buồn nôn, chóng mặt, các triệu chứng như đang bị cúm, và thậm chí dẫn đến tử vong.

    Hóa đơn chi phí sưởi ấm vào Mùa Ðông này cũng được ước định tương đương với năm ngoái. Và vì chi phí sưởi ấm trong nhà thường chiếm nhiều hơn phân nữa tổng hóa đơn khí đốt gas Mùa Ðông, cách tốt nhất để giữ cho hóa đơn này ở mức thấp - và bảo đảm rằng máy móc gia dụng sẽ hoạt động an toàn - là đặt dịch vụ kiểm tra máy móc gia dụng sử dụng khí đốt gas, Mueller cho biết.

    Công ty The Gas Company cung cấp cho khách hàng những hướng dẫn sau đây để bảo đảm sự hoạt động an toàn và hữu hiệu của máy sưởi sử dụng hơi đốt gas thiên nhiên:

    - Hãy kiểm soát máy sưởi ít nhất mỗi năm một lần từ một thợ sửa máy sưởi có giấy phép hành nghề, thợ sửa ống hay The Gas Company.

    - Hút sạch bụi và làm sạch các khoảng không gian xung quanh máy sưởi, đặc biệt là gần lò đốt để ngăn ngừa bụi bặm đóng dày đặc.

    - Không bao giờ để các đồ vật ở trong hay xung quanh các máy móc làm cản trở luồng khí.

    - Ða số các loại máy móc sử dụng khí đều có một phễu lọc để làm sạch khí trước khi sưởi nóng hoặc thổi khí khắp nhà. Phễu lọc này cần được kiểm soát hàng tháng để lấy sạch lớp bụi đóng dày trong thời kỳ máy sưởi được sử dụng, và làm sạch hay thay phễu này, nếu thấy cần thiết.

    - Khi gắn phễu lọc mới hay phễu lọc sạch, hãy bảo đảm rằng gắn từ phía cửa trước của máy sưởi một cách đúng theo quy định để phễu được gắn chặt. Không bao giờ sử dụng máy sưởi mà không đóng cửa trước theo đúng quy định vì điều này có thể tạo nên nguy hiểm thải khí độc carbon monoxide.

    - Kiểm tra kỹ càng hình dạng và màu sắc của nhóm lửa. Nếu lửa màu vàng, lớn và không cố định, máy sưởi cần phải được kiểm soát ngay tức thì bởi một thợ sửa máy sưởi, thợ sửa ống hay công ty The Gas Company và phải chỉnh lại cho đúng để bảo đảm an toàn.

    Ðể biết thêm chi tiết về việc an toàn máy sưởi, có thể xem trang www.socalgas.com.


    Copyright © 1999 - 2010 by Nguoi Viet, Inc.
    Nguoi-viet Online
    http://www.nguoi-viet.com/


    Làm thế nào để nhận định màu sơn cũ?

    Cập nhật lúc 8:49:12 PM - 20/01/2011

    Vũ Hằng/Viễn Đông

    Cái đề tài sơn phết khá hấp dẫn. Là bởi vì nó làm đẹp hiện trạng, hơn ai hết phái nữ chúng ta hiểu chuyện đó mà. Ông xã Hằng ủng hộ lắm. Đến nỗi ổng còn nói phụ nữ cứ để … nguyên như vậy mà ra đường là có tội. Chắc có tội với đôi mắt hiếu sắc của các ông chứ gì?
    Trở về chuyện sơn Latex, có bạn hỏi lại Hằng là, nếu bây giờ mình muốn sơn lại một bức tường cũ, mà không biết lớp sơn trước đây là loại gì - sơn pha nước hay sơn pha dầu – thì sao? Thắc mắc này đương nhiên quan trọng. Bởi vì, như lần trước chúng ta có nói, nếu sơn cũ là Latex (sơn nước) thì cứ việc cầm cọ phết sơn mới lên. Nhưng nếu đó là sơn pha dầu, thì không đơn giản: phải dùng một lớp sơn lót (primer) trước đa. bằng không, màu sơn cũ sẽ lộ ra, làm hình ảnh bức tường trở nên lem nhem khó coi lắm.
    Vậy có cách nào để biết sơn cũ thuộc loại gì không? Xin có mẹo ngay.
    Trước tiên lấy bàn tay sờ trên mặt tường, sơn pha dầu thì mượt hơn, còn Latex thì nhám hơn. Nếu bàn tay chưa đủ nhạy cảm, chúng ta có cách khác khách quan hơn. Lấy một nùi bông gòn (cotton swab) nhúng vào nước acetone hoặc cồn (denatured alcohol), rồi thoa trên mặt tường. Nếu không thấy gì ở miếng bông gòn cả, đó là sơn pha dầu. Nếu thấy mặt tường bây giờ nham nhám và dính dính, đồng thời có chút màu sơn thấm vào miếng bông thì đó là sơn Latex.

    Giống như mặc áo trái
    Khi sơn một diện tích lớn, chúng ta không dùng cọ sơn mà phải dùng cục lăn (roller), bao gồm một cái lõi sắt và nùi bông trùm trên lõi sắt đó. Vấn đề là trong khi làm việc, cục lăn có thể làm rụng ít nhiều sợi bông trên mặt sơn, trông lám nhám mất đẹp. Vậy trước khi bắt đầu, chúng ta phải tiên liệu và ngăn chặn trường hợp đó bằng cách dùng băng keo giấy (masking tape): Lấy miếng băng keo trùm chung quanh bàn tay, mặt giấy ở trong, mặt dính ra ngoài; nó ngồ ngộ giống như người mặc áo trái vậy đó, nhưng lại được việc: Bây giờ mình dùng bàn tay xoa quanh cục lăn, mặt dính của miếng băng keo sẽ tóm lấy những vụn bông hoặc sợi bông rời, không để chúng dính vào mặt tường khi sơn nữa.

    Thùng sơn có đế
    Trong khi sử dụng thì thế nào sơn chẳng vương vãi trên miệng thùng, rồi khi mình di chuyển thùng sơn, những giọt sơn vương vãi đó chảy theo vách thùng xuống đất, làm mặt sàn lem luốc tùm lum. Để tránh tình trạng đó, mình nên lấy một cái đĩa giấy dán vào đít thùng, để đón lấy những giọt sơn lem ra ngoài, không để chúng nhỏ xuống đất. Khi mình mang thùng sơn đi đâu thì cái "đế" thùng cũng theo luôn.

    Bảo vệ da tay khi sơn
    Trong khi sơn, bàn tay bạn khó có thể tránh được ít nhiều giọt sơn lấm tấm bắn vào. Khi làm việc xong rồi thì sơn khô, rửa cho sạch cũng khá mất công đó. Nhưng nếu có thoa chút Vaseline (Petroleum Jelly) vào tay trước khi làm, thì sơn có dính vào cũng sẽ dễ lau hơn. Cái hũ Vaseline rẻ tiền, dễ mua, mà này được việc lắm. Mình nên tận dụng nó để giữ cho da tay khỏi thoái hóa. Hằng vẫn thường thoa lên khi làm vườn để chống lại đất cát; hoặc những lúc làm thợ vịn cho ông xã sửa xe, để chống lại dầu nhớt . Xong việc mình lấy một miếng khăn giấy, hoặc miếng giẻ cũ lau đi là sạch rồi, trước khi rửa lại bằng nước và xà bông.

    Nét cọ xuất thần?
    Không có cái gì làm giảm giá trị tác phẩm của chúng ta cho bằng một vết cọ chạy vòng cung từ trên đỉnh tường xuống tới chân tường. Bạn có thể cãi cối đó là nét cọ xuất thần trong một lúc thể hiện trường phái Picassop. Nói cãi cối là vì đó là đường cọ trong lúc bạn hoảng hốt, vì cái thang kê không vững, làm bạn té nhào vào xuống bụi cây gần đó. Nếu có ai tưởng rằng bạn đang nhào lộn để làm xiếc thì cũng ngoạn mục lắm. Nhưng đối với bạn, nó chẳng ngoạn mục chút nào: Với cú ngã như vậy, bạn có thể bị đau thấu xương, hoặc thương tích nặng. Mà cái đám cây bụi ấy chúng cũng không vui!
    Để kê thang vững vàng, bạn nên "đi giày" cho nó bằng cách lấy 2 cái thùng sơn rỗng, rồi đặt chân thang vào đó. Làm như vậy, chân thang sẽ được ghim lại, không xục xịch mà cũng không lún sâu vào mặt đất, để bạn yên tâm làm việc cho đến lúc xong.
    Thêm nữa, chúng ta có thể đội mũ cho thang bằng đôi vớ cũ, hoặc lấy giẻ trùm lên bao lấy 2 đầu thang, để khi mình kê vào vách tường, đầu thang không để lại vết sẹo trên tường. À cái vụ trùm bao thế này đôi lúc quan trọng lắm đấy. Nhớ vụ Julian Assange, chủ nhân WikiLeaks không? Chỉ vì thiếu "cái bao" mà bị bắt và truy tố tội… hiếp dâm đấy, ghê chưa?

    Làm sao cho nhanh mà lại đẹp?
    Sơn tường là một việc lớn nhưng không khó, bạn có biết sơn cái gì mới thực khó không? Sơn hàng rào! Với vài trăm thanh gỗ (picket) như vậy mà phải dùng cọ để sơn từng thanh, thì không biết đến đời nào mới xong. Thế nhưng Hằng đã từng nhìn thấy có những người kiên nhẫn làm việc đó. Con bé này thì không được như vậy. Hằng cứ xài Roller quét lên, công việc vẫn tốt đẹp mà lại nhanh gấp đôi.
    Nhưng nếu nhà bạn có hàng rào mắt cáo (wire fence) thì thế nào? Chắc chắn là không dùng Roller được rồi phải không? Trong trường hợp này thì mình dùng miếng xốp bọt biển (sponge) thấm sơn rồi xoa lên, chứ không thì chẳng sao mà xong việc được. Bọt xốp sẽ giúp bạn hoàn tất công việc một cách dễ dàng – nhanh mà lại đẹp.

    Vuhang231@yahoo.com


    Bồn tắm xục xịch

    Vũ Hằng/Viễn Đông Daily online

    Lần trước chúng ta đã phân biệt hai thứ keo (caulk) để hàn và bít các lỗ hổng bên trong nhà. Hôm nay, chúng ta sẽ mang cái kiến thức ấy ra xài luôn trong thực tế: Không hiểu vì đâu mà gần đây bạn cảm giác cái bồn tắm làm như muốn … xục xịch, không được vững vàng như trước nay.

    Kiểm tra kỹ thì thấy điểm tiếp giáp giữa bồn và tường hơi bị hở ra, nhất là khi phải nâng giấc những tấm thân … bồ tượng. Vậy cần cấp thời bít nó lại ngay, bằng không nước sẽ róc rách rỉ vào trong, làm hư mục hết bức tường.

    Chọn Caulk thích hợp
    Trước tiên là chọn chất Caulk thích hợp. Ở đây mình phải chọn thứ nào chịu được ẩm ướt. Xin có ngay Vinyl Latex và Silicone. Vinyl rẻ và cứng lại khi đã khô, còn Silicone thì khi khô vẫn mềm, dẻo và uyển chuyển. Các bạn thấy sao, mình nên dùng loại nào? Vinyl Latex cho đỡ tiền chăng? Không đúng, phải chọn Silicone mới được việc. Là bởi vì, khe hở có thể … nhúc nhích do bồn tắm cạ vào tường. Vinyl sẽ dễ nứt vì keo khô cứng, lại sau một thời gian ngắn. Nhưng Silicone thì nhờ tính dẻo dai và uyển chuyển có thể "quyền biến" theo chuyển động mà vẫn bám vào vết hàn. Cũng vậy, nếu cần hàn vòi nước trong phòng tắm hoặc nhà bếp, thì chất keo thích hợp nhất phải là Silicone.
    Điểm bất tiện của Silicone là mình không thể sơn lên cho tiệp với màu tường. Nhưng đó là điều chỉ xảy ra với Silicone nguyên chất. Để giải quyết nhược điểm này, thị trường có loại keo hỗn hợp Siliconized Latex Caulk, bao gồm cả Latex lẫn Silicone. Sản phẩm này sở hữu được đặc tính của cả hai: Vừa có thể dùng ở nơi ẩm ướt, vừa có thể tiếp nhận nước sơn. Ngoài ra kỹ nghệ sản xuất còn pha thêm hóa chất ngăn ngừa rêu mốc, rất thích hợp khi dùng trong phòng tắm.

    Chuẩn bị bề mặt

    Cần phải cạo tẩy hết lớp Caulk cũ còn sót lại. Bởi vì keo mới và keo cũ không "ăn" với nhau. Ma cũ bắt nạt ma mới, các bạn ạ, keo cũ sẽ đẩy keo mới rời ra.
    Đơn giản nhất là lấy một con dao sủi (utility knife) để cạy lớp keo cũ ra. Cẩn thận kẻo "sủi" luôn vào bề mặt bên dưới! Nếu thấy khó quá, bạn có thể tìm mua hóa chất tẩy keo. Xịt hóa chất lên mặt keo cũ, chờ ít lâu cho hóa chất ngấm vào, keo sẽ mủn ra thành … bơ, mình chỉ việc dùng một nùi giẻ tóm gọn đi là xong.
    Sau đó xịt nước rửa cho sạch bụi rác và để khô hoàn toàn – có thể dùng máy thổi hơi (air blower) xịt vào cho chóng khô - trước khi trét chất keo mới.

    Sẵn sàng tác xạ...

    Chữ đó là của ông xã Hằng. Thực ra ổng chỉ muốn nói là bắt đầu trét keo mới mà thôi. Nhưng khoan, bạn còn phải kiếm một ít băng giấy dán dọc theo khe hở, để ngăn không cho keo dính tèm lem sang khu vực bên cạnh. Đây là thứ băng giấy màu xanh mấy ông thợ sơn hay dùng trong khi sơn phết nhà cửa, nên cũng có tên "painter's blue tape".
    Caulk thường được chứa trong Tube (ống tròn) có vòi nhọn. Khi cắt vòi, xin nhớ cắt xiên xiên theo góc 45 độ, chứ đừng cắt ngang. Rồi dùng một cái đinh hoặc vật nhọn để chọc thủng màng chắn bên trong cho keo có đường ra. Kẹp ống Caulk vào một "cây súng" và bắn keo dọc theo kẽ hở. Chỉ cần bắn ra vừa đủ để bít khe, không phải nhiều là tốt đâu.
    Ông cả đẫn nhà Hằng nghe đến đây, thì hào hứng lên tiếng một cách rất tự tin, "Xong từ lâu rồi! Ống, vòi, đinh, vật nhọn… đây đã có đủ. Sẵn sàng tác xạ 5/5!".
    Khiếp! Cứ làm như sắp đánh giặc không bằng! Nhưng, cũng nhờ ổng mà nhiều lúc Hằng cảm thấy mình oai ghê lắm: Thì "nội tướng" mà lị!
    Xong rồi bạn còn phải vuốt mịn mặt keo theo lối thủ công nghiệp: Nhúng ngón tay vào nước, vuốt dọc một đường để xoa mịn đồi lũng trên mặt keo. Nếu chưa vừa ý, thì có thể vuốt thêm, nhưng nhớ bóc những mảng keo dính vào ngón tay, và nhúng ngón tay vào nước trước khi miết một đường nữa.

    Không khác gì thợ chuyên nghiệp
    Cẩn thận gỡ dải băng "thợ sơn" ra ngay sau khi xong việc. Nhìn những mảng keo dính tèm lem trên đó, bạn có thấy là dải băng rất được việc hay không? Nhờ nó mà bề mặt bên dưới giữ được vẻ nõn nà trắng trẻo. Và nhất là nhìn đường keo thẳng tắp một nét, bạn còn thấy hài lòng hơn, bởi vì trông đẹp "không khác gì như tác phẩm của một người thợ chuyên môn vậy".
    Nhưng nhớ dặn mọi người chờ cho ít nhất 24 tiếng đồng hồ trước khi sử dụng phòng tắm. Thời gian 24 tiếng này là để cho keo kịp khô và bạn còn làm một vài … "phép" khác. Mình sẽ nói thêm trong tuần sau, các bạn nhé.

    Vuhang231@yahoo.com

         




    Ba bài sau trích từ Viễn Đông online


    Lo cho… mái nhà

    Cập nhật lúc 8:52:13 PM - 30/12/2010
    Vũ Hằng/Viễn Đông
    Nghe tới chữ "mái" là cái người đàn ông trong nhà này sáng mắt. Nhưng Hằng phải chỉnh ngay, mái đây tức là cái mái nhà, là cái "bạt" chịu đựng gió sương, tuyết bão để che chở cho đời sống chúng ta được tiện nghi và bình yên. Mùa nóng thì mát mẻ và mùa lạnh thì ấm áp.


    Ít khi chúng ta nhớ đến việc bảo trì mái, trừ khi mưa gió và nhìn thấy nước nhỏ giọt vào nhà. Nhiều người cho rằng, mái nhà mình còn mới lắm, mới chỉ vài ba năm thôi thì việc gì phải lo?" Nghĩ như vậy là lầm. Ông John Provenzano, một nhà xây cất chuyên nghiệp ở Connecticut, đề nghị phải kiểm tra mái mỗi năm một lần vào mùa Xuân, để xem mái có hư hại gì sau mùa mưa gió bão tuyết không, và kiểm tra một lần nữa đầu mùa Thu, để chuẩn bị cho mái đón những cơn mưa và những trận bão tuyết.
    Lần tới khi bước ra khỏi nhà, bạn nhớ nhìn lên trên mái nhà mình xem các nhánh cây có lòa xòa trên mái hay không? Có tấm ngói nào đổi màu, hư hại hoặc vỡ không? Có tấm nào bị vết đen sướt ngang hay không?
    Kiểm tra xem cây cối có mọc quá gần mái hay không?
    Cây cối có thể gây ra nhiều vấn đề cho mọi loại mái. Cành lòa xòa trên mái sẽ làm trầy mặt ngói, và khi có gió mạnh thổi qua, cành cây có thể đập mạnh làm vỡ ngói. Cành cây gẫy có thể làm thủng mái. Lá cây rơi, đóng ụ thành những cái đập, cản trở đường nước chảy làm mục ngói phát sinh rò rỉ vào trong nhà.
    Nếu có cây lớn mọc gần nhà mà chưa thể đốn đi được, thì phải nhớ tỉa cắt luôn luôn, không cho cành lá phủ lòa xòa trên mái.

    Mái có đồng màu không?
    Khi mái có nhiều vệt chạy dài, khác màu so với phần còn lại, đó là dấu hiệu rêu nấm phát triển nhiều trên mái, vì nhà có ẩm độ quá cao, hoặc mái nằm trong bóng cây quá lâu. Để lâu không đối phó, nấm rêu sẽ ăn mòn nguyên liệu làm mái, dẫn tới hư hại và rò rỉ sau này. Vì thế cần tăng cường tỉa cành, và hút bớt ẩm độ trong nhà,  bằng cách dùng máy dehumilifier, tăng cường độ thông thoáng trong nhà bằng cách lắp thêm những ống thông gió (vent).

    Thay mái mới: Tiện lợi của ngói Shingles
    Sau cùng, khi nhìn thấy nhiều vụn ngói rơi lả tả trên sân, hoặc trong các ống máng, ngói hư vỡ sinh ra tình trạng rò dột quá nhiều, ấy là lúc phải lo thay toàn bộ mái mới. Nguyên vật liệu làm mái có nhiều loại. Nhưng xin nói về loại phổ thông nhất là composition shingle, mà có nhiều người gọi là ngói Shingles.
    Ngoài những tiện lợi như Hằng có nói trong bài trước, ngói Shingles còn có thêm một điều "hay" nữa là: Nếu mái đã quá cũ, thì mình chỉ cần chụp một lớp ngói mới trên đó là có một cái mái vừa mới vừa dầy dặn, lại đỡ tốn kém. Một cái khung nhà biệt lập (single family home) có thể đội được 3 lớp mái như vậy. Đến lần thứ 4 mới phải gỡ hết đi để thay một cái mái hoàn toàn mới. Nếu cứ tính một lớp ngói trụ được 15 năm, thì dễ thường sau 50 năm bạn mới phải làm lại một cái mái hoàn toàn mới. Hoan nghênh mái Shingles. Và cũng phải hoan nghênh cái khung nhà vì sự chịu đựng dẻo dai. Các ông thợ làm mái cho biết, số ngói phủ trên 100 bộ vuông (square feet) đã nặng tới 240 pound; một cái nhà diện tích 1.500 bộ vuông phải dùng một số ngói nhiều gấp 15 lần như vậy. Gánh đến 3 lớp là phải chịu đựng hơn 10.000 pound suốt mấy chục năm trời!
    Nhưng nhà mobile home thì chỉ có thể "cõng" được một lớp, hư rồi thì phải gỡ đi thay lớp mới. Là vì, nhà mobile home, vốn là những cấu trúc tiền chế đặt trên một hệ thống bánh xe, không có được một bộ khung giống như những ngôi nhà biệt lập.
    Shingles bây giờ có những loại bảo hành tới 25 năm, hoặc 30 năm. Nếu có nhiều tiền hơn, bạn có thể thay bằng mái kim loại, bảo hành cả đời. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là suốt 20, 30 năm, hoặc có khi là cả đời, bạn chẳng bao giờ dòm ngó đến nó.
    Xét cho cùng, "mái" nào cũng cần phải được săn sóc định kỳ và giữ gìn đúng mức. Nên các vị phải lo dành dụm cho những lúc hữu sự cần chi tiêu. Đừng thấy người ta sửa chỗ này, căng chỗ kia, rồi kì kèo vô phép.  Làm như vậy là bảo vệ nhà cửa, là gìn giữ … hạnh phúc gia đình đó.

    Vuhang231@yahoo.com
    Mối nguy nhà dột
    Cập nhật lúc 9:31:51 PM - 28/12/2010
    Vũ Hằng/Viễn Đông

    Tục ngữ Việt Nam mình có một câu rất ư ... phạm thượng là, "Nhà dột không bằng.... vợ dốt".


    Không hiểu tại sao lại có câu nói ấy, hay là họ muốn nhấn mạnh vai trò người đàn bà trong gia đình chăng? Mấy ông dốt thì ... OK vì sự cù lần của họ không ảnh hưởng nhiều đến gia đình cho bằng người đàn bà chăng? Câu này xin dành cho các bậc thâm nho trả lời. Bởi vì, "vợ dốt" Hằng chưa thấy, mới chỉ kinh nghiệm sự khổ sở khi nhà dột mà thôi. Chắc các bạn cũng bị rồi, phải không? Nhất là trong những ngày mưa gió vừa qua, và còn hứa hẹn nhiều ngày mưa gió sắp tới.
    Mái nhà dột là một sự phiền toái lớn, bạn biết mà. Chẳng lẽ mỗi chút mỗi gọi thợ, thôi thì vợ chồng bạn đành phải leo lên mái nhà, bịt lại những cái lỗ hổng để ông Trời khỏi "đái dầm" xuống. Nhưng trước tiên phải tìm cho ra cái lỗ, đây mới là chuyện khó. Để  Hằng góp với các bạn vài ý nhé.

    Đường thung lũng

    Vật liệu lợp mái có nhiều loại. Ngoại trừ một số gia đình khá giả lợp mái ngói (tile), còn đa số là dùng Composition Shingles (xem hình) vì sự tiện dụng mà lại vừa túi tiền. "Thung lũng" (Valley) là một trong những vấn đề của mái lợp Shingles. Đó là những đường hõm giao điểm giữa 2 mái. Nếu các tấm Shingle không được gọt tỉa khéo léo, đường thung lũng này là là nơi dễ bị dột nhất.   

    Các khe hở trên mái
    Mái nhà còn có thể tiếp giáp với bờ tường thẳng đứng, cột lò sưởi, ống thông gió, vòm chiếu sáng (skylight dome)… Ở những nơi này, người ta phải dùng một tấm trải dài, có chỗ dùng miếng kim loại để trùm lên, gọi là Flashing, dùng để hứng lấy nước mưa từ trên bờ tường chảy xuống và hướng nó đi chỗ khác, không để cho dòng nước luồn qua khe hở tiếp giáp giữa mái và tường. Chỉ cần hở ra một khe nhỏ thôi là nước có thể len vào được rồi.

    Tuyết đóng băng trên mái
    Đối với những người ở vùng tuyết lại có hiện tượng Ice Damp, nghĩa là băng đá đóng tảng trên mái nhà, ngăn không cho nước chảy mà đọng lại để tìm đường lách vào nhà.

    Nước vào nhà khi mái không dột
    Nhiều trường hợp khác, mái nhà của bạn không bị rò thủng chỗ nào cả. Nhưng gió lớn có thể lật các tấm shingles lên để  từ đó cho nước mưa tràn vào. Thêm nữa, trong mùa Đông, hơi lạnh ngoài trời có thể kết tinh không khí ẩm trên rầm thượng (attic) làm thành những giọt nước rơi trên trần nhà, không khác gì như mái bị dột vậy. Ngoài ra, "cái mũ" trên ống khói có thể bị rạn cũng là nguồn đưa nước vào nhà, không phải tội của cái mái.

    Tìm ra chỗ rò rì rồi, chúng ta có thể dùng các loại hắc ín, hoặc xi măng thích hợp để hàn lại. Cái chữ xi măng có thể gây ra hiểu lầm, làm chúng ta hình dung ra cái chất bột vẫn dùng để lát nền. Không phải, đây là Roofing Cement, có những loại rất tiện dụng, bạn có thể dùng để chữa trị ngay mà không cần phải gọi tới người thợ sửa mái.
    Hằng đã có dịp thi gan cùng ông Trời trong một ngày mưa gió. Hai vợ chồng leo lên mái nhà với cái thùng Henry 208, là một loại xi măng đen có thể dùng dưới bất cứ điều kiện thời tiết nào, dù nắng gió hay mưa bão. Phải leo lên mái nhà  giữa lúc gió mưa lạnh lẽo thật là bất đắc dĩ, nhưng bọn này không thể chần chờ lâu hơn được nữa, vì nước tràn vào nhà quá nhiều, cứ như ông Trời cầm tĩnh mà đổ nước vào nhà mình vậy. Tuy nhiên, tìm chỗ dột ngay lúc trời đang mưa thì có phần dễ hơn. Chất xi măng đen, Henry 208, thật là tiện dụng. Nước đổ như thác trên mái nhà, nhưng "ông" Henry 208 vẫn trụ lại, hàn kín miệng lỗ, cấp thời giải quyết một đại nạn cho gia đình. Dĩ nhiên, thị trường còn nhiều "ông" Henry khác, như 203, 204, 205… Mỗi thứ có một đặc tính riêng. Nhưng trong mùa mưa có lẽ Henry 208 là đắt hàng hơn cả.
    Leo xuống dưới đất, chưa kịp vuốt mặt hết nước mưa đã nghe ông xã kỳ kèo, "Thật khổ vì cái lỗ!" làm Hằng phải bật cười!  Ông ấy nói thế nào ấy chứ, mới khổ một chút mà đã  quên hết rồi hay sao?

    Vuhang231@yahoo.com
    Sửa mái trong mùa mưa
    Cập nhật lúc 8:51:02 PM - 04/01/2011
    Vũ Hằng/Viễn Đông

    Bạn chỉ là một người nội trợ, một người bế em, hoặc một "cô"thi sĩ (thời còn con gái), nhưng bây giờ làm người lớn bạn phải kiêm nhiệm nhiều thứ lắm đó: Làm vợ, làm mẹ và … luôn cả người sửa mái nhà!


    Có đấy, nhất là trong những ngày mưa nhiều như hiện nay. Phải thay cả cái mái là chuyện khác, đằng này chỉ là một vài miếng ngói hư, một vài chỗ dột… thì chắc chắn bạn phải ra tay rồi.
    Có thể ông xã sẽ giúp bạn, hoặc có thể ông đang loay hoay chuyện khác. Có ông phán một câu cho xong chuyện, "Gọi thợ đến để họ làm cho!". Ông xã Hằng thì "sung" lắm, chưa ai nhờ đã sẵn sàng leo lên ngay, rồi phăng phăng dẫm đạp chẳng kể gì đau mái. Nói ổng nương nương một chút thì ổng cười tự tin, "không sao, đạp mái là nghề của anh mà!" Nham nhở!
    Dù sao, gặp người sốt sắng như vậy cũng mừng, bằng không mình phải cố làm lấy, "đàn bà vượt cạn một mình"  còn được mà! Nếu mái nhà bạn là ngói Composite Shingles thì dễ: Đề tài của chúng ta hôm nay là thay những tấm Shingles hư.

    Dụng cụ cần thiết
    Trước tiên, bạn kiếm một cái thang vững vàng để leo lên mái nhà, cùng với mấy thứ dụng cụ căn bản như sau: Xi măng đen (Hằng thường dùng Henry 208), búa,  dụng cụ nhổ đinh (nail bar), 8  cây đinh đóng mái, 1 thanh gỗ kê, 1 dao sủi (putty knife) để nạy ngói.  
    Nhớ rằng cái mái phơi sương gió lâu ngày, nhiều nơi đã rã mục, bước đi không cẩn thận bạn có thể té ngã, hoặc gây thêm tổn hại rồi lại phải sửa chữa tốn kém hơn. Đây rồi, bạn đã tìm ra nơi mái hư: chỗ này ngói dộp, chỗ kia ngói cong, khuyết, vỡ, có chỗ còn bị gió thổi tung đi cả miếng. Thì thay luôn, khó gì!

    Ba hàng mái
    Muốn gỡ 1 tấm ngói hư, chúng ta phải ra tay với 2 tấm nằm phía trên nó. Hãy gọi tên như thế này: Miếng ngói hư là A, miếng ngói trên đó là B, và trên đó nữa là C. Để ý là mỗi tấm ngói gồm 3 cánh (tab), phân cách với nhau bằng một đường xẻ dọc kéo lên tới nửa tấm ngói.
    Dùng dao sủi, với tấm gỗ kê bên dưới để lật tấm ngói C lên (xem hình), phô ra một hàng 4 cây đinh. Dùng kềm nhổ đám đinh này lên trước.
    Xuống tới hàng ngói B, bạn cũng làm như vậy. Lật ngói B lên, bạn lại thấy phô ra một hàng 4 cây đinh khác. Nhổ luôn những cái đinh này.
    Xuống tới hàng A, tức là hàng ngói hư, thủ phạm vụ gây dột, bạn cầm nó lúc lắc một chút là rút ra được, bởi vì 8 cây đinh ghim nó xuống mình đã gỡ ra trước đó rồi. Bây giờ, bạn sẽ thấy phô ra tấm trải bên dưới, hoặc lại một lớp ngói khác nữa nếu mái đã được "phủ" nhiều lần. Quan sát xem tấm trải hoặc ngói bên dưới có hư hại gì không. Nếu có thì lấy xi măng đen hàn ngay lại.
    Bây giờ bạn lấy tấm ngói mới đặt vào vị trí ấy. Nhìn sơ qua đã thấy mát mắt lắm rồi.
    Nhưng chưa xong, bạn phải lấy 4 cái đinh mới đóng tấm ngói ấy xuống. Ở vị trí những cái lỗ cũ? Đúng vậy! Nhưng trước khi đóng, mình nên lấy xi măng hàn lại những lỗ cũ, thì đinh mới đóng xuống sẽ chắc hơn.
    Sau đó, dán ngói bằng cách quệt một chút xi măng bên dưới 2 góc mỗi cánh. Nếu đó là ngói mới, mình có thể bỏ qua điều này, bởi vì ngói mới có chất keo hàn tự chảy ra để ghép nó với lớp ngói bên dưới.
    Đi ngược trở lên, đóng 4 cây đinh  trên hàng ngói B. Nhớ hàn lỗ đinh cũ trước khi đóng đinh mới. Rồi dán "cánh" ngói xuống bằng một thỏi xi măng quệt dưới 2 góc mỗi cánh.
    Lên tới hàng ngói C, bạn không còn đóng đinh gì nữa. Chỉ việc dán cánh ngói xuống là xong.

    Trù liệu và dành dụm trước
    Các bước cơ bản là như vậy. Thực tế có thể biến hóa ít nhiều. Chẳng hạn, tấm ngói hư đã rã mục, hoặc đinh chìm sâu vào trong ngói không thể cạy lên được. Trong trường hợp ấy, bạn lúc lắc tấm ngói để lấy nó ra, rồi dùng búa gõ cho cây đinh bẹt hẳn xuống. Khi đóng đinh mới, thì mình đóng chệch sang bên cạnh một chút. Với những cây đinh ở đầu đường xẻ rảnh, nhớ đặt mũi đinh cách xa đầu rảnh từ ½ inch tới ¾ inch.  
    Gặp nhiều tấm ngói hư ở một chỗ, mình cũng làm từng bước, từng bước như vậy, ghép ngói mới theo thứ tự từ dưới lên trên. Công việc dễ hơn "vượt cạn" nhiều, bạn ạ. Nếu mái hư nhiều quá vì đã đi hết tuổi đời, thì mình mới buộc phải gọi thợ đến thay mái mới. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, với chi phí từ 6.000 10.000 Mỹ kim tùy diện tích mái, đó quả thực là một mối lo chóng mặt. Hy vọng bạn đã trù liệu và dành dụm cho việc này từ nhiều năm trước.

    Vuhang231@yahoo.com

    HTML hit counter - Quick-counter.net

    Về đầu trang